NSƯT Thoại Mỹ: “Hạnh phúc do mình lựa chọn”

14/02/2021 - 07:02

PNO - Mang nhiều trăn trở với nghề, từng đi qua những buồn khổ, đổ vỡ nhưng hiện tại nữ nghệ sĩ đã hạnh phúc hơn.

Thời gian luôn luôn khắc nghiệt với nghệ sĩ, đặc biệt với phụ nữ. Nhưng thời gian cũng đem lại cho con người nhiều giá trị trong cuộc sống, bởi khi càng lớn người ta càng suy nghĩ thấu đáo, có cái nhìn bao dung và biết chọn lựa những điều tốt nhất cho mình. Đã đi qua hơn nửa con dốc của cuộc đời, NSƯT Thoại Mỹ càng thấm thía điều đó, cho nghề lẫn cho đời.                                    

Nghệ sĩ tính cần có, nhưng không thể thiếu lý tính

*Phóng viên: Sau 1 năm sân khấu trì trệ vì dịch bệnh, với chị, cảm giác được trở lại sân khấu ắt có nhiều điều thú vị...

- NSƯT Thoại Mỹ: Năm vừa qua thực sự bế tắc, khiến những khó khăn của sân khấu càng thêm nặng nề. Với riêng tôi, khi dịch bệnh tạm lắng, lại có thể làm được nhiều việc nhỏ, đi diễn, đóng kịch và tham gia vở Dương gia tướng của đoàn Huỳnh Long.

Ngày 9/1 vừa qua, tôi tiếp tục trở lại sân khấu trong show diễn với anh Kim Tử Long. Khán giả mong chờ sự kết hợp này từ lâu. Ban đầu, tôi ngăn anh Long vì lo dịch bệnh, lo vé không bán được khi điều kiện kinh tế eo hẹp, hơn nữa, làm liveshow phải chỉn chu, rồi rạp Hồng Liên ở xa... Anh Long động viên tôi, anh nói muốn làm để tri ân khán giả, chứ ngồi đợi không biết đến bao giờ.

*Có vẻ, sự lý tính trong chị nhiều quá?           

- Nghệ sĩ tính là điều không thể thiếu, nhưng khi đã đầu tư buộc phải tỉnh táo. Nếu chương trình có nhà tài trợ, bạn vẫn cần tính toán kỹ bởi không ai muốn bỏ tiền để quảng bá mà không đem lại hiệu quả. Làm bất kỳ điều gì cũng vậy, tôi muốn mình vui và người vui. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa khi sự lý tính được đề cao thì sẽ mất đi tính nghệ thuật.

NSƯT Thoại Mỹ và NSƯT Kim Tử Long trong đêm diễn vào tối 9/1 vừa qua
NSƯT Thoại Mỹ và NSƯT Kim Tử Long trong đêm diễn vào tối 9/1 vừa qua

*Sự lý tính ấy dùng để giải quyết bài toán nghệ thuật và thị trường, có được hay không?

- Tôi hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực cải lương nhưng kịch, phim tôi đều theo dõi. Điều đó giúp tư duy được thoáng, rộng hơn. Khi ngồi cùng hàng ghế, tôi có dịp quan sát phản ứng của khán giả để biết họ thích điều gì, lựa chọn tiếp nhận điều gì. Làm nghệ thuật trong thời buổi kinh tế hiện tại, việc đo lường thị trường là hết sức cần thiết chứ không chỉ biết thỏa tư duy của mình. Nghệ thuật và thị trường phải cân bằng được cả hai, chứ không thể chỉ chọn một.

Tôi luôn khuyến khích học trò, đàn em như thế. Cần giữ lề, giữ quy tắc nhưng không bó buộc. Không phải buồn là khóc, đau khổ là ôm gối, hay không phải chờ hò, nói lối mới vào vọng cổ. Bạn có quyền sáng tạo, nhưng phải vững kỹ thuật, phải cân nhắc, suy xét xem có hợp lý hay không. Nếu chỉ ca diễn một mô-típ năm này qua tháng nọ, thì khán giả có yêu mến nhiều đến mấy cũng sẽ chán.

Phải để khán giả thấy mình trong đó                                

*Những khó khăn hiện tại có khiến chị suy tính kỹ hơn về những điều mình muốn thực hiện trong tương lai gần?             

- Năm 2020 tôi dự định thực hiện album nhưng vì dịch nên tạm hoãn. Sang đầu năm nay, chúng tôi tập luyện vở San Hà Xã Tắc để diễn vào mùng 9 tết. Sau đó, chúng tôi tiếp tục tập Song hùng kỳ hiệp. Ngoài ra, tôi cũng hứa với Mỹ Uyên, Hữu Quốc sẽ tham gia kịch nếu có kịch bản phù hợp.

Tôi từng đóng kịch vào thập niên 90, nhưng sau đó bỏ hẳn. Gần đây, tôi tham gia vở Diều ơi tại Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ, nhận được nhiều phản hồi tích cực và một số giải thưởng. Tôi thích trải nghiệm những điều mới mẻ. Hơn nữa, khi thấy anh em đang dốc hết sức cho sân khấu, tôi cũng sẵn sàng, không toan tính gì cả. Sức mình đến đâu góp đến đó.

“Ban đầu, tôi cũng lo nhiều khi được Mỹ Uyên mời đóng kịch. Tôi sợ không thoát được cách diễn cải lương. Nhưng Mỹ Uyên, Hữu Quốc nói cứ diễn như đời thật. Vở kịch, bản thân tôi cũng được vinh danh, là một bất ngờ lớn”, NSƯT Thoại Mỹ chia sẻ.

Tôi rất thích vở Bồ công anh trong gió, nói về cộng đồng LGBT. Tôi nghĩ có vai phù hợp nhưng tiếc là lúc đó Mỹ Uyên chưa mở lời. Những trải nghiệm khi tham gia kịch không chỉ giúp cho kinh nghiệm sân khấu dày dặn hơn, mà còn làm cho cuộc sống của tôi nhiều màu sắc hơn. Tuổi này, tôi vẫn thích vui, thích chơi cùng người trẻ.

*Từ sự mới mẻ đó, chị thấy gì về cải lương hiện tại?                         

- Đa phần những tuồng thành công đều là dựng lại, có nhiều nguyên nhân. Cải lương tuồng cổ thì phải bám sát sử, không khác đi nhiều được, chỉ có thể thêm âm nhạc, vũ đạo. Những vở xã hội lại thiếu đi thực tế cuộc sống hiện tại.

Nghệ thuật có hào nhoáng, lộng lẫy thế nào thì cũng phải gần gũi với cuộc sống. Khán giả phải thấy được mình trong đó thì mới hy vọng tác phẩm sống được. Tôi thấy, ở các chương trình như Điều ước thứ 7, Như chưa hề có cuộc chia ly có những câu chuyện rất ý nghĩa để mang lên sân khấu.

Cải lương có nỗ lực nhưng có lẽ phải mở tư duy hơn nữa. Trong các vở diễn, nhiều tình huống rất thực, rất đời đều bị cắt, hoặc phải làm khác đi khi lên sóng, đó là điều thật sự đáng tiếc và khiến chúng không còn hấp dẫn. Để thay đổi, cần thay đổi rất nhiều yếu tố như biên kịch, đạo diễn...

NS ƯT Thoại Mỹ trong vở kịch Diều ơi
NSƯT Thoại Mỹ trong vở kịch Diều ơi

Câu chúc đầu xuân - NSƯT Thoại Mỹ, Phương Mỹ Chi:

 

 

*Tư duy, dường như đó là một khái niệm rất lớn...

- Đơn giản, cải lương không phải lúc nào cũng cần khóc, bi đát, chỉ cần một lớp diễn chạm vào tâm hồn khán giả, khiến họ rơi nước mắt là được. Có nhiều vở kịch, tôi xem cười nhưng chảy nước mắt. Cải lương dù làm khán giả xúc động nhưng vẫn mang đến sự thú vị. Tôi thích khi diễn xong sẽ nghe khán giả nói với nhau rằng: “Ê, mày trên đó kìa”, bởi khi đó họ thấy được mình trong vai diễn.

*Thế hệ đi trước không thể làm gì nhiều hơn, và dường như mọi hy vọng cho cải lương trong tương lai được dồn vào thế hệ của chị...

- Các bạn trẻ làm gì tôi cũng cố gắng đến xem. Không chỉ họ học ở tôi mà tôi còn phải học họ rất nhiều, để làm mới mình hơn. Tôi hát cho đoàn Huỳnh Long, hát 5 màn, cát-sê cũng chỉ bấy nhiêu nhưng may 5 bộ trang phục. Dĩ nhiên, tôi hoàn toàn có thể có lựa chọn tốt hơn, nhưng không góp gió thì sao thành bão. Nhìn những người trẻ còn nhiệt huyết, tôi thương vô cùng.

Bây giờ, tôi không còn áp lực gì nữa nên làm nghề rất thoải mái. Tuy nhiên, lịch diễn vẫn còn nhiều nên không có nhiều thời gian luyện tập cùng các em. Tôi thấy rất áy náy. Có nhiều em sợ mời tôi vai nhỏ tôi không nhận. Tôi nói thẳng với họ, có vai hợp tôi sẵn sàng tham gia. Bắt đầu con đường nghệ thuật không mấy suôn sẻ nên tôi hiểu hết những điều các em đang đối diện và sẵn sàng mở lòng với tất cả.                                   

Hạnh phúc do mình chọn lựa

*Qua một năm quá nhiều biến động, chị thấy mình thay đổi gì?

- Quá nhiều sự ra đi bất ngờ trong năm qua giúp tôi biết trân trọng những người bên cạnh mình hơn. Có thể hôm nay còn gặp nhau đó nhưng ngày mai hai người đã hai thế giới khác rồi. Vì thế, hễ ai giận hờn ai tôi đều khuyên cho qua.                                                           

Với bản thân tôi, ngày trước, không thích điều gì tôi sẽ phản ứng ngay. Còn bây giờ, khi đối diện với nhiều việc không vui tôi cũng không chấp nhặt. Tôi nghĩ rất kỹ trước khi nói hay hành động. Giận ai tôi cũng cho qua nhanh. Chỗ nào vui mình đến, còn không thì thôi. Thậm chí, có khi anh Vũ Linh thấy tôi không có phản ứng còn hỏi: “Chuyện này cô Thoại Mỹ không nói gì sao?”. Tôi nghĩ, hạnh phúc đến từ sự cảm thông, độ lượng và khoan dung với nhau nhiều hơn.

*Bây giờ chị vui hơn nhiều chứ?

- Những trăn trở với nghề vẫn còn đó, nhưng tôi không bi lụy, cứ bắt tay vào làm. Tôi không thích cảm giác rảnh rỗi. Mùa tết nào cũng vậy, giọng tôi khàn đi vì phải đi diễn, thu âm, tập vở liên tục. Năm nay, với tình hình này, tôi cũng lo nhiều, chỉ mong được gặp khán giả đúng hẹn.

3 năm gần đây, tôi mới có cảm giác ăn tết. Còn những năm trước, cứ đến rằm tháng Chạp tôi sẽ về lại nhà, chăm chút một số thứ rồi trưa 30 lên đường đi hát. Có năm, tôi đi hết tháng Giêng mới về. Có ngày tôi diễn 3-4 điểm, đến khi vãn suất cuối cùng, tôi tự hỏi mình vẫn còn sống hay sao. Nhiều lúc tôi cũng tự hỏi tại sao mình phải như vậy, vì nghề, vì chữ tín mà gần như phải “bán mạng”.

Càng lớn, tôi càng muốn dành thời gian cho gia đình, cho những người mình thương. Những lời mời hát vào đêm giao thừa, tôi đều từ chối.

Tôi sẽ tranh thủ đi chợ vào những ngày giáp tết. Nếu bận thì ghi giấy nhờ người mua. Tôi biết chăm chút nhà cửa hơn, thay vì giao hết cho người làm và con cháu như trước. Mùng Một tôi sẽ đi chùa, đến nhà chúc tết anh em họ hàng. Mùng Hai tôi đi hát trở lại.

Đi qua nhiều buồn đau, nữ nghệ sĩ biết tận hưởng cuộc sống hơn
Đi qua nhiều buồn đau, nữ nghệ sĩ đã biết tận hưởng cuộc sống hơn

*Hạnh phúc ngày trẻ và hiện tại khác nhau nhiều không, thưa chị?

- Vì dịch bệnh nên tôi và người thương phải mỗi người một nơi. Trước đó tôi và người ấy thay nhau đi lại giữa Việt Nam và Mỹ. Tôi không có con nên không vướng bận nhiều.

Từng đổ vỡ, từng đi qua rất nhiều điều không hạnh phúc nên tôi trân quý hơn những gì mình đang có. Ở tuổi nào người ta cũng mong mình được hạnh phúc hơn thôi.

Nhiều người lo sợ tuổi già, sợ phải xa sân khấu, nhưng có sợ thì điều đó vẫn sẽ diễn ra. Vì thế tôi không nghĩ nhiều. Tôi thích mỗi ngày thức dậy được nhìn mình tươi tỉnh, tâm hồn trẻ trung.

Ngoài người thương, tôi cũng có một hội bạn thân, mỗi lần có thời gian chúng tôi sẽ tụ họp. Họ luôn mang niềm vui đến cho tôi từ những chuyện rất nhỏ trong cuộc sống. Còn ngày trước, tôi luôn từ chối những cuộc gặp gỡ như thế. Những hôm không đi hát, tôi ở trong nhà cả ngày, không thích gặp ai, chỉ có tivi làm bạn. Hạnh phúc do mình chọn lựa thôi.

*Xin cảm ơn chị!

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI