Hầu hết phụ huynh có con đang điều trị tại Khoa Phỏng - Tạo hình Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) vẫn nhắc đến người nữ bác sĩ này như một điểm tựa tinh thần quan trọng của họ, với một tình cảm yêu mến, biết ơn.
Cứ trước giờ nghỉ trưa, hay tan ca, người bác sĩ có dáng hình nhỏ nhắn lại đi đến giường bệnh nhi này rồi qua bệnh nhi khác; lúc xem thuốc truyền, lúc đặt ống nghe khám hết một lượt cho trẻ rồi mới rời đi. Chăm sóc, điều trị cho bệnh nhi phỏng đòi hỏi sự cố gắng, kiên nhẫn, bền bỉ của các bác sĩ, điều dưỡng…
Âm thầm tìm lại hình hài cho bệnh nhi
Từ khi còn đi học, bác sĩ chuyên khoa II Diệp Quế Trinh - Trưởng khoa Phỏng - Tạo hình Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) - đã đặt mục tiêu trở thành bác sĩ. Chị thi đậu vào Trường đại học Y Dược TPHCM và học chuyên ngành ngoại nhi. Sau khi tốt nghiệp đại học, chị tiếp tục thi đậu vào bác sĩ nội trú của Bệnh viện Nhi Đồng 1, rồi làm việc tại Khoa Phỏng - Tạo hình cho đến nay.
|
Bác sĩ Diệp Quế Trinh thăm khám cho bé trai bị phỏng nước sôi từ mặt phải đến đùi do mẹ pha trà |
Qua gần 20 năm gắn bó với bệnh nhi, bác sĩ Quế Trinh xót xa: “Nếu đa số bệnh nhi ở các khoa khác sau khi lành bệnh sẽ trở về với cuộc sống thường nhật, thì với trẻ em phỏng nặng sẽ là cuộc chiến dai dẳng, đầy nỗi ám ảnh qua từng vết sẹo cùng nhiều ca phẫu thuật liên tiếp”. Nói đoạn, chợt nghe tiếng khóc thét ở phòng bệnh, chị lập tức nhanh chóng bước qua thăm khám, vỗ về bọn trẻ, sau đó tiếp tục đi một vòng các phòng bệnh kiểm tra để đảm bảo không có bé nào trở nặng.
Nơi đó, những đứa trẻ với nhiều độ tuổi khác nhau đang bị băng bó tay, chân, ngực… Nhiều em băng gạc kín người vì phỏng sâu, trải dài khắp cơ thể. Nữ bác sĩ nhìn qua: “Với tổn thương này, sau khi lành bệnh, các bé còn phải trải qua một thời gian dài đấu tranh với sẹo phỏng”.
Giờ nghỉ trưa bị rút ngắn khi một người mẹ ẵm con trai khoảng 4 tuổi chạy vào, mảng da phồng rộp rỉ dịch từ bên mặt phải chảy xuống ngực, chân của cậu bé, khiến người đối diện cũng cảm thấy đau rát. “Tôi nấu nước sôi pha trà, từ xa con chạy lại, kéo đổ bình nước. Nhanh quá, tôi chỉ nghe tiếng khóc thét của con” - người mẹ xót xa kể. Thăm khám cho cậu bé xong, bác sĩ Quế Trinh trấn an người mẹ: “Em bé vẫn còn may mắn hơn những bệnh nhi khác, bởi vết thương bong tróc nhưng không sâu, có thể xử lý… đẹp lại được”.
Hít một hơi thật sâu, bác sĩ Quế Trinh nhớ lại bệnh nhi N.Q.B. (ở tỉnh Tây Ninh) bị phỏng nước sôi khi hơn 2 tuổi. Bé được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốc do phỏng nặng, gần như toàn bộ cơ thể đều bị tụt da, đỏ ửng. Báo động toàn bộ kíp trực, chị cùng đồng nghiệp hối hả chạy đua với thời gian, giành giật bé từ tay tử thần. Qua nhiều tháng ròng rã, cùng các bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc, cuối cùng kỳ tích đã xuất hiện, khoảnh khắc bé trai tỉnh táo gọi tên bác sĩ, ai cũng rơi nước mắt vui mừng.
Từ đó đến nay, cứ vài tháng, bé phải vào bệnh viện mổ sẹo phỏng, tập vật lý trị liệu. Mỗi lần như vậy, bác sĩ Quế Trinh cùng ê kíp phẫu thuật phải cố gắng tận dụng từng chút da còn sót lại để đắp vá cho bé, mà theo nữ bác sĩ đó là “những mảnh da nhỏ xíu, quý hơn vàng”.
Hay một em bé Campuchia phỏng lửa nặng trong lúc chăn vịt ngoài đồng cỏ, bác sĩ mất cả nửa năm ròng rã giành giật em với tử thần. Vết thương của bé quá lớn, bác sĩ Quế Trinh phải dùng kỹ thuật ghép da, lấy da của người cha sang “vá, đắp”. Khi bé tỉnh lại, vết phỏng vẫn chưa lành hoàn toàn mà gia đình cứ xin về. Thương bé, các bác sĩ tình nguyện chuyển bệnh đến cơ sở y tế gần biên giới Campuchia, hướng dẫn nhân viên y tế tại đây chăm sóc vết thương cho bé.
Như tấm lòng của người mẹ
Năm 2008, Khoa Phỏng - Tạo hình được trang bị một máy laser hiện đại, dùng trong điều trị sẹo phỏng. Không chỉ “vá lại” các vết phỏng và sửa sẹo phỏng cho các bé, 2 năm sau, bác sĩ Quế Trinh trở thành một trong những bác sĩ tiên phong dùng máy laser để điều trị u máu và dị dạng mạch máu cho trẻ nhỏ.
Nếu bệnh nhi bị phỏng phải chịu nỗi đau về thể xác, thì các bé u máu lại gánh chịu tổn thương về tinh thần. Có nhiều bé nhất định không chịu đến trường vì bạn bè trêu chọc. Từ mặc cảm với khối u máu hay dị dạng mạch máu khổng lồ làm biến dạng gương mặt, đầy ắp mảng đỏ trên cổ, ngực…, sau điều trị, các bé đã nở nụ cười nói với bác sĩ: “Năm sau con được đi học rồi”. Đến nay, trung bình mỗi năm các bác sĩ đã lấy lại sự tự tin, vui tươi cho khoảng 5.000 trẻ bị u máu.
Luôn âm thầm, cần mẫn vì bệnh nhi nhưng bác sĩ Quế Trinh không nói nhiều về mình. Những lúc điều trị, không ít lần chị phải ép mình trở nên mạnh mẽ trước tiếng khóc của trẻ, tiếng van nài của cha mẹ để thoát ra ám ảnh, cố gắng dùng liệu pháp tốt nhất cho các bé.
Với tấm lòng vì bệnh nhi như vậy, hầu hết phụ huynh có con đang điều trị tại Khoa Phỏng - Tạo hình thường nhắc đến bác sĩ Quế Trinh như một điểm tựa tinh thần quan trọng. Bác sĩ còn luôn dặn dò cha mẹ bé khi ẵm con lên, nên nương theo chỗ vết thương đang băng bó, tránh làm các bé đau nhức. Chị lý giải, em bé khi đau không biết nói, chỉ thể hiện cảm xúc đó qua tiếng khóc, mà khi bé khóc, người lớn thường vỗ lưng, đi đi lại lại xóc con lên dỗ dành, vô tình làm ảnh hưởng đến vết thương, làm các bé càng đau hơn.
Với chị, một đứa trẻ ra đời khỏe mạnh là một phép màu của cuộc sống. Với một em bé không may mắn, càng cần được yêu thương, chăm sóc hơn nữa. Trong đó, ngoài sự học hỏi, nâng cao tay nghề, quyết tâm giành giật cuộc sống cho từng em bé, còn là sự cống hiến miệt mài, thầm lặng đầy yêu thương không chỉ của nữ bác sĩ với bệnh nhi, mà là tấm lòng của người mẹ với các con của mình.
Bác sĩ Quế Trinh nói: “Trẻ không may bị tai nạn đã xót xa rồi, những bé tổn thương do hệ quả, sự thù hằn của người lớn thì càng xót xa hơn. Vì vậy, mình chỉ làm sao để điều trị tốt nhất, bởi các bé còn có cả tương lai phía trước”. |
Phạm An