edf40wrjww2tblPage:Content
Nghệ sĩ Thanh Dậu và Mạnh Dung trong vở Truyền thuyết một tình yêu
Muối mặn, gừng cay
Nghệ sĩ Thanh Dậu vén lại mái tóc, lần giở tập hình xưa cũ. Lật tới đâu, bà kể tới đó: “Nhà cô ở 72 phố Hàng Bạc, tầng dưới là rạp hát, tầng trên ngăn đỡ cho ba gia đình cùng tá túc. Cha cô là nhạc sĩ đàn tranh Ba Vân, mẹ là nữ hề Vân Quý, nhà có sáu chị em, đông lắm. Cô là con đầu”. Chuyện của ngày xưa, có cô nhỏ tì mặt vào ban công nhìn xuống rạp hát đèn hoa loang loáng. Mộng ước mơ hồ, bình yên lẩn khuất vào mớ tóc trẻ con đen mướt, cơn ngủ ríu ran mí mắt, cũng ráng chong đến lúc sân khấu vụt khép màn nhung.
Cha mẹ lang bạt theo đoàn, sớm khuya vắng bóng, mới lên năm lên mười, Thanh Dậu đã ngọt lịm lời ru. Rằng, cái cò mà đi ăn đêm, đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao…; rằng, à ơi cây cải về trời, rau răm ở lại chịu đời đắng cay. Lớn lên một chút thì rành rọt 3 Nam, 6 Bắc, Nam ai, Nam xuân rồi Lưu thủy, Xuân tình, Tây Thi, Cổ bản… Bài bản cải lương nỉ non, ướt át, rũ mềm giấc ngủ trẻ thơ. Nên khi Sở Văn hóa thủ đô thành lập Đội 2 đoàn cải lương Chuông Vàng và tuyển đào, tuyển kép, Thanh Dậu vào thi và đậu ngay. 15 tuổi, Thanh Dậu nhỏ nhất đoàn. 15 tuổi, Thanh Dậu tự nhiên thương nhớ người dưng.
“Người dưng” - NSƯT Mạnh Dung giờ thành bạn đời của nghệ sĩ Thanh Dậu. Thanh Dậu nhìn chồng đang cười rung rinh râu bạc, rồi ngưng một chút, nghe như còn ngại ngùng. Bà cười rất nhẹ: “Yêu một người từ khi chớm thì con gái cho đến lúc da mồi, tóc bạc, mà nhìn còn thấy… thương thương”. Bên kia, nghệ sĩ Mạnh Dung đùa với theo: “Phải vậy không đó trời. Nói vậy nghe vậy, chứ ai biết người ta sao?”. Mưa tháng Tư ràn rạt, dặt dìu khung cửa kiếng, ngày mưa của mấy mươi năm về trước, cô đào đoàn Chuông Vàng đi học múa về phải ghé ngang rạp hát, ngó anh kép chánh khi thì ngồi đàn, khi thì lẫy roi sải ngựa…
“Đêm nào cô thấy thầy đang tập mới yên tâm về nhà, bữa nào không thấy là ăn không ngon, ngủ không yên. Vừa nhớ, vừa ngẫm nghĩ không biết giờ đó đi đâu làm gì, với ai…”. Thanh Dậu liếc ngang chồng một cái, tủm tỉm cười, lại kể: “Rồi đến cái “nạn” bị đoàn kiểm điểm vì… yêu sớm. Cô ngồi đó, khóc quá chừng. Thầy kiên nghị: “Khóc cái gì mà khóc, thương nhau thôi mà, có làm gì đâu!”. Vậy là thầy thêm “tội” chống đối. Mà con biết không, thời đó thương nhau nắm tay thôi, đã sợ đến mức mồ hôi sôi trên trán”. Yêu thương trong veo, cưới nhau cũng chỉ bánh trà, kẹo ngọt, mà muối mặn gừng cay cho đến bạc đầu.
Tất cả những chặng đường của nghệ sĩ Thanh Dậu đều có NSƯT Mạnh Dung, và ngược lại. Đôi đào kép Mạnh Dung - Thanh Dậu thời đó tên tuổi lẫy lừng giới sân khấu cải lương miền Bắc. Khán giả mộ điệu tại thủ đô vào những năm 1980, chắc hẳn chưa quên vở Truyền thuyết một tình yêu, do Thanh Dậu - Mạnh Dung thủ vai đào kép chánh đã phải diễn hơn 1.000 suất tại rạp Hồng Hà. Kể từ khi đặt bước chân đầu tiên lên sân khấu, chưa bao giờ Thanh Dậu ngưng hoạt động nghệ thuật. Bà rong ruổi dặm dài từ Bắc vào Nam, rồi lại từ Nam ra Bắc. Miệt mài, không mệt mỏi.
Vợ chồng NSƯT Thanh Dậu - NSƯT Mạnh Dung
Máu và hoa
Cải lương bớt thịnh, những giọng ca danh tiếng ngày nào trôi dạt tứ xứ. Thanh Dậu lui về, ngày hai buổi trên bục giảng. Nhớ nghề thì truyền nghề, nhớ chuyện cũ người xưa thì biết kể cho ai? Nên tự nhiên, nghệ sĩ Thanh Dậu nắm vai tôi, cười tươi rói: “Cảm ơn con đã quan tâm đến những người già. Người già, có gì đâu hả con”.
Người già có ký ức… Người già có năm tháng dạn dày hằn cứa lên da thịt, có trăn trở hắt ra trong khói trà chiều. Người già nói chuyện ngày nay, nghe xót xa, lạc lõng. Như mưa đầu mùa tháng Tư, đất trời run rẩy mịt mù, cây gạo đỏ tới thì trổ bông ngác ngơ chờ nắng... Như hôm nay, có người hỏi về quá khứ, dưng không ký ức vào mùa lộng lẫy.
“Đó là vào năm 1973, cô cùng chồng đi Quảng Trị để phục vụ cho mặt trận” - NSƯT Thanh Dậu hồi tưởng. Lúc vác ba lô lên đường, con gái bà mới tròn ba tuổi. Tiếng súng ran trên mặt đất, dưới hầm, ác mộng là những đêm con gái khát hơi mẹ, khóc ngặt giữa khuya. Nhớ con, đi đâu cũng nhớ, làm gì cũng nhớ. Có đêm nhớ quá, Thanh Dậu bật khóc, chị quản lý phục trang nằm kế bên, với tay lau giùm nước mắt, nói: “Ráng mà kìm nén, đừng để ai nghe thấy, nản lòng chiến sĩ”. Nước mắt khô theo những chuyến băng rừng, nước mắt tan ra trong kỳ vọng, khấp khởi mong ngày đất nước thống nhất.
Nghệ sĩ Thanh Dậu thời trẻ
Tháng Tư của những ngày súng bắn chỉ thiên gằm ghè đường ranh giới, cô văn công ngủ trưa dưới bóng lá thảng thốt giật mình ngó trời miên man hoa đỏ. Tháng Tư của máu và hoa, của dặm dài hành quân bỗng nghe lệnh: “Các đồng chí lùi về một cây số…”, bùi ngùi nhìn nhau, lẽ đâu đã đến tận cùng, đất này cũng quê hương, không ai chắn, ai rào mà nghe đứt rời, ly biệt… Nghệ sĩ Thanh Dậu bồi hồi: “Những ngày tháng Tư này, lại nhớ chuyến đi sông Thạch Hãn năm ấy, đoàn văn công đón tốp hàng binh đầu tiên bước qua ranh giới hai miền. Đêm đó sân khấu thêm khán giả…”.
Chiến sĩ ta ngồi lẫn với… “người bên đó”, đều máu đỏ da vàng, đều rưng rưng chực khóc khi Tứ đại oán ngân lên mấy câu đoạn trường, âm dương cách trở. Có khác gì đâu. Sông kia cũng vậy, dòng xanh tắm mát, dòng đỏ chở nặng phù sa, có đâu mang nghĩa vụ ngăn trở người chung dòng máu? Có đâu nằm đó để minh chứng những oán thù? “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ. Đáy sông còn đó bạn tôi nằm. Có tuổi hai mươi thành sóng nước. Giữ yên bờ bãi mãi ngàn năm”… Bất kể là ai nằm xuống, máu cũng hòa thành một dòng, và mất mát có chung một tên gọi, đau đớn đều giống nhau.
Nghệ sĩ Thanh Dậu tiếp tục kể: “Đi phục vụ mặt trận được sáu tháng, cô và chồng trở về. Chưa được bao lâu lại có lệnh hai vợ chồng sắp “đi B”. Nghĩa là vào Nam làm nhiệm vụ. Anh Dung cứ động viên suốt, đất nước đang cần mình lẽ nào nhụt chí. Có hai vợ chồng cùng đi, đã là may mắn”. Bà ngưng lại, giọng xiêu lạc, run run: “Mà trời ơi, con biết không, mới có lệnh đang chuẩn bị lên đường thì được tin thống nhất”.
Mưa tháng Tư ràn rạt không ngớt, trong nếp nhà thanh tao ấm áp, đôi vợ chồng nghệ sĩ Mạnh Dung - Thanh Dậu ngồi ôn quá khứ bồi hồi. Tháng Tư hoa gạo, tháng Tư của những thế hệ đi qua lịch sử, tham gia lịch sử. Trọn đời chiến đấu và cống hiến, người nghệ sĩ cũng như hoa, cháy đỏ đến tàn mùa…
HỒ NGỌC GIÀU