NSX “Kẻ ăn hồn” đầu tư kinh phí lớn cho phục trang

15/11/2023 - 12:11

PNO - Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho rằng sự đầu tư này là cần thiết, xứng đáng để tạo ra phần nhìn thu hút, thuyết phục khán giả, bên cạnh nội dung phim.

Hình ảnh đám cưới đeo mặt nạ chuột gây ấn tượng Trong phim điện ảnh Kẻ ăn hồn
Hình ảnh đám cưới đeo mặt nạ chuột gây ấn tượng trong phim điện ảnh Kẻ ăn hồn

NSX phim Kẻ ăn hồn vừa giới thiệu teaser trailer cách đây ít ngày. Trong đó, phục trang của nhân vật trong phim gây chú ý, đặc biệt ở phân cảnh đám cưới mà mọi người đều đeo mặt nạ chuột - lấy cảm hứng từ tranh Đám cưới chuột. 

Phân cảnh này gây tò mò vì đám cưới rước dâu giữa đêm. Thay cho tiếng cười nói, chúc phúc là tiếng chiêng, mõ. Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết cảnh đám cưới chuột ngụ ý rằng dân làng Địa Ngục chấp nhận sống ẩn dật, thấp hèn và xa lánh thế sự như lũ chuột, bởi tội ác từ tổ tiên vốn là nhóm cướp ô hợp. Ngoài ra, hình ảnh ấy còn thể hiện tâm thế luôn né tránh nghiệp dữ rình rập cả làng, khi đời trước đã gây hoạ. 

Phục trang là yếu tố quan trọng của phim. NSX mất 5 tháng từ khâu bàn bạc, lên ý tưởng cho đến khi thực hiện thành mẫu thật. Có 4 người đảm nhận chính cho việc này gồm đạo diễn Trần Hữu Tấn, họa sĩ Duy Văn (phác thảo), họa sĩ Phan Thanh Nam (cố vấn kiến thức sử học) và nghệ nhân Nabon Chua thực hiện.

Bộ hỷ phục của tân lang, tân nương và Thập Nương được thực hiện kỳ công, tỉ mỉ. Toàn bộ trang sức được một đơn vị sản xuất riêng. Đạo diễn cho biết, vì số lượng diễn viên đông nên trang phục phải được chuẩn bị sớm mới đảm bảo tiến độ công việc. 

Trang sức được thực hiện tỉ mỉ cho từng trang phục trong phim
Trang sức được thực hiện tỉ mỉ cho từng trang phục trong phim

Thời điểm quay phim thời tiết nóng ẩm, nên trang phục phải vừa đáp ứng được tiêu chí của đoàn, vừa giúp diễn viên cảm thấy thoải mái để nhập vai. Vì thế, việc tìm chất liệu cũng mất nhiều thời gian, bởi theo đạo diễn, nếu dùng vải hiện đại, thoáng mát, thì lại không đúng với không gian của phim. 

Chất liệu chính của trang phục là vải lanh của đồng bào dân tộc Mông. Tùy theo hoàn cảnh, xuất thân của nhân vật mà tính chất vải cũng khác nhau.

Chẳng hạn, hỷ phục sẽ làm bằng vải lanh dệt kỳ công, hoàn thiện tỉ mỉ. Còn trang phục của người dân bình thường làm từ vải lanh thô. Riêng trang phục của Thập Nương được trộn phối nhiều chất liệu, bởi đây là nhân vật hư cấu. Việc tạo ra nhiều layer trang phục giúp nhân vật trông có chiều sâu, ấn tượng, phù hợp hình tượng được xây dựng.

Trang phục được làm theo mô tuýp cổ phục, hoặc lấy cảm hứng từ cổ phục Việt Nam. Vấn đề này đã gây tranh cãi và nhiều phim cũng từng vấp phải.

Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết: “Chúng tôi cũng tính toán kỹ. Dĩ nhiên, tranh cãi là điều chúng tôi không mong muốn. Trong tầm hiểu biết, sự nghiên cứu kỹ lưỡng của chúng tôi, hy vọng phục trang trong phim sẽ làm hài lòng khán giả. Nhưng đây không phải phim lịch sử, mà chuyển thể từ tiểu thuyết, nên có những sự hư cấu, mốc thời gian cũng không chính xác hoàn toàn. Tuy nhiên, chúng tôi cam đoan trang phục đều được phát triển dựa trên cổ phục Việt Nam như: giao lĩnh, ngũ thân… Câu chuyện hư cấu, nên chúng tôi có sự sáng tạo thêm để mọi thứ trông kỳ ảo”.

Trang phục của nhân vật Thập Nương do diễn viên Lan Phương thủ vai có sự sáng tạo thêm
Trang phục của nhân vật Thập Nương do diễn viên Lan Phương thủ vai có sự sáng tạo thêm

Đạo diễn không tiết lộ con số cụ thể, nhưng cho biết mức đầu tư cho trang phục trong phim “khá lớn”. Mà theo anh ở đây chữ “khá” đã nhẹ bớt. Tất cả trang phục may mới vì không mượn được ở đâu, trong khi số lượng diễn viên lớn. Đi kèm trang phục là phụ kiện, trang sức, giày rơm, áo tơ… Thông qua phục trang, tính cách nhân vật cũng được phác họa. 

“Với tác phẩm cổ trang, phần nhìn rất quan trọng. Trong đó, trang phục là yếu tố hàng đầu tạo nên điều này. Khi xem một câu chuyện xưa, nhưng phục trang không đúng, thì khán giả khó thích liền”, đạo diễn Trần Hữu Tấn chia sẻ. 

Phim lần này tiếp tục tô đậm con đường phim kinh dị của đạo diễn Trần Hữu Tấn, sau loạt phim trước như: Bắc kim thang, Rừng thế mạng, Chuyện ma gần nhà… Anh nói dẫu có là phim tình cảm hay kinh dị, hoặc bất kỳ thể loại nào, thì “điều cốt lõi với riêng tôi là muốn quảng bá văn hóa dân gian của nước mình”.

*Đạo diễn, diễn viên, NSX chia sẻ về phục trang của phim:

 

Từ thành công nhất định của series Tết ở làng địa ngục, cộng với thị trường bắt đầu sôi động hơn vào thời điểm cuối năm, khiến đạo diễn và NSX Kẻ ăn hồn gặp áp lực khi ra mắt. “Thị trường khó, khán giả khó, buộc NSX, diễn viên, đạo diễn… phải thật sự nghiêm túc với con đường này. Tôi nghĩ áp lực khiến chúng ta phải làm việc hết sức, và có thể mang đến những niềm vui lớn hơn sau đó”, đạo diễn Trần Hữu Tấn tâm sự.

Kẻ ăn hồn dự kiến khởi chiếu vào ngày 8/12. Phim kể câu chuyện về hàng loạt cái chết bí ẩn ở một ngôi làng bí ẩn - nơi có kẻ đang âm thầm luyện loại ma thuật cổ xưa: 5 mạng người đổi bình rượu sọ người. Trong đó, Thập Nương - cô gái áo đỏ là kẻ nắm giữ bí thuật luyện nên loại rượu mạnh nhất.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI