edf40wrjww2tblPage:Content
Sau khi liên tục tham dự và được chú ý tại các tuần lễ thời trang Los Angeles, Paris… năm 2014, chị vinh dự được bình chọn vào danh sách top 5 giải thường thời trang châu Á (Asian Fashion Award). Tại Việt Nam, không quá ồn ào, không tổ chức sô riêng, không mời một người nổi tiếng nào làm đại diện thương hiệu, chị lặng lẽ làm việc. Thay vào đó, chị xuất hiện nhiều hơn tại các buổi tốt nghiệp, các giờ lên lớp của sinh viên thiết kế, kỹ thuật công nghiệp và các talkshow hướng dẫn làm đẹp, mặc đẹp cho khán giả trên truyền hình.
Những ngày này, NTK Quỳnh Paris đang chuẩn bị cho lần đầu tiên tham dự New York Fashion Week vào tháng 2/2015 tại Mỹ, sau hai lần được mời chính thức...
Muốn được yêu thích một cách tự nhiên
* Trong khi không khí thời trang Việt cuối năm rất sôi động với các sô riêng của NTK và các tuần lễ thời trang, thì chị lại im ắng. Có phải vì chất lượng tổ chức biểu diễn thời trang trong nước không đủ hấp dẫn với Quỳnh Paris, hay được công nhận tại nước ngoài thì sẽ “sang” hơn?
- Mỗi người có một con đường riêng để thực hiện việc quảng bá, kinh doanh thời trang và thỏa mãn niềm đam mê thiết kế của mình. Có người tổ chức những sô diễn rất hoành tráng. Có người đầu tư để xuất hiện trên truyền hình, phương tiện truyền thông... Những cách ấy đều không có gì xấu cả, thậm chí là tốt. Nhưng hiện nay, tôi thích thử thách mình ở những nơi được coi là “sành” về thời trang, như châu Âu hay Mỹ. Khi sô của tôi vừa kết thúc, những diễn viên Hollywood, khán giả và truyền thông quốc tế vây quanh tôi hỏi về bộ sưu tập (BST), lúc đó tôi thấy tự hào về sự “Việt Nam” của mình. Quý hơn nữa là những khách hàng sau đó tìm đến với tôi một cách tự nhiên, và gắn bó với tôi vì hài lòng, chứ không nhờ một biện pháp quảng cáo nào.
* Trước đây có ý kiến cho rằng, những tuần lễ thời trang mà Quỳnh Paris tham dự chỉ có “mác ngoại” nhưng lại chưa danh giá như New York/London/Milan Fashion Week, mà chỉ là ai có tiền thì tham gia. Chị nghĩ sao?
- Tôi đã hai lần được mời tham gia New York Fashion Week (và năm nay thì tôi quyết định tham gia thật). Tôi đã nhận thư đặt hàng của stylist nổi tiếng của Hollywood đặt đồ cho một ngôi sao nữ dự Quả cầu vàng. Trong bài thi ở trường, chuyên gia từ hai hãng Balenciaga và Yves Saint Laurent đã “phê” rằng tôi là người có tài, nhất định sẽ thành công. Trước nay tôi chưa bao giờ đem “khoe” những điều ấy. Tôi không muốn nói đến những điều tôi đã không chọn làm hoặc chưa làm được. Tôi chỉ tham gia trình diễn ở những nơi tôi có văn phòng, có đối tác, nôm na là có quần áo để bán - đó là lý do vì sao tôi chọn Los Angeles, hướng vào thị trường Hollywood. Tôi cũng rất tiếc đơn hàng Quả cầu vàng, nhưng không thể làm lại bộ trang phục mà tôi đã bán, vì đó là dòng sản phầm cao cấp chỉ có một phiên bản duy nhất của mỗi thiết kế, tôi làm cái thứ hai là thiếu tôn trọng, mất uy tín với khách. Mọi người có thể nói rất nhiều điều để phủ nhận những gì bạn có. Nhưng bản thân bạn hiểu rõ mình có những gì, điều đó quan trọng hơn.
* Năm 2014 là một năm rất thành công với chị khi lọt vào top 5 giải thưởng thời trang châu Á (Asian Fashion Award), được truyền thông quốc tế ngợi khen các BST, tham gia thiết kế cho nhạc kịch… Chị còn giải thưởng nào muốn hướng tới?
- Mọi thành tích cũng chỉ là trong một thời điểm, phải qua quá trình lao động dài người ta mới có thể đánh giá chính xác công tâm về một NTK. Được giải thưởng tất nhiên là vui, trân trọng nhưng đó không phải là mục đích tôi hướng tới. Tôi làm thời trang bằng nhiệt tâm và tình yêu, đặt để trong từng BST.
Làm thời trang là làm đẹp cho người và làm... khó cho mình
* Vừa qua khán giả bất ngờ khi chị thiết kế trang phục cho một vở nhạc kịch lớn. Cơ duyên nào dẫn đến sự hợp tác này?
- Điều thú vị là sự cộng tác này đến tự nhiên mà không hề qua một sự quen biết nào. Tổ chức Transposition Na Uy và Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM cần người thiết kế phục trang cho vở diễn Cây sáo thần. Những nhà quản lý người nước ngoài đã tìm đến sau khi tìm thấy các thông tin, thiết kế của tôi trên mạng. Tôi học nhạc cổ điển, tôi hiểu rõ tác phẩm. Tôi có sự giao thoa giữa tính cách người Việt Nam và tư duy thiết kế phương Tây. Tôi có “hồ sơ năng lực” tốt gồm cả các thiết kế và thành tích đã được công nhận. Với những yếu tố đó, họ chọn tôi.
* Chị từng học rồi bỏ nhiều nghề liên quan đến nghệ thuật trước khi đến với thời trang, tại sao vậy?
- Gia đình tôi có truyền thống nghệ thuật, bố tôi đã tốt nghiệp Clarinet tại Berlin, sau đó làm giám đốc Học viện Âm nhạc Huế. Chính vì vậy trường đầu tiên tôi theo học là Nhạc viện. Tôi theo học bộ môn violon và trình diễn suốt nhiều năm, ở các khách sạn lớn tại TP.HCM. Sau đó tôi theo cô tôi, giáo sư - họa sĩ Nguyễn Thị Tâm để học về hội họa. Tiếp tục là học khiêu vũ quốc tế với thầy Du Tố Hà, cô Kim Quy, Hội văn hóa Việt-Xô. Thời trang đến với tôi khá muộn mằn, khi tôi qua Pháp và Thụy Sĩ định cư. Nhưng may mắn thay, đóa hoa nở muộn đó lại rất rạng rỡ. Tôi luôn thấy may mắn vì mình đã đam mê và học hỏi về nghệ thuật trước khi đến với bộ môn này. Thời trang với tôi không phải chỉ là những bộ váy, mà đó là dáng dấp của cả một nền văn hóa, tổng hòa và giao thoa của các bộ môn nghệ thuật.
* Vậy là chị đã tìm thấy một điểm dừng phù hợp nhất và thành công nhất?
- Tôi thấy mình là người dại nhất. Bao nhiêu nghề không chọn, lại đi chọn cái nghề làm đẹp cho người và làm khó cho mình. Trong thiết kế, để làm ra một sản phẩm đẹp nhất cho một người, bạn phải nghĩ cho họ nhiều lắm. Mỗi bộ váy ngốn của tôi từ hai đến bảy ngày làm thủ công. Tôi có ba văn phòng ở ba châu lục khác nhau. Tôi có một gia đình cần phải chăm sóc. Tôi làm đồ dạ hội, đồ công sở, đồng phục cho các cơ quan, trang phục trình diễn tại các tuần lễ thời trang, phục trang sân khấu cho các vở opera nổi tiếng, trang phục cho phim sitcom Sister Code của Mỹ sắp chiếu. Mỗi đêm tôi bắt đầu làm việc từ sau 21g, làm việc hiệu quả nhất tầm 24g và chỉ ngủ khoảng ba-bốn tiếng. Trong tất cả những nghề nghiệp mà tôi đã trải qua, có thể nói đây là công việc vất vả nhất, mất sức nhất, tốn chất xám nhất, nhưng tôi lại yêu thích nhất.
* Hiện nay rất nhiều người có thói quen đem một mẫu thiết kế nổi tiếng đến và yêu cầu NTK “may cho tôi giống như vậy”. Chị đã gặp qua chưa?
- Đó chính là thực trạng “vừa đưa tiền, vừa dạy hư” các NTK trẻ. Có rất nhiều khách hàng, thậm chí là cả người nổi tiếng yêu cầu NTK thỏa mãn ý muốn làm đồ nhái của họ bằng cách copy một mẫu thiết kế của các thương hiệu nổi tiếng, có khi là có biến tấu, có khi là một bản sao giống gần như 100%, càng giống càng tốt. Mà bản lĩnh của các NTK trẻ có khi không đủ hoặc áp lực kiếm tiền để trụ lại với nghề khiến họ không dám lên tiếng, không nỡ từ chối chính là những nguyên nhân khiến thời trang Việt thụt lùi, quẩn quanh với những ồn ào “đạo, nhái” không đáng có.
* Làm sao để cải thiện tình trạng này?
- Bao giờ chúng ta được như người Hàn, người Nhật - ủng hộ hàng trong nước để phát triển sản xuất tiêu dùng thì ngành thời trang mới thực sự phát triển được. Bao giờ người tiêu dùng tôn trọng sự sáng tạo của NTK xứng đáng với tâm sức mà họ đã bỏ ra để tạo nên một bộ trang phục, thì họ sẽ không dùng hàng nhái nữa. Thêm vào đó, giáo trình dạy cho các NTK Việt hiện nay đúng nhưng còn thiếu nhiều quá, mà việc định hướng năng lực bản thân ngay khi còn đi học là rất quan trọng. Khi tôi học ở Pháp, có rất nhiều môn khó nhưng mỗi người đều phải học, marketing như thế nào, xu hướng là gì, tiên phong xu hướng như thế nào, làm thế nào để kiếm tiền cho thương hiệu, vòng lặp của lịch sử thời trang… Thiết kế chỉ là một khâu, còn để tạo ra và duy trì được một thương hiệu đòi hỏi cả một ê kíp.
* Còn lòng tự trọng của những người làm công việc thiết kế thì sao?
- Trong thời trang, sự khắt khe với chính mình là rất quan trọng. Không copy, không trộn lẫn, không nhận lời làm hàng nhái. Ngay cả trong chất liệu, hãy có quy chuẩn. Ngoài việc dùng các chất liệu “độc”, như xơ dừa chẳng hạn, để làm các trang phục biểu diễn, thì vải lụa cao cấp của Quỳnh Paris được nhập trực tiếp từ Pháp. Nếu là hàng đặt may của các đơn vị theo số lượng lớn, giá thấp hơn (như đồng phục), tôi cũng chọn các loại vải tốt của các công ty uy tín trong nước, tôi không bao giờ dùng vải trôi nổi giá rẻ.
* Ở môi trường nước ngoài, chị đã thành công, còn trong nước chị thấy thế nào? Nếu cần chọn, chị muốn vươn lên vị trí số 1 hay thật giàu?
- Trong giới thiết kế này, những người giàu có bằng nghề của mình thực sự không nhiều. Rất nhiều người có tiếng nhưng làm thời trang như nghề tay trái, còn tay phải của họ là buôn nọ bán kia, là có nhà tài trợ. Nhưng nhìn xem, hai bàn tay của tôi đây, tay trái tay phải đều chỉ làm thời trang, sống bằng thời trang suốt nhiều năm qua. Nhưng đừng lấy việc giàu có xênh xang, đừng lấy việc các ngôi sao chọn đồ (thực ra là PR) làm thước đo thành công cho NTK, điều đó làm cho suy nghĩ của các NTK trẻ bị lệch lạc và ảo tưởng. Tôi đã thấy những người giỏi vừa vừa thì nổi tiếng, rất giỏi thì lại lặng yên… Cuộc sống luôn tồn tại những giá trị ảo, nhưng đừng ảo quá nhiều lấn lướt cả cái thật. Còn vị trí số 1, số 2… ở Việt Nam, nói thật tôi không định hướng tới.
* Nhà thiết kế Quỳnh Paris tên thật là Nguyễn Quỳnh Như. * Tốt nghiệp học viện thời trang quốc tế ModArt, Paris, Nhạc viện TP.HCM. * Từng là nghệ sĩ violon, dancer, họa sĩ, chuyên viên thẩm mỹ, người mẫu trước khi đến với nghề thiết kế. * Top 5 giải thưởng thời trang châu Á - hạng mục Nhà thiết kế. * Các BST được chú ý: Áo dài Sen (Festival Huế) Phương Đông lối, Thiên nhiên kỳ ảo - Lá thay mùa (trình diễn tại Paris), Nhìn về tương lai, Purity (Style Fashion Week - Los Angeles)… |
TUỆ NHÃ
(thực hiện)