NTK Sĩ Hoàng: "Áo dài - váy đụp là trang phục mùa hè của Trung Quốc"

03/02/2017 - 17:10

PNO - Bà Nguyễn Thế Thanh - Nguyên PGĐ Sở VH-TT TP.HCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Người mẫu Việt Nam và NTK Sĩ Hoàng lên tiếng về "áo dài cách tân".

Bà Nguyễn Thế Thanh 

Tôi trân trọng mọi thứ quan điểm nhưng quan điểm của tôi thì tôi không bao giờ công nhận sự thay đổi nào về áo dài. Về nguyên tắc, áo dài Việt Nam có quy định của nó, cách mặc của nó. Áo dài bao nhiêu, tà thế nào, tay áo như thế nào… Nếu không còn mặc nó như thế nữa thì thì nó không còn là áo dài.

Tôi có xem qua các hình ảnh mà mấy ngày nay mọi người tranh luận rằng nó có là áo dài hay không, áo dài hay váy đụp… Tôi nói thật, mọi người ai cũng có quyền lựa chọn trang phục cho mình nhưng xin hãy thận trọng khi gắn nó với áo dài, đặc biệt là gắn nó với cụm từ “áo dài Việt Nam”. Riêng tôi, tôi nói thẳng là tôi không bao giờ cổ vũ cho cách phối áo với váy như thế.

Chúng ta đang sống trong một không gian mà các văn hoá đôi khi có sự tương đồng nhau, giống nhau, nhiều nước xung quanh hiện vẫn đang có kiểu trang phục na ná chúng ta, nên chúng ta càng phải thận trọng hơn khi “chạm” đến một loại trang phục quốc tuý như áo dài.

Tôi vẫn thấy mọi người cách tân áo dài, nhưng cái gì nó cũng có quy chuẩn. Áo dài có thể rộng hơn một tí, ngắn hơn một tí,  tay rộng hơn một tí nhưng là ngắn đến đâu và rộng đến đâu? Như tay áo ấy, nếu cách tân theo kiểu tay áo không còn nữa, thì nó chắc chắn không phải là áo dài.

NTK Si Hoang:
Bà Nguyễn Thế Thanh

Nên nhớ rằng, tại sao người ta có thể mặc trang phục khác cho mọi hoàn cảnh, thậm chí có thể đi cấy đi cày nhưng không ai mặc áo dài xuống ruộng. Bởi, mặc áo dài là khoát lên một sự trân trọng. Khi tổ chức cuộc thi Hoa hậu Áo dài lần đầu tiên, chúng tôi chỉ dám gọi nó là “Hoa hậu Áo dài” chứ cũng không phải là “Hoa hậu Áo dài Việt Nam”.

Vì sao, vì phải thận trọng. Cái mà các bạn trẻ ngày hôm nay mặc chỉ là một loại trang phục, và nếu gắn nó với cụm từ “áo dài Việt Nam” là một sự thất thố về văn hoá. Mặt khác, nếu chúng ta đang có một thế hệ nghĩ rằng đó là áo dài và khiến các nước khác nghĩ đó là áo dài, là chúng ta đang thất bại về văn hoá.

NTK Sĩ Hoàng

Tôi cho rằng sự việc đi đến tranh cãi như thế này là do các bạn trẻ hiện nay thừa nhiệt tình nhưng thiếu hiểu biết. Các bạn mặc cái mà các bạn gọi là áo dài vào những ngày Tết vì các bạn nghĩ như thế là hướng về truyền thống, bạn tự hào mình là người hướng vè cội nguồn dân tộc… Thế nhưng, cái mà các bạn đang mặc, trang phục gây tranh cãi trong mấy qua có phải là áo dài đâu. Nó là một loại trang phục mùa hè của Trung Quốc.

Ở đây ta thấy một vấn đề là người bán chỉ muốn bán được hàng, còn người mua thì thiếu hiểu biết như thế nào. Ở khía cạnh người bán, có thể họ thấy nó going giống với áo dài nên mang về, quảng bá nó và đánh đúng vào tâm lý người dùng trong dịp tết này. Họ tạo ra một nguồn cung theo đúng bên cầu.

Áo dài Việt Nam không phải chỉ 1-2 lần cách tân. Trong lịch sử phát triển, chiếc áo dài ban đầu là áo tứ thân, cách tân rất nhiều lần và lần nào cũng gây ra tranh cãi. Tuy nhiên, đến chuẩn mực như hiện nay thì nó đã được gọi là áo dài, nó đã ổn định qua nhiều năm nay là có lý do. Chúng ta có thể làm mới nó, ngắn hơn, dài hơn hoặc rộng hơn… nhưng đều phải dựa trên cái quy chuẩn chung. Các bạn trẻ ngày nay, các bạn tự cho mình cái quyền tiếp nhận cái mới, thì đúng thôi, nhưng các ban cần biết về cái nền tảng, cái truyền thống của mình.

NTK Si Hoang:
"Áo dài cách tân" - trang phục đang gây tranh cãi

Việc các bạn trẻ thoải mái cho rằng cái mình đang mặc là áo dài, kêu gọi mọi người đừng bảo thủ… tôi thấy thật nguy hiểm. Trên đời này, có nhiều kiểu xâm lăng nhưng xâm lăng văn hoá là thứ khiến chúng ta đánh mất mình một cách đáng sợ nhất. các bạn trẻ đang ngộ nhận, và thử nghĩ, nếu trong tư tưởng của thế hệ này và kéo dài về sau, kiểu váy các bạn đang mặc là áo dài Việt Nam, trời ơi sự ngộ nhận ấy mới đáng sợ làm sao.

Cách đây vài ngày tôi có xem ý kiến của bạn Dưa Leo về việc này, tôi không bàn về từ ngữ của bạn ấy, nhưng cái cách mà bạn ấy mỉa mai rằng mọi người đang quá bảo thủ khi bảo vệ áo dài, thật không biết nói sao nữa. Nó thật đáng lo.

Các bạn trẻ, đừng thiếu hiểu biết nữa, đừng tự biến mình thành một công cụ đồng hoá văn hoá của nước khác. Cách đây 7-8 năm, trong một sự kiện giao lưu giữa 2 nước Việt – Nhật diễn ra tại Nhật Bản, trong một trưng bày trang phục truyền thống Trung Quốc, tôi đã chứng kiến bộ trang phục cuối cùng trong mấy chục trang phục trưng bày đó, nó chính xác là áo dài của Việt Nam, nó còn được phối đi cùng với nón lá!

Đó là lý do vì sao tôi xây dựng Bảo tàng áo dài như hiện nay. Những cái thuộc về quốc hồn quốc tuý là cái chúng ta tuyệt đối không thể đánh mất, dù đất nước chúng ta nghèo khó như thế nào. Sắp tới, trong Lễ hội áo dài diễn ra vào tháng 3/2017 do UBND TP.HCM tổ chức, tôi chắc chắn sẽ một lần nữa lên tiếng về việc này.

Duyên Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI