NSƯT Thanh Kim Huệ: “Hạnh phúc là một lựa chọn”

17/03/2020 - 07:20

PNO - “Mọi việc diễn ra trong cuộc sống đều có lý do. Trong từng hoàn cảnh, mỗi người đều có thể chủ động chọn cho mình cách đối diện để vượt qua” - nữ nghệ sĩ chia sẻ.

Hơn 40 năm đứng trên sân khấu, giọng hát của NSƯT Thanh Kim Huệ vẫn khiến người nghe thích thú. Ngần ấy năm đi qua thăng trầm, bà vẫn giữ được sự lạc quan. Theo nữ nghệ sĩ, đó không hẳn là bản tính mà là quá trình học hỏi, lựa chọn để sống hạnh phúc hơn.                      

Buồn, vui, hạnh phúc, khổ đau đều là sự lựa chọn

Phóng viên:  Đến nay, bà vẫn miệt mài đi diễn. Khi còn đứng trên sân khấu, hẳn vẫn còn mong ước điều gì đó?

NSƯT Thanh Kim Huệ: Ai cũng có tham vọng, nhưng ở tuổi này nên biết sức mình ở đâu, làm được gì. Bây giờ, tôi chỉ nguyện cầu luôn có sức khoẻ, để được hát đến ngày cuối đời. Tôi cũng viết kịch bản, một số đã hoàn thành nhưng chưa được dựng, một số vẫn còn dang dở vì tôi chưa có cảm hứng để hoàn thành. Nghệ sĩ là vậy, đôi khi cảm xúc chi phối rất nhiều.

Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện giải nghệ, vẫn mong đứng ở sân khấu, huy hoàng nhất có thể. Vì thế, tôi luôn chú trọng việc giữ gìn sức khoẻ để mỗi lần gặp khán giả đều trong tâm thế tốt nhất. 40 năm đi qua nhiều thăng trầm, nhưng một điều lạ là tôi chưa bao giờ thấy mình già hay nguồn năng lượng bị mất đi. Bước lên sân khấu, tôi vẫn như ngày trước, đầy nhiệt huyết và máu lửa.

"Thời điểm này, cải lương muốn phát triển hơn nữa thật sự khó. Bởi khán giả có nhiều loại hình giải trí mới hơn. Việc tốt nhất chúng ta có thể làm là cố gắng để bảo tồn. Bolero mất hơn 30 năm mới được đón nhận trở lại. Ở hướng tích cực nhất, chúng ta có quyền hy vọng cải lương sẽ trở lại, như bolero đã từng".

- NSƯT Thanh Kim Huệ -

Nhưng có một câu hát về nghề của nghệ sĩ cải lươngrằng “Mê lắm đau nhiều”...

- Khi đã gọi là đam mê thì không có lý do nào khiến chúng tắt lịm. Nếu tắt thì đã tắt từ lâu rồi vì tôi đã đi qua rất nhiều sóng gió, đau khổ trong nghề lẫn trong đời. Đến bây giờ tôi vẫn vui trong mọi hoàn cảnh.

Khoảng năm 1995 trở đi, khán giả xem cải lương bắt đầu thưa dần nên không riêng tôi, nhiều nghệ sĩ rất buồn. Có dịp tết, khán giả không đến rạp, đến giờ hát tôi lại có cảm giác như thất tình. Người nghệ sĩ không được hoá trang, không được lên sân khấu thì còn nỗi đau nào hơn. Về sau, khi hiểu được nguyên nhân và tìm niềm vui ở nơi khác, tôi đã cân bằng hơn. 

Nhiều nguyên nhân khiến nghệ thuật cải lương đi xuống, trong đó có việc không phản ánh được đời sống hiện thực. Bà nghĩ sao về quan điểm này?

- Có thể điều này đúng. Chúng ta thiếu những tác phẩm có thể nêu lên được những vấn đề, những bức xúc của xã hội đương thời. Mặt khác, chúng ta thiếu diễn viên có thực lực. Theo tôi, các em hiện nay ca hay, chất giọng tốt nhưng thiếu sự khác biệt. Tài năng không thiếu nhưng thiếu những giọng ca lạ.

Vì sao khi nghe Mỹ Châu, Lệ Thuỷ... dù ở bất kỳ nơi đâu đều có thể nhận ra. Ví như trường hợp chị Mỹ Châu, người trong nghề đều biết giọng chị ấy là giọng ngặt (ý chỉ giọng không trong trẻo và cũng không cao - PV) nhưng chị tự biết tìm nét riêng cho mình, ca lòn, đi vào tim khán giả và tạo thương hiệu cho cả một dây đàn. 

* Sau hơn 40 năm thu âm vở Lan và Điệp, bà mới nhận vai cô Lan trên sân khấu. Ngần ấy năm cho một quyết định, hẳn có nhiều lý do?

- Bây giờ, tôi đi hát, chủ yếu hát những bài bản ngắn hoặc trích đoạn. Cũng khá lâu rồi mới có cảm giác thích thú khi được đóng lại cải lương nguyên tuồng. 

Tôi như được trở về tuổi 14 khi diễn vai Lan trên sân khấu. Ban đầu, tôi không tự tin lắm khi nhận vai này, đó cũng là lý do hơn 40 năm, có nhiều lời mời nhưng tôi không nhận. Khán giả đã đón nhận tôi với vai này qua audio. Nếu không làm tốt trên sân khấu, tôi có thể phủi sạch thành công trước đó. May mắn, nhiều khán giả xem xong, chấp nhận và không cảm thấy hụt hẫng.

Năm đó, tôi nhận hát vai Lan hoàn toàn vô tư. Tôi cũng không ngờ khán giả đón nhận nồng nhiệt như thế. Sau vai Lan, cuộc đời tôi có thể nói đã bước sang trang mới. Nhưng ít ai biết, từ khi phát hành đĩa đó đến nay, tôi nghe lại chỉ một lần. Tôi không dám nghe và cũng không thích vì vai này buồn quá. Còn khi ra sân khấu, có đồng nghiệp diễn cùng nên nỗi buồn vơi đi một chút. Tính vốn sôi động nên tôi thích vai Thị Hến hơn.

Hôn nhân không chỉ cần tình yêu, mà cần cả bao dung

Giọng hát như sự mô phỏng nhất định về con người bên trong, điều này có đúng với bà?

- Bản tính tôi vui vẻ, không thích sự trầm lắng. Tôi thích những nơi đông người, náo nhiệt. Bản tính xưa nay vậy nên ảnh hưởng nhiều đến giọng hát, lúc nào khán giả nghe tôi hát cũng cảm thấy vui, đầy năng lượng. Dĩ nhiên, đời không phải lúc nào cũng vui, khi đó, tôi tập bỏ đi để lòng mình nhẹ hơn.

Khi gặp chuyện buồn, tôi sẽ tìm đến bạn bè hay nơi nào đó vui vẻ để khoả lấp; chưa hết buồn sẽ tiếp tục tìm nơi khác để đi, đến khi nào thật sự nguôi ngoai. Nhưng đó không hẳn là bản tính tự nhiên, mà còn là việc phải học để biết buông bỏ.

Chỉ cần lắng nghe bản thân nhiều hơn một chút, thông cảm cho mọi người xung quanh một chút, cuộc sống sẽ dễ chịu hơn rất nhiều. Bình tĩnh mà sống, đó là phương châm quan trọng nhất của tôi.

* Mái ấm gia đình hạnh phúc hơn 40 năm qua hẳn cũng là điều mang lại bình yên cho bà?

- Ban đầu, tôi cũng sợ khi nhìn thấy nhiều cặp vợ chồng nghệ sĩ đổ vỡ. Nhưng tôi nhận ra rằng khi cái tôi trỗi dậy quá lớn, người ta khó thể nhường nhịn nhau. Nhất là với nghệ sĩ nổi tiếng, khi cái tôi trỗi dậy có thể đạp đổ tất cả.

Dĩ nhiên, cuộc hôn nhân nào cũng có sóng gió, thậm chí bão táp phong ba, nhưng khi tịnh tâm lại, hiểu mình muốn gì thì sẽ biết bớt cái tôi đi một chút để dung hoà. Hôn nhân không thể ai sống vì ai mà phải sống vì nhau để cùng thay đổi. Chúng tôi dùng sự bao dung đối đãi với nhau. Dây đàn căng cả hai bên thì dễ đứt, nên khi một bên căng, bên còn lại phải chùng.

Niềm vui, cách đối đãi của vợ chồng già, hẳn khác xưa nhiều, thưa bà?

- Ngần ấy năm, chúng tôi đối đãi với nhau vẫn vậy, không khác đi. Nhiều khi tôi cũng tự hỏi vì sao chúng tôi vẫn có cảm giác như ngày đầu. Bây giờ, tôi và ông xã đều bớt nhận show, dành nhiều thời gian hơn để vui bên gia đình.

May mắn, tôi không phải làm việc nhà, chỉ tập trung vào công việc đi hát. Anh Thanh Điền - chồng tôi cũng không than phiền gì. Chuyện nhà, với chúng tôi chỉ là một khía cạnh nhỏ trong cuộc sống, điều lớn nhất vẫn là người còn lại đối xử với mình như thế nào. Hạnh phúc cũng không phải là chuyện tôi vào bếp nấu ăn, anh Điền phải lau nhà phụ tôi.

Nếu có thời gian, tôi vẫn có thể làm việc nhà. Nhưng khi đã có sự phân công trong gia đình, tôi sẽ thoải mái hơn để lo cho nghệ thuật. Thật ra, hạnh phúc gia đình cũng nên có những việc như thế. Có những nghệ sĩ còn không sinh con để sống chết với nghề. Riêng tôi, con cái vẫn là điều quan trọng và tôi đã làm tròn bổn phận của mình.

Cảm ơn bà đã chia sẻ!

 Thành Lâm (thực hiện)    

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI