LTS: Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, sau những vai diễn ông hoàng bà chúa áo xiêm lộng lẫy, những nhân vật đầy quyền uy, ma lực… người nghệ sĩ cũng có những số phận, nỗi niềm riêng. Đôi khi, số phận của người nghệ sĩ trong đời thực còn phong ba, thăng trầm gấp bội những nhân vật mà họ thể hiện. Thành công của người nghệ sĩ bao giờ cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, tình yêu và sự tận hiến cho nghệ thuật. Như con tằm rút ruột nhả tơ, có người may mắn thành công ngay từ những vai diễn đầu tiên, nhưng cũng có người đi gần nửa hành trình nghệ thuật mới nhận ra đâu là thế mạnh, khả năng thực sự của mình. Nhưng ở vị trí, vai trò nào, người nghệ sĩ cũng luôn có một ước mơ cháy bỏng: Được sống với sân khấu, với vai diễn đến hơi thở cuối cùng.
Phía sau hào quang còn biết bao câu chuyện chưa kể về cuộc đời, nỗ lực của người nghệ sĩ. Từ số báo này, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ “kể lại” những câu chuyện vui buồn, trăn trở, khát vọng của những người đã tận hiến đời mình, để mang lại niềm vui, nụ cười và cảm xúc đẹp cho công chúng.
Bài 1: Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân: “Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời…”
Bài 2: NSƯT Thoại Mỹ: Có vinh quang mấy cũng không quên thuở cơ hàn
Bài 3: Nghệ sĩ Nhứt Dũng: “Nhạc lễ khó mà vượt đại dương lần nữa”
Bài 4: NSƯT Ngọc Dung: Nghề rộng dài như sông như biển...
Bài 5: Họa sĩ thiết kế Lê Trường Tiếu: Tuổi xế chiều trôi đi cùng năm tháng
Bài 6: Nghệ sĩ xiếc Phi Vũ: Bội lần gian nan, bội phần vinh quang
|
Trên chuyến xe lam đến Tháp Bà - Nha Trang gần nửa thế kỷ trước, có người nghệ sĩ nằm dưới tấm bao bố ngụy trang, tìm đến đoàn hát Bạch Tuyết - Hùng Cường khi ấy đang có chuyến lưu diễn miền Trung. Đến nơi, anh lẩn vào hậu đài, phụ việc. Gần bốn tháng theo đoàn trong tình cảnh mai danh ẩn tích, cuối cùng người nghệ sĩ ấy mới về được đến Sài Gòn. Xe đi ngang đường Phạm Ngũ Lão, đến chợ Thái Bình, anh nhảy xuống và chắp tay cảm ơn những người trong đoàn hát đã trở thành ân nhân giúp đỡ để anh được về bên ngôi đình Cầu Quan - thánh đường sân khấu của gia tộc…
Nghệ danh có từ một “đoạn trường”
Buôn Ma Thuột, mùa hè 1972.
Trong đêm, có bốn người lính lẻn vào chiếc xe chở heo từ doanh trại quân đội ra phố chợ. Bốn chàng trai tuổi đôi mươi phó mặc số phận trên chiếc xe định mệnh ấy. Kết quả chỉ có thể là: bị bắt lại và chịu sự trừng phạt nặng nề hoặc trốn thoát và được trở về với gia đình. Giá trị của tự do đã khiến họ không sợ hãi, bất chấp hiểm nguy, chịu đựng cả chất phóng uế của bầy heo đầy mặt mũi - trên đoạn đường chạy trốn.
Đến chợ, mỗi người tản ra, mạnh ai nấy tìm đường thoát. Một chàng trai đánh bạo, bước vào ngôi nhà lạ, gặp chủ nhà, anh thú thật: “Con ở Sài Gòn bị bắt lính lên đây, giờ lưu lạc xứ này, xin cô thương mà giúp con”. Chủ nhà mang cho anh một chiếc áo thun, cái quần tây và một đôi dép cũ. Vừa nói lời cảm ơn thì anh cũng kịp nhìn thấy bức ảnh treo trên tường nhà: một sĩ quan ngụy. “Chết rồi, ông ta mà có nhà thì không còn đường thoát nữa” - anh nghĩ. Nhưng bà chủ nhà đã vội trấn an bằng giọng miền Bắc: “Không sao đâu, ông ấy không có ở nhà, con cứ thay quần áo rồi đi đi”.
Ra đến chợ, anh gặp ngay xe của đoàn hát Tinh Hoa, trưởng đoàn là ông Tư Diễn. Ông hỏi: “Mày hả Mẫm?”. Mẫm là tên ở nhà của anh, còn tên thật là Lê Văn Diện. Ở Sài Gòn, khán giả vẫn quen gọi anh là “hề Mẫm” trên sân khấu đoàn cải lương hồ quảng Minh Tơ.
Gặp được người quen ở chốn ly hương, anh cảm thấy như Trời Phật, Tổ nghiệp đã đáp lại lời cầu nguyện của mình. Hề Mẫm theo đoàn hát Tinh Hoa nhưng để tránh sự lùng bắt quân dịch, chú Tư Diễn đổi nghệ danh cho anh thành Trường Sơn. Cái tên Lê Văn Diện từ đó biến mất trên sân khấu cải lương tuồng cổ, chỉ có một nghệ sĩ Trường Sơn tuổi 22 - xuất hiện trước khán giả như một gương mặt mới vào nghề.
Một thời gian sau, nghe tin có đoàn cải lương Bạch Tuyết - Hùng Cường đang diễn ở Nha Trang, Trường Sơn từ giã đoàn hát Tinh Hoa, theo xe lam đi Tháp Bà. Đến nơi anh lẻn vào hậu đài chứ không dám ra mặt vì “sợ làm mất mặt gia đình”. Vậy là một lần nữa, người nghệ sĩ trẻ phải ẩn danh. Gần bốn tháng sau, khi đoàn Bạch Tuyết - Hùng Cường về đến Sài Gòn, xe ngang qua đường Phạm Ngũ Lão, đến chợ Thái Bình, anh nhảy xuống, chắp tay cảm ơn những người đã giúp đỡ mình rồi chạy một mạch về đình Cầu Quan (Q.1, TP.HCM) - thánh đường sân khấu của gia tộc.
Ở nơi này, từ gánh hát bội Vĩnh Xuân của ông bầu Vĩnh, đến đời con kế nghiệp là bầu Thắng (Nguyễn Văn Thắng, lập gánh hát bội Vĩnh Xuân Ban năm 1925) rồi chuyển sang thế hệ thứ ba là đoàn cải lương hồ quảng Minh Tơ - Khánh Hồng. Đến NSND Thanh Tòng, NSƯT Trường Sơn, nghệ sĩ Thanh Thế, Bạch Lê, Thanh Loan… đã là thế hệ thứ tư.
|
Những vai dũng tướng làm nên tên tuổi một thời của NSƯT Trường Sơn |
Tận hiến với nghề
Trong ngôi nhà nhỏ ở hẻm 119 Yersin (Q.1) của NSƯT Trường Sơn và nghệ sĩ Thanh Loan, vợ ông, vẫn còn lưu giữ nhiều hình ảnh trên sân khấu một thời của hai người. NSƯT Trường Sơn nói, ông suốt đời không thể nào quên những khoảnh khắc được hóa thân hết mình với nhân vật. Ông đã đóng nhiều lắm những vai võ tướng, từ tuồng tích Tàu cho đến các vở cải lương lịch sử Việt Nam: Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Quang Trung - Nguyễn Huệ… NSƯT Trường Sơn nói, những nhân vật như Lữ Bố, Quan Vũ, Tiết Đinh San hay Lương Sơn Bá… thì cũng hay thật, nhưng những nhân vật từ lịch sử Việt Nam mới cho thấy khí tiết anh hùng, là tinh thần, bản sắc Việt.
“Đánh cho chúng chích luân bất phản/ Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” - buổi sáng của mùa hè năm 2021, giọng người nghệ sĩ già vẫn vang vọng, uy dũng trong lời ca đầy hào khí. Mỗi nghệ sĩ có thể có một sở trường riêng, nhưng với NSƯT Trường Sơn, vai nào ông cũng đảm đương được. Lúc còn nhỏ thì từ quân sĩ đến những vai hề, tuổi thanh niên lúc vai anh hùng khi vai phản diện, kép chính, kép hài, kép độc gì ông cũng “chuyên trị” hết.
Ông nói, tình yêu nghề có lẽ đã thấm vào máu từ cái ngày theo ba ông - nghệ sĩ Bảy Đực - lên sân khấu đánh trống, xem người lớn hát. Khi còn ở tuổi diễn trong đoàn Đồng ấu Minh Tơ, có lần ông đã mơ thấy Tổ nghề, là một người râu rất dài, về vỗ đầu mình. Nghệ sĩ Thanh Loan là người bạn thanh mai trúc mã, gắn bó với ông từ thuở hai người còn ở đoàn Đồng ấu Minh Tơ. Trên sân khấu, đêm nào có suất diễn của ông cũng có bà, không sắm vai chính thì vai phụ.
Những cô con gái của NSƯT Trường Sơn - Thanh Loan sớm nghe lời ca tiếng hát của ba mẹ, có lúc rong ruổi theo những đoàn hát, lớn lên cũng trở thành nghệ sĩ cải lương: NSƯT Tú Sương, Lê Thanh Thảo. Riêng chị cả Ngọc Nga sau này lui về hậu trường làm phục trang. Ngày xưa, ông theo nghề và trở thành rể của ông bầu Minh Tơ, thì nay, ông cũng có một người con rể gắn bó với sân khấu cải lương: nghệ sĩ Điền Trung (chồng nghệ sĩ Thanh Thảo).
30 năm trước, khi đoàn cải lương Minh Tơ giải thể, NSƯT Trường Sơn đầu quân cho đoàn cải lương Sông Bé 2, dưới trướng ông bầu Ba Quới, làm chỉ đạo nghệ thuật cho các vở diễn mà vai chính là những tên tuổi nổi tiếng lúc bấy giờ: Vũ Linh, Tài Linh, Ngọc Huyền, Kim Tử Long… Thời gian tạm xa sân khấu, ông bảo có những đêm nằm ngủ cứ thấy mình là nhân vật, đang múa đao múa kiếm, cũng diễn như thật trong giấc ngủ.
Mới đây, các thế hệ nghệ sĩ của gia tộc quyết định đưa đoàn Minh Tơ trở lại, mở màn với vở Lưu Bị cầu hôn Giang Tả. Người nghệ sĩ già nhiều đêm không ngủ được. Nằm chiêm bao cứ thấy mình đóng vai Tôn Quyền, thấy khán giả đến với cải lương, thấy cả những người đã khuất… Ngày tôi gặp, ông cười “khoe” một vết thương vừa lành sẹo ở bắp chân. “Do lúc tập vở hăng say quá nên bị trượt chân ở lớp diễn nhảy ghế. Tôi cũng quên, giờ đã có tuổi rồi chứ đâu còn sức trai tráng như mấy mươi năm về trước” - NSƯT Trường Sơn nói vui.
Mấy mươi năm về trước, những vết thương ngoài da như thế này với ông là nhiều vô kể. Những tai nạn lúc tập tuồng, khi biểu diễn trên sân khấu chỉ vì quá say mê nhân vật, tập luyện không kể thân mình, ông bị trật chân trật khớp là chuyện bình thường. “Hồi diễn vở Mã Siêu báo phụ cừu, tôi vào vai Kiếm Bình, còn anh Thanh Tòng (NSND Thanh Tòng, anh vợ NSƯT Trường Sơn - PV) vào vai Đổng Thừa, diễn tại rạp Quốc Thanh. Vở vừa khai diễn suất đầu tiên thì mắt trái tôi bị nổi mụt lẹo, bác sĩ khám yêu cầu phải tiểu phẫu liền. Đêm đó ngay khi kết thúc vở, bác sĩ bày ghế xếp cho tôi nằm, tiểu phẫu ngay tại chỗ. Hôm sau con mắt sưng vù, đoàn phải xin lỗi bà con cho phép nhân vật của tôi chỉ hóa trang một bên mắt thôi. Lớp diễn đó, có lúc tôi cứ tưởng mình đã rớt xuống sân khấu vì nhìn không rõ” - NSƯT Trường Sơn nhớ lại.
|
NSƯT Trường Sơn và vợ, nghệ sĩ Thanh Loan, hiện tại sống trong căn nhà nhỏ bên cạnh đình Cầu Quan |
Kể từ ngày đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ giải thể, những vai diễn oai hùng một thời của NSƯT Trường Sơn đã là quá vãng. Nhưng người nghệ sĩ già rất mừng vì con cháu yêu nghề, kế nghiệp. Đến giờ gia tộc Minh Tơ đã có được truyền nhân của thế hệ thứ sáu: bé Kim Thư (con gái của nghệ sĩ Ngọc Nga) và hai bé Hồng Quyên, Tú Quyên (con gái NSƯT Tú Sương) cũng ca giỏi diễn hay, say mê nghệ thuật. “Giờ tôi chỉ mong mình còn được bước lên sân khấu, đóng vai phụ vai lão cũng vui, để được nhìn thấy lại khán giả của mình, cho đỡ nhớ nghề…” - người nghệ sĩ già tâm sự.
Bùi Tiểu Quyên