Là một trong những cái tên đang viết tiếp những trang sử mới cho gia tộc cải lương danh tiếng Minh Tơ, NSƯT Quế Trân luôn ý thức được trách nhiệm trong từng quyết định, sự lựa chọn của mình. Cải lương đang đi qua thời điểm nhiều khó khăn nhưng Quế Trân vẫn luôn nuôi trong mình sự lạc quan, niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn. Và trong tương lai đó, khi sự nghiệp đã có những dấu mốc nhất định, Quế Trân cũng nghĩ về hạnh phúc cho riêng mình, thật nhỏ nhoi như bao cô gái ngoài kia.
Đầu tư, đổi mới để giữ chân khán giả
Phóng viên: Hiện tại, chị đang đảm đương nhiều công việc cùng lúc trong khi quỹ thời gian có giới hạn. Điều đó có khiến chị gặp khó khăn trong việc xoay sở mọi thứ không?
NSƯT Quế Trân: Trước giờ, tôi vẫn chủ động được mọi thứ. Việc ca hát, tôi có lịch và chủ động nhận lời mời phù hợp với quỹ thời gian mình có. Còn việc họp hành cũng có những kỳ nhất định. Trong đó, cải lương, chuyện làm nghề vẫn có sự ưu tiên hàng đầu. Đó là đam mê, hơn nữa còn là nghề cha truyền con nối mà tôi phải giữ gìn.
Tôi vẫn rất tham và muốn làm việc. Hơn hết, tôi vẫn mong sẽ tiếp tục có được những vai diễn cải lương ấn tượng để nối dài con đường của gia tộc. Khán giả biết và yêu mến tôi qua cải lương. Vì thế, tôi sẽ luôn cố gắng để làm sáng nghề hơn nữa.
*Sự ưu tiên hàng đầu đó, được thể hiện qua những phương diện nào thưa chị?
- Tôi chưa bao giờ ngừng mơ ước sân khấu sẽ luôn sáng đèn, những vở cải lương sẽ luôn được khán giả đón nhận. Truyền hình hiện tại cũng là phương tiện để giới thiệu cải lương đến với khán giả. Tôi cho rằng bất kỳ kênh, phương tiện nào cũng có giá trị để góp phần quảng bá cải lương.
Vừa qua, tôi cũng giới thiệu nhiều MV, audio cải lương đến khán giả thông qua YouTube. Ngoài ra, tôi cũng tham gia biểu diễn trong nhiều vở, chương trình như: Chuyện tình Khâu Vai, Trăm năm nguồn cội... Ở bất kỳ nơi đâu có thể làm nghề, có thể giới thiệu cải lương đến khán giả, tôi vẫn không từ nan.
*Qua những điều đó, chị thấy gì từ cải lương hiện tại?
- Thời gian qua sân khấu có sự khởi sắc. Ngoài Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang thì các sân khấu xã hội hoá cũng không kém cạnh, bán vé tốt, có lượng khán giả ổn định. Các sân khấu cũng có khán giả “ruột”. Nếu duy trì được việc này, tôi nghĩ chúng ta cũng không nên quá bi quan. Bên cạnh những vở diễn phục dựng, các sân khấu cũng đầu tư cho những vở mới.
Trong năm 2019 tôi có vai nàng Út trong Chuyện tình Khâu Vai, được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Trước khi diễn, chúng tôi có chuyến đi thực tế ở Hà Giang để trải nghiệm. Chúng tôi sưu tập những hiện vật ở đó để trưng bày, phục vụ cho sân khấu. Ngoài ra, yếu tố truyền thông cũng được chú trọng hơn. Ít nhất, cải lương ở thì hiện tại đã có sự bắt nhịp kịp thời với xu hướng hiện tại.
Mỗi thời, cải lương sẽ tiếp cận khán giả theo một phương thức khác nhau. Sau gameshow, khán giả lại đang có dấu hiệu trở về với sân khấu truyền thống. Ngay thời điểm này, cần nhất là việc đầu tư sản phẩm chất lượng để có thể níu chân được khán giả.
*Khán giả thường biết đến chị với những vai đào thương, hiền lảnh bởi chất giọng trong, ngọt đặc trưng. Nhưng liệu trong tương lai sẽ có một sự thay đổi nào đó để con đường thêm nhiều màu sắc?
- Trong chương trình Trăm năm nguồn cội, tôi đóng Thượng Dương Hoàng hậu, vai cá tính hơn. Tôi thích có nhiều cơ hội để thử sức mình như thế, xem bản thân có thể chinh phục được hay không. Anh Quang Thảo cũng góp ý tôi đã quá quen thuộc với khán giả qua những hình ảnh hiền dịu nên cần có sự thay đổi. Tôi thích sự trải nghiệm nhưng phải suy nghĩ kỹ càng. Mong muốn và năng lực luôn có khoảng cách. Nếu khám phá thành công thì tuyệt vời. Nhưng không làm được thì ảnh hưởng nhiều thứ xung quanh.
Không bao giờ tự mãn
*Vừa sinh ra trong một gia tộc lớn, và dường như lại đúng thời. Ắt hẳn hai điều này có tác động không nhỏ đến thành công của chị...
- Năm 1999, khi tôi bắt đầu đến với sân khấu, cải lương đã có những dấu hiệu đi xuống. Tôi cũng có cảm giác như các bạn trẻ bây giờ. Tôi lo lắng và từng ước giá như mình sinh sớm hơn vài năm nữa. Tôi cũng trải qua một thời gian chật vật mới tạo dựng được chỗ đứng cho riêng mình. Nhưng sau này khi nghĩ lại, tôi lại thấy còn may mắn khi thời điểm đó khán giả còn mến, còn yêu cải lương, còn đón nhận nghệ sĩ trẻ.
Tôi không chỉ là người may mắn cuối cùng của gia tộc Minh Tơ mà cả với thế hệ đi sau sau này. Gần như sau tôi, những bạn trẻ đều khá chật vật với nghề.
*Gia tộc là niềm tự hào, nhưng đôi lúc lại trở thành rào cản cho nghệ sĩ. Với riêng chị, điều này như thế nào?
- Năm 18 tuổi, tôi đoạt giải thưởng Trần Hữu Trang. Chương trình này được truyền hình trực tiếp. Thời điểm đó, chưa có nhiều chương trình như thế, cũng chưa có nhiều loại hình giải trí mới như hiện tại nên đêm trao giải đó rất được mong chờ. Sau đó, tôi được mọi người biết đến phạm vi rộng rãi.
Hiện tượng, với cải lương cũng thật sự cần nhưng để đi dài với nghề này lại phải theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Nghệ sĩ phải bền bỉ với nghề, bên cạnh tài năng và tình yêu.
Thời điểm bắt đầu, tôi chỉ nghĩ đơn giản làm hết sức. Lúc đó, không có công nghệ lăng xê, quảng bá cũng không có chiêu trò như hiện tại. Tôi làm việc đều thuận theo tự nhiên, ai mời ở đâu sẽ đến đó hát. Tôi lớn dần với tình thương yêu từ khán giả. Vì thế, việc tôi làm nghề cũng khá dễ chịu, nhẹ nhàng và hầu như không vướng bất kỳ áp lực nào.
*Nhưng khi xuất phát từ một gia đình có truyền thống, mà hơn hết người cha quá cố của chị - NSND Thanh Tòng lại là một tên tuổi lớn - lẽ nào, áp lực là bằng 0?
- Cha có tầm ảnh hưởng lớn không chỉ riêng tôi mà cả những anh, chị, em bên ngoài. Không chỉ người trong gia đình mà với bất kỳ ai có niềm đam mê với cải lương, cha tôi đều sẵn sàng chỉ dạy tận tình, truyền nghề. Trong số đó, cũng đã có những người thành danh với nghề. Trước nay, cha tôi chưa bao giờ áp đặt điều gì lên con cháu. Dù cha tôi muốn con theo nghề, nhưng cũng không ép uổng. Chẳng hạn như anh trai tôi, không theo nghề, cha tôi vẫn vui. Ông ủng hộ mọi người được phát triển tự do với khả năng mà họ có.
Nhưng sự tự do đó không khiến tôi tự mãn. Cha tôi luôn nhắc tự mãn, tự phụ sẽ dẫn đến tự diệt. Tôi không chỉ cố gắng cho mình, mà còn là sự tiếp nối truyền thống gia đình, giữ gìn nghệ thuật truyền thống cho dân tộc. Lý tưởng đó tôi lĩnh hội từ cha mình. Sự lăn xả, hy sinh của cha cũng như các ông bà, cô chú với nghề luôn thôi thúc tôi có trách nhiệm với nghề. Sẽ có những khó khăn, nhưng tôi đều vượt qua tất cả nhờ những điều này.
*Nhưng trên cả một chặng hành trình dài, ắt hẳn sẽ có lúc mỏi mệt, chùn chân... Chị đã từng chứ?
- Có những điều chúng ta mong muốn, nhưng không phải lúc nào cơ hội cũng đến. Đôi lúc, nghề cần có duyên và sự may mắn. Tôi không có sự chểnh mảng hay cơ hội đến mà không làm. Chỉ một điều rằng, tôi luôn có sự đắn đo, suy xét kỹ trước mọi quyết định. Hiện tại, tôi không còn như trước có thể trải nghiệm, thử hết mọi thứ. Tôi lo một lựa chọn sai có thể khiến khán giả cảm thấy không hài lòng.
Dĩ nhiên, trong những sự cân nhắc đó cũng có lúc tôi đánh mất cơ hội. Nhưng tôi tin điều gì của mình sẽ là của mình, không phải có giành, có cố đến mấy cũng không có được. Con đường của tôi, nhiều người nhìn vào bảo êm đềm, và thực tế nó cũng như vậy. Tôi sống và làm nghề đơn giản.
Vẫn mong chờ hạnh phúc
*Cha chị có tác động mạnh đến con đường mà chị đã đi. Có lẽ, khi ông qua đời, mọi thứ không dễ dàng với chị...
- Tôi và mẹ nương tựa vào nhau khi cha qua đời. Sức khoẻ mẹ tôi bắt đầu xấu đi. Thật sự, tôi hết sức yếu đuối nhưng gia đình không còn ai. Nếu tôi không mạnh mẽ thì không thể lấy ai mạnh mẽ thay tôi.
Tôi đã quá quen với cuộc sống đầy đủ cha mẹ, luôn có niềm vui, tiếng cười, sự đầm ấm. Cứ mỗi lần ai nhắc đến, tôi lại khóc. Có thời gian, tôi nhốt mình ở trong nhà. Bao nhiêu lời mời đi hát, tôi từ chối hết vì lòng mình tan nát cả rồi. Mình nhận, bước lên sân khấu, hát không tròn vẹn, lại có tội với khán giả. Điều đó còn khiến cha tôi buồn hơn nữa.
*Điều gì khiến chị vực dậy được chính mình?
- Sự ủ rủ khiến tôi bỏ qua mọi cơ hội. Nhưng sau đó mẹ động viên tôi tiếp tục làm nghề. Tôi luôn nhớ cha dặn: “Con của Thanh Tòng, làm sao coi cho được”. Cha tôi không yêu cầu cao nhưng làm phải hết mình, trách nhiệm, tử tế với việc mình nhận.
Các cô chú hay tin tôi trốn liền động viên, vực dậy tinh thần tôi. Mọi thứ tác động cùng lúc, tôi trở lại sân khấu. Mà thật sự qua một thời gian không đi hát, tôi nhớ khán giả kinh khủng. Trở lại, tôi hát như chưa từng được hát. Nếu không đi hát tôi cũng không thể làm nghề khác được.
*Đẹp hay thông minh, chị nghĩ điều gì cần hơn cho phụ nữ ở hiện tại?
- Đẹp và thông minh đều cần. Nhưng rõ ràng, một người có tính cách rõ ràng, thông minh, sắc sảo luôn dễ dàng thu hút người đối diện. Những điều đó giúp họ tạo được dấu ấn khó phai, chứ không chỉ thoáng qua như diện mạo bên ngoài. Vẻ đẹp trí tuệ lâu bền hơn.
Nhưng bản thân tôi vốn dĩ thuộc tuýp phụ nữ nữ tính, nhẹ nhàng. Vì thế, tôi cũng không cố gồng mình để biến mình trở nên cá tính hơn. Đối tượng khán giả của tôi có đặc thù riêng, họ không như khán giả trẻ bây giờ nên chưa chắc việc tôi thay đổi sẽ vừa mắt họ. Tôi mong muốn bản thân mình sẽ dung hoà được 2 yếu tố truyền thống và hiện đại.
*Nhưng rõ ràng khi độ tuổi càng tăng, phái đẹp lại càng có thêm những áp lực vô hình về sắc vóc. Ắt chị cũng không là ngoại lệ...
- Quy luật thời gian không ai tránh khỏi. Nhưng so với một số lĩnh vực khác, tuổi thọ nghề của nghệ sĩ cải lương khá dài. Bây giờ, nhiều cô chú nghệ sĩ kỳ cựu vẫn còn đứng sân khấu, vẫn còn được vào vai hợp lứa tuổi. Khán giả vẫn đón nhận. Vì thế, điều đó luôn giúp tôi có những suy nghĩ tích cực. Thời điểm nào, cũng sẽ có những nhân dạng phù hợp.
Để luôn xuất hiện tốt trên sân khấu, tôi nghĩ không riêng tôi mà nhiều nghệ sĩ luôn chú trọng đến việc giữ gìn thanh sắc, vóc dáng. Quan trọng hơn hết, tinh thần phải được xem trọng hàng đầu mới giúp bạn trông luôn trẻ hơn tuổi thật. Nghệ sĩ sống nhiều cuộc đời trên sân khấu, trong đó vui buồn lẫn lộn. Vì thế, việc tìm lại sự cân bằng ngoài đời thật rất quan trọng. Giữ sắc vóc cũng là sự thể hiện trách nhiệm với nghề, khán giả.
*Chị tìm niềm vui, sự cân bằng khi bước ra khỏi sân khấu như thế nào?
- Thời gian rảnh tôi dành trọn vẹn cho gia đình. Về sau này, từ khi cha qua đời, tôi biết chọn lọc những lời mời hơn để có nhiều thời gian bên mẹ. Niềm vui ngoài sân khấu cũng đơn giản, chỉ xoay quanh những bữa cơm, những cuộc trò chuyện với mọi người trong gia đình... Tôi cũng dành thời gian đưa mẹ đi du lịch, nghỉ dưỡng. Tôi cũng thường gặp bạn bè, xem phim, mua sắm... như những cô gái bình thường. Tôi cũng rất thích nấu ăn, và tìm hiểu những món mới. Tôi không giỏi nữ công gia chánh nhưng nấu được, tạm ổn.
*Những kỹ năng đó, liệu có phải để chuẩn bị cho việc xây tổ ấm trong tương lai?
- Lập gia đình cũng là điều thú vị. Nhưng những kỹ năng bếp núc tôi chỉ chuẩn bị để cuộc sống mình vui vẻ hơn, chứ không nhất thiết phải chuẩn bị để làm vợ. Mình biết làm nhiều thứ thì cuộc sống mình dễ chịu, ít bị phụ thuộc hơn. Tôi vẫn mong ước hạnh phúc như bao nhiêu người phụ nữ bình thường khác. Hiện tại tôi đã xây dựng được sự nghiệp, nhưng chuyện duyên số không do mình tự quyết định được.
*Ngày Tết, những cô gái độc thân thường đứng trước nhiều áp lực khi bị hỏi chuyện lấy chồng. Chị thì sao?
- Tôi cảm thấy thoải mái lắm. Tôi không có áp lực từ gia đình, người thân về việc lấy chồng nên cũng không có động lực. Cha mẹ luôn ủng hộ tôi để mọi thứ thuận theo tự nhiên. Nhiều lúc, ông bà cũng sợ tôi vội vàng mà chọn nhầm bến đỗ. Vì thế, nhiều lúc tôi chỉ muốn sống bên cạnh gia đình mà thôi.
*Qua những thăng trầm, thay đổi, niềm vui ngày Tết với chị có còn trọn vẹn?
- Thời điểm trước năm 2016, tôi thường đi diễn suốt dịp Tết nhưng vẫn cố gắng dành thời gian cho gia đình trong những ngày đầu năm. Từ khi cha tôi qua đời, mọi thứ thật sự khủng khiếp. Tôi nhớ không khí Tết những ngày còn cha, ông rất kỹ tính trong việc trang trí nhà cửa, cúng kiến, lễ nghi... Không khí nhà lúc nào cũng ấm cúng. Nhưng năm đó, gia đình luôn rơi vào trạng thái chông chênh. 3 mẹ con ôm nhau mà khóc, nhớ về những kỷ niệm ngày xưa. Đó là cái Tết mà tôi không thấy không khí mùa xuân.
Ngày xưa cha hay nói nếu về thế giới bên kia ba sẽ tiếp tục gặp ông bà, cô bác rồi lập đoàn hát đi hát tiếp. Vì thế, hiện tại, tôi luôn có cảm nhận cha vẫn đang bên cạnh mình. Mọi thứ vẫn sẽ tiếp nối chứ không có bất kỳ điểm dừng nào. Tôi vẫn nghĩ về cha, nghĩ về những ngày đầm ấm ngày xưa bằng cả sự vui vẻ.
*Xin cảm ơn chị!
Thành Lâm (thực hiện)