Đừng để "cái khó bó cái khôn"
Sáng 4/12, toạ đàm Đạo diễn và hình thức dàn dựng biểu diễn hiện nay: Thực trạng và giải pháp được tổ chức tại Hội Sân khấu TPHCM, với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ.
Đạo diễn trẻ Thái Kim Tùng cho biết, sau khi xem nhiều vở diễn tại một số quốc gia, điều khiến anh cảm thấy buồn cho sân khấu hiện tại là mọi thứ vẫn còn thô sơ, cũ kỹ từ cảnh trí, bục bệ, trong khi nước ngoài đã phát triển hơn rất nhiều. Điều đó khiến sân khấu khó có thể cạnh tranh với những loại hình nghệ thuật khác như điện ảnh, âm nhạc. “Chúng ta không có sự hấp dẫn về "ngoại hình" đủ để thu hút”, anh nói.
Một vấn đề lớn Thái Kim Tùng đặt ra là kinh phí, điều đang khiến nhiều đạo diễn gặp khó trong đầu tư cho sản phẩm. Chưa kể, việc cắt giảm nhân sự khiến họ phải kiêm nhiệm nhiều công việc cùng lúc khiến hiệu quả giảm đi. “Những yếu tố phụ trợ như cảnh trí, âm thanh, ánh sáng bị hạn chế nên đạo diễn chỉ còn biết dựa vào diễn viên để lôi kéo khán giả”, anh tâm sự.
|
Đạo diễn Thái Kim Tùng cho rằng sự hạn chế về tài chính khiến sự sáng tạo bị bó hẹp |
Gần 10 năm sống, làm việc tại Mỹ, được tiếp cận với nhiều công nghệ tiên tiến, đạo diễn Quốc Thảo cho biết khi quyết định trở về nước anh ôm nhiều giấc mộng để làm được nhiều thứ hơn cho sân khấu. Nhưng giữa mong muốn và hiện thực cách nhau quá xa, mà đến nay mọi thứ vẫn dở dang. Hai vấn đề lớn anh đưa ra vẫn là kinh phí và cơ sở vật chất. Anh cho biết, sân khấu kịch Quốc Thảo hiện tại cũng không khác gì tình trạng chung, chỉ bục bệ, đèn, màn rất thô sơ.
Ngoài ra, một số vấn đề tồn đọng khác ở sân khấu hiện nay cũng được đề cập như: phục trang của diễn viên, nghệ sĩ không chịu tập vở... Tất cả đã khiến sân khấu đã khó ngày càng khó và đi xuống. Nhưng đây là những câu chuyện đã quá cũ, được lặp đi lặp lại từ năm này qua năm khác, hội nghị này sang toạ đàm khác.
|
Khó khăn về tài chính, cơ sở vật chất cũng là điều đạo diễn Quốc Thảo đề cập đến trong toạ đàm |
Người người nhà nhà kêu gọi diễn viên thay đổi ý thức, nâng cao đời sống kinh tế cho nghệ sĩ, mong cơ quan quản lý vào cuộc nhưng hiện tại vẫn chưa thể tốt hơn. Khi thực tế không vận động theo chiều hướng tích cực hơn, lẽ nào cứ đành phải bó gối?
Thực tế, thời gian qua, sân khấu cũng có nhiều vở diễn chất lượng như: Tiên Nga, Cậu Đồng, Mút chỉ, mút cà tha, Bàn tay của trời... Nghĩa là, trong điều kiện hạn chế, không có nghĩa không thể cho ra đời một vở diễn tốt.
NSƯT Thành Lộc cho rằng, ngừng so sánh là điều cần thiết trong thời điểm này, nếu muốn mọi việc tốt hơn. Anh cho biết, hiện nay trên thế giới cũng có nhiều phân khúc sân khấu. Có những nhà hát hoành tráng, hiện đại, nhưng vẫn có những sàn diễn chỉ có sức chứa vài trăm, thậm chí vài chục khán giả, tương tự như các sân khấu ở TPHCM hiện nay.
|
Nghệ sĩ Thành Lộc cho rằng, việc bắt tay vào làm là cần thiết để giải quyết thực trạng |
Nghệ sĩ Thành Lộc từng diễn tại một sân khấu là không gian của nhà thờ được tu sửa lại, chỉ với 70 ghế ngồi. Một số sân khấu khác anh từng lui tới cũng chỉ có tối đa 300 ghế ngồi. Nói điều đó không có nghĩa để tự ru ngủ bản thân, mà để thấy rằng việc thích ứng, duy trì đời sống sân khấu mới thực sự quan trọng.
Anh cho rằng: “Chúng ta ngồi than thở mãi cũng chẳng tới đâu, hãy cứ làm thay vì chỉ nói. Chúng ta suy nghĩ quá nhiều, cứ cho rằng mình nghèo quá nên không thể làm. Điều kiện có hạn chế nhưng quan trọng chúng ta sẽ chọn những chiếc chìa khoá khác nhau để mở khoá”.
"Tu bổ" con người
Sân khấu là tổng hợp của nhiều thành tố: đạo diễn, biên kịch, nghệ sĩ, cảnh trí, mỹ thuật... Tất cả phải hoà hợp mới có thể mang đến một vở diễn tốt, thu hút khán giả và phải đáp ứng nhu cầu căn bản nhất: giải trí.
Đội ngũ biên kịch cần có kịch bản tốt, yếu tố then chốt cho sản phẩm hay, chất lượng. Ý tưởng, nội dung cũng cần mới mẻ hơn, hoặc cũng có thể dựng lại vở cũ nhưng trong diện mạo, hình thức mới hơn.
Đạo diễn phải có nghề để hiện thực hoá ý tưởng này. Sau đó, diễn viên, bộ mặt của tác phẩm, cầu nối đến khán giả phải có năng lực, trong đó việc tập luyện nghiêm túc là điều cần thiết.
Một điều NSƯT Thành Lộc lưu ý là các đạo diễn hiện nay ít người chú ý đến việc chỉ đạo diễn xuất, đặc biệt khi làm việc với nghệ sĩ lớn tuổi, có danh hiệu. Điều đó dễ khiến nghệ sĩ đi vào lối mòn, từ vở này sang vở khác chỉ một màu, không có gì nổi bật, dù họ có kinh nghiệm.
|
Trách nhiệm của đạo diễn với một vở diễn là vô cùng lớn, trong đó việc chỉ đạo diễn xuất đang bị xem nhẹ, hoặc chưa làm đến nơi đến chốn |
“Đạo diễn phải hướng được diễn viên làm được điều mình muốn, theo ý đồ của mình thì mới tạo ra một vở diễn tốt, có màu sắc. Ngày trước, đâu ai tin NSND Minh Vương có thể diễn vai Nguyễn Trãi. Thậm chí, anh ấy không muốn gắn râu khi diễn. Nhưng qua tay NSND Đoàn Bá, NSND Minh Vương đã có một vai diễn để đời như thế. Sân khấu thời bao cấp có những mặt hạn chế nhưng cũng có nhiều ưu điểm cần tiếp tục phát huy”, nghệ sĩ Thành Lộc chia sẻ.
Thực tế này cũng xuất phát từ việc đạo diễn thiếu kinh nghiệm, thiếu hiểu biết về nhân vật, từ đó kéo theo rất nhiều hệ luỵ, sai sót từ diễn xuất, thể hiện của diễn viên đến trang phục, sự phi lý trong tình tiết... Tất cả kéo chất lượng vở diễn đi xuống. Tuy nhiên, trong chính không gian toạ đàm, rất ít người nhìn nhận được thực tế này, khi đang đảm nhận vai trò đạo diễn, mà chủ yếu đổ lỗi do hoàn cảnh.
Có lẽ đã đến lúc thay vì thở than và trông chờ những điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn, những người làm công tác đạo diễn, nhất là các đạo diễn trẻ cần nỗ lực hơn để có tư duy sáng tạo mới, hãy cố gắng làm tốt nhất công việc của mình trong điều kiện cho phép.
Khi cứ loay hoay đổ lỗi mà không trang bị cho mình những kiến thức, vốn sống, tư duy... cần thiết, để khi những vở diễn mới ra mắt, khán giả vừa ngán ngẩm, vừa tức anh ách vì sự phi lý từ mạch kịch, tính cách nhân vật đến phục trang, hóa trang của diễn viên... thì một nhà hát dù có hiện đại đến mấy cũng sẽ chỉ là chiếc áo quá rộng!
Trung Sơn