Nữ bệnh nhân 25 tuổi hoại tử mũi sau khi tiêm filler

13/12/2021 - 11:17

PNO - Sau khi tiêm filler tại spa, nữ bệnh nhân 25 tuổi phải nhập viện trong tình trạng hoại tử, chảy dịch vùng da sống mũi và trán.

 

Các bác sĩ cảnh báo về tình trạng hoại tử do tiêm filler tại các cơ sở không đảm bảo, vật liệu không rõ nguồn gốc (ảnh minh họa)
Các bác sĩ cảnh báo về tình trạng hoại tử do tiêm filler tại các cơ sở không đảm bảo, vật liệu không rõ nguồn gốc (ảnh minh họa)

Sáng 13/12, Bệnh viện Bạch Mai vừa cảnh báo về tình trạng tiêm filler tại các cơ sở không đảm bảo, gây ảnh hưởng nguy hại cho sức khỏe.

TS.BS Phạm Thị Việt Dung, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ 25 tuổi vào viện trong tình trạng hoại tử nhiễm trùng da vùng sống mũi và trán. Toàn bộ vùng mũi của nữ bệnh nhân mưng mủ, chảy dịch. Riêng phần trán còn xuất hiện thâm đen, hoại tử tới một vùng trán bên phải.

Theo TS.BS Phạm Thị Việt Dung, làm đẹp nói chung và tiêm filler nói riêng là một nhu cầu hết sức chính đáng của các chị em. Tuy nhiên, trước khi lựa chọn can thiệp bất cứ thủ thuật, phẫu thuật nào trên cơ thể, chị em cần tìm hiểu kỹ thủ thuật, phẫu thuật đó có thực sự phù hợp, cần thiết với mình hay không. Ngoài ra còn cần tìm hiểu can thiệp đó có lợi ích cũng như có thể để lại những biến chứng gì.

“Quan trọng nhất là cần lựa chọn những cơ sở chuyên khoa được cấp phép, các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề được phép tiêm filler, lựa chọn những loại filler đảm bảo chất lượng đã được cấp phép (FDA, Bộ Y tế). Chị em nên tránh chạy theo quảng cáo mà không tìm hiểu ngọn nguồn để rồi tiền mất tật mang”, bác sĩ Dung khuyến cáo.

Cụ thể, các cơ sở được cấp phép không thể là các spa, các cơ sở chăm sóc da hay cắt tóc gội đầu… mà phải là các phòng khám da liễu hoặc phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Các cơ sở phải có biển niêm yết ghi rõ là phòng khám chuyên khoa, có niêm yết tên cũng như số giấy phép hành nghề của bác sĩ phụ trách.

Với những bệnh nhân mới tiêm filler có biểu hiện biến chứng sớm của tắc mạch như mất thị lực, đột quỵ hay yếu nửa người, hoại tử, nhiễm trùng vùng tiêm, thường liên quan đến kỹ thuật tiêm. Bệnh nhân cần đến cơ sở y tế ngay để được xử lý cấp cứu kịp thời.

Ngoài ra, còn nhiều trường hợp biểu hiện các biến chứng muộn như nhiễm trùng, viêm loét, vón cục…, nguyên nhân là do kỹ thuật tiêm hoặc chất liệu làm đầy không đảm bảo, không được cấp phép, lan tỏa trong mô mềm vùng tiêm. Việc điều trị các biến chứng muộn này thường mất nhiều thời gian và để lại nhiều di chứng cả về mặt chức năng và thẩm mỹ.

Với những bệnh nhân đã tiêm các loại chất làm đầy không rõ nguồn gốc nhưng may mắn chưa xuất hiện các biến chứng, bác sĩ Phạm Thị Việt Dung khuyên nên thăm khám định kỳ bởi các bác sĩ chuyên khoa tạo hình, thẩm mỹ hoặc bác sĩ da liễu. Thông thường, bệnh nhân cần khám, siêu âm, đôi khi cần chụp cộng hưởng từ… để đánh giá tính chất của tổ chức tiêm vào mô, mức độ thâm nhiễm của các chất này đối với các tổ chức xung quanh. Từ đó, các bác sĩ sẽ cân nhắc việc có nên lấy bỏ chất làm đầy này hay không, tiên lượng có lấy bỏ được hết hay không, đồng thời đánh giá xem cần làm gì để tái tạo lại các mô tổ chức bị viêm, thâm nhiễm.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI