NSƯT Quế Trân: “Cải lương miễn phí cũng phải hay!”

29/06/2020 - 14:47

PNO - Tìm cách làm mới để cải lương luôn bắt kịp xu thế phát triển chung của xã hội, tiếp cận đông đảo công chúng là điều khiến NSƯT Quế Trân trăn trở.

Quế Trân là một trong những nghệ sĩ tham gia nhiều dự án cải lương, đặc biệt là những chương trình mang nhiều dấu ấn thử nghiệm trong thời gian gần đây: Cải lương trăm năm nguồn cội, Chuyện tình Khâu Vai…

Sinh trưởng trong một gia tộc cải lương nổi tiếng nên bộ môn nghệ thuật này gắn với Quế Trân như máu thịt, như hơi thở. Nhưng chị không bị đóng khung bởi những gì được truyền dạy và những cách làm cải lương từng chinh phục nhiều thế hệ khán giả của dòng họ Minh Tơ. Tìm cách làm mới để cải lương luôn bắt kịp xu thế phát triển chung của xã hội, tiếp cận đông đảo công chúng là điều khiến NSƯT Quế Trân trăn trở. 

Phóng viên: Chào chị. Chị nghĩ sao về nghịch lý, người xem nói cải lương xưa cũ, nhưng những vở diễn nhiều sáng tạo, mang tính thử nghiệm lại chưa được đông đảo khán giả đón nhận?

NSƯT Quế Trân: Công chúng và người làm nghề luôn mong muốn sân khấu cải lương có sự đổi mới, nhưng số đông khán giả chưa quen với những cách làm mới cải lương. Vì vậy, những vở cải lương mang tính thử nghiệm rất kén người xem. Đây là một trong những khó khăn và thiệt thòi lớn cho người dám nghĩ, dám làm với khát vọng có thể mang lại điều mới mẻ cho cải lương.

Họ nỗ lực, tâm huyết, sáng tạo nhưng vẫn không làm mất đi “hồn cốt” của nghệ thuật cải lương, nhưng lại không được số đông công chúng đón nhận. Điều này có thể thui chột dần khát vọng làm mới cải lương của những người có tâm huyết, khiến họ không mạnh dạn tiếp tục với chọn lựa của mình.

Có lẽ ở thời điểm này, cách tốt nhất là dung hòa cả hai yếu tố thử nghiệm và truyền thống. Và nên chăng, cần xác định cụ thể đối tượng khán giả trước khi dàn dựng để biết mình nên thử nghiệm, làm mới ở mức độ nào.

* Không chỉ chưa được đông đảo khán giả đón nhận, những thử nghiệm làm mới cải lương còn gây ra tranh luận trong giới làm nghề?

- Hiện đang có hai xu hướng khác nhau. Những người trẻ muốn tìm tòi, sáng tạo, thử nghiệm. Một số người làm nghề khác lại cho rằng cải lương không cần chạy theo “thời thượng”, cứ giữ nguyên những gì vốn có theo cách nó đã từng chinh phục đông đảo khán giả mộ điệu.

Hoàng hậu Thượng Dương- nỗ lực và dấu ấn mới của NSUT Quế Trân ở sân khấu cải lương
Hoàng hậu Thượng Dương- nỗ lực và dấu ấn mới của NSUT Quế Trân ở sân khấu cải lương

Làm mới hay giữ những gì thuộc về truyền thống, hoặc làm mới theo cách nào, ở mức độ nào còn tùy thuộc vào cách nhìn, quan điểm nghệ thuật của mỗi người. Hơn nữa, ở bất kỳ thời điểm nào, lĩnh vực nào, mọi sự đổi mới luôn gây ra những tranh cãi trái chiều.

Từng có lúc những bài tân cổ giao duyên của soạn giả Viễn Châu bị phản ứng gay gắt. Nhưng với thời gian, tân cổ giao duyên đã được đón nhận và hoàn toàn chinh phục cả giới mộ điệu lẫn người làm nghề để đến nay, gần như không thể thiếu trong đời sống của nghệ thuật cải lương.

Trong các loại hình nghệ thuật dân tộc, cải lương có sự thích nghi tuyệt vời và nhanh nhạy trong tiếp thu tinh hoa từ các loại hình nghệ thuật hiện đại khác. Cải lương có thể chuyển hóa, ứng biến trong mọi hoàn cảnh. Tôi cho rằng việc làm mới cải lương cần thời gian, nỗ lực và tâm huyết của những người làm nghề. Con đường duy nhất để chinh phục người xem chính là chất lượng nghệ thuật. Và dù đổi mới theo cách nào, ở mức độ nào cũng không được xa rời những đặc trưng cơ bản của cải lương.

* Một nghịch lý khác, khán giả “khát” các chương trình cải lương, nhưng nghệ sĩ cải lương kín lịch đi show, còn sàn diễn cải lương lại thưa vắng người xem. 

- Thiếu vắng khán giả là thực trạng chung của sân khấu biểu diễn hiện nay. Ngay như ca nhạc, lọai hình nghệ thuật được xem là thời thượng cũng khó bán vé. Không bao giờ hết khán giả yêu mến cải lương, nhưng cách thưởng thức bộ môn nghệ thuật này lại có nhiều thay đổi. Ngày nay, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, khán giả đã có rất nhiều lựa chọn giải trí khác nhau. Trong khi đó, dàn dựng một vở cải lương ăn khách lại là điều không dễ.

Thực tế cho thấy, những vở cải lương xưa cũ vẫn ăn khách và dễ bán vé hơn so với dựng kịch bản hoàn toàn mới. Dựng vở cũ để có doanh thu, để tồn tại nhưng khát vọng dàn dựng được những vở diễn mới khiến những người làm nghề loay hoay tìm một lối đi. Hầu hết diễn viên đều mong muốn được thể hiện những vai diễn mới để thoải mái sáng tạo và bay bổng mà không phải chịu áp lực từ dấu ấn của thế hệ nghệ sĩ đi trước.

NSƯT Quế Trân vai nàng Út – vở Chuyện tình Khau Vai , một dự án cải lương mang nhiều tính thử nghiệm với sự kết hợp của các NS hai miền Nam – Bắc
NSƯT Quế Trân vai nàng Út – vở Chuyện tình Khau Vai , một dự án cải lương mang nhiều tính thử nghiệm với sự kết hợp của các NS hai miền Nam – Bắc

Sau cột mốc 100 năm của sân khấu cải lương, nhiều đơn vị cải lương xã hội hóa (XHH) hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngưng hoặc mới được thành lập thêm. Tất cả vẫn đang nỗ lực tìm hướng đi. Hành trình này không thể một sớm một chiều mà là chặng đường dài và chắc chắn khó về đến đích nếu không có những cách làm hợp lý hơn.

* Sau cột mốc 100 năm, cải lương có dấu hiệu khởi sắc, nhưng có vẻ đến lúc này cải lương XHH đã bắt đầu mỏi mệt. Cách làm hợp lý như chị nói đến ở phương diện nào?

- Từ thành công của Tiên Nga, của Cải lương trăm năm nguồn cội, tôi nhận ra rằng khi một tác phẩm được đầu tư đến nơi đến chốn từ kịch bản đến tập luyện, với những sáng tạo mới đủ sức hấp dẫn, khán giả sẽ sẵn sàng đến rạp.

Về nội dung, không nhất thiết phải tự làm khó mình bằng những kịch bản hoàn toàn mới lạ, chỉ cần chọn lọc trong chính kho tàng văn học, lịch sử… của Việt Nam. Những câu chuyện, nhân vật dẫu đã rất quen thuộc, nhưng nếu được đặt dưới lăng kính, quan điểm của những con người hôm nay vẫn sẽ rất mới mẻ và đầy thuyết phục. Yếu tố này cộng thêm việc đầu tư tốt, tập luyện nghiêm túc đủ để tạo nên sức hút và sức sống cho một vở diễn.

Một yếu tố khác, giá vé xem những chương trình cải lương được đầu tư tương tự vở nhạc kịch Tiên Nga còn khá cao so với thu nhập của số đông khán giả, khiến đặt thêm rào cản cho người xem.

* Không giống kịch nói, số lượng buổi diễn cải lương rất hạn chế, một vở diễn đầu tư hoành tráng cũng chỉ có 1-2 suất. Nếu giá vé thấp, nhà đầu tư sẽ không đủ chi phí trang trải.

- Điều tôi muốn nói ở đây là khán giả cải lương không còn nhiều. Chỉ tính đến 1-2 suất diễn mà đơn vị tổ chức đã khó bán vé, làm sao dám nghĩ nhiều hơn. Để phát triển sân khấu cải lương thì phải mở rộng đối tượng người xem. Khán giả mới của cải lương gần như không có, lớp khán giả cũ ngày một lớn tuổi, thưa vắng dần. Đưa cải lương vào học đường là chủ trương rất tốt của TPHCM để gầy dựng thế hệ khán giả mới, tuy nhiên cách làm như hiện nay lại chưa thực sự hiệu quả.

NSƯT Quế Trân và các NS vở Chuyện tình Khau Vai trong chuyến đi thực tế, thăm và tặng quà cho trẻ em Khau Vai
NSƯT Quế Trân và các NS vở Chuyện tình Khau Vai trong chuyến đi thực tế, thăm và tặng quà cho trẻ em Khau Vai

Đừng chỉ làm cho có, đừng nghĩ ai hát cũng được, hát gì, nói gì cũng xong. Lớp trẻ ngày nay có đủ điều kiện để tiếp cận với nhiều loại hình giải trí hiện đại được đầu tư tốt, nghệ sĩ giỏi, kịch bản hay. Các em sẽ có sự so sánh với cải lương học đường.

Cải lương học đường phải được chăm chút ngay từ khâu kịch bản, dàn dựng thú vị, nghệ sĩ ca diễn giỏi... mới hy vọng thuyết phục được các em. Đưa cải lương vào học đường mà làm không hay chỉ thêm phản tác dụng, vô tình tạo tâm lý bị ép phải xem, khiến học sinh càng không bao giờ đến rạp. Đây là thời điểm cải lương đang được quan tâm đầu tư tốt nhất, đừng để lãng phí mà hãy cùng nhau tính toán để có cách làm hiệu quả nhất.

* Trong nỗ lực tìm khán giả, thành phố từng có chương trình cải lương miễn phí định kỳ ở rạp Hưng Đạo, tuy nhiên cũng có những ý kiến phản đối. Quan điểm của chị ra sao?

- Đây cũng là một nỗ lực, cách làm tốt với mong muốn đưa cải lương tiếp cận khán giả, mở rộng đối tượng người xem. Cải lương đã có sự quan tâm, đầu tư nhưng chưa phát huy hiệu quả, chưa thuyết phục, thậm chí gây phản ứng cho một số người làm nghề.

Tôi quan niệm, cải lương miễn phí không chia sẻ khán giả của sân khấu XHH bởi mỗi sân khấu có một đối tượng khán giả khác nhau, phong cách dàn dựng khác nhau... Nếu cách làm đúng, hiệu quả tốt, những suất diễn miễn phí có thể mang về thêm cho cải lương những đối tượng khán giả mới, chấp nhận bỏ tiền mua vé xem loại hình nghệ thuật mình yêu thích.

Để việc diễn cải lương miễn phí đạt được hiệu quả như mong muốn, theo tôi, cần xác định đối tượng cụ thể và xây dựng tác phẩm phù hợp. Miễn phí nhưng phải đúng đối tượng, không thể miễn phí theo kiểu sáng đèn rồi mở cửa để ai muốn đến xem thì đến. Và đương nhiên, dù miễn phí nhưng vở diễn cũng phải hay, được chọn lọc từ kịch bản, chăm chút trong công tác dàn dựng, tập luyện, đội ngũ tham gia phải là những người giỏi nghề...

Phút bình yên bên gia đình
Phút bình yên bên gia đình

Với mục tiêu mở rộng đối tượng khán giả, các vở diễn không cần chạy theo số lượng. Thay vì dựng liên tục nhiều vở với suy nghĩ có thể “đổi món” cho khán giả, nên chăng chỉ tập trung cho một số vở diễn phù hợp với từng đối tượng khán giả và xây dựng tác phẩm thật tốt cả về nội dung lẫn chất lượng nghệ thuật.

Đừng nghĩ cứ miễn phí là có khán giả. Khi công chúng đang có quá nhiều sự lựa chọn thì những chương trình miễn phí càng phải có chất lượng. Cách quảng bá, tiếp cận khán giả như con dao hai lưỡi, không khéo hoặc dễ dãi sẽ phản tác dụng.

*Cám ơn chị về cuộc trò chuyện.

Gia Minh (thực hiện) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI