Nữ bệnh nhân 50 tuổi mắc COVID-19 bị viêm phổi được đưa lên TPHCM điều trị

11/05/2020 - 06:00

PNO - 6g sáng 11/5, Việt Nam không có ca mắc COVID-19 mới; bệnh nhân thứ 278 có dấu hiệu viêm phổi phải chuyển lên TPHCM điều trị.

Diễn tập phòng chống COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến (huyện Củ Chi, TPHCM)
Diễn tập phòng chống COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến (huyện Củ Chi, TPHCM)

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, từ 6g ngày 16/4 đến nay, 11/5, sau 25 ngày liên tiếp, Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, 148 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 25.361, trong đó, 373 trường hợp được cách ly tập trung tại bệnh viện; 11.181 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 13.807 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú. 

Hiện, cả nước có 20 bệnh nhân âm tính từ 1 đến 2 lần trở lên với SARS-CoV-2.

Nguồn tin riêng của Báo Phụ nữ TPHCM cho hay, hiện bệnh nhân thứ 278 (nữ, 50 tuổi, quốc tịch Việt Nam), được cách ly tập trung tại Ký túc xá sinh viên tỉnh Bạc Liêu, có dấu hiệu viêm phổi nên được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM điều trị.

Trước đó, nữ bệnh nhân thứ 278 là một trong 17 trường hợp mắc COVID-19 từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) về Việt Nam trên chuyến bay vào ngày 3/5/2020. Ngay sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được đưa về cách ly tập trung tại Ký túc xá sinh viên tỉnh Bạc Liêu. 

Tại đây, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm. Ngày 7/5, Viện Pasteur TPHCM ghi nhận bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, được điều trị cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu. 

Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, bệnh nhân này có dấu hiệu viêm phổi nên được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM điều trị ngay trong chiều 10/5.

Cũng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, sức khỏe bệnh nhân thứ 91 (43 tuổi, nam giới, quốc tịch Anh, phi công Vietnam Airlines) mắc COVID-19 đang rơi vào tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân bị đông đặc cả hai phổi, nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến phổi trở thành "ổ dịch" để vi khuẩn sinh sôi mạnh trong cơ thể.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết thêm, việc sử dụng máy thở đối với bệnh nhân thứ 91 không còn hiệu quả, hiện phải lọc máu, phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO (thiết bị thay thế tim và phổi nhân tạo). Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, bệnh viện đã dùng nhiều loại thuốc tốt nhất, đặt mua từ nước ngoài về để điều trị tích cực cho anh như thuốc an thần, thuốc kháng đông...

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, từ khi bệnh nhân thứ 91 nhập viện đến nay, chi phí điều trị đã hơn 5 tỷ đồng, đều do bệnh viện chi trả. Chi phí cao do việc chạy ECMO khá tốn kém, mỗi lần thay màng lọc có thể tốn gần trăm triệu đồng.

Theo Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM đã cùng Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép các bộ phận cơ thể người cùng hội chẩn liên viện để đánh giá tình hình sức khoẻ, khả năng ghép phổi cho bệnh nhân 91 mắc COVID-19.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI