Sinh trưởng trong gia đình nghèo khó, không có ai theo nghệ thuật, cha mẹ chỉ đủ tiền lo ăn cho các con, có thể nói tuổi thơ cơ cực đã giúp cho NSƯT Việt Anh quen với cuộc sống tự lập. Đi thanh niên xung phong và bắt đầu bước ra đời “kiếm cơm” năm 18 tuổi, rồi cơ duyên đưa đẩy anh từ chàng trai đang miệt mài học nhạc, chỉ sau một buổi nói chuyện với người thầy dạy kịch, Việt Anh đã bỏ nhạc để đến với kịch và thành danh.
|
NSƯT Việt Anh thời trẻ |
Nếu như con đường sự nghiệp của Việt Anh khá may mắn và suôn sẻ thì cuộc đời anh lại lắm truân chuyên. Chấp nhận cuộc sống đơn độc, chọn khách sạn làm nhà và ăn cơm hàng mỗi ngày ở tuổi 61 nhưng khi tiếp xúc với NSƯT Việt Anh, người đối diện luôn nhìn thấy sự lạc quan nơi anh. Dường như những khó khăn, sóng gió trong cuộc đời chưa bao giờ khiến người đàn ông này gục ngã hay đánh mất nụ cười vốn có.
11 năm xem khách sạn là nhà
- Thời gian qua, khán giả không thấy anh xuất hiện nhiều trên các phim truyền hình hay sân khấu kịch như trước, phải chăng anh đang có hướng đi khác ngoài nghệ thuật?
Hai năm nay tôi ít diễn ở sân khấu kịch, chủ yếu là đi quay phim, tiểu phẩm, sitcom. Hiện tại, tôi đang “ở không” do sân khấu 5B Võ Văn Tần đóng cửa sửa chữa, thêm phần hoạt động phim ảnh lúc này hạn chế, phim truyền hình cũng không còn như ngày xưa nên tôi cũng ít show. Sắp tới, tôi sẽ trở lại với công việc giảng dạy tại sân khấu của Quốc Thảo.
Clip tiểu phẩm hài "Dạy con từ đâu" với sự tham gia diễn xuất của NSƯT Việt Anh:
- Với khối lượng công việc thưa thớt như anh vừa chia sẻ, cuộc sống anh có gặp khó khăn khi phải chi nhiều khoản phí cho việc ở khách sạn và ăn cơm hàng mỗi ngày?
Tôi còn phải phụ cấp tiền cho con gái đi học nước ngoài nữa nhưng nói chung tôi cũng tàm tạm và sống được. Hiện tại thì con gái tôi đã tốt nghiệp lớp 12 rồi nên cũng đỡ, cháu nó vô đại học thì mượn tiền Nhà nước nên tôi “nhẹ” phần nào, bây giờ tôi chỉ lo cho cuộc sống bản thân. Thu nhập ít, chi nhiều nên cũng vất vả lắm nhưng tôi biết liệu cơm gắp mắm. Suốt 11 năm xem khách sạn là nhà và ăn cơm hàng, tôi chưa bao giờ cảm thấy bế tắc về kinh tế, chưa đến nỗi đó, vẫn còn tồn tại được. Dường như cái số của tôi là phải ở ngoài đường, từ nhỏ đến lớn tôi đâu có nhà đâu, đến khi lấy vợ sinh con, xây được căn nhà tương đối rộng và đẹp ở cùng vợ con nhưng cũng chỉ được 6 năm rồi đi ra đường đến giờ luôn.
Tôi không có duyên dành dụm, lúc mới chia tay bà xã Phương Linh, tôi có chút tiền mua đất nhưng sau đó bạn bè gặp khó khăn, tôi đem cho bạn mượn cầm cố rồi họ không có khả năng chi trả nên tôi mất hết. Tôi cũng không đòi vì biết rõ người ta không có tiền trả nên thôi cứ để vậy đi. Vật chất với tôi là điều bình thường, tình bạn mới quan trọng! Người ta đang gặp khó mà mình còn đẩy họ vào thế khó nữa thì không hay lắm.
- Để giữ tình bạn, anh chấp nhận hy sinh vật chất, nhưng anh có nghĩ lúc mình khó khăn thì ai sẽ giúp mình đây?
Tôi nghĩ cuộc sống có luật bù trừ, mình giúp người thì sẽ có người khác giúp mình. Hơn 60 năm tồn tại và 30 năm gắn bó với nghệ thuật, tôi thấy cuộc đời mình đã được rất nhiều. Tôi được trải nghiệm, tích lũy vốn sống phong phú, được nuôi dưỡng tâm hồn ngày một lớn lên khiến bản thân mình vị tha, nhân ái hơn, điều đó là điều quan trọng nhất của người nghệ sĩ nói riêng và con người nói chung. Còn danh vọng, tiền tài... nó đến rồi lại đi thôi, không quan trọng! Cái còn ở lại với mình là tấm lòng, sự hiểu biết, nhờ sân khấu và nghệ thuật mà suy nghĩ tôi lớn dần.
- Thông thường, nghệ thuật mang đến cho nghệ sĩ nhiều điều nhưng cũng buộc người ta phải đánh đổi vài thứ, quy luật này có xảy ra trong sự nghiệp của NSƯT Việt Anh hay không?
Tôi may mắn khi được Tổ nghiệp thương, gieo duyên và sống với nghề một cách thuận lợi từ những ngày đầu, xuất hiện trên sân khấu chuyên nghiệp lần đầu là đã nổi tiếng và được nhiều người biết đến ngay. Tôi trưởng thành và được tôi luyện trong môi trường chuyên nghiệp với kịch bản chất lượng, đồng nghiệp giỏi chuyên môn nên phát triển nghề rất dễ. Còn các nghệ sĩ trẻ ngày nay được thuận lợi về mặt truyền thông đại chúng, tham gia nhiều gameshow nhưng không được tôi luyện ở những vở diễn có tầm vóc, đó cũng là sự thiệt thòi, được cái này thì mất cái kia.
Ngày xưa truyền hình giải trí hằng đêm chỉ chiếu có 2 tiếng đồng hồ và chỉ phát trên một kênh duy nhất nên để nổi tiếng, người nghệ sĩ phải chứng tỏ bằng thực lực. Còn ngày nay, người ta có thể nổi tiếng chỉ sau một đêm thức dậy, do đó quá trình hình thành nghề nghiệp ít. Mà cái gì nhanh quá cũng không tốt, bệ đỡ về truyền thông đang làm giảm chất lượng nghệ sĩ. Nếu các bạn trẻ biết tận dụng lợi thế truyền thông nhưng vẫn không ngừng tôi luyện, trau dồi nghề hơn để làm dày lên sự hiểu biết thì vai diễn của mình mới thành công.
Khi làm việc với nghệ sĩ trẻ tôi cũng gặp đôi chút khó khăn, khoảng cách nhận thức giữa hai thế hệ khác nhau bởi môi trường sống không giống nhau và hơn nữa là kỹ năng nghề nghiệp của các bạn hơi kém. Đương nhiên phải chấp nhận, tôi không bắt người ta phải như mình hay ở tầm vóc mong muốn nhưng tôi cũng học được từ sự yếu kém đó, vì sao lại yếu như thế chứ không phải chỉ học ở những người giỏi hơn mình, thú vị lắm!
- Hơn 30 năm hoạt động nghệ thuật, “lửa nghề” trong anh có còn cháy rực như trước hay không?
Tất nhiên là không rồi nhưng cảm xúc thì luôn đong đầy mỗi khi tôi bước lên sân khấu. Bây giờ tôi không còn xem kỹ kịch bản nữa, biên kịch hay đạo diễn chỉ cần nói sơ qua về vai diễn là tôi tự biết mình diễn ra sao và tôi nhận kịch bản vì kinh tế hơn là lựa chọn kịch bản hay hay dở, làm kiếm tiền nuôi mình nuôi con. Tuy nhiên, đối với tôi không có khái niệm vai diễn dở chỉ có người diễn viên kém, kịch bản có thể không hay nhưng vai diễn là tùy thuộc vào khả năng của diễn viên, do diễn viên làm không ra.
- Không đọc kịch bản trước và chỉ chuyên tâm diễn xuất, có thể NSƯT Việt Anh làm tròn vai diễn của mình nhưng tổng thể kịch bản không hay sẽ phần nào ảnh hưởng đến “thương hiệu” Việt Anh khi anh nhận lời tham gia, anh có lo ngại điều này?
Không, tôi không quan tâm, tôi biết tôi làm cho vai mình hay, còn chuyện kịch bản hay sản phẩm không hay là do ông đạo diễn, phim là của đạo diễn còn sân khấu mới là do diễn viên quyết định. Giờ tôi không nhận thì sẽ có đồng nghiệp khác diễn, tôi không muốn cái gì hay thì mình làm, còn không hay thì đẩy người khác, trước giờ dù được giao vai gì tôi cũng diễn được.
Tôi cũng không phân biệt giữa yếu tố “sang” hay “thị trường” của tác phẩm mà quan trọng là tư tưởng sản phẩm khi tiếp cận công chúng, nó có làm cho tâm hồn người ta đẹp hơn hay không chứ tôi không quan tâm nó “chợ” hay “sang” và dù thuộc khía cạnh nào thì cũng có lượng khán giả riêng của nó.
|
Việt Anh và nghệ sĩ Thanh Hoàng |
Làm giám khảo gameshow mà cảm tính là giết thí sinh!
- Khi thị trường phim ảnh hạn chế, sân khấu hạn hẹp khiến đời sống ít nhiều bị ảnh hưởng, có bao giờ anh nghĩ mình sẽ tham gia gameshow để “cứu” thu nhập hay không?
Không, tôi không thích gameshow bởi tôi thấy gameshow ăn xổi quá! Và tôi không thích nhất là mấy chương trình cho thiếu nhi, vì tuổi đó là tuổi học chứ không phải tuổi đi tìm danh vọng. Vô tình chúng ta đang làm hư các em. Nó được thì nó cũng hư mà nếu không được thì nó sẽ tự kỷ. Nếu thành công trong gameshow thì các em dễ có suy nghĩ không thèm học, hoặc do chưa đủ nhận thức, các em sẽ nghĩ mình đứng trên thiên hạ và bạn bè cùng lứa. Nó đâu coi đó là một cuộc chơi như người lớn nghĩ, rồi mấy em mà thất bại thì sẽ buồn phiền, chán nản và tự kỷ... Nói chung, gameshow cho thiếu niên nhi đồng là không nên!
Kể cả người lớn cũng thế, đi tìm danh vọng ở gameshow như một cái gì đó... vui à? Không, tôi thấy nhiều người nói mình tham gia cho vui nhưng đâu phải, khi tham gia nghĩa là bạn đã “muốn”, chứ không còn là “vui”.
Tuy nhiên, tôi lại muốn ngồi làm giám khảo gameshow để góp một tiếng nói nhưng ít ai mời tôi làm chính. Họ thường mời nghệ sĩ trẻ đang có độ yêu thích cao vì nói gì thì nói, gameshow là nơi họ kinh doanh nên họ làm theo tiêu chí của họ. Còn đi đến tận cùng của nghệ thuật, ban giám khảo phải dám nói những điều đúng, chứ chỉ phát biểu cảm tính thôi thì không nên, nói phải có lý luận, phải vạch ra điểm được và chưa được.
Chương trình truyền hình phục vụ cho nhiều đối tượng khán giả, với người có kiến thức tốt, họ có thể nhận ra cái thiếu hay chưa đúng của giám khảo nhưng với những người ở tầng lớp khác, người ta lại nghĩ rằng lời giám khảo là đúng. Thành ra đã ngồi ghế giám khảo thì cần phải “đủ” và “đúng”.
- Nhưng gameshow, cuộc thi truyền hình thường là nơi phát hiện ra những tài năng mới, nếu không có các chương trình này thì liệu nghệ thuật có bị thiếu hụt nhân tố triển vọng?
Tôi không nghĩ tìm tài năng mà chỉ qua một cuộc chơi như thế tìm là được. Có thể các bạn sẽ thành công ở mức độ “game” nhưng mấy ai đứng vững thật sự hay tỏa sáng liên tục khi kết thúc cuộc chơi? Nhiều lý do lắm... người được đăng quang chưa chắc đã giỏi hơn người khác. Nói gì thì nói, tài năng là phải được đào tạo, qua rồi thời kỳ không học mà thành.
Cũng có thể có vài trường hợp ngoại lệ nhưng không phổ biến được. Phải học hết, nghệ thuật là phải học, phải đọc nhiều, chứ không thể tay ngang mà làm được! Các em phải hiểu công việc đang làm, trải nghiệm nhiều, nhận thức sâu thì mới phát triển bền vững được. Một cái gameshow thì không thể cho bạn những điều đó. Đã từng có nhiều người trưởng thành từ gameshow nhưng có làm được cái gì đâu? Đâu đi được đường dài bởi họ thiếu nhận thức, nhận thức quan trọng lắm trong cái nghề này. Bản thân tôi từng tuổi này vẫn còn phải đọc rất nhiều, trau dồi thêm kiến thức và xem đó là thú vui của mình.
- Để nhận được cái gật đầu làm giám khảo gameshow của NSƯT Việt Anh thì chương trình cần có những tiêu chí nào thưa anh?
Tôi sẽ chọn cái tôi biết, lĩnh vực tôi rành nhất. Ví dị như tôi không dám chấm bolero, không dám chấm nhạc mặc dù tôi rất rành nhạc hơn bất kỳ giám khảo nào, ngoài nhạc sĩ. Bởi, tôi xuất thân là người học nhạc, học hòa âm sáng tác, nhưng tôi vẫn không dám vì thanh nhạc là một lĩnh vực khác, đó không phải là lĩnh vực chuyên môn và mình chưa đi đến tận cùng của nó thì không ngồi ghế giám khảo. Và nghề diễn là địa hạt tôi rành hơn cả, biết lý luận để tự tin nhận xét người khác.
Kể cả khi được mời làm giám khảo khách mời, đưa ra ý kiến dưới góc độ khán giả, tôi cũng không thích. Đã thi thì đừng cảm tính, bởi cảm tính có thể đúng hoặc sai nhưng nếu sai thì sẽ giết thí sinh bởi họ đang nghe những nhận xét đó và họ tin tưởng lời giám khảo là đúng mặc dù điều đó là sai. Giám khảo phải có chuyên môn và không được cảm tính!
- Với một số nghệ sĩ, họ cho rằng gameshow là nơi để kiếm tìm cơ hội thay đổi vận mệnh sự nghiệp, anh nghĩ sao về quan niệm này?
Điều này tùy theo mỗi người nhận thức về công việc của mình, nếu họ nghĩ như vậy thì là chuyện của họ. Tôi thấy rất nhiều em chơi từ gameshow này đến chương trình nọ và các em nghĩ đó là con đường để ghi dấu ấn với công chúng. Nhưng thực ra, nếu các em đã đủ lực và tài năng thì chỉ cần một cơ hội nhỏ thôi vẫn có thể tỏa sáng, vấn đề là họ phải tôi luyện cho kỹ. Còn nếu đã không đủ lực thì có đi chơi 10 gameshow thì kết quả nó cũng vậy.
Ngày xưa, tôi đến với nghệ thuật là vì đam mê cái nghề này chứ không phải vì sự nổi tiếng hay tham vọng đổi đời. Tôi tự tìm sách đọc, xem các đội kịch nghiệp dư tập luyện, tự nghiền ngẫm nghề và khoảng 4 – 5 năm sau đó, tôi lại làm thầy các nghệ sĩ mà tôi từng xem họ luyện tập. Chứ còn nếu chỉ mê sự nổi tiếng thì khó mà thành công trong nghề này. Tôi còn nhớ cát-sê đầu tiên tôi nhận được chỉ chừng bằng một tô mì không thịt nhưng vẫn rất hạnh phúc. Thời đó, thu nhập của nghệ sĩ ít lắm chứ không như bây giờ đâu.
|
NSƯT Việt Anh và NSƯT Thành Lộc |
Đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho một cuộc sống trơ trọi về già
- Trở lại với câu chuyện về cuộc sống hiện tại của anh, sau hơn 10 năm chia tay vợ cũ là diễn viên Phương Linh, anh có nghĩ rằng đến lúc mình cần xây dựng tổ ấm mới bằng một đám cưới với bạn gái kém 18 tuổi đã gắn bó cùng anh suốt thời gian qua?
Hết rồi, mối tình đó đã kết thúc cách đây hơn một năm rồi và hiện giờ người đó đã ra nước ngoài định cư, tôi lại trở về với cuộc sống độc thân. Ở tuổi này cũng khó để tôi tìm kiếm một mối quan hệ mới, một người hiểu được mình. Nguyên nhân tôi và bạn gái không thể đến được với nhau dù có thời gian dài tìm hiểu là do hoàn cảnh. Cả hai đều có những gánh nặng riêng, do vậy khi đến bên nhau, gánh nặng ấy nhân đôi nên thôi... đành làm bạn.
Bạn gái thì gánh nặng nuôi 3 con nhỏ, còn tôi là gánh nặng cho con du học nước ngoài nên không có nhiều điều kiện chăm lo cho ai và cũng ít dám đến với ai. Tôi không dám làm khổ ai nữa!
- “Gánh nặng” của anh lẫn bạn gái đều đã tồn tại từ lâu, khi hai người mới biết nhau, vậy sao ngay từ đầu anh không dừng lại sớm để tránh mất thời gian cho cả hai?
Ở tuổi này, chuyện yêu đương nói ra thì cũng không hay lắm nhưng nghệ sĩ thì sự cảm tính nặng hơn người khác, không cưỡng được nhưng khi tỉnh táo, tôi mới nhận ra rằng việc đến với nhau khó quá, thôi thì làm bạn. Tôi và người yêu đã mất 8 năm để nhận thấy điều đó. Nói chung là cũng buồn, để cô ấy ra đi tôi cũng tiếc nuối nhưng thôi, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn và mỗi người có một trách nhiệm với gia đình nhỏ. Hiện tại, tôi vẫn giữ liên lạc với bạn gái và khuyên cô ấy lấy chồng để vui cũng như có người đỡ đần, còn cô ấy thì lại khuyên tôi lấy vợ.
- Mất 8 năm để rồi nhận ra mình không thể đi đến tận cùng một mối quan hệ trong cuộc đời vốn hữu hạn này, anh có cảm thấy bản thân đã lãng phí quá nhiều thời gian hay không?
Lãng phí chứ! Nhiều người bạn nói tôi phải lập gia đình trước khi bước qua 50 tuổi không thôi là già, nhưng tôi cứ kệ. Không sao đâu, khi nào duyên đến thì nó sẽ đến, nó không đến thì thôi, xung quanh tôi vẫn còn bạn bè rất nhiều và tôi sống với điều đó cũng thấy an phận.
- Dường như cuộc sống của anh dựa vào cảm xúc nhiều hơn lý trí...
Đúng, trong nghệ thuật tôi rất lý trí còn cuộc sống thì tôi thả cho nó trôi theo cảm xúc. Tôi làm việc gì tôi cũng phải hiểu nhưng sống thì tôi không cần hiểu nhiều, chơi cũng không cần hiểu. Tôi không cần đặt tương lai mình sẽ như thế nào, bây giờ nhiều người lo cho tôi cứ ở vậy hoài rồi khi làm không ra tiền nữa thì sẽ ra sao?
Đôi lúc tôi cũng có nghĩ đến điều đó nhưng lại thây kệ, vui được ngày nào thì cứ vui. Tôi sẵn sàng chấp nhận cái giá cho quyết định này và tôi vẫn thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều người vì bản thân đã được quá nhiều điều từ nghề nghiệp, cuộc sống. Tôi mất cũng không ít nhưng không sao, đó là luật bù trừ.
Mỗi khi nhìn những nghệ sĩ có hoàn cảnh neo đơn khi về già, rồi ốm đau bệnh tật không người chăm nom, tôi cũng có nghĩ và liên tưởng đến bản thân nhưng tôi chấp nhận hết. Tôi tưởng tượng có thể một lúc nào đó mình sẽ như thế và bình thản để đón nhận cuộc sống. Bởi, bạn lo quá cũng không được, bạn nghĩ nhiều về nó cũng không giải quyết được gì nên thôi cứ để nó trôi đi. Tôi quan niệm mọi việc xảy ra trong đời đều là duyên, nếu mình có duyên thì sẽ có người giúp, còn vô duyên quá thì thôi... đành chịu! Lo làm chi rồi đâu giải quyết được, tùy duyên.
- Nếu bây giờ gặp một người hợp ý thì anh có nghĩ mình còn tiếp tục yêu nữa được không? Anh có lo ngại việc những vết thương cũ chưa lành, lại bước vào tình trường và đối diện với thử thách mới?
Được! Trái tim tôi luôn rộng mở, duyên mà... nó đến thì đến, có cản cũng không được. Tôi cũng sẵn sàng kết hôn nếu gặp đúng người hợp với mình dù đã ở lứa tuổi này. Bản thân tôi không ngại khán giả nghĩ gì về mình bởi tôi quan niệm, sống cho mình còn chưa đủ thì sao phải sống cho ai nữa? Mà tôi nghĩ khán giả sẽ mừng cho mình nếu mình hạnh phúc. Vấn đề là mình đừng làm rình rang, thấy kỳ và cũng chẳng nhất thiết phải làm đám cưới.
Clip tiểu phẩm hài Ước gì - Soi mình trong gương với sự tham gia diễn xuất của NSƯT Việt Anh:
- Quan hệ giữa anh và vợ cũ bây giờ ra sao? Anh đúc kết kinh nghiệm gì cho bản thân sau những đổ vỡ trong chuyện tình cảm ở quá khứ?
Mối quan hệ giữa tôi và vợ cũ Phương Linh vẫn tốt đẹp và cùng nhau chăm lo cho con. Tôi không bao giờ nghĩ rằng khi không còn ở bên nhau nữa thì sẽ ghét hay thù nhau. Tôi vẫn yêu, vẫn thương, thậm chí vẫn có thể khóc khi người đó không hạnh phúc. Với Phương Linh cũng vậy, một người từng yêu thương tôi từ thời trẻ, từng đầu ấp tay gối và cho tôi một đứa con ngoan trong 21 năm gắn bó.
Tôi nhớ khoảng thời gian 2 – 3 năm đầu mới ly dị Phương Linh, tôi nhậu suốt và không quan tâm đến công việc. Tôi ngồi gục suốt ngày trên bàn nhậu nhưng đến một lúc, tôi chợt bừng tỉnh và nghĩ, cuộc sống này cần phải tiếp tục chứ đâu phải như vậy là hết, vẫn còn trách nhiệm với con, do đó mà tôi đi làm lại. Bạn bè trước đó khuyên tôi nhiều lắm mà tôi có nghe ai đâu bởi tâm trạng rối bời, rồi lại tự mình hồi sinh.
Ngày xưa cũng bởi tôi ít chia sẻ với vợ trong cuộc sống, tôi chơi với bạn bè và mải lo cho bạn mà quên mất vợ. Cuộc sống cứ “lôi” tôi đi, khiến tôi không tỉnh táo suy nghĩ, đến khi mất rồi mới tiếc nuối. Trong tình yêu mà mình không nói chuyện với nhau, không có sự sẻ chia thì sẽ nó chết. Tôi thích câu nói của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi định nghĩa về tình yêu: “Tình yêu là đầu hồi của mái hiên chứ không phải toàn bộ mái nhà. Là sông, là suối chứ không bao giờ là thác”. Tình cảm cần sự vun đắp, nuôi dưỡng chứ không phải yêu là xong, cưới là ổn.
Ngày đó tôi chỉ nghĩ cưới xong, mình có trách nhiệm đi làm đem tiền về lo cho vợ con, không lăng nhăng bậy bạ là đủ nhưng... không đủ. Tình yêu cần phải chia sẻ, chăm sóc, nếu thiếu điều đó thì nó chết thôi. Lúc ấy, vợ tôi cũng chẳng nói để tôi nhận ra thiếu sót của mình, chứ thật sự tôi yêu vợ tôi lắm, thương tính cách của cô ấy là chịu thương, chịu khó, quyết đoán, bản lĩnh và dám đương đầu trước mọi khó khăn. Ngày cô ấy đề nghị ly hôn, mọi thứ trong tôi như sụp đổ trước mắt, một điều mà trong đời tôi chưa trải qua bao giờ. Và tôi cũng không tưởng tượng được mình sẽ có một ngày như thế!
|
Việt Anh bên vợ cũ Phương Linh và con gái |
- Con gái của anh có ủng hộ cho ba đi thêm bước nữa không thưa anh?
Con tôi rất lấy làm bình thường những vấn đề này. Dù chưa bao giờ cháu nói với tôi về chuyện đó nhưng vẫn bình thản trước các mối quan hệ của tôi. Mẹ cháu hiện tại cũng lập gia đình rồi, có lẽ con gái cũng muốn ba đi bước nữa nhưng không dám nói vì sợ tôi buồn. Con gái tôi sống rất tình cảm và tính tình giống tôi y hệt, cũng thích đọc sách, mê nghệ thuật, viết văn... Tôi mới sang Mỹ dự lễ tốt nghiệp THPT của con gái. Mấy năm rồi hai cha con mới gặp nhau nhưng vẫn thường xuyên giữ liên lạc qua điện thoại.
- Anh có nguyện vọng sẽ cho con nối nghiệp mình trong tương lai? Nếu sau này, con gái muốn đưa anh sang Mỹ sống cùng thì anh sẽ quyết định ra sao?
Tôi nghĩ điều đó là sự tự do, nhưng thấy con thích nghệ thuật thì tôi cũng vui. Bởi vì nghệ thuật là con người, yêu nghệ thuật thì sẽ biết yêu con người, cuộc sống mới thú vị. Còn chuyện tương lai, tôi có sang Mỹ hay không thì tôi vẫn nói... cứ để tùy duyên, cái gì đến nó đến. Bây giờ mỗi ngày, nếu không làm việc thì tôi gặp gỡ bạn bè cà phê, thỉnh thoảng lại lai rai rồi về ngủ, đơn giản vậy cũng vui.
|
Con gái NSƯT Việt Anh |
Thêm phần sức khỏe tôi cũng đang gặp chút sự cố, hai năm mấy nay tôi phải uống thuốc mỗi ngày do chân tôi bị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi, bác sĩ đang cố gắng duy trì bằng thuốc để tôi không phải phẫu thuật thay khớp háng. Chi phí cho cuộc phẫu thuật khoảng 6 – 7 chục triệu nhưng bệnh này phải thay hoài nếu khớp giả bị sụp. Bệnh này không nguy hiểm, chỉ làm tôi hơi đau đau và không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt thường ngày. Bác sĩ chỉ khuyên tôi đừng chạy nhảy và làm việc nặng nhưng nhiều khi đóng phim có cảnh chạy, tôi cũng diễn.
Thanh Hương thực hiện