Loại sữa này không chỉ thay thế cho các loại sữa ngoại nhập đắc tiền mà còn cải thiện vấn đề tim mạch, giảm mỡ máu xấu; đặc biệt là tăng khả năng chống viêm nhiễm cho bệnh nhân. Loại sữa này do chính tay PGS.TS.BS Tạ Thị Tuyết Mai – Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân dân Gia Định chế tạo. Công trình này vừa đoạt giải KOVA lần thứ 14.
Thành công nhờ “xót” tiền bệnh nhân
Vào năm 2007, trong một lần chị và các bác sĩ cùng hội chẩn cho cụ bà N.T.T. 84 tuổi bị bệnh viêm phổi nặng, kèm đột quỵ liệt nửa người, càng lúc càng suy kiệt vì không thể ăn uống được.
Vì tình trạng nhiễm trùng và suy dinh dưỡng nặng nên bệnh nhân đối diện với nguy cơ tử vong. Lúc đó, các bác sĩ quyết định truyền dịch albumin. Thế nhưng, người nhà bệnh nhân lắc đầu vì họ không đủ tiền để mua sữa cao độ đạm cho bà uống nên không biết kiếm đâu ra 5-7 triệu đồng để truyền mỗi ngày 3 chai albumin (loại 100ml/chai).
Vì điều trị lâu dài nên một số bệnh nhân chuyển sang mua các loại sữa cao năng lượng phổ biến trên thị trường như: sữa mang nhãn hiệu Is., sữa En., sữa Gl., sữa Die… Với các loại sữa này, người bệnh cũng phải chi trả đến 200.000 – 250.000 đồng/ngày nhưng các sản phẩm này chỉ phù hợp cho việc bổ sung dinh dưỡng cho người bệnh nhẹ hoặc không bệnh, không phù hợp cho việc nuôi dưỡng bệnh nhân nặng do hàm lượng đạm cũng như một số vi chất như sinh tố, khoáng không đáp ứng đủ nhu cầu nuôi dưỡng.
Ngẫm nghĩ lại, chị chợt nhớ đến nhiều bệnh nhân khác, cũng đang mắc bệnh nặng không thể ăn uống bằng đường miệng, nên phải tốn rất nhiều tiền mỗi ngày để mua loại sữa có đậm độ đạm cao để bác nuôi ăn qua ống thông để vào trực tiếp dạ dày. Và nhiều lần, chị đã chứng kiến người nhà bệnh nhân không đủ tiền để mua 1,5 lít sữa có đậm độ đạm cao (gọi tắt là sữa chuẩn) với giá khoảng 400.000 – 500.000 đồng/ngày.
Do không đủ tiền để trang trải viện phí trong thời gian dài, người nhà bệnh nhân phải tự nấu cháo rồi xay nhuyễn để thay thế sữa. Thậm chí, một số gia đình ở quê lên Sài Gòn cũng không có tiền để mua máy xay sinh tố nên phải đi thuê, đi mướn máy xay cháo nuôi ăn cho bệnh nhân.
Ngoài ra, vì lượng đạm trong các loại sữa này không đủ để cung cấp cho bệnh nhân nặng, đặc biệt là khi nuôi ăn qua ống thông nên cũng không thể dùng cho bệnh nhân. Nếu muốn cung cấp đủ đạm cho bệnh nhân, bác sĩ phải “tống” một lượng sữa với thể tích lớn từ 2 – 2,5 lít/ngày, rất dễ dẫn đến nguy cơ thừa dịch, vỡ thành mạch, tử vong... Còn nếu cho bệnh nhân sử dụng đúng 1,5 lít sữa, lúc đó bác sĩ lại phải truyền thêm đạm qua đường tĩnh mạch, vừa rắc rối vừa tốn kém.
Trong khi với những bệnh nhân nặng việc tự xay nấu thức ăn rất nguy hiểm vì có thể thức ăn nhiễm khuẩn, thức ăn không đủ dưỡng chất để đảm bảo cải thiện sức khỏe cho người bệnh, khiến sức khỏe bệnh nhân yếu đi.
Bao nhiêu suy tư về bệnh nhân, khiến chị ấp ủ ước mơ phải nghiên cứu và sản xuất cho được loại sữa có rẻ giúp cho bệnh nhân nghèo có cơ hội điều trị, thậm chí ngay cả bệnh nhân khá giả cũng đỡ gánh nặng viện phí.
Chị đặt ra mục tiêu, loại sữa này có giá thiệt rẻ nhưng vẫn đảm bảo có giá trị sinh học cao và hiệu quả điều trị. Đồng thời, đây cũng là loại sữa mà có thể giúp người bệnh kém dụng nạp với chất lactose (nguyên nhân khiến 99% người Việt bị tiêu chảy) vẫn dùng được mà không bị tiêu chảy.
Bao nhiêu kế hoạch đã được vạch ra, chị bắt đầu mày mò thử nghiệm việc cải thiện chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ở BV Nhân dân Gia Định bằng phương cách riêng của mình.
Chị mua những bịch sữa bột nguyên kem ở các nhà máy sản xuất uy tín, với giá vài chục ngàn đồng/kg, rồi pha chế với sữa đậu nành, vi khuẩn có lợi đường ruột… rồi thử cho bà cụ 84 tuổi sử dụng để giải quyết tình huống khẩn cấp và vài tuần sau, sức khỏe bà đã cải thiện rõ rệt, xét nghiệm máu cho thấy không còn tình trạng suy dinh dưỡng và sức đề kháng tăng lên, bệnh nhân cũng hết sưng phù.
Bước đầu thành công, đến năm 2013, chị được Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM cấp kinh phí một tỷ đồng để nghiên cứu, sản xuất cho ra loại sữa cho bệnh nhân nghèo.
Sẽ sản xuất đại trà cho bệnh nhân cả nước
Sau một thời gian dài nghiên cứu, phân tích thành phần dưỡng chất của sữa, thử nghiệm trên chuột, thử nghiệm trên người và cuối cùng đến năm 2016, BS Tạ Thị Tuyết Mai đã sản xuất ra được một loại sữa dạng nước có đậm độ đạm cao đầu tiên của Việt Nam, dùng để nuôi ăn cho người mắc bệnh nặng.
Loại sữa này đã thay thế hoàn toàn các loại sữa có đậm độ đạm cao được nhập khẩu từ các nước Mỹ, Pháp, Đức… và chỉ có giá 50.000 – 70.000 đồng/ngày, trong khi nhiều chỉ tiêu về sinh học đã “ăn đứt” sản phẩm ngoại. Riêng về thành phần độ đạm đã tương đương với sản phẩm ngoại nhập dùng trị bệnh, đáp ứng được nhu cầu nuôi dưỡng theo khuyến nghị dành cho bệnh nhân nặng.
Ngoài ra, loại sữa “made in Viet Nam” còn có chất Omega 3, vi khuẩn đường ruột trong đó nên có tính kháng viêm cao, góp phần cải thiện tình trạng viêm ở bệnh nhân nặng, giảm các loại mỡ máu xấu, cải thiện nguy cơ bệnh mãn tính như: tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn, đề kháng insulin trong bệnh tiểu đường…
Loại sữa này còn giúp cho nhiều bệnh nhân hạn chế hoặc không cần phải truyền dịch albumin để hồi phục sức khỏe. BS Tạ Thị Tuyết Mai nhớ lại: “Để có thể chắc chắn sản phẩm an toàn ở người, sản phẩm được thử nghiệm trên chuột rất lâu dài. Khi chúng tôi nuôi loại sữa này cho chuột và sau 7-14 ngày tiến hành xét nghiệm máu chuột thì ghi nhận các chỉ số về dinh dưỡng có trong máu cao hơn cả sữa chuẩn của nước ngoài".
Trong 1-2 tuần, nghiên cứu ghi nhận chuột suy dinh dưỡng nuôi bằng sữa “made in Viet Nam” khỏe hơn nhiều so với chuột được nuôi bằng thức ăn viên. Và khi thực hiện ở người, sau 14 ngày nuôi bằng sữa tự sản xuất, kết quả xét nghiệm máu ghi nhận các chỉ số dinh dưỡng trong cơ thể tốt hơn nhóm bệnh nhân được nuôi bằng sữa ngoại nhập.
Lúc đầu trong quá trình nghiên cứu, bệnh viện cũng âu lo các loại vi khuẩn có lợi trong sữa có thể di chuyển qua thành mạch vào mạch máu gây nhiễm trùng máu cho bệnh nhân. Nhưng qua kết quả nghiên cứu, chúng tôi đã khẳng định là vi khuẩn sẽ không xâm nhập vào máu bệnh nhân. Riêng khâu phân tích gen của người Việt Nam xác định người không có khả năng tiết men Lactase tiêu hóa đường lactose để đánh giá khả năng tiêu chảy khi uống sữa… đã ngốn khoảng 400 – 500 triệu đồng.
Cuối cùng, bác sĩ Mai đã cho ra loại sữa mà người bệnh “không dung nạp” với chất lactose vẫn có thể uống được mà không gây tiêu chảy”. Sản phẩm ra lò là tin vui vì nhiều bệnh nhân nặng chỉ cần được nuôi ăn bằng sữa mà không cần phải truyền dịch đạm quá tốn kém.
Hiện nay, các bệnh viện tại Việt Nam có trên 10% bệnh nhân không thể ăn bằng miệng mà cần được nuôi ăn qua ống thông với dạ dày, riêng BV Nhân dân Gia Định có 17% ca; do đó, nhu cầu người bệnh cần có loại sữa giá rẻ, đảm bảo tính sinh học và khả năng hỗ trợ điều trị, giúp hồi phục sức khỏe là rất cần thiết.
“Loại sữa này không chỉ dành cho bệnh nhân nặng cần nuôi ăn qua ống thông mà còn có thể nuôi ăn bổ sung cho bệnh nhân chưa nặng nhưng ăn uống kém, hay người già ăn kém với thể tích bổ sung 500-750 ml mỗi ngày. Sắp tới, tôi dự định sẽ sản xuất đại trà loại sữa này cho bệnh nhân cả nước” – BS Tạ Thị Tuyết Mai hào hứng chia sẻ.
Văn Thanh
Giải thưởng KOVA được thành lập năm 2002, theo công văn của Văn phòng chính phủ và Chủ tịch Ủy ban giải thưởng đầu tiên là nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, từ năm 2012 vị trí này được chuyển giao cho nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. Năm 2016 giải thưởng đã trải qua 14 lần trao giải, với tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Sứ mệnh là khuyến khích các công trình khoa học ứng dụng, hay đề cao những gương mặt có những công việc mang tính nhân văn cao, đóng góp tích cực trong cuộc sống để chuyển tải văn hóa Việt Nam, lan tỏa tinh thần ảnh hưởng đến cộng đồng và cuối cùng là ươm mầm cho những sinh viên học giỏi có công trình nghiên cứu tốt hoặc sinh viên nghèo học xuất sắc. Giải thưởng KOVA đang có kế hoạch sẽ mở rộng ra toàn khu vực Đông Nam Á. |