40 năm trước, một sự kiện gây chấn động Việt Nam: vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga bị kẻ xấu sát hại. Nữ nghệ sĩ tài danh đã mãi mãi ra đi.
Suốt 40 năm sau, cứ đến ngày giỗ bà, những lẵng hoa của công chúng mộ điệu vẫn được đặt nơi mộ bà và người chồng quá cố. Thanh Nga cũng là nghệ sĩ hiếm hoi mà sau khi mất, vẫn có thêm người hâm mộ.
Từ ánh trăng ngà của sân khấu
Sân khấu về khuya là vở diễn đã mang về cho Thanh Nga giải thưởng Thanh Tâm cao quý vào năm 1966. Trong đó, Thanh Nga vào vai Giáng Hương - một cô đào vương mang nghiệp Tổ, yêu nghề, xả thân để phụng sự khán giả. Giáng Hương chỉ có một lựa chọn, một lẽ sống: “Mợ phải sống và chết ở đây, dưới ánh đèn sân khấu này”.
Nếu Giáng Hương giống như ánh trăng ngà dịu dàng, cứu rỗi tâm hồn người khác thì Thanh Nga cũng vậy. Ngoài vẻ đẹp thuần khiết, yêu kiều, lối diễn xuất chân thật mà tinh tế đến từng cái chạm tay, nghiêng đầu của Thanh Nga cũng làm xốn xang hàng triệu trái tim.
Thanh Nga vào vai nữ hoàng, công chúa, tiểu thơ là bật ra cốt cách cao quý, kiêu sa, quyền uy như vốn sẵn. Thanh Nga vào vai cô gái nghèo, khán giả lại thấy sự giản dị như đóa hoa đồng nội.
Ở Thanh Nga có một sức hút đặc biệt, khiến người xung quanh thương yêu và quý trọng. Bà là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi được làm “môn sinh chân truyền” của hầu hết bậc thầy sân khấu như: nghệ sĩ Năm Châu, Phùng Há, Kim Cúc, Thanh Loan, nhạc sĩ Út Trong.
Thời đó, nhắc đến cô Hai Kim Cúc, mọi người đều nhớ đến nàng Tây Thi trong vở Tây Thi - Gái nước Việt với đường múa Việt nữ kiếm (đường múa theo Việt nữ kiếm pháp). Cả giới cải lương Sài Gòn và khán giả đều mê đắm đường múa tuyệt kỹ này. Nhận thấy tài năng thiên bẩm, lại thêm phần thương yêu tính cách khiêm tốn, dịu dàng của Thanh Nga, cô Hai Kim Cúc đã truyền lại tuyệt kỹ Việt nữ kiếm cho đệ tử.
Sau khi Thanh Nga mất, tuyệt kỹ này cũng thất truyền. NSƯT Hữu Châu - cháu ruột NSƯT Thanh Nga - xác nhận, sau này các cô trong gia đình xem lại những vở diễn, cố cắt lớp ra học, mà không học theo được.
Tài năng, nhan sắc, nhân cách ấy giúp Thanh Nga ghi dấu với hàng loạt vai diễn để đời: Xuân Tự (Áo cưới trước cổng chùa) Mã Nhi Nương Bửu (Gió ngược chiều) Giáng Hương (Sân khấu về khuya), Quỳnh Nga (Bên cầu dệt lụa), Trưng Trắc (Tiếng trống Mê Linh), Thái hậu Dương Vân Nga trong vở cùng tên.
Đến đóa hoa thanh khiết của màn ảnh
Trong giới làm nghệ thuật ở Việt Nam, có lẽ ít ai được “Tổ đãi” như Thanh Nga. Tám tuổi, bà đã vụt sáng với vai Nghi Xuân và liên tục tỏa sáng trong nhiều năm sau. Từ sân khấu, bà bước sang điện ảnh - thế giới khác lạ với những kỹ thuật diễn xuất khác và đặc biệt là phải “ăn ảnh” qua “con mắt” của camera.
Thuở đó, có nhiều nữ nghệ sĩ có gương mặt khả ái, diễn xuất tốt, nhưng không phải ai cũng lọt vào “con mắt camera” duyên dáng, thần tình như Thanh Nga.
|
Hình ảnh vai diễn Trưng Trắc trong vở Tiếng Trống Mê Linh ,cùng với NS Thanh Sang |
Thanh Nga chính thức chạm ngõ điện ảnh vào năm 1962 qua vai Diệp Thúy, phim Đôi mắt người xưa. Giai đoạn 1969, sân khấu cải lương khủng hoảng, nhiều gánh hát phải giải tán. Trong khi nhiều nghệ sĩ cải lương rơi vào khó khăn, bế tắc, Thanh Nga vẫn đóng phim và gây ấn tượng với bộ phim Loan mắt nhung (năm 1970, thắng lớn về doanh thu).
Nhiều hãng phim mời Thanh Nga với thù lao rất cao và đứng vào hàng ngũ các “đại mỹ nhân” của điện ảnh miền Nam Việt Nam ngày ấy.
Năm 1971, Thanh Nga đại diện miền Nam Việt Nam tham dự Liên hoan phim Á Châu tại Đài Bắc. Đến năm 1974, tại liên hoan này, bà đã đoạt giải Diễn viên xuất sắc nhất với vai cô gái Huế trong phim Nắng chiều.
Trước đó, năm 1969, Thanh Nga là đại diện nữ duy nhất trong đoàn tham dự Đại hội điện ảnh Ấn Độ. Bà được đích thân Thủ tướng Ấn Độ đương thời - Indira Gandhi đón tiếp chân tình. Năm 1977, khi đến thăm Việt Nam, bà Indira Gandhi đã đề nghị được xem vở Hoa Mộc Lan của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga và đề nghị chính Thanh Nga đóng vai này.
Dù cho rằng đóng phim là công việc vất vả, thu nhập thấp hơn sân khấu và việc đóng phim chỉ là một cuộc thử sức, Thanh Nga từng bày tỏ mơ ước thành lập hãng phim riêng, để làm những bộ phim theo ý mình.
|
NSƯT Thanh Nga cùng với gia đình |
Như ánh trăng ngà của sân khấu về khuya, dù sau 40 năm, sân khấu cải lương đang có những bước lao đao, tên tuổi Thanh Nga vẫn như một huyền thoại trong lòng công chúng.
Nhiều thế hệ khán giả sinh ra sau khi Thanh Nga đã mất, khi nghe - xem những vở bà diễn, vẫn dành tình cảm đặc biệt cho người nghệ sĩ này. Trên mạng xã hội, có fanpage “Tưởng nhớ nghệ sĩ Thanh Nga”, do những khán giả ái mộ sau này thành lập, như một lòng thương kính dành cho bà.
|
Nhiều thế hệ khán giả luôn yêu mến và hâm mộ ngưởi nữ nghệ sĩ tài danh của sân khấu cải lương |
Soạn giả - đạo diễn Năm Châu cũng đặc biệt thương yêu Thanh Nga. Ông dạy Thanh Nga khai thác tâm lý vai diễn, cân nhắc từng câu, từng chữ thoại của nhân vật, làm sao để mỗi âm tiết trong câu thoại bật ra là người ta thấy được tâm tư, nỗi lòng, tính cách của nhân vật.
“Có lần, má Ba (NSƯT Thanh Nga) diễn chung với ông Năm (NSND Năm Châu), ông Năm vai cha còn má Ba vô vai con. Vở đó cũng do ông Năm soạn và làm đạo diễn. Có một cảnh, má Ba chỉ buông một chữ “cha…”, nghe cảm xúc như thế nào thì tui không biết, chỉ nghe bà nội tui kể lại, ngay sau cảnh đó, ông Năm vô hậu đài nói bà nội tui (bà bầu Thơ): “Tác quyền tháng này, tui cho con nhỏ hết”. Tui hiểu, chắc má Ba đã lột tả được cảm xúc nhân vật dữ lắm mới khiến ông Năm “đã” mà thưởng như vậy” - NSƯT Hữu Châu kể lại.
|
Kim