Hơn nửa tháng qua, rất khó để sắp xếp một cuộc hẹn hoặc một cuộc gọi với NSƯT Thoại Mỹ. Chị tất bật chuẩn bị cho chuyến lưu diễn miền Trung cùng Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, phục vụ 15 suất hát miễn phí cho người dân, kết hợp tặng quà cho bà con nghèo đồng thời tập vở cải lương mới Đêm trước giờ hoàng đạo của sân khấu Đại Việt, kết hợp với kép trẻ Võ Minh Lâm, Phương Cẩm Ngọc...
Chị cũng chuẩn bị ngồi ghế giám khảo tại cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2022. Có ngày, chị chỉ ngủ được vài tiếng. “Tôi không còn nhiều thời gian khi nhiều dự án khởi động cùng lúc nhưng vui vì vẫn được làm việc, cống hiến”, chị nói.
42 năm: Nụ cười và nước mắt
Phóng viên: Tinh thần của chị trên sàn diễn vẫn tốt chứ, khi phải đối diện việc không được trao danh hiệu NSND?
NSƯT Thoại Mỹ: Lên sàn diễn, tôi quên hết những chuyện bên ngoài. Tôi không hổ thẹn vì chuyện không được trao danh hiệu NSND. Làm sao không buồn khi sự nỗ lực, cố gắng không được ghi nhận nhưng tôi chẳng thể làm gì hơn. Tâm nguyện lớn nhất của tôi là phút cuối đời vẫn được đứng trên sân khấu. Dẫu chuyện gì xảy ra, tôi vẫn phải làm việc, cố gắng, vì khán giả vẫn chờ đợi tôi.
Tôi buồn cho mình và cũng buồn cho nhiều người trong đợt xét tặng danh hiệu này. Chẳng hạn, NSƯT Lê Thiện có đến 66 năm hoạt động, vừa biểu diễn, dàn dựng vừa lãnh đạo rất nhiều thế hệ đào kép của Nhà hát Trần Hữu Trang, đến nay vẫn chưa nghỉ ngơi. Anh em NSƯT Quốc Cơ - NSƯT Quốc Nghiệp phải vất vả tập luyện từ năm năm tuổi đến nay cũng ngót nghét trên dưới 30 năm. Có lẽ, từ “xứng đáng” cần được nhìn nhận bao quát, thận trọng hơn.
|
NSƯT Thoại Mỹ hóa thân người mẹ điên tên Nhớ trong vở kịch Diều ơi của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ. Vai diễn được đánh giá cao, mang lại cho chị giải thưởng Mai Vàng năm 2020 tại hạng mục Nữ diễn viên sân khấu được yêu thích nhất |
* Chặng đường 42 năm đã qua, hẳn không ít lần nghề này dạy cho chị rằng mọi việc sẽ không bao giờ luôn được như ý?
- Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã có cơ hội đóng phim, sau đó có những vai diễn được đón nhận trong các vở: Người đẹp đến từ Triều Châu, Nàng tiên mẫu đơn, Nửa đời hương phấn. Nhưng, chẳng có con đường nào chỉ trải hoa hồng.
Một vài năm, Đoàn 3 của Nhà hát Trần Hữu Trang giải tán. Chúng tôi được tách về hai đoàn lớn của nhà hát, bắt đầu lại với các vai nhỏ, vai quần chúng. Sau đó, đoàn lại khó khăn, trục trặc, buộc tôi phải tìm đất ở Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long. Vài năm sau, đoàn khó khăn, tôi phải chạy tìm chỗ mới ở Đoàn Sông Bé, sau đó trở lại Nhà hát Trần Hữu Trang hát theo hợp đồng…
Tôi như con thuyền nhỏ chòng chành giữa những luồng sóng lớn. Thời điểm băng video thịnh hành, tôi trở mình nhanh chóng. Có lần, tôi đi cùng Đoàn Huỳnh Long diễn ở Trà Vinh, chia vai với một nghệ sĩ nữ. Đêm đó, khán giả phản ứng lắm vì không phải tôi hát. Người ký hợp đồng với đoàn cũng phàn nàn vì sao không có Thoại Mỹ. Lần đầu tiên, tôi ý thức rõ nhất về chuyện mình đã nổi tiếng.
|
NSƯT Thoại Mỹ trong hậu trường vở Xử án Phi Giao của Đoàn cải lương Huỳnh Long - Ảnh: Thành Lâm |
Cải lương đi xuống, băng video không còn thịnh hành, Đoàn Sông Bé 2 tan rã, tôi như chim lạc đàn. Tôi học hát dân ca để trụ lại, bươn chải. Nhờ đã đi qua nhiều khổ nhọc nên tôi có sự thăng bằng dễ dàng hơn. Cũng nhờ những truân chuyên, tôi luôn ý thức rằng con đường này chẳng hề dễ dàng, để trân trọng hơn từng cơ hội có được.
* Khi những điều không may mắn, không như ý xảy ra, chị đối diện, vượt qua như thế nào?
- Từng có thời điểm, áp lực công việc cộng với những bất trắc trong cuộc sống cá nhân khiến tôi muốn buông xuôi, thậm chí nghĩ quẩn. Tuy nhiên, khi biết đến Phật pháp, nhìn lại hành trình các cô chú, anh chị đã đi hoặc những hoàn cảnh bên ngoài, tôi có thêm động lực. Tôi tự hỏi vì sao mọi người có thể vượt qua, còn tôi lại không.
Tôi ngã nhiều và cũng tự đứng lên. Những chuyện đã qua giống như một phép thử cho sự mạnh mẽ, kiên cường bên trong tôi. Cảm giác buồn, thất vọng vẫn có khi chuyện không như ý xảy đến. Song bây giờ, tôi đối diện chúng dễ hơn. Giới hạn của sự chịu đựng trong tôi tăng dần theo năm tháng. Tôi hay dùng hai chữ “thôi kệ” để đi qua tất cả.
* 42 năm, khán giả đa phần chỉ nhìn thấy sự huy hoàng của chị, còn những góc khuất có lẽ ít ai biết đến…
- Tôi xuất thân trong một gia đình nghèo. Từ khi đi học đến khi đi hát, chiếc xe đạp vẫn là ước mơ xa vời. Suất diễn bắt đầu lúc 19 giờ thì từ 15 giờ tôi đã xách cà mên đi bộ dần. Ngày nào may mắn thì có người cho quá giang. Có những đêm đi về một mình bị cả đám con trai khiếm nhã trêu ghẹo, tôi chỉ biết chạy và khóc.
Sau này, tôi may mắn được mẹ nuôi giúp đỡ mua cho xe để đi làm. Tôi đều phải tự thân vận động vì không có sự hỗ trợ từ gia đình. Tôi cũng không ít lần đối diện những chuyện ganh đua, tranh giành hay bị đối xử bất công. Những lúc đó, tôi nhớ đến lời dạy của ngoại Bảy (cố NSND Phùng Há - PV), khi thấy người hay thì đừng ganh tị mà hãy học hỏi, phấn đấu và biết nhẫn nhục. Mỗi lần gặp chuyện, tôi đều chạy đến khóc với bà.
Chặng đường đã đi có mồ hôi, nước mắt và cả máu. Có lần mắt tôi bị rách, chảy máu, đến khi vào hậu trường mới biết, được đưa đi bệnh viện ngay. Có một giai đoạn, vì bệnh tim, hơi tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gần như không thể hát.
Lần nọ, chân tôi đứt hết dây chằng, xương đầu gối bể nát vì té trên sân khấu. Tôi mất vài năm để điều trị, không đứng sân khấu diễn được. Di chứng còn lại kéo dài đến hiện tại, khiến tôi bị tật. Gần đây, bác sĩ đề nghị tôi thay khớp để đảm bảo sức khỏe sau này. Vậy nhưng khi đó tôi sẽ khó hoặc không thể diễn tuồng cổ được nữa. Tôi chấp nhận uống thuốc, điều trị dài hạn để được hát, đến khi nào không được nữa thì thôi.
Tôi vừa là thầy, vừa là bạn
* Đoạn đường nào rồi cũng sẽ có điểm kết. Chị có hình dung về tương lai này hay chưa, khi tuổi đời ngày một lớn?
- Tôi ít nghĩ hoặc có thể không nghĩ về ngày rời sân khấu (cười). Đã là máu thịt, làm sao từ bỏ được. Tre tàn thì măng mọc. Người trẻ sẽ viết tiếp những trang mới cho cải lương. Vì thế, khi nhận được bất kỳ lời mời làm giám khảo, huấn luyện viên cho cuộc thi nào về cải lương, tôi đều nhận lời.
Ngày trước, tôi có thể vừa chạy show, vừa đảm nhận các vai trò trên nhưng những năm qua, sức khỏe không cho phép tôi làm nhiều việc cùng lúc. Nếu đi diễn, tôi sẽ không thể tập trung hết sức lực cho các em. Cùng một khoảng thời gian, nếu tập trung chạy show, chắc chắn tôi sẽ có được nhiều lợi ích hơn so với việc ngồi ghế giám khảo, huấn
luyện viên.
Nhưng ai rồi cũng về với cát bụi. Tôi chẳng thể mang theo tiền bạc, của cải. Còn cải lương phải được sống tiếp. Vì thế, có bao nhiêu kinh nghiệm, tôi đều tận dụng triệt để cơ hội có được để truyền dạy cho các em. Nhiều học trò của tôi đạt ngôi vị quán quân, á quân tại các cuộc thi hoặc đã được vinh danh NSƯT. Đó là động lực lớn để tôi cố gắng trên hành trình này. Miễn ai cần, tôi sẵn sàng có mặt.
|
NSƯT Thoại Mỹ và NSƯT Vũ Linh |
* Chọn theo cải lương nghĩa là đang bước trong ngõ hẹp. Chị nghĩ sao về nhận định này?
- Các bạn trẻ có nhiều cơ hội, thông qua các cuộc thi, được tiền bối chỉ dạy trực tiếp. Sau đó, họ tiếp tục đầu quân về các đoàn. Bạn nào may mắn đạt giải cao sẽ có cơ hội đóng vai quan trọng trong các tuồng. Truyền thông cũng có sự góp sức không nhỏ cho họ vươn lên.
Ngày trước, chúng tôi không có nhiều cơ hội như vậy, hầu như đều phải đi lên theo từng nấc thang. Học trong trường chỉ là kỹ năng căn bản, còn xây dựng sự nghiệp phải tự thân vận động. Tuy nhiên, hiện tại, cơ hội biểu diễn không nhiều cũng là thách thức lớn. Ai biết nắm bắt thời cơ sẽ vụt sáng, còn ngược lại, chỉ có thể cầm micro đứng hát, chứ khó thành nghệ sĩ chuyên nghiệp. Chúng ta khó thay đổi thời thế nhưng có thể thay đổi chính mình để thích nghi, tồn tại.
* Sự khác biệt về tuổi tác, thế hệ có làm chị khó hòa nhập với họ?
- Tôi không phải nghệ sĩ có giọng ca tuyệt đỉnh nhưng cách hát, cách diễn của tôi cân bằng, được khán giả chấp nhận. Đi nhiều, tôi càng thấm thía nghề này chỉ cần chểnh mảng một chút là sa chân ngay. Ngày xưa, chúng tôi trưởng thành từ những bài học rất khó, cách dạy khắt khe của cố NSND Phùng Há. Nay, tôi cũng nghiêm túc với các em, mong muốn họ phải chỉn chu, mực thước trong cách làm nghề. Trước tiên, đạo đức phải tốt. Hãy biết tranh đấu để nỗ lực phát triển chứ không nhằm hạ bệ, làm hại ai đó.
Tôi từng trải qua những năm tháng tuổi thơ cơ cực. Tôi nhớ những năm mẹ đi ở đợ, cứ mỗi ngày, tôi lại lén đến thăm bà bằng cửa sau, được ăn những chén cơm thừa của nhà chủ, vui lắm. Mẹ hay nhắn nhủ tôi cố gắng theo nghề, sau này nổi tiếng đừng quên những ngày cơ cực. Mẹ qua đời năm tôi 14 tuổi. Những câu nói đó đi theo tôi đến tận bây giờ. Tôi luôn nghĩ nếu có thể chia sẻ với một ai đó nghèo khổ, chắc chắn họ sẽ vui như mình ngày xưa. Vì thế, tiền có được, tôi luôn dành một phần cho các việc thiện nguyện”. NSƯT Thoại Mỹ |
Các bạn trẻ tuy thiếu kinh nghiệm nhưng có lợi thế là sức trẻ, sự sáng tạo và khả năng nắm bắt xu hướng rất nhanh. Vì thế, tôi không chỉ dạy mà còn học lại từ họ những điều hay, thú vị. Tôi hòa nhập với họ để đưa ra những sự lựa chọn tốt nhất. Mỗi người có thế mạnh riêng. Tôi sẽ canh vào đó để phát triển chứ không thể đào tạo theo cách đánh đồng.
Tôi vừa là thầy, vừa là bạn của họ. Sau này, nhiều học trò khi gặp vấn đề trong công việc, trong cuộc sống đều gọi hỏi ý, nhờ tôi tư vấn. Tôi đã nếm mật nằm gai đủ nhiều với cuộc đời, nghiệp hát nên không khó để chia sẻ, động viên các bạn.
* Hẳn chị cũng đã chuẩn bị tâm lý kỹ cho việc lui về sau để người trẻ đi lên, bởi buông bỏ hào quang sẽ rất khó?
- Khi Bình Tinh mời về Đoàn Huỳnh Long, tôi nhận lời ngay. Trong đoàn, có tôi, NSƯT Hữu Quốc, nghệ sĩ Ngân Tuấn lớn tuổi, còn lại đa phần đều trẻ. Cơ hội nên dành cho họ nhiều hơn. Tôi vẫn đóng những vai quan trọng, vai chính nhưng các vai đó phải phù hợp lứa tuổi.
Gần đây, khi dựng tuồng Mạnh Lệ Quân, Bình Tinh vẫn mời tôi vào vai Mạnh Lệ Quân. Tôi từ chối ngay. Bình Tinh sợ tôi không đóng chính khán giả sẽ phản ứng tiêu cực nhưng tôi động viên cháu, miễn là tôi có vai diễn đàng hoàng, lớp diễn hay thì khán giả sẽ chấp nhận. Trừ khi tôi diễn quá tệ, họ mới không đón nhận. Tôi thuyết phục nhiều lần, Bình Tinh mới đồng ý. Những gì đã học được từ cố soạn giả Bạch Mai, tôi chỉ lại hết cho các em, cháu, từ đó họ phát triển thêm.
Ngày xưa, tôi đóng San Hà được khán giả rất yêu thích trong San Hà Xã Tắc nhưng giờ diễn lại vai này làm sao khán giả chấp nhận được. Nếu cứ khư khư ôm vai đào chính thì tôi còn ngượng với chính mình, huống gì khán giả. Tôi thường nói với các em, các cháu rằng một vai diễn để lại ấn tượng trong lòng công chúng, cho thấy được sự thú vị từ người nghệ sĩ mới thực sự quan trọng.
NSND Thoại Miêu (chị gái NSƯT Thoại Mỹ) cho biết, mỗi lần NSƯT Thoại Mỹ làm giám khảo, huấn luyện viên, hầu như không thấy em gái ở nhà. Mỗi ngày, NSƯT Thoại Mỹ ra khỏi nhà từ rất sớm và trở về vào lúc nửa đêm, thậm chí rạng sáng. Gia đình đếm không xuể số lần truyền nước, uống thuốc của chị. “Tôi hay nhắc nhở Mỹ phải tiết chế, giữ gìn sức khỏe nhưng em ấy thường không nghe lời. Bước lên sân khấu, Thoại Mỹ “cháy” hết mình, không còn biết gì xung quanh. Gia đình xót lòng xót dạ nhưng cũng đành chịu vì với Mỹ, sân khấu là tất cả”, NSND Thoại Miêu nói |
Người thương tôi cũng phải thương luôn nghề của tôi
* Gần đây, chị xuất hiện trên mạng xã hội nhiều. Vì sao có sự thay đổi này?
- Cách đây vài năm, từng có nhiều lời gợi ý rằng tôi hãy xuất hiện nhiều hơn trên mạng xã hội. Tuy nhiên, tôi e ngại. Tôi tự hỏi: Khán giả có đón nhận tôi hay không? Tôi có thể bắt kịp đời sống trên thế giới lạ lẫm ấy hay không?
Tuy nhiên, gần đây, nhờ sự đốc thúc của những bạn trẻ bên cạnh, cộng với sự ủng hộ của khán giả, tôi quyết định thay đổi. Nhiều video của tôi từ các buổi livestream lan tỏa trên mạng khiến tôi bất ngờ. Sau đó, các bạn đưa ra nhiều ý tưởng, xu hướng để tôi thực hiện theo.
Cũng từ đây, tôi biết nhiều bạn trẻ vẫn yêu cải lương. Mạng xã hội có thể trở thành con đường tốt để tôi tiếp cận với khán giả trẻ, ít nhất để họ biết về tôi, nhớ khái niệm cải lương.
* Ở tuổi 53, việc thích nghi với mạng xã hội có thực sự dễ dàng với chị, đặc biệt khi môi trường này cũng chứa nhiều điều tiêu cực?
- Thời gian đầu, có khán giả chấp nhận nhưng cũng có người không, gây ra tranh cãi. Trước những ý kiến tiêu cực, tôi thường ngồi xét lại mọi việc. Nếu tôi không làm gì sai thì không ngại. Có thể khán giả vẫn chưa quen hoặc chưa nhìn nhận đúng các nội dung được phát triển cũng chỉ là một nhân vật, chứ không phải là con người thật của tôi. Thời gian sẽ cho họ nhận ra điều đó.
Bây giờ, tôi đã bắt nhịp được với các bạn trẻ. Tuy nhiên, mạng xã hội là con dao hai lưỡi nên tôi luôn cẩn trọng hết mức. Trước khi làm việc gì, tôi đều suy xét kỹ lưỡng. Có những trào lưu, xu hướng khá nổi nhưng nếu đánh giá có khả năng gây ra tranh cãi, tôi sẽ không làm theo.
* Chị vui và hạnh phúc với những gì đã và đang có chứ?
- Những ngày qua, khán giả gọi điện, nhắn tin an ủi tôi rất nhiều trước việc không đạt danh hiệu NSND. Đó cũng là niềm an ủi lớn để tôi vượt qua tất cả và cũng là phần thưởng quý giá nhất trong chặng đường mấy mươi năm qua. Ơn này, tôi ghi nhớ trọn đời.
Tôi hạnh phúc khi có một người và nhiều người luôn nghĩ về mình. Tim tôi lúc nào cũng có hình bóng họ. Trải qua những sóng gió, đổ vỡ, tôi càng trân trọng hạnh phúc có được ở hiện tại. Người thương tôi cũng phải thương luôn nghề của tôi. Có nhiều người đến, muốn chăm lo cho tôi cuộc sống đủ đầy nhưng với điều kiện tôi phải dừng việc ca hát. Tôi từ chối tất cả.
Tôi đã đổ mồ hôi, nước mắt, máu để có hôm nay thì không có lý do gì để từ bỏ, đặc biệt khi khán giả chưa bao giờ bỏ tôi. Nếu có kiếp sau, tôi cũng nguyện được làm đào hát.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Thành Lâm
Ảnh: Nhân vật cung cấp