edf40wrjww2tblPage:Content
Khi Điệp tìm được ngôi chùa mà Lan đang tá túc, thì cũng đúng lúc nàng trút hơi thở cuối cùng. Cảm tác từ đây, năm 1936 soạn giả Trần Hữu Trang chuyển thể tác phẩm này thành tuồng cải lương Lan và Điệp. Các nghệ sĩ Năm Phỉ, Tư Sạng, rồi Thanh Nga, Ngọc Giàu, Kim Cương... đã từng là Lan nhiều nước mắt trong Lan và Điệp.
Nhưng giờ đây, mỗi khi nhắc đến vở Lan và Điệp (tác giả Loan Thảo) vào thập niên 70, người ta lại nhớ đến cô Lan do NSƯT Thanh Kim Huệ hóa thân, dù khi ấy, Thanh Kim Huệ là cái tên lạ hoắc và mới được ký hợp đồng độc quyền với hãng đĩa Việt Nam.
Nhắc lại thuở ban đầu, Thanh Kim Huệ vẫn không hiểu sao một cô bé mới mười bốn tuổi mà cứ ngỡ mình như chính là Lan đang thất tình trong kịch bản. “Đọc kịch bản tới đâu khóc tới đó. Nhất là đoạn biết tin Điệp phải lấy Thúy Liễu - con gái ông phủ Trần, chú Loan Thảo - tác giả kịch bản kiêm đạo diễn phải biểu ra hành lang ở tầng ba của hãng đĩa Việt Nam để xả cảm xúc vì khóc không thể ca được. Kịch bản quá hay, lời văn cũng quá hay, mỗi khi nhắc lại vẫn thấy cảnh lất phất những hạt mưa rơi trên ngọn me tây ngoài nhà, tất cả như sờ sờ trước mắt”, Thanh Kim Huệ nói.
Cải lương là loại hình nghệ thuật khá đặc biệt. Nhiều người đã thành danh ở lĩnh vực này đều có chung một nhận định: ai muốn hát được cải lương thì nội công người đó phải đạt tới tầng thứ mười chứ không phải chỉ cần tầng thứ hai như hát nhạc mới. Nghĩa là người hát cổ nhạc ngoài hát chắc nhịp thì hơi phải đầy, tiếng phải trong, giọng phải vang... chứ giọng khào khào (hay còn gọi là giọng ngặt) thì... thua toàn tập.
Thanh Kim Huệ tuy sinh ra ở Sài Gòn, nhưng gốc lại thuộc miền Tây (xã Tân Lược, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) - nơi được xem là vùng đất thánh của loại hình đờn ca tài tử, cha mẹ cô lại làm nghề cho các đoàn cải lương thuê âm thanh nên cô thường xuyên có điều kiện để gần gũi, để thẩm thấu những Tứ Đại Oán, Văn Thiên Tường, Khóc Hoàng Thiên... Bản thân cô lại có năng khiếu, có làn hơi và nhất là có một niềm đam mê mãnh liệt, nên dù chỉ nghe từ radio, từ băng catssette nhưng cô bé Huệ khi mới mười hai, mười ba tuổi vẫn dễ dàng xuống vọng cổ với làn hơi y chang các nghệ sĩ Lệ Thủy và Mỹ Châu - vốn là thần tượng thuộc thế hệ đàn chị của mình.
NSƯT Thanh Kim Huệ được giới thiệu trong đĩa Lan và Điệp
Thời điểm đó, có thể xem Thanh Kim Huệ là thần đồng cổ nhạc. Nhưng có thể vì giọng ca còn non, có thể vì nhịp chưa chắc, nhưng cũng có thể vì không muốn cho trẻ con vướng nghiệp “hát xướng vô loài” quá sớm... nên khi cô thi tuyển giọng ca mới của hãng đĩa Hồng Hoa, nhạc sĩ Viễn Châu, với tư cách là giám đốc hãng đã chấm rớt. Hai năm sau, khi được nghệ sĩ Hoàng Siêu đánh tiếng nhờ nhạc sĩ Chín Rỡ kèm thêm nhịp, cộng thêm giọng hát già đi, rồi làn hơi luyến láy mang dấu ấn riêng, lại được soạn giả Loan Thảo giới thiệu nên cô dễ dàng được hãng đĩa Việt Nam ký hợp đồng độc quyền hai năm.
Có thể nói, con đường thành danh của Thanh Kim Huệ gắn liền với chiến lược lăng xê giọng ca mới của hãng này. Khởi đầu là ba bài vọng cổ hát chung với nghệ sĩ Minh Vương: Biển tình, Yêu lầm, Nhớ người yêu... nhưng ngay khi bài Biển tình được tung ra, thì Thanh Kim Huệ đã trở thành cái tên “bán đĩa” của hãng. Cũng từ giọng ca đang "hot" trong làng cổ nhạc này lúc bấy giờ, ban giám đốc hãng đĩa Việt Nam đã quyết định cho Thanh Kim Huệ thay nghệ sĩ Lệ Thủy thủ vai Lan, người con gái mới lớn đau khổ trong mối tình đầu tan nát khi thu âm và phát hành tuồng cải lương Lan và Điệp.
Cùng với các nghệ sĩ Nam Hùng, Thanh Điền, Giang Châu trong Ngao Sò Ốc Hến
Sau ngày đất nước thống nhất, đã có nhiều lời mời ghi hình lại vở cải lương Lan và Điệp, nhưng NSƯT Thanh Kim Huệ thừa nhận mình không dám và cũng kiên quyết không nhận lời. “Vào vai Lan ngày xưa, mình còn ngây thơ, trong trắng, giọng hát còn quê mùa giống như Lan trong kịch bản. Còn bây giờ, có thể mình hát hay hơn, kỹ thuật luyến láy điêu luyện hơn, nhưng chắc chắn cảm xúc cùng với nhân vật sẽ bị đề - phô (lỗi) hơn... thần tượng trong lòng khán giả sẽ sụp đổ!”.
Nếu tính thời điểm vào nghề của Thanh Kim Huệ từ khi chính thức ký hợp đồng với hãng đĩa Việt Nam - năm 1970, thì đến nay con đường theo tổ nghiệp của nữ nghệ sĩ này vừa tròn 45 năm. Số bài hát vọng cổ và tuồng cải lương mà cô hát và nhận vai là bao nhiêu bản thân cô không sao nhớ hết. Thế hệ 6x, 7x yêu thích loại hình âm nhạc truyền thống này có thể nghe Thanh Kim Huệ hát với Minh Cảnh, Minh Vương, Chí Tâm, Thanh Tuấn trong những bài vọng cổ quen thuộc Rước tình về với quê hương, Nhớ người yêu, Trường cũ tình xưa, Nụ tầm xuân...
Ngoài vở Lan và Điệp, có thể còn nghe giọng hát của cô trong những vở tuồng cải lương khác như Đời cô Hạnh, Mái tóc người vợ trẻ, Đường gươm Nguyên Bá, Em ơi đừng khóc nữa... Thế hệ 7x không thể quên Thanh Kim Huệ trong những bài vọng cổ thời kỳ đầu thống nhất hai miền như Cô gái tưới đậu, Cây sáo trúc, Tiếng chày trên sóc Bom Bo... thế hệ này có thể không kịp nhớ Lan của Thanh Kim Huệ ở thập niên 70, nhưng chắc chắn nhớ Thanh Kim Huệ trong vở Ngao Sò Ốc Hến - một vai diễn đóng đinh cái tên Thị Hến vào Thanh Kim Huệ cho tới bây giờ.
Bốn mươi năm theo nghề, Bùi Thị Huệ, rồi nghệ danh Ngọc Huệ và bây giờ NSƯT Thanh Kim Huệ đã có nhiều “đệ tử chân truyền” dù họ chưa từng một ngày bái sư cùng nhau. Không thể có mặt mọi lúc mọi nơi nhưng đây đó người ta vẫn nghe làn hơi của Thanh Kim Huệ qua Ngân Huệ, Linh Huệ, Thanh Kim Hoa, Thanh Kim Hiền, Thanh Kim Hồng... Ở tuổi U60, khi ơn đức tổ nghiệp đã cao hơn núi, Thanh Kim Huệ đang có khoảng thời gian thanh thản nhất cho mình.
Bây giờ, cô vừa quán xuyến việc quản lý studio của chồng - NSƯT Thanh Điền tại nhà, vừa thỉnh thoảng nhận show cho các tỉnh miền Tây, các hội nghị khách hàng, các events, lễ hội, các chương trình truyền hình trực tiếp... tần suất xuất hiện có ít hơn nhưng giọng hát của cô vẫn còn ở đẳng cấp cao và đầy ma lực như thời hoàng kim trước đây của sân khấu cải lương.
NGUYỄN THIỆN