Những mảnh da từ vỏ hải sản và bã cà phê
Sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, nơi có rất nhiều rác thải dệt may cũng như quần áo cũ, Uyên Trần mặc đồ “second-hand” suốt thời thanh thiếu niên. Hầu hết những món đồ cũ đó có xuất xứ từ châu Âu. Những ngày đi lùng trang phục ở các chợ quần áo cũ tại Đà Nẵng đã nuôi dưỡng niềm yêu thích thời trang của cô gái sinh năm 1993.
|
Nhà thiết kế chất liệu Uyên Trần |
“Tuy nhiên, đôi khi những món đồ cũ không được xử lý đúng cách hoặc không ai muốn mua lại, dẫn tới những trải nghiệm không mấy vui vẻ khi chứng kiến quê nhà dần bị ô nhiễm trầm trọng vì rác thải của ngành dệt may” - Uyên nói.
Một trong những lý do khiến việc xử lý “rác thải” thời trang trở nên quá sức với những đất nước đang phát triển chính là sợi vải tổng hợp - chất liệu nền phổ biến - không thể tự phân hủy sinh học.
Khi sang Mỹ du học (năm 2012), Uyên giấu gia đình suốt hai năm đầu đại học để theo đuổi ngành thiết kế thời trang, trong khi cha mẹ mong muốn cô chọn kinh tế hay kỹ thuật. Tốt nghiệp đại học Mỹ thuật San Francisco, Uyên Trần chuyển đến kinh đô thời trang New York và làm việc cho thương hiệu Alexander Wang, Peter Do.
Trải nghiệm thực tế giúp Uyên tiếp xúc với chất liệu vải tổng hợp tại các công ty thời trang nhưng cô chưa bao giờ ngừng suy nghĩ về những “chất thải” thời trang Đà Nẵng quê cô đang hứng chịu cũng như vấn đề lớn của ngành công nghiệp này: ô nhiễm
môi trường.
|
Sản phẩm “da” TômTex |
Cơ quan Điều phối các hoạt động môi trường của Liên Hiệp Quốc (The United Nations Environment Programme) cho biết khoảng 60% các loại vật liệu dùng để sản xuất ra quần áo là từ nhựa - loại rác thải rất khó phân hủy sau khi đã sử dụng. Mong muốn tìm ra con đường làm thời trang bền vững hơn, Uyên dừng công việc thiết kế thời trang và chuyển sang nghiên cứu.
Cô theo học thạc sĩ ngành thiết kế vật liệu tại Học viện Thiết kế Parsons - một trong những trường danh giá nhất tại Mỹ trong lĩnh vực thời trang.
Như bao người xa xứ, Uyên nhớ về quê hương nhưng đó không chỉ là những món ăn ngon, những cảnh đẹp mà cô còn nghĩ về những gì gợi nhắc đến Đà Nẵng, chẳng hạn như nhà máy hải sản gần ngôi nhà cũ hay bã cà phê chính cô vứt bỏ mỗi sáng. Tất cả đã thôi thúc Uyên bắt đầu nghiên cứu chất liệu sinh học từ vỏ hải sản và bã cà phê.
Quá trình nghiên cứu giúp Uyên nhận thấy có thể tận dụng nguồn chitosan - chất dẻo sinh học (biopolymer) có trong vỏ hải sản hoặc nấm để tạo ra loại vật liệu mới có thể thay thế cho da tự nhiên và da nhân tạo. “Là một nhà thiết kế chất liệu, tôi nhận thức được rằng chất thải của ngày hôm nay hoàn toàn có thể trở thành nguồn tài nguyên thô cho tương lai” - Uyên nói.
Uyên mất sáu tháng để ổn định nguyên mẫu đầu tiên của chất liệu da TômTex. Ban đầu, mẫu thử hoàn toàn trong suốt, không có bất kỳ màu sắc hay họa tiết bề mặt. Đối với số đông, có lẽ nguyên mẫu đó trông giống với một miếng bọc nhựa dẻo tự nhiên hơn là da thuộc.
Hỗn hợp này được nhuộm bằng than, cà phê và đất son để tạo ra nhiều màu sắc, rồi phơi khô ở nhiệt độ phòng nên không cần nhiệt, nhờ đó tiết kiệm năng lượng và giảm lượng khí thải carbon. Để tạo hoa văn bề mặt, nhà thiết kế tự làm thủ công bằng đất sét hoặc in 3D theo yêu cầu.
Nếu phủ thêm một lớp sáp ong, sản phẩm da sinh học của TômTex có khả năng chống nước. Nó cũng có thể được tùy chỉnh công thức để thành phẩm trông giống da, cao su hoặc nhựa. Vì vậy, các ứng dụng có thể vượt ra khỏi lĩnh vực thời trang để dùng sản xuất bao bì, làm nội thất hoặc thiết kế công nghiệp. Khi thành phẩm từ vật liệu hết tuổi thọ, nó có thể được tái chế hoặc phân hủy sinh học, hạn chế tác hại tới môi trường.
Sau khi sản xuất thành công mẫu vật liệu đầu tiên trong phòng thí nghiệm của trường Parsons, Uyên đưa ý tưởng vào luận văn tốt nghiệp thạc sĩ và tham gia một số cuộc thi về đổi mới sáng tạo ở Mỹ. Ý tưởng mang tính ứng dụng cao và có thể giải quyết được bài toán môi trường giúp cô lọt vào vòng chung kết LVMH Innovation Award 2021 (giải thưởng từ Tập đoàn LVMH ủng hộ các sáng kiến mới có sáng tạo, đổi mới và mang tinh thần kinh doanh trên thế giới).
Sản phẩm da từ TômTex cũng nhận được huy chương Vàng tại IDEA (Idea Sustainable Award) - giải thưởng dành cho các thiết kế trong nhiều lĩnh vực bao gồm chiến lược thiết kế, xây dựng thương hiệu và tương tác kỹ thuật số cùng một số giải thưởng lớn khác trong ngành thời trang.
Sản xuất vì trách nhiệm với môi trường và cộng đồng
TômTex ra đời sau khi nhận 1,7 triệu USD từ SOSV, Gaingel/C3, Climate Tech VC cho 10% cổ phần. Uyên Trần mời Atom Nguyễn - người bạn thân nhiều năm - đảm nhiệm việc hoạch định chiến lược kinh doanh và vận hành TômTex.
|
Đội ngũ TômTex trong phòng thí nghiệm |
Tháng 11/2021, TômTex ký biên bản ghi nhớ với Vietnam Food - công ty chuyên thu gom và xử lý phụ phẩm tôm (gồm đầu và vỏ tôm) hướng tới mục tiêu cùng phát triển các giải pháp ứng dụng chitosan từ phụ phẩm tôm trong ngành dệt may và thời trang. TômTex được ghép từ chữ “tôm” trong tiếng Việt và chữ viết tắt của “textile” là cách Uyên khẳng định chất Việt Nam hiện diện trong sản phẩm của cô và cộng sự.
Theo Uyên, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, đồng nghĩa với việc có đủ nguồn vỏ tôm để chiết xuất chitosan. Uyên cho biết, việc tìm ra vật liệu không chỉ đến từ khát vọng thành công còn đến từ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. “Tôi muốn tạo dựng được doanh nghiệp đề cao giá trị con người và đặt trách nhiệm bảo vệ môi trường lên hàng đầu” - Uyên cho biết. Theo cô, sản phẩm “da vỏ tôm, bã cà phê” này được làm từ nguồn nguyên liệu 100% tự nhiên vốn rất dồi dào, không bao gồm bất kỳ loại nhựa dẻo nào để tạo nên chất liệu bền vững.
Không phải sản phẩm chất liệu sinh học nào cũng giống nhau. Một vài trong số đó được thêm hậu tố “sinh học” do nhà sản xuất sử dụng vật liệu chiết xuất từ các cá thể tự nhiên nhưng pha trộn với cao su PU hoặc nhựa dẻo PLA. Những phát minh pha trộn này không có khả năng tự phân hủy sinh học trong môi trường tự nhiên. Chúng ta không thể phủ nhận rằng rất nhiều công ty/thương hiệu đang tung ra loạt thông tin tiếp thị gây hiểu lầm và hiện tượng “tẩy xanh” vật liệu vẫn còn tồn tại”. Uyên Trần |
“Khách hàng mục tiêu của chúng tôi là các hãng thời trang cao cấp, các nhà buôn và nhà phân phối hàng dệt may. Chúng tôi cũng sẽ tập trung vào thương mại điện tử” - Uyên chia sẻ về mô hình kinh doanh của TômTex.
Hiện tại, bên cạnh vai trò điều hành, Uyên còn trực tiếp nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Đối với những nghiên cứu sâu về hóa học, cô có đội ngũ ba nhà nghiên cứu trẻ tham gia. Đây cũng là cơ duyên giúp họ biết tới Ross McBee - tiến sĩ ngành gen tổng hợp và vật liệu sống tại Đại học Columbia, trở thành đồng sáng lập TômTex, phụ trách mảng vận hành khoa học.
Uyên đang bận rộn chuẩn bị giới thiệu bộ sưu tập từ vật liệu sinh học do TômTex sản xuất tại Tuần lễ Thời trang New York tháng 9/2022. Còn TômTex đang chuẩn bị tiếp tục vòng gọi vốn thứ hai, với mục tiêu huy động 5 triệu USD.
Nếu thuận lợi, Uyên ước tính hết năm 2023, TômTex sẽ bắt đầu sản xuất và thương mại hóa vào năm 2024. Cuối năm nay, TômTex dự kiến sản xuất khoảng 1.000m2 vật liệu đầu tiên, có thể lên tới 10.000m2 vào cuối năm sau và 1 triệu mét vuông vào cuối năm 2024.
Ngoài thân thiện với môi trường, chất liệu của TômTex còn có ưu điểm về chi phí - rẻ hơn khoảng một nửa so với các loại da thông thường vì nguyên liệu từ phụ phẩm rẻ hơn và quy trình sản xuất không mất nhiều chi phí nhân công.
Thư Hiên
- Ảnh: Nhân vật cung cấp