PNO - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM - NSƯT Thanh Thúy cho biết công tác tuyển sinh chất lượng đầu vào của bộ môn nghệ thuật truyền thống như cải lương, hát bội, lý luận phê bình văn học... chưa được quan tâm đúng mức.
Tại buổi tọa đàm Đào tạo nguồn nhân lực văn học - nghệ thuật: thực trạng và giải pháp vừa qua, NSƯT Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM cho biết việc phát triển lĩnh vực văn hóa nghệ thuật là một trong những hoạt động trọng yếu để góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, là động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Do vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực văn học nghệ thuật của thành phố là điều hết sức cần thiết, đặc biệt là việc đào tạo ra thế hệ văn nghệ sĩ tài năng và tạo môi trường thuận lợi họ có thể sáng tạo nghệ thuật.
NSƯT Thanh Thúy
Tuy nhiên, theo NSƯT Thanh Thúy, hoạt động đào tạo trên lĩnh vực nghệ thuật truyền thống đang gặp rất nhiều khó khăn, cụ thể trong công tác tuyển sinh chất lượng đầu vào của bộ môn cải lương, hát bội, lý luận phê bình văn học... chưa được quan tâm đúng mức. Các cơ sở đào tạo chưa đưa một số ngành vào giảng dạy như quản lý nhà hát, truyền thông, đạo diễn ánh sáng, đạo diễn âm thanh... nhằm đáp ứng xu hướng mới về quản lý và hoạt động nghệ thuật.
NSƯT Thanh Thúy nêu rõ một số hạn chế khiến công tác đào tạo gặp khó khăn như: cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học tại các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, điểm biểu diễn văn hóa trên lĩnh vực văn học nghệ thuật vẫn còn nhiều thiếu thốn; chương trình giảng dạy, giáo trình chưa có sự bổ sung, cập nhật những nghiên cứu kịp thời và những chính sách mang tính giải pháp, hình thức tổ chức đào tạo mới... để thực hiện mục tiêu đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ chất lượng cao. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên, giảng viên tại các trường đạo tạo vẫn chưa đáp ứng được số lượng và chất lượng, nhất là các giảng viên có học vị, học hàm.
"Thành phố chưa có các thiết kế văn hóa mang tầm cỡ quốc gia, chưa có công trình văn hóa đỉnh cao như các nhà hát đa năng, trung tâm hoạt động lĩnh vực văn hóa nghệ thuật...", Phó Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, NSƯT Thanh Thúy cũng cho biết thêm, trong thời gian từ 2011 – 2015, chương trình tìm kiếm, phát triển và đào tạo nhân tài cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đã tổ chức nhiều hoạt động đào tạo trong và ngoài nước, theo đó, có 19 diễn viên trung cấp cải lương, 18 diễn viên múa rối, 75 diễn viên hát bội thuộc những bộ môn nghệ thuật truyền thống đang được quan tâm.
NSƯT Thanh Thúy cũng đưa ra một số những giải pháp như: quy hoạch và đào tạo nguồn năng lực trẻ ở các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống; quan tâm và nâng cao năng lực sáng tạo văn hóa, hoạt động sáng tác, lý luận phê bình văn học nghệ thuật; xây dựng đội ngũ các trường đủ năng lực đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới; có chính sách phát hiện, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ quản lý trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, điều chỉnh chế độ trợ cấp đối với người hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật đặc thù mang tính dân tộc, chăm lo đời sống để văn nghệ sĩ yên tâm gắn bó với đơn vị mình công tác.
Clip NSƯT Thanh Thúy chia sẻ tại buổi tọa đàm:
NSƯT Thanh Thúy còn nhấn mạnh việc khuyến khích hình thành các quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài góp phần quảng bá văn học nghệ thuật, giữ gìn và phát triển các ngành nghệ thuật dân tộc, cũng như đẩy mạnh đầu tư và kêu gọi xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Trong năm 2018, chỉ tiêu của Sở VH-TT TP.HCM là sẽ đào tạo những lớp truyền nghề nghệ thuật truyền thống, mời chuyên gia tập huấn các loại hình như ca vũ nhạc kịch, xiếc... một số lĩnh vực như sử học, văn hóa học, bảo tàng sẽ được đào tạo trong nước. Về đào tạo ngoài nước, có 63 chỉ tiêu cho các ngành như âm nhạc, thanh nhạc, đạo diễn, thiết kế sân khấu, đạo diễn âm thanh, đạo diễn ánh sáng...
Đồng quan điểm với Phó Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng, hiện là giảng viên Nhạc viện TP.HCM chia sẻ suy nghĩ về việc đào tạo nghệ sĩ ở các bộ môn nghệ thuật truyền thống, nhấn mạnh việc gìn giữ, phát triển loại hình cải lương và hát bội ở miền Nam.
"Các bộ môn truyền thống như chèo, tuồng (hát bội), cải lương... ngày càng thưa vắng khán giả. Các bộ môn được UNESCO công nhận như ca trù, hát xoan... cũng đang bị mai một. Các trường văn hóa nghệ thuật nói chung ngày càng giảm số lượng học sinh, có nhiều bộ môn gần như không còn ai theo học. Tôi cảm thấy rất buồn trước thực trạng này", NSƯT Hải Phương bày tỏ.
Tuy nhiên, trong phạm vi buổi tọa đàm, NSƯT Hải Phượng chỉ chia sẻ một số quan điểm ngắn về việc đào tạo nguồn nhân lực cho đờn ca tài tử và hát bội ở miền Nam. Bà cho biết nghệ thuật hát bội vốn xuất phát và phát triển mạnh ở miền Bắc - Trung, nhưng hát bội miền Nam cũng có những đặc trưng riêng để thu hút khán giả. Do vậy bà mong muốn các cấp lãnh đạo sẽ có sự quan tâm và hành động thiết thực để phát triển hai bộ môn nghệ thuật này.
NSƯT Hải Phượng
Theo NSƯT Hải Phượng, trong cả 2 loại hình cải lương và hát bội, hơn hết cần phải đào tạo những nghệ sĩ đánh đàn bởi suốt mấy chục năm qua, số lượng nghệ sĩ đánh đàn của 2 bộ môn này vẫn không gia tăng bao nhiêu, thậm chí là giảm dần vì một số nghệ sĩ tuổi cao sức yếu.
"Từ khi đờn ca tài tử được UNESCO công nhận, những nghệ sĩ đờn ca tài tử đi đâu cũng cảm thấy hãnh diện về bộ môn nghệ thuật mà mình gắn bó, tuy nhiên ít ai quan tâm đến những nhạc công. Để đào tạo nhạc công thì rất lâu và hầu hết ai cũng muốn bước ra sân khấu trình diễn, chứ không ai muốn ngồi trong hậu đài chơi đàn", NSƯT Hải Phượng chia sẻ.
Từ thực trạng trên, NSƯT Hải Phượng đề xuất một số giải pháp như đưa âm nhạc dân tộc vào trường học nhằm mở rộng đối tượng và khơi gợi niềm yêu thích của thế hệ trẻ.
"Tại sao không đưa cải lương, hát bội vào trường học? Đó sẽ là nguồn nhân lực bước đầu, tạo tiền đề cho việc đào tạo và phát triển nhân lực sau này. Các bậc phụ huynh khi nhận thấy các bộ môn nghệ thuật truyền thống bồi bổ thêm trí óc, bồi dưỡng cho tình yêu Tổ quốc, quê hương của em thì sẽ ủng hộ con em thi vào các trường nghệ thuật. Bản thân các em khi đã yêu thích thì sẽ không cảm thấy ngán khi xem cải lương, hát bội. Xem kịch, bolero có thể sẽ không cảm thấy chán nhưng với cải lương, hát bội, nếu xem mà không yêu thích, không hiểu thì chỉ cần nghe 1, 2 câu là sẽ tất tivi", NSƯT Hải Phượng nhấn mạnh.
Đồng thời, các phương tiện đại chúng nên có chiến lược quảng bá dành cho hát bội, cải lương song song với lĩnh vực gameshow đang rầm rộ hiện nay. Ngoài ra, các cơ quan ban ngành xem xét tổ chức những chương trình vinh danh các nghệ sĩ đã có những đóng góp tích cực cho các bộ môn nghệ thuật truyền thống.