Làm nghệ thuật mà không yêu thì đừng làm
Phóng viên: Anh là thế hệ đầu tiên được đào tạo tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Thời đó ra sao?
NSƯT Trung Anh: Hồi đó, Nhà hát Kịch Việt Nam (Nhà hát) mở hai khóa đào tạo. Chúng tôi là khóa đầu tiên. Mười năm sau tuyển thêm một khóa nữa thì không giữ lại được ai cả. Bốn năm học ở đó, chúng tôi học như điên. Đến giờ tôi cũng không hiểu vì sao lứa chúng tôi, gồm: Trọng Trinh, Quốc Khánh, Hương Lan (Bông), Đỗ Kỷ, Quế Hằng, Ngọc Bích… lại có nhiều đam mê đến thế. Hồi đó, các cô chú như NSND Trọng Khôi, NSND Trần Tiến, NSND Đoàn Dũng, cô Mỹ Dung, Nguyệt Ánh… không chỉ truyền nghề mà còn truyền cho chúng tôi lòng yêu nghề, ngọn lửa làm nghề.
Đó là may mắn lớn nhất. Tôi được học nghề từ một thế hệ vàng của sân khấu. Các cô chú quá giỏi. Họ truyền lại cho thế hệ tôi và chúng tôi thất bại khi không truyền lại được tình yêu đó cho thế hệ sau.
* Vì sao vậy, thưa anh?
- Nhiều bạn trẻ hôm nay không được biết thế nào là chuẩn mực sân khấu, nên dần dần các giá trị cũng mai một. Nhiều người về Nhà hát mà không hiểu phong cách của nhà hát là gì. Ngày xưa, chúng tôi học một cách tự nhiên, nó ngấm vào mình như hơi thở, nước uống. Còn bây giờ, không biết xin về đâu thì xin về Nhà hát, chẳng cần tìm hiểu phong cách hay tinh thần; nhiều khi còn hỏi, tại sao dựng vở kiểu này mà không dựng hài kịch. Đó là cái dở của kiểu không biết mình là ai. Nhiều người an phận, về Nhà hát như một chỗ trú chân, vật vờ, không phấn đấu. Cô nào may mắn kiếm được tấm chồng khá giả là mừng, rồi mở gì đó buôn bán. Thời thế thay đổi, cuộc mưu sinh vất vả, nhọc nhằn hơn, nên thật khó đòi hỏi các bạn toàn tâm toàn ý với sân khấu.
* Mất bao nhiêu thời gian để có một cái tên Trung Anh với sân khấu?
- Ngày 30/8/1982, tôi tốt nghiệp, có dựng hai vở là Người đá lạc đội hình của NSND Doãn Hoàng Giang và Cuộc chia tay tháng 6 do NSND Trọng Khôi dựng. Hai vở dựng xong, được giữ làm tiết mục của Nhà hát, mang đi biểu diễn. Tôi đóng vai chính trong vở Người đá lạc đội hình và vai thứ trong Cuộc chia tay tháng 6. Nhưng hồi đó, tốt nghiệp được 8 ngày thì tôi phải đi bộ đội, lên chiến trường Đông Bắc ở Móng Cái cùng Quốc Khánh, Trọng Trinh, Đỗ Kỷ. Cuối năm 1984, tôi mới quay lại Nhà hát và cảm thấy hụt hơi so với các bạn.
Có lúc nản, định bỏ nghề, nhưng rồi 4 năm học ở Nhà hát cũng đã ngấm vào máu tôi tình yêu sân khấu. Tôi suy nghĩ rất nhiều, cuối cùng quyết tâm theo nghề, tập trung vào công việc. Rồi đi từ vai nhỏ lên vai lớn, nhận được vai nào là nghĩ nát óc nên diễn thế nào. Cứ bền bỉ, cố gắng từng tí một, tìm cho mình một lối diễn riêng; chứ tôi cũng chẳng giỏi giang gì. Khóa đầu tiên ấy, nam và nữ đều rất đẹp về ngoại hình, tôi chẳng có lợi thế gì; nhưng tôi biết điểm mạnh và điểm yếu của mình; để khắc phục, lấy cái nọ bù cái kia… Tôi nghĩ, điều quan trọng là mình yêu nghề và yêu từng nhân vật của mình.
|
Sân khấu là niềm đam mê mãnh liệt của NSƯT Trung Anh |
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ nuôi nhà hát cho có
* Anh đã sống qua thời hoàng kim của sân khấu, đến lúc sân khấu khủng hoảng như hiện nay. Có vẻ anh đang bị mắc kẹt?
- Có lẽ vậy. Tôi có cảm giác hụt hẫng, vì sân khấu xuống dốc. Có lẽ vì tôi đã từng được sống trong thời hoàng kim của sân khấu - thời mà sân khấu là một thánh đường đúng nghĩa, nên bây giờ, tôi không dễ dàng thỏa hiệp với hiện tại. Sân khấu khủng hoảng, một phần do sân khấu, nhưng một phần do chúng ta đã làm cho nó xuống dốc. Ta không đủ bản lĩnh để đi theo con đường của mình mà thỏa hiệp với khán giả và hệ lụy là kéo các giá trị nghệ thuật đi xuống. Giờ thật khó tìm một tác phẩm kinh điển của sân khấu được dàn dựng. Nhà hát vẫn dựng vở theo quy định, mỗi năm phải có mấy vở. Tôi ít lên Nhà hát, chỉ làm cái gì ưng ý. Hai năm nữa tôi nghỉ hưu, Quốc Khánh còn 3 năm nữa. Khi đó, sẽ hết sạch khóa đầu tiên ở Nhà hát.
* Có phải vì thế mà anh và Trần Lực từng ấp ủ giấc mơ mở một sân khấu của riêng mình?
- Cách đây 15-16 năm, tôi và Trần Lực muốn làm sân khấu riêng, một địa chỉ để tạo ra thói quen đi xem kịch cho khán giả. Nhưng rồi giấc mơ thất bại, vì rất khó tìm địa điểm. Giờ Lực có sân khấu riêng rồi, nhưng tôi không hợp. Ở đây không phải là vấn đề hay hay không hay, làm được hay không làm được; mà tôi không muốn thay đổi, vì tôi đã theo đuổi một sân khấu khác. Tôi muốn đi theo con đường mình đã đi nhiều năm nay.
* Anh và thế hệ anh đều mơ ước Nhà hát Kịch Việt Nam trở thành một nhà hát quốc gia và sân khấu thực sự là thánh đường. Nhưng có lẽ, đó chỉ là giấc mơ?
- Trước đây, tôi đau đáu hết chuyện này đến chuyện khác của Nhà hát, nhưng giờ thì thôi. Hiện nay, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ nuôi Nhà hát theo kiểu nuôi cho có chứ không phải nuôi cho tốt. Người nào lên làm lãnh đạo cũng chỉ lo giữ ghế cho chắc, còn những người sắp về hưu thì lo kiếm chác. Rất nhiều vở diễn sống sượng vẫn được dựng vì quan hệ hay vì lý do này khác. Tôi rất tiếc, bởi Nhà hát Kịch Việt Nam là một thương hiệu, do nhiều thế hệ xây dựng nên. Nó đáng lẽ phải trở thành một nhà hát quốc gia - nơi các diễn viên mơ ước một lần được vào diễn.
Mỗi nhân vật phải có cái tem riêng
* Đóng phim là lối đi hiện nay của anh, để không phải thỏa hiệp? Vai ông Sơn trong Về nhà đi con vẫn là dạng vai đau khổ, chịu đựng mà anh bị đóng khung nhiều năm nay. Anh có chán không?
- Đôi lúc tôi cũng chán mình, nhưng tôi luôn cố tìm ra những nét khác biệt của các nhân vật. Mỗi nhân vật là một số phận, nếu đi sâu vào từng vai diễn, sẽ có nhiều điểm khác nhau. Để có một vai như Lương Bổng trong Người phán xử cũng hiếm lắm. Khi nhận vai, tôi đọc kịch bản nhân vật này mờ nhạt lắm, vì nó trái với nhân vật mình hay đóng, nên tôi cũng đổ công sức vào đó nhiều, để tìm cho nó một cái tem riêng - chất xã hội đen của riêng mình chứ không phải cứ xăm trổ, mắt trừng trừng. Tuy nhiên, như thế cũng mạo hiểm, bởi nếu cái tem đó thất bại thì cũng rất thảm hại. Mình phải dựa trên hình thể của mình làm nhân vật của mình chứ không thể bặm trợn, hùng hổ. Phải dựa trên chính mình để ra nhân vật, như Lương Bổng là ánh mắt.
|
NSƯT Trung Anh trong Về nhà đi con |
* Có phải vì cái tem riêng đó mà mỗi lần Trung Anh xuất hiện đều để lại những dấu ấn?
- Diễn viên có kinh nghiệm thì đạo diễn ít khi can thiệp vào sự sáng tạo của họ. Đạo diễn Danh Dũng rất cởi mở, thú vị. Kịch bản phim Về nhà đi con khá tốt, nhưng câu chuyện thiên về bi kịch, lấy nước mắt của khán giả quá nhiều. Tôi đã chủ động trao đổi và chỉnh sửa một số đoạn cho phù hợp hơn. Mỗi nhân vật mình đều phải suy nghĩ, để tạo cho nó một dấu ấn riêng của mình. Không phải kịch bản thế nào là cứ thế diễn. Diễn viên có trách nhiệm nên như thế. Họ sẽ đóng vai trò đồng sáng tạo cùng đạo diễn, để tạo ra một nhân vật thú vị nhất.
* Được biết, anh vừa tham gia vai chính trong một bộ phim độc lập của đạo diễn trẻ từ Brasil?
- Cách đây 7 năm, có một người bạn giới thiệu tôi với đạo diễn Mauricio Osaki, khi bạn ấy sang Việt Nam làm phim ngắn Chiếc xe tải của bố. Phim giành được nhiều giải thưởng ở các liên hoan phim, nên sau đó, Mauricio Osaki quay lại Việt Nam, muốn làm phim truyện, phát triển từ phim ngắn đó. Anh mời tôi đóng nhân vật chính. Bộ phim có tên Chiếc xe tải màu xanh. Đó là cơ hội cho tôi được làm việc với các đạo diễn trẻ, tài năng, một ê-kíp năng động, nhiệt huyết, nghiêm túc, đòi hỏi diễn viên vắt kiệt sức lẫn trí tuệ để làm. Sau khi làm phim ngắn, quay lại Việt Nam nhiều lần, bạn còn làm phim tài liệu về tôi và chiếu ở Brasil. Bạn về tận Hà Tĩnh, lên cả mộ mẹ và chị tôi trên núi, ra bờ sông La quay phim, rồi mang về Brasil dựng. Rất tiếc, tôi chưa được xem bộ phim tài liệu này.
* Nhìn lại chặng đường dài mình đã đi, anh còn mong muốn điều gì?
- Tôi nghĩ, mình đã sống một cuộc đời bình thường, có những thiệt thòi, có những nỗi buồn, nhưng cũng có những may mắn, có cuộc sống bình yên bên gia đình. May mắn hơn nữa là tôi được theo đuổi đam mê, được sống và làm cái mình thích. Nếu có một vai diễn hay, tôi sẽ quay về với sân khấu. Tôi vẫn thích sân khấu, nhớ sân khấu. Sân khấu vẫn là niềm đam mê lớn nhất trong cuộc đời tôi.
* Cảm ơn anh.
Việt Hà (thực hiện)