NTK Sĩ Hoàng mở đầu buổi diễn đàn Áo dài trong đời sống hiện đại vào sáng nay tại Nhà Văn hoá Phụ nữ TP.HCM bằng câu chuyện gần gũi về tà áo dài trong hành trình từ xưa đến nay. Ông nhắc nhiều đến thời điểm năm 1934, khi áo cách tân xuất hiện tại Sài Gòn với nhiều mẫu mã và cũng thời điểm này, áo nâng ngực thế chân áo yếm.
NTK Sĩ Hoàng cho biết sau quá trình tìm hiểu, ông biết rằng thời điểm áo ngực xuất hiện, một cuộc phản đối mạnh mẽ từ các nhà nho học nổ ra vì cho rằng phụ nữ không nên phô bày hình thể. “Trong tác phẩm Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, tác giả gọi chiếc áo dài cách tân này với cái tên "chiếc áo hờ hững" thì phần nào chúng ta hiểu được thời điểm đó, sự làm mới này nhận về nhiều ánh nhìn không đồng thuận”, NTK Sĩ Hoàng chia sẻ.
|
Toàn bộ mẫu áo dài trưng bày trong triển lãm Duyên dáng áo dài TP.HCM đều của NTK Tuấn Hải. Triển lãm diễn ra từ ngày 15/3 - 25/3 tại khu vực tiền sảnh của Nhà văn hoá Phụ nữ TP.HCM.
|
Tuy nhiên, NTK cho rằng sau một thời gian áo dài đi dần vào cuộc sống, tà áo truyền thống cần có những thay đổi nhất định để phù hợp hơn, thời trang hơn. “Khi đi về phương Nam, áo dài tiếp nhận thêm đường nét trang phục của người Chăm: thiết kế cổ áo hở, tà áo ngắn. Ở miền Nam, bà Trần Lệ Xuân là người lăng-xê phong trào áo dài hippy, midi nổi bật nhất. Cho đến năm 1989, cuộc thi Hoa hậu Áo dài đầu tiên được diễn ra với danh hiệu Hoa hậu thuộc về Kiều Khanh. Tà áo dài đã đẹp hơn theo đúng nghĩa đen khi chiếc áo ngực đã làm được đúng vai trò của mình”, ông cho biết.
|
|
Bên cạnh đó, để làm rõ hơn quan điểm áo dài thể hiện nữ quyền, NTK Sĩ Hoàng cho biết ở Bảo tàng Áo dài hiện tại đang trưng bày 1 gian về trang phục nội y nhằm thể hiện nữ quyền và đồng thời giới thiệu rõ nét hơn những trang phục của người phụ nữ thời trước: “Thời điểm trước, sự thay đổi về trang phục từ mặc chiếc áo yếm ép ngực cho đến khi được mặc trang phục nâng ngực thì không chỉ về mặt trang phục mà về mặt nhận thức, nam - nữ đã bình quyền cũng đã được thay đổi”.
|
Mẫu áo dài làm từ khăn rằn Nam Bộ |
Ngoài ra, NTK Sỹ Hoàng khẳng định: “Hiện tại, bất cứ người phụ nữ hay đàn ông mặc áo dài, mọi người đều có ý thức điều chỉnh lời ăn tiếng nói, hành vi cử chỉ. Áo dài vô tri, vô giác nhưng nó mang một quy luật ngầm cho người mặc và người đối diện phải tự điều chỉnh bản thân để phù hợp hơn”.
|
Mẫu áo dài với hoạ tiết hoa, công phượng
|
Trong cuộc nói chuyện sáng nay, ngoài sự có mặt của NTK Sĩ Hoàng còn có NSƯT Thành Lộc và bà Đặng Hồng Linh – Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hoá và gia đình, Sở Văn hoá & Thể thao TP.HCM. Trong nhiều câu chuyện, thông điệp được chia sẻ, tất cả khách mời đều mong rằng sau diễn đàn hôm nay, một sự lan toả mạnh mẽ về nhận thức trong việc mặc áo dài được truyền đi nhanh hơn, sâu rộng hơn.
|
Áo dài dành phong cách vua chúa được NTK Tuấn Hải thực hiện
|
Hy vọng vào tương lai nam giới sẽ mặc áo dài nhiều hơn
Chia sẻ trong diễn đàn, NSƯT Thành Lộc cho biết vai trò của nam nghệ sĩ trong Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 5 là truyền cảm hứng mặc áo dài nhiều hơn đến với nam giới: "Trong các buổi nói chuyện tại nhiều trường phổ thông trên địa bàn thành phố, nhiều lãnh đạo nhà trường và học sinh ủng hộ với phong trào nam giới mặc áo dài trong các hoạt động hằng ngày. Đặc biệt là nam sinh cũng sẽ có thiết kế áo dài phù hợp để làm đồng phục. Tôi tin nguồn năng lượng từ mình đã được các thầy, các em hưởn ứng", nghệ sĩ Thành Lộc cho biết.
|
Từ trái sang: người dẫn chương trình, NSƯT Thành Lộc, bà Đặng Hồng Linh và NTK Sĩ Hoàng
|
Đồng tình với chia sẻ của NSƯT Thành Lộc, NTK Sĩ Hoàng cho rằng ông sẽ không đứng ngoài phong trào này nếu nhận được sự ủng hộ: “Bản thân là một nhà thiết kế gắn bó với tà áo dài Việt, tôi rất vui nếu góp được công sức trong việc lan toả phong trào nam giới mặc áo dài. Bản thân áo dài nam giới có phải là quốc phục của đàn ông Việt Nam hay không vẫn còn nhận về nhiều ý kiến trái chiều nhưng tôi tin, nếu phong trào nam giới mặc áo dài được lan toả thì chỉ có đẹp hơn chứ không làm tệ hơn nét văn hoá vốn có của dân tộc".
|
Một sinh viên tò mò trước chất vải của chiếc áo dài
|
Bà Đặng Hồng Linh cũng hào hứng với chia sẻ từ 2 vị khách mời còn lại: “Sự tiếp biến văn hoá trong đời sống hiện tại là một yêu cầu cần thiết trong thời đại thế giới phẳng. Nhiều cặp đôi trên thế giới đã đến Việt Nam để mong được thực hiện nghi lễ cưới truyền thống của Việt, được mặc chiếc áo dài thì những người con mang dòng máu Việt tại sao lại không mặc áo dài trong các hoạt động đời sống hiện tại. Hơn nữa, nam giới mặc áo dài là một điểm thú vị, đáng hoan nghênh để khẳng định tiếng nói bình quyền.
|
Diễm Mi