Đừng dùng chữ “chuyên nghiệp” cho thời trang Việt
* Chào Hà Trương, chị nghĩ thời trang Việt Nam đang đứng ở đâu giữa hai chữ “chuyên nghiệp” và“không chuyên nghiệp”?
- Thời trang Việt Nam không chuyên nghiệp, nếu nó đứng ở giữa sự “chuyên nghiệp” và “không chuyên nghiệp” thì đã quá tốt rồi. Tôi không nói là không có người chuyên nghiệp mà chúng tôi không thể chuyên nghiệp bởi những hạn chế vô cùng lớn. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu có rất nhiều người tài năng và sáng tạo lại chẳng muốn sáng tạo thật nhiều và chuyên nghiệp nữa. Chúng tôi đang sống ở một giai đoạn của một đất nước đang phát triển, có rất nhiều vấn đề mà chỉ thời gian mới có thể thay đổi được. Hơn nữa, sự sáng tạo trong thời trang Việt Nam không phải lúc nào cũng được tôn trọng.
* Vậy, mối quan hệ giữa nhà thiết kế và người mẫu thì sao?
- Mối quan hệ giữa nhà thiết kế và người mẫu là cùng nhau giúp đỡ, làm đẹp cho nhau, cả hai bên cần nhau chứ không bên nào cần bên nào hơn. Một số người mẫu nổi tiếng nghĩ rằng họ mặc đồ của nhà thiết kế là quảng bá cho nhà thiết kế, do đó nhà thiết kế phải cần họ hơn để đem được những sản phẩm của mình ra bên ngoài, nhưng họ quên mất rằng, những sản phẩm đó là sự sáng tạo, là công sức và tâm huyết của nhà thiết kế. Tôi tin rằng những nhà thiết kế có lòng tự trọng sẽ không cần người nổi tiếng quảng bá hộ, nếu họ có thái độ thiếu tôn trọng mình. Ở nước ngoài, mối quan hệ giữa người nổi tiếng và nhà thiết kế rất bình đẳng và tốt đẹp. Tôi có người bạn làm thiết kế cho Paul Smith, khi người bạn của tôi liên hệ với Kate Moss, một người mẫu nổi tiếng trên thế giới, để quảng bá cho thiết kế của mình thì Kate Moss tỏ ra rất lịch sự và nhận lời với vẻ lịch thiệp.
* Vấn đề nổi cộm của sàn diễn thời trang trong nước là vị trí vơ-đét (vedette) và những lùm xùm quanh nó. Hà Trương nghĩ thế nào về vị trí vơ-đét trong một show diễn?
- Tôi thích một số người mẫu này hơn một số người mẫu khác và đó là lý do vì sao họ luôn xuất hiện trong các show diễn của tôi. Nhưng tôi nhận ra rằng, tất cả mọi người đều làm việc chăm chỉ như nhau thì tại sao những gì được coi là tinh hoa của show diễn đó lại chỉ tập trung vào vơ-đét? Theo tôi, vơ-đét là người không cần được dẫn ra bởi nhà thiết kế thì người xem mới biết đấy là vơ-đét. Họ chỉ cần xuất hiện và thể hiện đẳng cấp của mình thông qua việc trình diễn trang phục, như vậy đủ để khẳng định họ là vơ-đét.
Một số nhà thiết kế đang copy thái quá
* Thời trang ngày càng tiến tới tính đơn giản trong thiết kế và sự cầu kỳ trong chất liệu cũng như kỹ thuật cắt may. Chị có nghĩ là càng đạt đến sự đơn giản trong thiết kế bao nhiêu thì các nhà thiết kế càng có lý do biện minh cho việc đạo ý tưởng của mình bấy nhiêu?
- Khi bạn nổi tiếng, bạn sẽ gặp phải sức ép từ phía người hâm mộ, bạn sẽ chạy theo những đòi hỏi của người hâm mộ mà bỏ qua những nguyên tắc đặt ra cho chính mình khi mới bước chân vào ngành công nghiệp thời trang. Đây chính là tính thương mại hóa của các nhà thiết kế khi đưa ra những bộ sưu tập của mình. Nếu bạn không muốn bị cuốn theo dòng nước của ngành công nghiệp này, bạn sẽ bị đào thải, đơn giản là như vậy.
* Chính bởi áp lực đó mà câu chuyện copy - nhái của một số nhà thiết kế thời trang Việt cũng là một đề tài được mổ xẻ nhiều. Với cái nhìn của người trong cuộc, chị thấy sao?
- Tôi nhận thấy có một số nhà thiết kế copy một cách thái quá từng đường kim mũi chỉ, thậm chí là toàn bộ những chi tiết quan trọng và đặc
Hà Trương là ai? Họ và tên: Hà Trương Trình độ học vấn: Khoa Sư phạm Ngoại ngữ - Đại học Thăng Long - Hà Nội, Esmode Paris - Pháp Tên các thương hiệu: Mirrormirror và Ha Truong Các sự kiện đã tham gia: Đẹp fashion show, Elle fashion show và F fashion show Các giải thưởng đã đạt được: Nhà thiết kế xuất sắc nhất năm 2004 - Giải thưởng Mercedez Ben Fashion Award Màu sắc chủ đạo trong các thiết kế: Đen và Trắng Nhà thiết kế yêu thích: Chanel |
trưng nhất của nhà thiết kế khác. Ví dụ một số nhà thiết kế Việt Nam tôn sùng Alexander McQueen và luôn đưa vào bộ sưu tập cũng như buổi trình diễn của mình những nét của Alexander McQueen. Chính vì có nhiều người thích điều đó và nghĩ đó là xu hướng nổi bật nên các nhà thiết kế buộc phải bắt chước một cách gượng ép. Thời trang là công việc sáng tạo, mà sáng tạo là làm những gì chưa ai làm. Sáng tạo là sự dũng cảm, chứ nó hoàn toàn không phải và không thể nào là sự bắt chước. Bạn thử tưởng tượng một show diễn có bốn-năm nhà thiết kế mà các trang phục na ná nhau về chất liệu, kiểu dáng, phong cách thì show diễn đó sẽ nhàm chán như thế nào!
* Nghe có vẻ như chị đang xót xa cho những người hoạt động sáng tạo?
- Tôi cho rằng bản thân sự sáng tạo, không riêng gì trong thời trang mà trong mọi mặt của cuộc sống, đáng được vinh danh và đặt ở một vị trí trang trọng. Tôi luôn dành cho những người thủ công đan rổ, đan nón sự tôn trọng nhất định, bởi họ dùng sự sáng tạo và khéo léo của mình để cho ra đời những sản phẩm của riêng họ.
* Ở phương diện cá nhân, chị đối mặt với thực tế đó như thế nào khi chữ sáng tạo luôn là một thử thách quá lớn như thế?
- Bản thân tôi không bao giờ dễ dãi trước những yêu cầu về sáng tạo của mình. Tôi luôn quan tâm đến những chi tiết nhỏ nhất theo cách tôi cảm nhận. Chỉ khi nào hài lòng với những sáng tạo của mình thì tôi mới có thể tự tin giới thiệu sản phẩm rộng rãi đến công chúng.
Thương hiệu Hà Trương không dành cho số đông
* Nhà thiết kế thời trang Việt Nam thường khu biệt mình trong một số khách hàng thân quen đi theo họ cả một chặng đường dài, chị có nằm trong số những người như vậy?
- Tôi cũng có những khách hàng đã quen thuộc với thương hiệu 5 năm, 10 năm, có những người mua đến một nửa bộ sưu tập của Hà Trương mỗi khi ra mắt, và họ là những người hiểu được giá trị tinh thần cũng như giá trị thời trang của Hà Trương. Chính vì thế, tôi muốn nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng của mình thông qua showroom ở Làng Yên Phụ của tôi, nơi khách hàng có thể đặt hẹn trước để có nhiều thời gian lựa chọn trang phục thích hợp và được tư vấn một cách hài lòng nhất.
* Hà Trương của hiện tại đã nắm trong tay hai thương hiệu MIRRORMIRROR và HÀ TRƯƠNG nhưng hai thương hiệu này chưa thực sự nổi tiếng. Bạn không chú trọng đẩy mạnh marketing và hình như đó cũng là thực trạng chung của các nhà thiết kế Việt Nam, khi mà nhắc tên ai cũng biết nhưng hỏi họ sở hữu thương hiệu nào thì rất ít người nhớ?
- Sự nổi tiếng cần có thời gian. Tôi xác định rõ đối tượng khách hàng của mình là ai và cách tiếp cận đối tượng của mình như thế nào. Khách hàng của tôi là những phụ nữ từ độ tuổi 30 trở lên, họ là những người thành đạt, lịch sự, có vị trí trong xã hội. Họ cũng là những người yêu thích thời trang, có gu thời trang và tôn trọng sự sáng tạo. Thương hiệu Hà Trương không cho số đông. Nếu bạn hỏi tại sao không có nhiều người biết đến Hà Trương thì tôi cũng không thanh minh đâu.
* Có thương hiệu thời trang nào trong nước mà chị thấy cách họ quảng bá đáng để học hỏi?
- Nói về cách PR cho một thương hiệu, tôi thực sự cảm thấy khâm phục Luala qua những show giao hưởng trên đường phố của họ. Họ là những người PR sáng tạo và xứng đáng được đề cao. Tôi thích đề cập đến PR sáng tạo, bởi sẽ là một sự mạo hiểm nếu chỉ nghĩ đến sự sáng tạo mà xem nhẹ lợi ích doanh nghiệp thu được từ việc PR. Với Luala, họ chỉ quan tâm đến tính sáng tạo và hướng đến lợi ích của công chúng hơn là lợi ích của bản thân. Vì thế, tôi rất tôn trọng những gì họ làm được.
* Xin cảm ơn chị!
Hiếu Cao (thực hiện)