PNO - Tuổi thơ vất vả thiếu thốn, chịu nhiều mất mát, lẽ ra Thoại Mỹ phải rất hợp với vai “đào thương”. Vậy mà rồi, chị đã chọn một lối đi thật khác: hóa thân vào dạng vai độc, lẳng, cá tính.
LTS: Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, sau những vai diễn ông hoàng bà chúa áo xiêm lộng lẫy, những nhân vật đầy quyền uy, ma lực… người nghệ sĩ cũng có những số phận, nỗi niềm riêng. Đôi khi, số phận của người nghệ sĩ trong đời thực còn phong ba, thăng trầm gấp bội những nhân vật mà họ thể hiện. Thành công của người nghệ sĩ bao giờ cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, tình yêu và sự tận hiến cho nghệ thuật. Như con tằm rút ruột nhả tơ, có người may mắn thành công ngay từ những vai diễn đầu tiên, nhưng cũng có người đi gần nửa hành trình nghệ thuật mới nhận ra đâu là thế mạnh, khả năng thực sự của mình. Nhưng ở vị trí, vai trò nào, người nghệ sĩ cũng luôn có một ước mơ cháy bỏng: Được sống với sân khấu, với vai diễn đến hơi thở cuối cùng.
Phía sau hào quang còn biết bao câu chuyện chưa kể về cuộc đời, nỗ lực của người nghệ sĩ. Từ số báo này, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ “kể lại” những câu chuyện vui buồn, trăn trở, khát vọng của những người đã tận hiến đời mình, để mang lại niềm vui, nụ cười và cảm xúc đẹp cho công chúng.
Sài Gòn năm 1986. Từ ngôi nhà nhỏ ở đường Lý Chính Thắng (quận 3, TP.HCM), chiều chiều lại có cô gái nhỏ rời khỏi nhà, đi bộ đến những rạp hát. Khi đến rạp Thủ Đô, Đại Đồng, Hưng Đạo, lúc đến rạp Lao Động, Cây Gõ, Hào Huê… Đoạn đường càng xa thì phải đi càng sớm. Có lúc tối bảy giờ hát thì ba giờ chiều đã phải bắt đầu đi. Đôi dép mòn quai qua những cung đường, dép đứt thì cài kim tây vào rồi đi tiếp. Ròng rã suốt nhiều năm như vậy.
Cô gái ấy chính là NSƯT Thoại Mỹ. Đó là khoảng thời gian chị vừa mới ra trường và diễn ở đoàn cải lương Trần Hữu Trang 3. “Cũng có những hôm người bạn hàng xóm có xe đạp chở đi, tối diễn xong đồng nghiệp cho quá giang về, hoặc ngày nào ba tôi được về nhà sớm thì chở tôi đến rạp. Nhưng lúc đó, việc đi bộ dù xa đến mấy cũng không phải là vấn đề. Còn trẻ mà, chưa khi nào tôi thấy mệt. Chỉ cần được đi ca diễn là hào hứng, hạnh phúc lắm” - NSƯT Thoại Mỹ nhớ lại.
Mà hồi ấy, tình cảm của khán giả mộ điệu dành cho các nghệ sĩ cũng vô cùng ấm áp. Tối diễn thì từ sáng người người xếp hàng mua vé. Suất nào cũng kín rạp. “Thù lao vai chính được khoảng mấy ngàn/suất, đóng phụ thì ít hơn, vào vai tì nữ chỉ 600 đồng. Tôi thì vai nào cũng nhận cả, có khi nay hát đào chánh, mai xuống đào nhì, hôm sau nữa lại làm tì nữ. Anh em nghệ sĩ trong đoàn cứ luân phiên chia vai cho nhau. Tiền không nhiều nên việc đi xích lô hay ăn một gói xôi cũng không dám phung phí” - chị kể.
Tôi nhớ hoài câu nói của bác Hai Diệp Lang, bác dạy tôi rằng được giao vai chính thì hát vai chính, giao vai hiền thì hát vai hiền, đưa vai diễn cá tính thì cũng phải diễn cho ra cá tính. Đừng nản chí. Bác nói: “Con có lợi thế gì? Sắc vóc mình có, giọng ca mình không phải dở, nhưng cũng không phải xuất sắc. Vậy ca trung bình, nhưng ca theo tình huống và ca theo từng hoàn cảnh của nhân vật. Hát sao mà khán giả thấy được nhân vật của mình, để lời hát, cảm xúc của nhân vật chạm đến trái tim khán giả”. Tôi tự biết giọng ca của mình không thể bằng các chị Ngọc Huyền, Thanh Hằng, Phương Hồng Thủy… nên lúc nào cũng lắng nghe nhận xét của đàn anh, đàn chị, bậc cha chú trong nghề, để hoàn thiện mình.
NSƯT Thoại Mỹ
Nhiều khán giả lớn tuổi - được nghệ sĩ gọi bằng ngoại, bằng má - thường mua bánh trái, áo quần, thậm chí nấu cơm mời các nghệ sĩ trẻ cùng ăn. Điểm hẹn quen thuộc mà “các má” hay chờ “các con” ra để ăn cơm là góc đường gần cầu Thị Nghè. Thức ăn được bỏ vào trong đôi gánh hàng rong của các má, dành cho Thoại Mỹ, Tô Châu, Quang Châu, cùng một số nghệ sĩ trẻ khác. Không có khoảng cách giữa nghệ sĩ và khán giả. Trên sân khấu, nghệ sĩ tỏa sáng với những vai diễn khóc cười, chạm vào trái tim khán giả. Nhưng ở góc phố, họ được người già xem như con cháu. Tình cảm giản dị ấm áp đó cho đến giờ, NSƯT Thoại Mỹ vẫn không sao quên được. Cũng như chị không thể nào quên thuở hàn vi của những năm tháng mới vào nghề, cả lời má chị đã dặn, rằng sau này dù có thành đạt, có nổi tiếng cũng đừng quên mình từng xuất thân trong nghèo khó. Phải luôn nhớ để giữ mình không được kiêu căng, cao ngạo.
“Hồi tôi còn bé, có lúc má đi ở đợ cho người ta. Ra đường, người ta hỏi: “Tao thấy má mày ở ngoài chợ, có muốn gặp không?”. Hai chị em tôi được dẫn đi gặp má, đứng lấp ló ngoài cửa chờ, má len lén mang phần ăn của má ra cho. Ký ức ấy làm sao quên được…” - đôi mắt của người nghệ sĩ tuổi 51 long lanh nước. Lúc chị còn học ở nhà hát Trần Hữu Trang, má chị hay nói, trông cho con gái ra trường đi hát, bà sẽ xách túi trầu đi theo. Nhưng bà đã mất khi Thoại Mỹ vừa kết thúc học kỳ thứ nhất. Năm ấy, chị mới 13 tuổi.
NSƯT Thoại Mỹ diễn xuất thần trong vở San hà xã tắc
“Chịu thiệt thòi một chút rồi con sẽ được bù đắp”
Tuổi thơ vất vả thiếu thốn, chịu nhiều mất mát, lẽ ra Thoại Mỹ phải rất hợp với vai “đào thương”. Chị nói từng có những vai mà chị không cần phải diễn xuất gì cả, đến những phân cảnh buồn nước mắt cũng tự trào ra. Vậy mà rồi, chị đã chọn một lối đi thật khác: hóa thân vào dạng vai độc, lẳng, cá tính.
Năm 1991, đoàn cải lương Trần Hữu Trang 3 giải thể, Thoại Mỹ về đoàn Trần Hữu Trang 2, sau đó được mời về đoàn Huỳnh Long. Khi bắt đầu hóa thân vào vai ác, chị cũng bắt đầu “nếm mùi” bị mắng nhiếc. Nhiều khi đang hát trên sâu khấu thì nghe bên dưới khán giả xì xào mắng nhiếc. Thậm chí khi đi quay video, khán giả bu quanh cũng vừa xem vừa chửi. Đã có lúc chị bị áp lực, khóc, ấm ức, không diễn được và muốn từ bỏ những vai ác. Nhưng đạo diễn Lê Lộc, Phượng Hoàng đã động viên chị không được diễn “bớt ác lại”, mà thậm chí còn phải diễn ác hơn nữa. Khán giả càng ghét, chứng tỏ nhân vật càng thành công.
“Tôi nhớ hoài câu nói của bác Hai Diệp Lang, bác dạy tôi rằng được giao vai chính thì hát vai chính, giao vai hiền thì hát vai hiền, đưa vai diễn cá tính thì cũng phải diễn cho ra cá tính. Đừng nản chí. Bác nói: “Con có lợi thế gì? Sắc vóc mình có, giọng ca mình không phải dở, nhưng cũng không phải xuất sắc. Vậy ca trung bình, nhưng ca theo tình huống và ca theo từng hoàn cảnh của nhân vật. Hát sao mà khán giả thấy được nhân vật của mình, để lời hát, cảm xúc của nhân vật chạm đến trái tim khán giả”.
Tôi tự biết giọng ca của mình không thể bằng các chị Ngọc Huyền, Thanh Hằng, Phương Hồng Thủy… nên lúc nào cũng lắng nghe nhận xét của đàn anh, đàn chị, bậc cha chú trong nghề, để hoàn thiện mình” - NSƯT Thoại Mỹ tâm sự. Những năm ấy, mỗi đoàn đều có đào chính: Ngọc Huyền, Tài Linh, Thanh Thanh Tâm… Vậy ai sẽ là đào nhì, đào độc? Trả lời câu hỏi ấy chính là lựa chọn của Thoại Mỹ. Chị nói vui, chị cùng với nghệ sĩ Thanh Hằng khi ấy đã “hốt hết” những vai đào nhì, đào độc (Thanh Hằng còn đảm nhận các vai “mụ”).
NSƯT Thoại Mỹ là cô đào ăn ý với NSƯT Vũ Linh
Cái tên Thoại Mỹ từ những vở diễn tốt nghiệp: Y Ban và nàng Tiên, Người đẹp bến Tiền Châu, Người đẹp mẫu đơn… dần dần tạo ấn tượng với vở Một nửa kim tiền, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, Giang sơn và mỹ nhân. Đến vai Phi Loan trong vở Sở Vân cưới vợ là chị bật lên, thành một tên tuổi nổi tiếng. Đóng đào nhì và đúng như dự đoán của những người đi trước, Thoại Mỹ đã nổi tiếng, được yêu thích bằng chính những vai độc, lẳng, cá tính ấy.
Nhà người ta ăn cơm còn miếng xương cá và nước chan, gọi tôi vào cho bưng về ăn là mừng lắm. Bữa nào không đi học thì ở nhà phụ bán hủ tíu, để được cho nước hủ tíu làm canh… Thuở hàn vi ấy, má tôi luôn dặn dò, sau này con có thành đạt, có nổi tiếng, thì cũng đừng bao giờ quên những lúc khổ như thế này. Phải nhớ để mà sống, mà biết quý trọng cuộc đời mình, biết gìn giữ và ứng xử với người. Cho dù tôi có nổi tiếng bao nhiêu, vinh quang đến mấy, cũng không bao giờ quên lời má…”
NSƯT Thoại Mỹ
“Cô Bảy Phùng Há thường khuyên tôi cứ chịu khó và nhẫn nhịn, chịu thiệt thòi một chút, rồi con sẽ được bù đắp. Lúc còn đóng những vai nho nhỏ, đến khi được hát cùng với các chú NSND Minh Vương, Hoài Thanh, NSND Thanh Tuấn… Mừng lắm em ơi, mừng không thể tả!” - giọng chị reo vui khi nhớ lại một thuở vào nghề đầy nỗ lực và cũng thật nhiều kỷ niệm đẹp. Người nghệ sĩ ấy đã dành trọn tâm sức và cuộc đời mình cho sân khấu cải lương, đã cống hiến đến kiệt cùng sức lực cho những hóa thân trên sân khấu. Năm 1992, khi vở tuồng Ngọc Kỳ Lân kết thúc, khán giả không hề biết Hồng Phụng của họ - vai diễn mang về cho Thoại Mỹ huy chương vàng giải Trần Hữu Trang năm ấy - đã ngất xỉu ngay sau khi tấm màn nhung vừa khép lại.
Ngồi cùng chị qua cơn mưa chiều tháng Tư, nghe những tâm tình nhẹ nhàng mà thiết tha: “Tôi bị bệnh tim, giờ phải uống thuốc mỗi ngày, rất nhiều lần cứ đóng màn là tôi ngã xuống trong vòng tay của đồng nghiệp. Tôi vẫn luôn cầu Tổ nghiệp cho được hát đến hơi thở cuối cùng, nếu có chết, cũng xin được chết trên sân khấu…”.