NSƯT Thành Lộc: 'Tiên Nga' không chỉ là tình yêu thủy chung và nhân nghĩa

06/11/2017 - 11:22

PNO - Sau bốn năm chuẩn bị và hơn hai tháng tập luyện, 'Tiên Nga' - vở nhạc kịch cổ trang chuyển thể từ tác phẩm 'Lục Vân Tiên' của
tác gia Nguyễn Đình Chiểu sẽ ra mắt khán giả vào tháng 12 tới.

Đạo diễn Tiên Nga - NSƯT Thành Lộc - đã dành cho Báo Phụ Nữ buổi trò chuyện về tác phẩm đặc biệt này.

Tiên Nga lẽ nào chỉ đơn giản là Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga?

- Ngoài chuyện là tên của hai nhân vật chính, Tiên Nga còn có một ý nghĩa khác. Kiều Nguyệt Nga dễ khiến nhiều người liên tưởng đến sắc đẹp của Hằng Nga, còn tôi lại nghĩ đến hình ảnh của chim thiên nga - loài chim chung thủy: khi một trong hai con chết đi, con còn lại sẽ sống một mình đến cuối đời. Kiều Nguyệt Nga cũng vậy - chỉ một lời ước hẹn, nàng đã ôm bức họa của Lục Vân Tiên tự vẫn để giữ trọn thủy chung khi nghĩ Lục Vân Tiên không còn sống trên đời.

NSUT Thanh Loc: 'Tien Nga' khong chi la tinh yeu thủy chung va nhan nghia

Tạo hình các nhân vật trong nhạc kịch Tiên Nga

* Vì sao anh lại chọn Tiên Nga thay vì một tác phẩm khác?

- Tôi rất yêu kính nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và thích tác phẩm Lục Vân Tiên bởi đó là câu chuyện thuần Việt. Các nhân vật mang đậm dấu ấn trung-hiếu-nghĩa của người Việt nói chung và sự hào sảng của người dân Nam bộ nói riêng. Tôi yêu sự trung hiếu, tiết nghĩa đó của Lục Vân Tiên và tiết hạnh của người phụ nữ ở nàng Kiều Nguyệt Nga.

Hơn hai mươi năm trước, khi diễn vở cải lương Lục Vân Tiên phục vụ kiều bào ở Pháp, tôi đã ước có thể dựng một vở tương tự để diễn ở TP.HCM.

Tiên Nga, tôi khắc họa sâu hơn hình ảnh Kim Liên - nhân vật mờ nhạt trong truyện thơ và cải lương. Dù là “dân đen” trong xã hội phong kiến, nàng Kim Liên vẫn biết “bứt mình” ra khỏi những suy nghĩ giản đơn, vượt qua tư tưởng trọng nam khinh nữ để dám nghĩ, dám làm những điều cô chủ Kiều Nguyệt Nga chưa bao giờ dám nghĩ.

* Có vẻ hình ảnh người phụ nữ Việt Nam là điểm nhấn quan trọng trong Tiên Nga?

- Nước ta đã phải trải qua quá nhiều đau thương, mất mát trong các cuộc chiến bảo vệ hòa bình, độc lập. Biết bao người phụ nữ Việt Nam cả cuộc đời thầm lặng hy sinh, vừa chít khăn sô để tang chồng ngã xuống nơi chiến trường, lại gạt nước mắt tiễn con tiếp bước cha. Người Việt Nam, nhất là “phái mạnh” phải luôn biết ơn những người mẹ, người vợ đã chịu đựng quá nhiều nỗi đau. Đó là điều tôi muốn gửi gắm ở Tiên Nga.

NSUT Thanh Loc: 'Tien Nga' khong chi la tinh yeu thủy chung va nhan nghia
Thành Lộc vào vai Đồ Chiểu trong Tiên Nga

* Nghĩa là Tiên Nga không chỉ là câu chuyện của tình yêu, thủy chung, nhân nghĩa?

- Khi đọc trang cá nhân của nhiều bạn trẻ, tôi chạnh lòng nhận ra rằng có một bộ phận người trẻ đang sống đủ đầy vật chất mà thờ ơ với thời cuộc. Người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, không bao giờ muốn chiến tranh, nhưng khi đất nước lâm nguy, người Việt sẵn sàng đứng lên bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng.

Tiên Nga vẫn là câu chuyện thơ nhưng được lồng thêm lịch sử, khát vọng hòa bình và là lời nhắn gửi người dân Việt phải luôn khắc ghi công ơn của những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc.

* Nhạc kịch tất nhiên phải chú trọng đến động tác múa, vũ điệu và âm nhạc?

- Là nhạc kịch cổ trang nên chắc chắn sẽ sử dụng những trình thức vũ đạo của sân khấu cải lương và nghệ thuật tuồng. Lục Vân Tiên mang nhiều đặc trưng của vùng đất Nam bộ nên phần âm nhạc sẽ dựa trên âm hưởng của nhạc tài tử và thang âm của ngũ cung. Ở một số lớp diễn, chúng tôi cũng sử dụng cả điệu thức Ai, Xuân, Bắc… và diễn viên được yêu cầu phải hát bằng giọng miền Nam.

* Poster của Tiên Nga gây chú ý với những chiếc áo dài khá lạ...

- Tôi muốn giới thiệu lại chiếc áo dài ngũ thân - trang phục của phụ nữ Nam bộ thời chúa Nguyễn. Ngoài lý do ở thời đó, khổ vải nhỏ nên khi may áo phải nối thân, hai thân trước áo tượng trưng cho ông bà, hai thân sau là phụ mẫu, thân thứ năm giấu bên trong là bản thân người phụ nữ. Điều này rất phù hợp với phẩm hạnh của người phụ nữ Nam bộ trong câu chuyện Lục Vân Tiên.

NSUT Thanh Loc: 'Tien Nga' khong chi la tinh yeu thủy chung va nhan nghia
NSƯT Thành Lộc hướng dẫn diễn viên ca và ráp với âm nhạc

* Sân khấu đang có trăm ngàn khó khăn mà Idecaf vẫn làm nhạc kịch?

- Trên mỗi chặng đường, Idecaf luôn mong muốn ghi một dấu ấn. Sinh nhật lần thứ mười là Ngàn năm tình sử, lần thứ 15 là Vua thánh triều Lê. Tiên Nga đánh đấu chặng đường hai mươi năm của chúng tôi như lời khẳng định nghệ thuật chân chính vẫn luôn tồn tại trong tim mọi người.

Bên cạnh sân khấu thực dụng, chúng tôi muốn nhắc các bạn trẻ về những thánh đường. Nếu muốn theo nghề thực sự, các em cần giữ đam mê, nhiệt huyết và nỗ lực. Tiên Nga là cách để thế hệ chúng tôi giữ lửa cho chính mình và truyền lửa đam mê cho diễn viên trẻ. Chuyện cơm áo gạo tiền lúc này phải nhường chỗ cho khát vọng vươn đến những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao.

* Cám ơn anh đã chia sẻ. 

Thảo Vân (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI