Nữ bác sĩ khoa cấp cứu kể chuyện 'trấn áp' giang hồ

27/02/2020 - 11:32

PNO - Tại phòng cấp cứu Bệnh viện An Sinh, bệnh nhân T. vừa quát tháo điều dưỡng, vừa vung tay đòi đánh bác sĩ và dọa đốt cả bệnh viện.

 Bác sĩ Lê Kim Hà sửa áo, đắp mền cho bệnh nhân trong lúc khám bệnh
Bác sĩ Lê Kim Hà sửa áo, đắp mền cho bệnh nhân trong lúc khám bệnh

Bị bạo hành luôn là nỗi ám ảnh của người làm ngành y; đặc biệt là ở khoa Cấp cứu - nơi được xem là "đầu sóng ngọn gió", hứng chịu nhiều "cơn thịnh nộ" của bệnh nhân và thân nhân của họ.

Có những vụ bạo hành, nhân viên y tế không kịp né đòn, ăn trọn những cú đấm, cái tát nảy lửa từ gia đình người bệnh. Nhưng có những vụ bạo hành được chính bác sĩ trong cuộc "khoá ngòi nổ” ở phút 89.

Như câu chuyện của bác sĩ Lê Kim Hà - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, nguyên Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện An Sinh - người không chỉ được yêu mến vì giỏi chuyên môn, mà còn được ngưỡng mộ với câu chuyện khá ly kỳ khi từng trấn áp một bệnh nhân giang hồ đang lên cơn cuồng nộ đòi đâm chém bác sĩ và dọa đốt bệnh viện.

Bác sĩ Hà cười, chậm rãi nhắc lại câu chuyện: “Lúc đó khoảng 12g, tôi đang nghỉ trưa thì được báo có bệnh nhân rượt đánh anh em trong khoa. Tôi xuống khoa thì thấy có một bệnh nhân bị kích động mạnh, đang la hét và đánh bảo vệ của bệnh viện”.

Nhân viên khoa Hồi sức tích cực - team hết mình vì bệnh nhân như BS Trưởng khoa
Nhân viên khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện An Sinh

Bà liếc nhanh vào hồ sơ bệnh án: Bệnh nhân T. (sinh 1970, ở quận 4), nhập viện do đau bụng, chẩn đoán đau quặn thận. Nhân viên cũng báo cáo nhanh với bác sĩ Hà: “Bác sĩ đã khám, cho thuốc uống, nhưng bệnh nhân vẫn quậy vì muốn hết đau bụng ngay và luôn”.

Khi đó, mọi người cũng vừa nhận ra T. là giang hồ bởi điệu bộ hăm dọa, bất chấp và danh xưng “Hai H., đại ca quận 4". Anh ta dọa giết bác sĩ và đốt bệnh viện. Khi bác sĩ Hà tiến thẳng về phía bệnh nhân đang bị kích động dữ dội, nhiều người ngăn bà lại vì nguy hiểm, nhưng giọng bà đanh thép: “Tôi sẽ không sao. Tôi có cách riêng của mình”.

Nữ bác sĩ bước tới, từ phía sau bất ngờ ôm chặt bệnh nhân T. và trấn an: “T. ơi, cô biết là con đang đau lắm. Con đang đau từ thắt lưng xuyên xuống phía dưới đúng không? Cô biết rồi, giờ con về giường nằm, cô sẽ điều trị cho con hết đau”.

Tiếng gọi “con” và xưng “cô” có chủ đích của nữ bác sĩ đã phát huy tác dụng, T. dừng lại, quay người ra sau, đôi mắt đang long lên sòng sọc, giận dữ, chợt dịu đi phần nào trước cái siết chặt vai và nụ cười hiền của nữ bác sĩ: “Con lại giường nằm đi, cô sẽ trị cho con hết đau”.

T. bất ngờ đi về giường nằm. Dù dịu đi, nhưng T. vẫn khẳng định phải “xử” bác sĩ đã khám ban đầu cho anh ta, chỉ vì bác sĩ đó nói giọng Huế khiến T. nghe không rõ.

T. gằn: “Tôi giết, cùng lắm tôi đi tù vài năm rồi ra”. Bác sĩ Hà lại trấn an T.: “Con đang đau, nằm nghỉ ngơi sẽ đỡ đau và để bác sĩ ở đây điều trị cho con”.

Sau đó, các bác sĩ Bệnh viện An Sinh chích thuốc cho T. và anh ta dịu hẳn lại. Lúc này, T. mới thổ lộ với bác sĩ Hà: “Nói thật với cô, tôi là giang hồ quận 4, tên tôi trong giới không ai không biết”. Anh ta giơ chiếc điện thoại hiệu Vertu trị giá hàng trăm triệu đồng và gằn giọng: “Nếu không có cô ra nói chuyện đàng hoàng, chỉ cần một cú điện thoại của tôi là phòng cấp cứu này bị đập nát”. Bác sĩ Hà lúc này cũng hơi "lạnh gáy", nhưng bà vẫn giữ bình tĩnh trò chuyện.  

Khi đó, công an địa phương cũng vừa tới. Khi được một công an viên hỏi vì sao rượt đánh bác sĩ, T. thản nhiên: "Không phải rượt đánh mà tôi muốn đâm, muốn giết “nó”.

Thấy bệnh nhân lại sắp kích động, bác sĩ Hà đến “nhỏ to” nhờ các anh công an “rút” để bà xử trí.

Sau hơn 3 tiếng đồng hồ vật vã với bệnh nhân đặc biệt này, bác sĩ Hà thu phục T. hoàn toàn. Bệnh nhân hết đau, chịu bỏ “chốt” là vườn hoa trong bệnh viện để “canh me” xử bác sĩ khám ban đầu cho mình và đồng ý xuất viện. Trước khi ra về, T. còn cho bác sĩ Hà số điện thoại của mình, gọi bà bằng má và dặn: “Sau này má có chuyện gì, gọi một tiếng là có con ngay”.

Câu chuyện trên được hóa giải nhẹ nhàng như thế, bởi một bác sĩ đã 76 tuổi.

Nhân viên khoa Hồi sức tích cực và bệnh nhân trong dịp tết
Nhân viên khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện An Sinh

Bác sĩ Lê Kim Hà vốn xuất thân là người lính, từng công tác tại Bệnh viện 175 - đó là lý do vì sao bà dám một mình đối diện với bệnh nhân giang hồ đang lên cơn kích động cực độ.

Bà được xem là người truyền cảm hứng cho các đồng nghiệp, nhất là đồng nghiệp trẻ bởi sự uyên bác, rắn rỏi và giỏi nghề. Từ khi mới vào nghề đến nay, ở tuổi U80, bác sĩ Hà vẫn tâm huyết và say nghề như những ngày đầu tiên gắn bó với ngành y cao quý. Bà có gần 50 năm làm ở  khoa Hồi sức cấp cứu – là khoa bệnh nặng – mà nhiều người trong ngành y nói “với phụ nữ, phải yêu nghề lắm mới làm lâu dài được”, do thường xuyên đối diện với bệnh nhân nặng trong cảnh thập tử nhất sinh; các bác sĩ phải luôn căng sức làm bất kể giờ giấc, lễ tết.

Nhìn bác sĩ Hà sửa lại cổ áo cho thẳng thớm, kéo mền đắp cho bệnh nhân Nguyễn Thị H., 85 tuổi, bị đái tháo đường biến chứng qua tim mạch đang nằm điều trị tại khoa, mới hiểu tâm sự của bà: “Làm nghề này không thương bệnh nhân là không làm được. Xưa tôi làm bác sĩ quân y, thương quý thương binh như máu thịt của mình. Sau này làm ở Bệnh viện An Sinh, tình thương dành cho bệnh nhân cũng y như vậy”.

Bệnh nhân Lê Thị T., 70 tuổi, bị ung thư vú, đến bệnh viện trong tâm trạng u uất, lúc nào cũng muốn chết. Một tuần nằm điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, bà T. được bác sĩ Hà trò chuyện, động viên mỗi ngày. Những câu chuyện chiến đấu với căn bệnh của bệnh nhân ung thư, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng… được kể từ nữ bác sĩ khiến bà T. vui vẻ, phấn chấn hơn. Trước khi xuất viện, bà nắm tay cảm ơn bác sĩ Hà: “Lâu nay tôi nghĩ mình mang bệnh này là cầm chắc cái chết, giờ nói chuyện với bác sĩ xong, tôi hết sợ chết, sống ngày nào là phải vui, phải sống hết mình ngày đó”.

Thêm một lần nữa, quan niệm sống của vị bác sĩ đáng kính đã trở thành chân lý: “Làm nghề này phải chấp nhận cho – mà cho chính là nhận”.

Thùy Dương

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI