Với nhiều khán giả, một trong những sức hút đặc biệt của nghệ thuật biểu diễn chính là sự kết hợp ăn ý của những người bạn diễn. Trên sân khấu cải lương, sức hút này thể hiện rõ nhất với những liên danh mà thời gian trôi qua bao lâu vẫn còn được nhắc nhở, như: Hùng Cường - Bạch Tuyết, Thành Được - Út Bạch Lan, Thanh Nga - Thanh Sang, Minh Phụng - Mỹ Châu, Minh Vương - Lệ Thủy… và sau này có Vũ Linh - Tài Linh, Kim Tử Long - Ngọc Huyền, Linh Tâm - Cẩm Thu… Nhiều khán giả chỉ bỏ tiền mua vé khi cặp đào - kép ưng ý của mình có mặt. Các đoàn hát thường cạnh tranh nhau bằng tên tuổi của cặp đào kép. Ngược lại, người nghệ sĩ muốn vươn tới đỉnh cao phải tìm được bạn diễn ăn ý. Mà sự “ăn ý” này cũng rất vô chừng, khó lý giải, chỉ biết khi “bắt cặp” trúng người sẽ tạo được làn sóng hâm mộ cuồng nhiệt mà dù nghệ sĩ kết hợp với một bạn diễn khác tài năng không kém cũng khó tạo được hiệu ứng bùng nổ tương tự. Mời bạn đọc cùng PNO điểm lại những cặp “tình nhân sân khấu” của sân khấu cải lương qua nhiều thời kỳ.
Bài 1: Hùng Cường - Bạch Tuyết: Cặp “sóng thần” kỳ lạ! |
Họ, hai mảnh ghép khác biệt đã tạo nên một làn sóng vào thập niên 1970 trên sân khấu Thanh Minh - Thanh Nga. Nếu như NSƯT Thanh Nga được sinh ra để trở thành đào hát với mẹ là bà bầu Thơ thì con đường của NSƯT Thanh Sang lại gập ghềnh hơn. Ông lớn lên trong gia đình nghèo, từ năm 8 tuổi phải đi biển đánh cá vừa nuôi gia đình, vừa đi học chữ. Nhưng Tổ nghề hát đã chọn ông theo nghiệp cầm ca.
Từ đoàn Ngọc Kiều của bầu Hoàng Kinh, ông chuyển sang Hương Mùa Xuân, sau là gánh Dạ Lý Hương. 4 năm đứng sân khấu, ông nhận giải Thanh Tâm, trở thành kép hát có tiếng. Nhưng khi chuyển về đoàn Thanh Minh Thanh Nga, sự nghiệp của NSƯT Thanh Sang mới vụt sáng trở thành ngôi sao. Đây cũng là nơi “kết duyên” cho ông và người bạn diễn ăn ý nhất cuộc đời.
|
NSƯT Thanh Sang và NSƯT Thanh Nga đã tạo nên nhiều vai diễn ấn tượng trong thập niên 70 khi kết hợp với nhau |
Đời nghệ sĩ, chỉ cần một vai diễn có tiếng, đã đủ hạnh phúc. Nhưng cặp đào kép Thanh Sang - Thanh Nga thì hạnh phúc ấy lại được nhân lên gấp bội lần. Nhưng tiếc rằng trước thời điểm đất nước hòa bình, các tuồng cải lương đều không được ghi hình lại như: Tiếng hạc trong trăng, An Lộc Sơn, Hoa Mộc Lan, Tấm lòng của biển, Đôi mắt người xưa... Đến nay, hình ảnh còn lại của họ chủ yếu ở hai vở diễn kinh điển Tiếng trống Mê Linh và Bên cầu dệt lụa. Và đây cũng chính là dấu ấn đậm nét nhất của đôi uyên ương sân khấu một thuở.
Trong Bên cầu dệt lụa, NSƯT Thanh Nga khiến khán giả mê đắm với hình ảnh Quỳnh Nga đoan trang, phẩm hạnh cao quý cùng tình yêu son sắt dành cho Trần Minh. Trong khi đó, NSƯT Thanh Sang lột tả được hình ảnh chàng trai hiếu thảo, trọng nghĩa, trọng tình. Tình cảm nồng đượm của hai nhân vật chính trong nhiều biến cố, thử thách chinh phục hàng triệu khán giả qua nhiều thế hệ. Đến nay, dẫu tác phẩm còn được lưu lại với hình ảnh đen trắng, chất lượng thấp nhưng vẫn hút hàng triệu lượt xem trên YouTube.
Thập niên 1970, làn sóng phim ảnh, ca nhạc ngoại nhập bắt đầu có ảnh hưởng lớn lên văn hoá đại chúng. Trong bối cảnh đó, cộng với khó khăn của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga sau khi tái lập, hai nghệ sĩ vẫn tạo nên thành công vang dội với Tiếng trống Mê Linh - vở diễn mang chủ đề lịch sử. Vở diễn cháy vé liên tục trong một thờ gian dài. Đoạn Thi Sách và Trưng Trắc tiễn biệt nhau đến nay vẫn còn sống mãi trong lòng công chúng. Vở cải lương cũng nhiều lần được dựng lại nhưng diễn xuất của bộ đôi nghệ sĩ tài danh vẫn được xem là kinh điển, mực thước nhất. Ngoài kỹ thuật, chất tình họ dành cho nhau rất khó tìm thấy ở hậu bối.
|
NSƯT Thanh Sang và NSƯT Thanh Nga trong vở Tiếng trống Mê Linh |
Cả hai được ví von như mảnh ghép vừa vặn dành cho nhau. Họ không chỉ đẹp về ngoại hình, mà còn đẹp về cách ca diễn ăn ý. Đứng cạnh NSƯT Thanh Sang, NSƯT Thanh Nga thể hiện được hết vẻ đẹp nữ tính, dịu dàng trong cách hát, cách diễn. Trong khi đó, khi hát cùng NSƯT Thanh Nga, chất giọng nam tính, trầm buồn của NSƯT Thanh Sang lại càng thắm đượm tình hơn nữa.
Hơn hết, họ đến với nhau ngay thời điểm cả hai đều đã chín muồi về giọng hát. Trước đó, NSƯT Thanh Nga đã từng đóng cặp với nhiều nghệ sĩ khác như Hữu Phước, Thành Được… nhưng khi nhắc đến bạn diễn ăn ý nhất của bà hầu như cái tên Thanh Sang luôn được nhớ đến đầu tiên. Điều đó đồng nghĩa chính khán giả đã đón nhận thương hiệu này, và tạo nên sức sống của chúng trong mấy mươi năm qua.
Sinh thời, NSƯT Thanh Sang kể không hiểu vì sao cứ bước lên sân khấu, ông và NSƯT Thanh Nga đều có sự giao hòa đến kỳ lạ. Thậm chí, chỉ cần nhìn ánh mắt, điệu bộ… của đối phương, người còn lại đã biết phải làm gì. Cũng vì thế, chưa vở diễn nào làm khó được họ. NSƯT Thanh Sang vẫn luôn biết ơn tổ nghề, cuộc đời đã cho ông bạn diễn tuyệt vời như thế. Dĩ nhiên, đứng chung sân khấu làm sao tránh khỏi những va chạm. Nhưng NSƯT Thanh Nga luôn biết lắng nghe, cầu thị, còn NSƯT Thanh Sang nổi tiếng về việc nương theo, hy sinh cho bạn diễn.
|
Vở diễn Bên cầu dệt lụa của họ cũng được khán giả yêu mến nồng nhiệt |
*Trích đoạn Bên cầu dệt lụa - NSƯT Thanh Sang, NSƯT Thanh Nga:
Gọi là uyên ương bởi trên sân khấu họ hòa quyện vào nhau trong từng vở diễn. Vậy mà, ở đời thường cả hai lại trái tính, trái nết. NSƯT Thanh Sang hiền nhưng cộc tính, còn NSƯT Thanh Nga lại có phần mít ướt, hay nhõng nhẽo với mẹ. Có lần, ông không nhớ đã làm gì khiến NSƯT Thanh Nga giận, rồi nói lẫy với bà Bầu Thơ: “Tối nay con bịnh, không diễn”. Biết tính ý con gái, bà bầu nói tỉnh queo sẽ trả vé cho khán giả, để “vợ chồng bây đem tiền túi ra trả cữ lương cho anh em nghen”. Chốc lát sau, họ vẫn bước lên sân khấu, là đôi tình nhân yêu đương mặn nồng, da diết.
Có lần, ông ghé tai nói với nghệ sĩ Thanh Nga có giận thì giận trong cánh gà đừng để mắt đỏ hoe trên sân khấu, khán giả biết được kỳ lắm. Thế là cả hai lại bật cười, ra diễn ngon lành. Dường như sự chân thành, mộc mạc của ông cũng khó lòng khiến người phụ nữ đầy sự nhạy cảm như thế nỡ giận lâu. Hơn hết, trong lòng họ đều hiểu, với con đường đang đi, dẫu có thế nào vẫn còn cần có nhau. Cứ như thế, những năm tháng đẹp nhất trong đời đi qua, dưới ánh đèn sân khấu lung linh, trong vòng tay yêu thương nhiệt thành của khán giả.
Nhưng ở đời chữ duyên lại hữu hạn. Năm 1978, sau suất hát Thái hậu Dương Vân Nga, NSƯT Thanh Nga và chồng bị ám sát. Vụ án gây chấn động dư luận thời gian dài. Cũng từ đây, đôi uyên ương trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga chỉ còn là hoài niệm trong quá khứ. NSƯT Thanh Nga qua đời để lại trong lòng NSƯT Thanh Sang sự mất mát rất lớn, đến nỗi từng có thời gian ông tự hỏi một mình có thể bước đi tiếp tục được không.
Nghệ sĩ Ngọc Hương (vai Nàng Tía) kể lại, sau này trong một số dịp biểu diễn những trích đoạn, vở tuồng cũ, cứ đến cảnh nhắc nhớ người xưa, ông lại quay mặt vào cánh gà, mắt đỏ hoe. Dường như những giọt nước mắt đã nói thay tiếng lòng khi người đã đi không ngày trở lại.
|
Vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga bị ám sát năm 1978 khiến dư luận rúng động. Sân khấu cải lương mất đi một tài năng khó tìm |
Trong một lần trò chuyện, ông không ngại nói đã từng biểu diễn với nhiều cô đào nhưng ưng ý nhất vẫn là NSƯT Thanh Nga. Điều đó không đồng nghĩa những đồng nghiệp khác không hay, không giỏi. Nhưng có những mối duyên chỉ đến một lần trong đời mà thôi. Ông luôn nhìn thấy cái hay, sự mới mẻ của đồng nghiệp, hậu bối khi kết hợp trong các tuồng cải lương, đứng chung sân khấu nhưng vẫn luôn giữ hình ảnh NSƯT Thanh Nga ở một góc trong tim mình.
Những năm cuối đời, NSƯT Thanh Sang mắc nhiều bệnh, sức khỏe kém. Nhưng đến dịp giỗ NSƯT Thanh Nga, ông vẫn luôn giữ thói quen mua hoa đến viếng tại Chùa Nghệ Sĩ (Q. Gò Vấp). Ông từng ấp ủ dự định tổ chức đêm diễn, trình bày lại những trích đoạn cải lương kinh điển với NSƯT Thanh Nga vào tháng 12/2017, nhưng giấc mộng không thành khi ông trút hơi thở cuối cùng vào tháng 4 cùng năm.
10 năm không dài nhưng mối lương duyên ấy đã góp phần tạo nên một giai đoạn hoàng kim của nghệ thuật cải lương. Người đã đi, nhưng chắc rằng mai đây người sau vẫn còn nhắc nhớ cho một mối duyên đẹp.
Trung Sơn