Là một người được đào tạo chuyên sâu và công tác trong lĩnh vực Răng Hàm Mặt, bác sĩ Nguyễn Hoàng Oanh đã từng trực tiếp tham gia hàng trăm cuộc phẫu thuật cho trẻ bị khe hở môi, vòm miệng.
|
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Oanh vốn là người được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực Răng Hàm Mặt |
Phần lớn các ca phẫu thuật mà bác sĩ Hoàng Oanh thực hiện đã giúp các bệnh nhân nhí lấy lại được hình thức bình thường như những đứa trẻ khác. Thế nhưng, bằng quan sát của mình, nữ bác sĩ có tấm lòng yêu trẻ này vẫn cảm thấy băn khoăn vì “có điều gì đó chưa ổn” ở khả năng nói của các con.
Thời điểm những năm 2000, Giáo sư Lê Sơn, một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực phẫu thuật hàm mặt ở Hà Nội, cũng có những trăn trở như vậy. Theo vị bác sĩ được mệnh danh là “bàn tay vàng trong làng phẫu thuật” này thì các quốc gia phát triển đã tồn tại từ lâu một ngành chuyên môn ở giai đoạn sau phẫu thuật có tên gọi là Ngôn ngữ trị liệu. Thế nhưng lại hoàn toàn vắng bóng ở Việt Nam.
Mãi đến năm 2010, Giáo sư Lê Sơn mới thổ lộ với người đồng nghiệp trẻ của mình về kế hoạch gửi cô vào TPHCM để theo học khóa học về ngôn ngữ trị liệu. Đây chính là cú huých giúp cô quyết định “khăn gói” từ Hà Nội vào Bệnh viện Y khoa Phạm Ngọc Thạch ở tận miền Nam để theo đuổi ngành học với tên gọi "lạ tai" mới xuất hiện ở Việt Nam.
Dấn thân vào con đường “Âm ngữ trị liệu”
Nhắc lại dấu mốc “làm thay đổi cuộc đời” của mình, bác sĩ Hoàng Oanh cho biết, ban đầu cô chỉ đi học vì muốn làm vui lòng người thầy mà mình kính trọng, cũng như có thêm kiến thức mới để hỗ trợ thầy trong lĩnh vực phẫu thuật răng hàm mặt mà thôi.
Thế nhưng đây cũng là “cú quay xe” đầy bất ngờ đưa cô từ nghề phẫu thuật bước hẳn chân sang một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, lắm nhọc nhằn, thậm chí cả nước mắt của những ngày đầu.
|
Bác sĩ Hoàng Oanh thuộc thế hệ những chuyên gia đầu tiên được đào tạo trong lĩnh vực Âm ngữ trị liệu tại Việt Nam cách đây 12 năm |
Cách đây hơn 10 năm, Việt Nam là một “vùng trắng” đối với lĩnh vực Âm ngữ trị liệu. Đến năm 2008, nhận thấy một tỷ lệ lớn với khoảng 13 triệu người tại Việt Nam mắc phải các rối loạn về giao tiếp và nuốt, Trinh Foundation Australia (TFA) - một tổ chức của Úc quy tụ các chuyên gia thuộc lĩnh vực này - đã quyết định hợp tác với Đại học Newcastle (Úc) và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch để hỗ trợ thành lập ngành Âm ngữ trị liệu tại Việt Nam.
Bác sĩ Hoàng Oanh thuộc nhóm 15 học viên của khóa 2 (niên khóa 2010-2011) được tuyển chọn theo học chương trình này với sự hướng dẫn của các giáo sư, giám sát lâm sàng đến từ Úc. Là một trong hai học viên hiếm hoi từ Hà Nội vào TPHCM theo học khóa đào tạo đặc biệt này, bác sĩ Hoàng Oanh không thể nào quên được những ngày tháng gian nan, vất vả của mình.
|
Bác sĩ Hoàng Oanh đang trao đổi chuyên môn với giảng viên ngành Âm ngữ trị liệu đến từ Úc trong khóa học được tổ chức năm 2010-2011 |
Đều đặn mỗi cuối tuần, khi phố phường còn đang ngái ngủ thì bác sĩ Hoàng Oanh đã phải hôn vội đứa con nhỏ mới 3 tuổi rồi lủi thủi một mình ra sân bay lúc 4 giờ sáng, bay chuyến sớm nhất vào TPHCM rồi bắt xe ôm từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để kịp giờ học.
Chương trình học nặng với lượng kiến thức tương đương bậc đại học của Úc cùng với hơn 700 giờ thực hành có giám sát tại các bệnh viện dường như vắt kiệt sức lực của cô. Không ít lần vừa bay vào đến nơi thì nhận tin con sốt nặng, chồng đi công tác xa chỉ có bà ngoại xoay xở mọi việc ở nhà khiến tâm trạng của người mẹ trẻ thêm rối bời.
“Đã vài lần tôi bật khóc ngay trong lớp học, lòng hoang mang tự hỏi liệu mình có chọn sai đường hay không”, bác sĩ Hoàng Oanh nhớ lại.
|
Bác sĩ Hoàng Oanh là một trong số ít những người đầu tiên hoàn thành chương trình Âm ngữ trị liệu tại Việt Nam trong giai đoạn đầu |
Thế nhưng, sự động viên của các giáo sư người Úc và lòng yêu thương con trẻ đã giúp cho cô vững tin trở lại và quyết tâm theo đuổi con đường chuyên môn đầy thách thức này.
Thời bấy giờ, điều kiện học tập nghiên cứu lĩnh vực Âm ngữ trị liệu gặp rất nhiều khó khăn. Giáo trình học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh dẫn đến sự khác biệt khi áp dụng vào hệ thống ngôn ngữ tiếng Việt... Bất cập này đã thôi thúc bác sĩ Hoàng Oanh cùng đồng nghiệp nghiên cứu phát triển tài liệu chuyên môn dựa trên hệ thống ngôn ngữ tiếng Việt và hệ thống giải phẫu của người Việt.
Những kiến thức nền tảng từ chương trình đào tạo của TFA đã thúc đẩy bác sĩ Hoàng Oanh đi tiếp con đường Âm ngữ trị liệu với chương trình Tiến sĩ mặc dù thời điểm ấy ở Việt Nam vẫn chưa có mã ngành đào tạo cho lĩnh vực này.
|
Bác sĩ Hoàng Oanh đã góp nhiều công sức để Việt hóa các tài liệu chuyên môn trong lĩnh vực Âm ngữ trị liệu từ các quốc gia tiên tiến trên thế giới áp dụng tại Việt Nam |
Đến nay, Tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Oanh là một trong những chuyên gia có chuyên môn sâu trong lĩnh vực Âm ngữ trị liệu. Cô đã tích cực biên soạn và Việt hóa nhiều tài liệu chuyên môn của Mỹ, Úc, Canada cũng như tham gia giảng dạy cho sinh viên bậc cử nhân và thạc sĩ ngành Âm ngữ trị liệu tại các trường đaị học ở Việt Nam.
Ngoài ra, cô còn được biết đến như là nhà chuyên môn độc lập chuyên nghiên cứu, phát triển các liệu pháp về điều trị ngôn ngữ, giao tiếp và lời nói, vui chơi học tập cho trẻ em. Với vai trò huấn luyện viên cho các gia đình có con bị rối loạn phổ tự kỷ hoặc các rối loạn khác về giao tiếp hoặc ngôn ngữ, đến nay, bác sĩ Hoàng Oanh đã giúp hơn 1.000 phụ huynh khắp cả nước hiểu con mình hơn, từ đó có thể hỗ trợ con một cách có hiệu quả.
"Nhu cầu nhân lực cho ngành Âm ngữ trị liệu là rất cao, đối tượng cần hỗ trợ cũng rất rộng, bao gồm: trẻ em, người lớn bị đột quỵ, suy giảm trí nhớ, mất khả năng ngôn ngữ, bệnh nhân COVID-19 phải điều trị đặc biệt… Vì vậy, xã hội đang rất cần có đội ngũ trị liệu viên để làm việc tại các bệnh viện, phòng khám và trường học”, bác sĩ Hoàng Oanh cho biết.
|
Bác sĩ Hoàng Oanh rạng rỡ trong buỗi lễ tốt nghiệp chương trình Tiến sĩ tại trường Đại học Y Hà Nội |
Người đứng sau ứng dụng đầu tiên ở Việt Nam giúp nhận biết dấu hiệu trẻ tự kỷ
Những ngày đầu năm 2021, khi cả nước đang lo lắng với sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 thì bác sĩ Hoàng Oanh cũng đứng ngồi không yên với hàng trăm tin nhắn, cuộc gọi của phụ huynh khắp nơi nhờ hỗ trợ.
Cảm thấy “lực bất tòng tâm” khi chứng kiến nhiều phụ huynh không biết tìm kiếm ở đâu sự giúp đỡ của những trị liệu viên có chuyên môn, bác sĩ Hoàng Oanh đã viết lên Facebook ý tưởng về việc mong muốn tạo ra một nền tảng giúp kết nối chuyên gia và các gia đình có nhu cầu trị liệu ngôn ngữ cho con “tương tự như mô hình mà Grab đang làm”.
|
Bác sĩ Hoàng Oanh (giữa) tích cực tham gia các hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực Âm ngữ trị liệu cho trẻ em |
Thật may, ý tưởng của cô đã nhận được sự quan tâm của một kỹ sư lập trình tại công ty phần mềm của Nhật Bản có trụ sở tại Đà Nẵng, và cũng là phụ huynh có con tự kỷ nhưng đang “mắc kẹt” vì không biết phải đưa con mình đi điều trị ở đâu. Vị chuyên gia này đã báo cáo lãnh đạo công ty và được đồng ý cho xây dựng một phần mềm hoàn toàn miễn phí cho cộng đồng người Việt Nam.
Mừng như bắt được vàng, bác sĩ Hoàng Oanh cùng nhóm cộng sự đã lao vào viết nội dung, thiết kế các bộ công cụ sàng lọc phát hiện sớm tự kỷ dành cho trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi cùng nhiều tài liệu, video phổ biến kiến thức dễ hiểu dành cho phụ huynh, giáo viên và chuyên viên y tế.
|
Ứng dụng Simba Kids được phát triển giúp các gia đình nhận biết sớm dấu hiệu của chứng tự kỷ ở con trẻ |
Sau một thời gian khá dài "thai nghén", thử nghiệm, ngày 7/2/2022, ứng dụng Simba Kids được chính thức “trình làng” trên hai nền tảng phổ biến là Google Play và App Store.
Đây là nền tảng kết nối giữa phụ huynh và nhà chuyên môn đang cư trú tại cùng một khu vực địa lý giúp hai bên dễ dàng tiếp cận được nhau. Đến nay, đã có hơn 3.000 lượt tải xuống và cài đặt, cùng hàng trăm phụ huynh được kết nối thành công với chuyên gia trị liệu để nhận sự hỗ trợ chuyên môn.
|
Nhu cầu cần có nhân sự chuyên môn hỗ trợ phụ huynh có con bị khuyết tật tăng cao khiến bác sĩ Hoàng Oanh nghĩ đến ý tưởng tạo ra nền tảng kết nối để phục vụ cộng đồng |
Ứng dụng Simba Kids cho phép phụ huynh có thể trả lời các câu hỏi kiểm tra để sàng lọc bước đầu xem con mình có dấu hiệu của tự kỷ hay không và đang ở mức độ nguy cơ nào. Ứng dụng này cung cấp đầy đủ thông tin về nhà chuyên môn gồm: chuyên ngành, số năm kinh nghiệm, địa chỉ làm việc… giúp phụ huynh có thể liên hệ trực tiếp với chuyên gia. Với sự ra đời của Simba Kids, lần đầu tiên tại Việt Nam có một ứng dụng trên điện thoại giúp các gia đình nhận biết dấu hiệu của chứng tự kỷ ở con trẻ, từ đó có thể chẩn đoán và can thiệp sớm giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập xã hội. |
Nguyễn Thuận