Nữ bác sĩ kể chuyện sợ đi máy bay và trở thành người đầu tiên triển khai phương pháp Kangaroo cho trẻ em miền Nam

17/12/2019 - 10:00

PNO - Về nước năm 1997, bác sĩ Chi đã đặt ngay trẻ sinh non vô ngực mẹ hoặc người thân với da kề da và giải thích về chăm sóc trẻ nhẹ cân theo phương pháp Kangaroo.

Cầm tấm ảnh mà các đồng nghiệp Colombia đã lưu giữ 21 năm qua, tạm đặt tên “Hành trình Kangaroo của Việt Nam với những người bạn ngoại quốc”, bác sĩ Lương Kim Chi từng chăm sóc cho những trẻ sinh non ở Bệnh viện Từ Dũ xúc động và thốt lên: “Ôi các bạn của tôi vẫn luôn hào phóng tình cảm đây mà!

Lần đầu tiên tôi đến đất nước Colombia vào năm 1997, thời khắc đã tạo nên vận mệnh con người. Tôi vô cùng cảm kích và xin chân thành cảm ơn các bạn đã giúp cho hàng triệu trẻ em Việt Nam được sống sót, và cho bản thân tôi làm nghề y đúng nghĩa”.

Nu bac si ke chuyen so di may bay va tro thanh nguoi dau tien trien khai phuong phap Kangaroo cho tre em mien Nam
Tấm ảnh được các đồng nghiệp đất nước Colombia lưu giữ suốt 21 năm - ngày đầu bác sĩ Chi sang học phương pháp Kangaroo (tháng 5 năm 1997)

Mỗi năm, thế giới có khoảng 15 triệu trẻ sinh non và hầu hết xảy ra ở các nước kém phát triển. Bác sĩ Chi nhớ lại, thời điểm đó, ngay cả bệnh viện phụ sản có tiếng như Từ Dũ vẫn khó “giữ” được tính mạng của trẻ. Nhiều trẻ quá nhẹ cân, phải nằm lồng kính dài ngày rồi… rời bỏ cuộc đời, xa lìa cha mẹ.

Phương pháp chăm sóc "Bà mẹ Kangaroo" được áp dụng ở Colombia do bác sĩ Rey và Martinez khởi xướng từ năm 1978 nhằm giữ ấm trẻ sinh non do thiếu lồng ấp và gặt hái được nhiều thành quả tốt trong hơn 40 năm qua bằng việc kiểm soát thân nhiệt, nuôi con bằng sữa mẹ và gắn bó tình cảm mẹ con. Phương pháp này được ứng dụng hầu như trên toàn thế giới, ít tốn kém, mang đầy tính nhân bản và tính nghệ thuật.

Để trẻ em sinh non ở Việt Nam sớm được tiếp cận phương pháp này, bác sĩ Lương Kim Chi - người có 31 năm kinh nghiệm chuyên môn trong việc chăm sóc trẻ sinh non  - được Bệnh viện Từ Dũ cử đi Colombia học chương trình này để về mở rộng mô hình tại miền Nam.

Nhận được quyết định, bác sĩ Chi vừa mừng vừa lo vì nhiều người cho rằng: “Nơi đó nguy hiểm lắm, nước đó nghèo, muốn đi buôn ma túy thì qua, chứ học được gì bên đó", hay “Kangaroo hả, thì địu con trên người rồi cho bú mẹ. Trời, tưởng gì! Nhà mình bú mẹ đầy, mắc gì học. Còn địu con thì lên Tây Nguyên mà học thiếu khối gì".

Nu bac si ke chuyen so di may bay va tro thanh nguoi dau tien trien khai phuong phap Kangaroo cho tre em mien Nam
BS Lương Kim Chi trực tiếp hướng dẫn phương pháp chăm sóc bà mẹ Kangaroo

“Nhớ lúc đó mình và Hường, cả hai đứa đều bị say xe, say máy bay. Thậm chí, không dám nhìn chiếc máy bay cất, hạ cánh. Cuối cùng thì cũng đến được đất nước Colombia. Để học được, hai chị em phải oằn mình với thời tiết khắc nghiệt ở độ cao 2.625m cùng với cái lạnh 5-10 độ, trái múi giờ đêm thức ngày ngủ, chỉ ăn cháo và mì gói”.

Sau thời gian tầm sư học đạo, bác sĩ Chi thấy mình được sáng tỏ: “Cái mà tôi học được ở đồng nghiệp, đó là tình yêu thương trẻ con. Người ta có thể dành hàng giờ để giải thích cho cha mẹ trẻ thấu hiểu. Cái mà các bạn theo dõi những đứa trẻ non yếu đến khi chúng tròn trịa một, hai năm và rất hiếm khi tôi gặp một trẻ bị tàn tật trong đám con nhỏ nhít này.

Trong khi ở Việt Nam chúng tôi chưa làm được việc đó. Các em bé Việt Nam khi ra khỏi bệnh viện không được theo dõi kỹ, các bé đi đâu, về đâu không biết. Chúng tôi cũng chưa bao giờ biết khám thần kinh vận động, tâm lý trẻ em là gì.

“Tiễn chúng tôi ra sân bay về Việt Nam, bác sĩ Nathalie Charpak, người thầy vĩ đại của tôi lo lắng, hoài nghi vì thấy hai đứa này ốm o lại hậu đậu, không biết có làm được gì không. Chị đề nghị chúng tôi thử lên kế hoạch áp dụng tại Việt Nam - "Dạ em sẽ thử làm cho mấy bé tương đối lớn ký và ổn định trước, rồi mới triển khai rộng rãi". Chị gật gù và nói sẽ tặng tôi cái cân điện tử. Vì trẻ sinh non, cần theo dõi cân nặng mỗi ngày, khi dùng cân cơ khó phát hiện ra độ chênh lệch 5-10 gram. Các bé được cân chính xác đến từng gram, đo chính xác đến từng mm, tính lượng sữa ăn tới từng ml”.

Về nước năm 1997, bác sĩ Chi đã đặt ngay trẻ sinh non vô ngực mẹ hoặc người thân với da kề da và giải thích về chăm sóc trẻ nhẹ cân theo phương pháp Kangaroo. Kể từ đó trẻ sinh non Việt Nam không may mắn được cứu sống và lành mạnh nhiều hơn.

Cho đến nay, mô hình của Bệnh viện Từ Dũ được nhân rộng ra rất nhiều tỉnh thành trong và ngoài nước. Bác sĩ Chi vừa được Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc mời sang đào tạo phương pháp này cho các đồng nghiệp ở Bhutan. Bác sĩ Chi cũng cùng với Tổ chức Y tế thế giới biên soạn tài liệu giảng dạy thực hành về "Phương pháp chăm sóc bà mẹ Kangaroo" ứng dụng cho nhiều nước trên thế giới.

Thanh Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI