NSƯT Phương Quang và di nguyện cuối đời

13/07/2018 - 14:45

PNO - Nhận xét về Phương Quang, giới ký giả kịch trường thập niên 1960 cho rằng, “Phương Quang không phải là phiên bản Út Trà Ôn mà là một hòn ngọc còn ẩn trong đá. Nếu được dồi mài, hẳn sẽ rực sáng”.

NSƯT Phương Quang tên thật là Tô Văn Quang, sinh năm 1942, tại Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Từ thời niên thiếu, ông đã yêu thích cải lương và mê mẩn giọng ca của nghệ sĩ Út Trà Ôn.

Ông mê cải lương tới mức, nhiều khi có đoàn hát về diễn mà không đủ tiền mua vé coi hát, ông lại đến trước cửa rạp để coi hình nghệ sĩ và nghe ca qua loa quảng cáo.

Trong một lần như vậy, ông đã được nhìn thấy thần tượng Út Trà Ôn. Kể từ đó, ước mơ được trở thành tài tử cải lương như thần tượng trong lòng cậu bé Quang ngày càng được nuôi lớn.

NSUT Phuong Quang va di nguyen cuoi doi
NSƯT Phương Quang

Khoảng đầu thập niên 1960, ông lên Sài Gòn và xin học ca ở nhà nhạc sĩ Văn Còn - một người trong dòng họ. Từ ngày theo nhạc sĩ Văn Còn, cậu bé Quang đã không còn phải ngồi trước rạp để hóng nghe ca và nhìn hình nghệ sĩ.

Ông được nhạc sĩ Văn Còn dẫn theo vào đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga và được ngồi ngay vị trí của dàn đờn để coi hát. NSƯT Phương Quang từng kể, ông mê đờn ca tới nỗi, xuất hát nào ngồi dưới chỗ dàn đờn, ông cũng lẩm bẩm ca theo đào kép trên sân khấu.

Phát hiện ông có giọng ca rất giống nghệ sĩ Út Trà Ôn, nhạc sĩ Văn Còn đã dành nhiều tâm sức để rèn giũa cho ông từ bài bản đến nhịp nhàng, cách luyến láy, lấy hơi, nhấn chữ… NSƯT Phương Quang chính thức bước lên sân khấu cải lương chuyên nghiệp từ gánh hát Kim Thành. Ở đây, ông được đặt nghệ danh là Phương Quang.

Clip NSƯT Phương Quang hát Tình anh bán chiếu

Một điều rất bất ngờ, có lẽ anh kép trẻ Phương Quang chưa bao giờ dám mơ đến. Biết anh kép Phương Quang có giọng ca gống mình, nghệ sĩ Út Trà Ôn (khi đó là ông bầu của gánh hát Thống Nhứt) đã đồng ý ký hợp đồng 300.000 đồng (giá trị thập niên 1960) để mời Phương Quang hát trong 3 năm.

Trên sân khấu gánh Thống Nhứt, tuồng cải lương Trăng lên ngoài cửa ngục của soạn giả Thiếu Linh, với sự góp mặt của Út Trà Ôn và Phương Quang, đã tạo nên cơn sốt ở thời điểm đó.

Nhận xét về Phương Quang, giới ký giả kịch trường lúc bấy giờ cho rằng “Phương Quang không phải là phiên bản nghệ sĩ Út Trà Ôn mà là một hòn ngọc còn ẩn trong đá. Nếu được dồi mài, hẳn sẽ rực sáng”.

NSUT Phuong Quang va di nguyen cuoi doi
NSƯT Phương Quang và NSƯT Thanh Vy (tạo hình nhân vật vở Nàng Xê Đa)

Để có bằng được giọng ca Phương Quang cho gánh hát của mình, bà bầu Kim Chưởng đã chịu ký hợp đồng với mức 500.000 đồng.

Cuối năm 1964, ông về gánh hát Kim Chưởng và được bà bầu Kim Chưởng truyền dạy thêm nhiều kỹ thuật ca diễn. Ông thành danh rực rỡ từ sân khấu này. Năm 1966, ông đoạt giải Thanh Tâm với vai diễn Kỳ Thanh Lang trong vở Tình nào cho em cùng nghệ sĩ Phượng Liên.

Được đánh giá là người có khả năng diễn xuất rất đa dạng, nhưng với vóc dáng mạnh mẽ, làn hơi trầm ấm và lối diễn chững chạc, NSƯT Phương Quang thường là lựa chọn đầu tiên của các đạo diễn cho những vai diễn anh hùng, chí khí.

Nhiều đồng nghiệp nhận định, đỉnh cao trong cuộc đời nghệ thuật của NSƯT Phương Quang là thời gian ông hoạt động ở đoàn cải lương Trần Hữu Trang (đầu những năm 1980).

Nhắc đến NSƯT Phương Quang, chắc chắn khán giả cải lương không chỉ nhớ những vai diễn để đời: Vua Riêm (Nàng Xê Đa), Tám Khỏe (Người ven đô), Năm Báu (Tình yêu và lời đáp), Nguyễn Huệ (Tiếng sóng Rạch Gầm)… mà còn nhớ ông với chất giọng đặc biệt khi thể hiện những bài ca cổ: Ông lão chèo đò, Gánh bưởi Biên Hòa, Mổ tim Tỷ Can, Đắc Kỷ - Trụ Vương, Gánh chèo khuya, Trường cũ tình xưa, Ông giáo làng

Do điều kiện sức khỏe, những năm gần đây NSƯT Phương Quang ít xuất hiện trên sân khấu. Ông đã rời xa cõi tạm vào sáng  nay (13/7) tại nhà riêng với di nguyện cuối đời là được hiến xác cho y học.

Lễ tưởng niệm NSƯT Phương Quang diễn ra lúc 9g, ngày 14/7, tại nhà riêng (1033 Trần Xuân Soạn, P.Tân Hưng, Q. 7, TP.HCM).

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI