NSƯT Thu Hà: Ngoài đời, tôi đâu phải "lá ngọc cành vàng"

14/11/2015 - 14:10

PNO - Trở lại với phim truyền hình sau nhiều năm vắng bóng, NSƯT Thu Hà vừa hoàn tất vai diễn trong bộ phim hợp tác với Nhật mang tên Khúc hát mặt trời.

NSUT Thu Ha: Ngoai doi, toi dau phai
NSƯT Thu Hà

Một thập niên quay lại phim trường, NSƯT Thu Hà "lên chức" mẹ trên màn ảnh. Đó là bà mẹ đơn thân phải vật lộn giữa ranh giới sống chết để giữ gìn sự sống cho cô con gái đam mê ca hát nhưng không may mắn mắc căn bệnh hiểm...

* Mười năm mới trở lại với trường quay, hẳn chị ít nhiều có cảm giác lạ lẫm?

- Quá nhiều điều mới mẻ với tôi trong lần trở lại này. Cách làm phim bây giờ khoa học, nhanh gọn, độ chính xác cao hơn. Các diễn viên (DV) trẻ cũng năng động, thông minh, nhanh nhạy hơn thế hệ chúng tôi trong nắm bắt tính cách, tâm lý nhân vật và thích nghi với điều kiện làm việc mới.

Lạ lẫm còn vì làm việc với một ê kíp có rất nhiều người mới, lúc đầu tôi luôn cảm giác mình chậm chạp. Phải mất một thời gian tôi mới có thể điều chỉnh được diễn xuất, cách thoại để bắt nhịp với phong cách của các DV trẻ. Đôi khi mình tự làm khó mình và cả những người xung quanh vì sự cẩn trọng quá mức cần thiết.

* Sự cẩn trọng không bao giờ thừa đối với người diễn viên muốn chăm chút cho vai diễn của mình…

- Tốc độ làm phim bây giờ rất nhanh nhưng không có nghĩa là thiếu chuyên nghiệp. Trái lại, tính chuyên nghiệp cao hơn bởi có sự hỗ trợ của nhiều máy móc, trang thiết bị, giúp nâng diễn xuất của DV.

Không có nhiều thời gian để “nghiền ngẫm” nhân vật trước khi ra trường quay như trước đây, thậm chí có những cảnh, kịch bản được sửa chữa ngay tại hiện trường, nên nếu thiếu sự nhanh nhạy và chỉ biết máy móc làm theo những gì đã “nghiền ngẫm” từ nhà, DV khó bắt kịp nhịp độ làm việc chung của cả đoàn.

* Không ít người cùng thế hệ chị vẫn nghĩ khát vọng làm nghề giữa thời của chị và thời của diễn viên trẻ ngày nay khác nhau rất xa?

- Điều này đúng, nhưng không tuyệt đối. Khát vọng làm nghề của người nghệ sĩ bị tác động bởi rất nhiều yếu tố. Đúng là có những người làm nghề trong thời điểm hiện tại quan niệm chỉ cần làm tròn vai diễn mà không còn sự đam mê, đắm chìm với từng nhân vật, vai diễn như trước.

Không ít DV xem nghệ thuật cũng là một ngành nghề như tất cả những công việc khác, chỉ khác là nghệ thuật dễ nổi tiếng hơn và có thể kiếm được nhiều tiền hơn từ sự nổi tiếng đó …

Ở góc độ khác, khát vọng của người DV đôi khi lại bị “khống chế” bởi yêu cầu của đạo diễn (ĐD). May mắn gặp những ĐD khó tính, chỉn chu, người DV có khát vọng sẽ có cơ hội để thăng hoa với sáng tạo của mình. Ngược lại, nếu làm việc với những ĐD yêu cầu không cao, chỉ cần nhanh gọn theo đúng tiến độ, dù có muốn làm tốt hơn, DV cũng ít có cơ hội.

NSUT Thu Ha: Ngoai doi, toi dau phai
NSƯT Thu Hà trong phim Khúc hát mặt trời

* Sau thời gian dài “mất tích” trên màn ảnh, nếu lớp khán giả bây giờ nghĩ Thu Hà là một cái tên xa lạ...

- Ngày trẻ tôi luôn khát khao được thể hiện mình trên phim ảnh với những vai diễn khác nhau. Nhưng từ khi sinh cháu thứ hai, tôi thấy mình suy nghĩ rất khác. Tôi không còn khát vọng mãnh liệt phải được xuất hiện trên màn ảnh để luôn được khán giả nhắc nhớ, mà cảm thấy có lỗi nếu cứ tiếp tục xa nhà ròng rã cả tháng trời theo các đoàn phim và bỏ lơ trách nhiệm của mình với gia đình, con cái.

Tôi cũng không còn quá trẻ để có thể chỉn chu cho tất cả mọi điều mình mong muốn. So sánh giữa sân khấu (SK) và phim ảnh, tôi cảm nhận rõ rệt khát khao được sống với cuộc đời nhân vật một cách xuyên suốt dưới ánh đèn SK lớn hơn nhiều.

Dường như tôi sinh ra để được sống với SK và chỉ SK mà thôi. Tôi quyết định chọn gia đình và SK để có thể có nhiều thời gian hơn cho gia đình và chỉn chu hơn với những số phận nhân vật trên sàn diễn.

* Nhưng sân khấu giờ đây rất khó có thể sáng đèn thường xuyên?

- Quả thật SK đang ngày một yếu dần vì nhiều lý do, nhưng trong tôi vẫn vẹn nguyên niềm đam mê với SK như những ngày đầu tiên.

* Đảm nhận tuyến vai chính ở nhà hát kịch Hà Nội, nhiều người vẫn thấy chị lăn xả tập luyện, truyền nghề cho lớp diễn viên trẻ, không hề có ý giấu nghề, chị không sợ mình bị mất vị thế?

- Chuyển giao thế hệ là truyền thống đã có từ rất lâu ở nhà hát kịch Hà Nội. Hơn hai mươi năm trước, tôi cũng như các bạn trẻ bây giờ. Ngày ấy, tôi được các anh chị đi trước nắm tay dẫn đi từng bước. Tôi không sợ mất vị thế vì tôi nghĩ mình không có vị thế nào.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI