Tôi đã nhiều lần tự hỏi mà không sao trả lời thỏa đáng: vì sao một nữ bác sĩ đang làm việc toàn thời gian tại một bệnh viện mắt lớn thứ hai châu Âu (Birmingham and Midland Eye Centre, Vương quốc Anh) lại bỏ nhiều thời gian, công sức để quảng bá gạo Việt Nam trên xứ sở sương mù? Cho đến tết Bính Thân 2016, tận mắt chứng kiến nữ bác sĩ ấy - cô Phạm Thị Biên Thùy, tên tiếng Anh là Thuy Pham - xắn quần lội ruộng để làm phim, rồi cùng giáo sư Võ Tòng Xuân bàn cách đưa nông sản Việt sang châu Âu, tôi mới vỡ lẽ.
|
Phạm Thị Biên Thùy và Giám đốc Công ty Viễn Phú trong lần về huyện U Minh thăm ruộng lúa đen |
Chân lội bùn, lo gạo trái ngon
Cao 1m48, nặng tròm trèm 46kg, Thùy không chỉ nhỏ, nhẹ mà trông càng “bé” khi đứng giữa cánh đồng bạt ngàn của xứ Cà Mau bùn ngập quá đầu gối. Vậy mà, cô hết lao bên này chỉnh sửa, lại chạy qua bên kia chỉ đạo nhóm quay phim thực hiện phóng sự “Gạo hữu cơ Hoa Sữa” mà Thùy vừa là người viết kịch bản, lời bình kiêm dẫn chương trình… dài gần sáu phút về quy trình sản xuất và những sản phẩm giá trị gia tăng từ gạo hữu cơ của Công ty Viễn Phú (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau).
Thùy cho biết, ngày mai, cô đi Long An gặp chủ trang trại thanh long, rồi quay trở về An Giang gặp giáo sư - tiến sĩ Võ Tòng Xuân để bàn cách đưa nông sản Việt sang Anh và châu Âu. Như vậy là trong năm ngày ở Việt Nam, Thùy chỉ dành cho gia đình một ngày, bốn ngày còn lại dành trọn cho nông sản Việt.
Chuyện bắt đầu từ gói gạo lúa mùa nổi của Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang, thạc sĩ Trần Anh Thư gửi sang tặng Thùy. Không thỏa mãn với loại gạo đặc sản trong hình thức xấu và đơn điệu, Thùy điện thoại phản hồi thì được thạc sĩ Thư mời về góp sức xây dựng kế hoạch xuất khẩu… Thùy xin nghỉ phép để bay về Việt Nam. Ngay sáng hôm sau, Thùy tháp tùng đoàn cán bộ sở nông nghiệp lặn lội vào xã Vĩnh Phước, huyện An Giang để “mục sở thị” lúa mùa nổi. Thạc sĩ Thư “bật mí”: “Từ đề xuất của Thùy, chúng tôi chuyển hướng mới: xuất khẩu gạo lúa mùa nổi đúng với giá trị chiều sâu văn hóa - lịch sử của nó”. Theo đó, ngoài thiết kế mẫu mã, bao bì và tiêu chuẩn chà xát gạo đúng thị hiếu tiêu dùng khách hàng Anh Quốc, Thùy sẽ xây dựng phim tài liệu về quy trình gieo trồng và chế biến gạo từ lúa mùa nước nổi để khuyến mãi cho khách hàng.
“Chúng tôi tái hiện cảnh hò đối đáp ngày mùa, cảnh lửa bập bùng vây quanh cơm nồi đất nghi ngút mùi rơm rạ của hạt gạo gieo trồng theo phương thức tự nhiên…”, Thùy nói sơ về CD đang thực hiện. Nhà nông ngoại đạo này đã khiến nhà nông học hàng đầu Việt Nam - GS-TS Võ Tòng Xuân không tiếc lời khen ngợi: “Bên trong con người nhỏ nhắn này là cả một bầu nhiệt huyết và khát vọng đưa nông sản Việt ra “biển lớn”.
Thương nhớ quê nhà
Thùy đến với đam mê nông sản cũng bất ngờ như chính việc trở thành bác sĩ chuyên khoa mắt trên đảo quốc sương mù. Năm 2002, ngay tháng đầu vào học Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), Thùy được cha mẹ (đều là bác sĩ ở An Giang) lên thăm và đưa đi hội chợ triển lãm giáo dục do Anh Quốc tổ chức. Rồi như định mệnh, sau lần giúp một số phụ huynh không biết tiếng Anh “nói chuyện” với ông Tây chủ trì buổi triển lãm, Thùy có được “giấy thông hành” sang Anh Quốc du học theo chương trình học bổng A Level (chương trình bắt buộc cho những học sinh nước ngoài muốn đi tiếp lên đại học ở Anh Quốc) tại thành phố Birmingham. Sau một năm hoàn thành chương trình dự bị, Thùy vào học ngành mắt tại Đại học Liverpool.
Có bất thường không khi một sinh viên khoa học xã hội ở Việt Nam vào học ngành y ở Anh Quốc, Thùy đáp: “Cũng bình thường, vì hồi ở Việt Nam, em từng là học sinh giỏi quốc gia môn sinh vật”. Sau bốn năm ráo riết học không nghỉ hè, tháng 8/2007, Thùy tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cơ mắt, được nhận vào làm toàn thời gian tại Birmingham and Midland Eye Centre. Đây là trung tâm chuyên khoa mắt có quy mô và hiện đại thứ hai châu Âu. 18 tháng sau, Thùy được đặc cách xét thăng bậc công chức (thông thường phải trải qua năm-sáu năm), rồi trở thành công dân Anh. Khi ổn định công việc, có thời gian thư thái, Thùy thường suy gẫm về lời dặn của cha mẹ trước lúc tiễn con gái đi kiếm chữ xứ người. Và chính ám ảnh của lời nhắn: “Con cố gắng học để giúp đất nước, bà con quê mình” đã khiến Thùy bật lên ý tưởng “viết đề án mở nhà hàng chuyên kinh doanh thức ăn Việt”.
|
Phạm Thị Biên Thùy với niềm vui hòa mình cùng thiên nhiên Đồng bằng sông Cửu Long |
Năm 2010, với đề án giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động và tạo thêm sự đa dạng cho sản phẩm ẩm thực để thu hút khách du lịch, Hội Thương mại Vương quốc Anh đã đồng ý hỗ trợ 10.000 bảng cho Thùy mở nhà hàng Việt tại Birmingham. Tuy nhiên, chỉ sau hơn hai năm hoạt động, nhà hàng phải đóng cửa do thiếu nguyên liệu. Thùy bùi ngùi: “Nghĩ đến hình ảnh người nông dân quê mình lam lũ mà nhiều khi phải bán rẻ, hoặc đổ bỏ sản phẩm, tôi thấy cần làm cái gì đó”.
Đang lúc chưa biết bắt đầu từ đâu thì thông tin về giá trị sức khỏe của gạo hữu cơ (organic) do Công ty Viễn Phú (xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) sản xuất, đăng trên báo Daily Mail (Anh) đã mở ra cho Thùy hướng đi. “Tôi kinh doanh, nhưng mục đích chính là mở đường cho nông sản Việt sang Anh Quốc nhằm làm tăng lợi nhuận cho nông dân”, Thùy nói về việc chấp nhận đánh đổi việc giảm bớt 40% thời lượng công việc bác sĩ kèm thu nhập để chuẩn bị cho cuộc “kết nối nông sản Việt”. Tháng 3/2013, sáu tấn gạo hữu cơ của Công ty Viễn Phú đến Anh. Tận dụng ngày nghỉ cuối tuần, những lúc rảnh, Thùy tự tay nấu cơm, mời khách nếm thử, đồng thời kể cho khách nghe quy trình sản xuất, giá trị dinh dưỡng của gạo hữu cơ. Chính lối tiếp thị nhiệt tình này đã đưa các vị khách lâu nay chỉ quen với bánh mì từng bước làm quen với cơm Việt qua những bọc gạo được Thùy đầu tư cải tiến mẫu mã, bao bì.
Khát vọng đưa nông sản Việt ra "biển lớn"
“There’s a lesson for us all” (Đó là bài học cho tất cả chúng ta) là tựa đề bài viết của nhà báo kỳ cựu Mike Loftus trên Birmingham Post, tờ báo về kinh doanh ở Birmingham, số ra ngày 17/10/2013 về sự kiện Thùy nhập khẩu gạo Việt vào nước Anh. Trong bài viết hơn 800 từ, Mike Loftus đã xem Thùy không chỉ là “nhân tố điển hình” về năng động trong kinh doanh, mà còn là “nguồn cảm hứng cho các thành phần khác trong thị trường của Vương quốc Anh”. Tuy nhiên, gạo chỉ mới là xuất phát điểm trên hành trình đưa nông sản Việt ra “biển lớn” của nữ bác sĩ gốc Việt này. Vì vậy, năm 2015, Thùy quyết định thành lập Công ty Vinatasty, tọa lạc tại 55 Thomas St, Birmingham, West Midlands B6 4TN, UK.
“Tôi vừa xin chuyển công việc bác sĩ toàn thời gian sang làm bán thời để có thời giờ cho việc tư vấn, đặt hàng, làm phim quảng bá nông sản Việt”, Thùy đã làm tôi xúc động khi cho biết chi phí mỗi chuyến đi - về không chỉ là hao tốn nhiều ngàn đô la. Bởi, khi có được hàng, Thùy lại phải dành nhiều thời gian hoàn thành các bài viết giới thiệu trên website (vinatasty.com) những giá trị dinh dưỡng, giá trị sức khỏe của từng loại rau, trái. Trước mắt, Vinatasty đã chọn được sáu sản phẩm để quảng bá, gồm: thanh long tươi, thanh long sấy khô tự nhiên, gạo màu hữu cơ, trà giải độc hữu cơ từ tinh chất gạo đen, bắp non đóng hộp và trà râu bắp non, là những sản phẩm đạt chuẩn châu Âu.
Thùy cho biết thêm: “Thị trường Anh cũng như châu Âu nói chung luôn có nhu cầu về các sản phẩm ngon, sạch. Đây sẽ là cơ hội để nông sản Việt vươn mạnh sang Anh, tạo đà vươn ra biển lớn”. Theo Thùy, để đáp ứng được yêu cầu này, nông dân và cơ sở chế biến tại Việt Nam phải tuân thủ quy trình sản xuất sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo tư vấn và đơn đặt hàng của Vinatasty. “Trước mắt, công ty sẽ đóng góp lợi nhuận của mình vào phát triển công nghệ sạch, khoa học kỹ thuật và tạo công ăn việc làm cho nông dân thông qua việc liên kết, đặt hàng. Quá trình này sẽ chặt chẽ, ổn định và bền vững hơn nếu có được sự hỗ trợ từ Nhà nước”, Thùy gửi gắm kỳ vọng.
Giáo sư - tiến sĩ Võ Tòng Xuân đã chia sẻ: “Con đường vươn ra biển lớn của nông sản Việt rất cần những nhân tố tích cực như Biên Thùy, vấn đề là cần có những chủ trương, chính sách mang tính đột phá để nuôi dưỡng và tạo điều kiện cho những đốm lửa le lói hôm nay phát triển thành chùm ánh sáng trong nay mai”.
Tùng Hương