PNO - Có thể nói Phượng Loan thuộc số ít những nữ nghệ sĩ có sự nghiệp và cuộc sống viên mãn hiện nay. Nhưng thành quả chị đạt được không hề dễ dàng, thậm chí có lúc chị đã không tự tin vào chính mình…
LTS: Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, sau những vai diễn ông hoàng bà chúa áo xiêm lộng lẫy, những nhân vật đầy quyền uy, ma lực… người nghệ sĩ cũng có những số phận, nỗi niềm riêng. Đôi khi, số phận của người nghệ sĩ trong đời thực còn phong ba, thăng trầm gấp bội những nhân vật mà họ thể hiện. Thành công của người nghệ sĩ bao giờ cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, tình yêu và sự tận hiến cho nghệ thuật. Như con tằm rút ruột nhả tơ, có người may mắn thành công ngay từ những vai diễn đầu tiên, nhưng cũng có người đi gần nửa hành trình nghệ thuật mới nhận ra đâu là thế mạnh, khả năng thực sự của mình. Nhưng ở vị trí, vai trò nào, người nghệ sĩ cũng luôn có một ước mơ cháy bỏng: Được sống với sân khấu, với vai diễn đến hơi thở cuối cùng.
Phía sau hào quang còn biết bao câu chuyện chưa kể về cuộc đời, nỗ lực của người nghệ sĩ. Từ số báo này, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ “kể lại” những câu chuyện vui buồn, trăn trở, khát vọng của những người đã tận hiến đời mình, để mang lại niềm vui, nụ cười và cảm xúc đẹp cho công chúng.
“Chờ chị một lát” - cuộc trò chuyện giữa người viết và NSƯT Phượng Loan một buổi chiều muộn đầu tháng Tư lại đôi lần gián đoạn khi khách vào quán. Góc quán nhỏ ở cuối đường Tạ Quang Bửu (Q.8. TP.HCM) với đặc sản “Cà phê sữa muối” mở từ mùng Sáu tết 2021 do cô con gái đứng quán khiến NSƯT Phượng Loan bận rộn hẳn. Khi không có lịch tập, lịch diễn, chị đều có mặt ở quán phụ trông coi, kiêm luôn chạy bàn và pha chế lúc con gái bận chăm cháu ngoại…
Hoa nở muộn
Người trong nghề vẫn đánh giá Phượng Loan là “hoa nở muộn”, dù chị theo nghề từ năm 13 tuổi, khi đứng trên sân khấu đoàn Đồng ấu - Tuổi trẻ Thương nghiệp. “Lúc đó anh Bảo Trí 16 tuổi lớn nhất đoàn, chuyên diễn vai kép độc. Còn lại toàn mấy đứa con nít 13-14 tuổi nên trong sáng lắm. Đoàn không cho hát cặp nam - nữ với nhau, còn nhỏ mà, nên tôi, chị Kim Lệ Tiên, Thanh Thủy phải hát kép. Đến khi về đoàn Tinh Hoa mới được làm đào đó chứ”, Phượng Loan nhớ về sân khấu đầu đời của mình với những tình cảm trìu mến.
Gia đình hạnh phúc của NSƯT Phượng Loan
Tự nhận có sở thích “nhảy đoàn”, Phượng Loan thuộc số những cô đào dày dạn trận mạc khi “lang bạt” qua rất nhiều đoàn tỉnh: Tinh Hoa (Vũng Tàu), Cao Nguyên (Đắk Lắk), Tháp Mười A (Đồng Tháp), Long An, Sông Hậu 1, Chuông Vàng (Sóc Trăng), Tây Đô (Cần Thơ)… biền biệt hàng năm trời ở miền Tây rồi miền Trung. Đoàn lớn - nhỏ gì cũng đi, ngay cả đoàn hát chui cũng từng thử qua. Có bận còn phải hát cương, “vừa hát bụng vừa đánh lô tô nhưng vẫn phải ráng vì lỡ nhận rồi, sau đó trốn luôn vì sợ hư nghề”, chị kể.
Chinh chiến khắp các đoàn tỉnh, đến đâu Phượng Loan cũng là cô đào chính sáng giá, và như một điều hiển nhiên, cũng hướng về sân khấu thành phố rực rỡ hào quang. Có một thời gian, nhờ người quen giới thiệu, Phượng Loan về thành phố gia nhập đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long. Từ đào chính khá có tiếng ở các tỉnh, chị làm lại từ đầu với các vai… tỳ nữ.
Được vài tháng, vì “cơm áo gạo tiền” và cảm thấy không thể phát triển nghề, Phượng Loan lại khăn gói trở về tỉnh. “Sân khấu Sài Gòn lúc đó gần như không có chỗ cho người trẻ chen chân. Các cô đào đẹp quá, mình đâu thể cạnh tranh…”, NSƯT Phượng Loan nói. Đến giai đoạn bùng nổ video cải lương, khi các nghệ sĩ cùng trang lứa đều nắm bắt cơ hội để bật lên, thì Phượng Loan cũng không thể góp mặt cùng trào lưu.
NSƯT Phượng Loan giới thiệu món đặc sản “Cà phê sữa muối” tại quán của con gái chị.
Một lần quay hình vở Tâm sự người đàn bà chị từng đóng chính trên sân khấu, lời nhận xét thẳng thắn của một đàn anh về khung hình cận mặt, phô hết khuyết điểm về da mặt, đã đánh bay mọi dũng khí của Phượng Loan. Mãi sau này, khi công nghệ chỉnh sửa hình ảnh phát triển, chị mới lấy lại tự tin mà tham gia quay hình.
Thiếu tự tin về ngoại hình - không đủ chuẩn “mỹ nhân” cần có ở một cô đào chính, cũng không có giọng ca quá đặc sắc để tạo dấu ấn nổi bật - Phượng Loan nghĩ: “Nếu cứ chấp nhận giữ một loại vai thì sẽ không còn việc để làm. Nghệ sĩ không có vai diễn thì làm sao khán giả nhớ? Bị khán giả lãng quên chính là điều đáng sợ nhất!”. Thế là Phượng Loan không nề hà vai lớn nhỏ, kể cả những vai “cứu bồ” chỉ vài câu thoại mà không phải nghệ sĩ nào cũng nhận, chị đều “gật đầu”. Nhờ “dễ tính”, lại đa năng, học tuồng nhanh, và nhất là không so đo địa vị, Phượng Loan dần trở thành “gương mặt thân quen” cho các chương trình cải lương truyền hình.
Lúc này, hình tượng “bà mẹ” Phượng Loan cũng dần nổi lên. “Tôi chủ động chọn hướng đi cho mình. Không đẹp thì thôi mình đóng vai phụ. Đóng nhiều cho khán giả nhớ mặt”, NSƯT Phượng Loan chia sẻ. Nhờ vậy mà khi có vai bà mẹ, từ nghèo hèn đến sang trọng, và nhất là các “bà má cách mạng”, các đạo diễn gần như đều nhớ đến Phượng Loan.
Từng nghĩ mình không thể diễn được vai độc cho đến khi đọc kịch bản vai Tuyên phi Đặng Thị Huệ trong vở cải lương Đêm hội Long Trì, Phượng Loan tự nhủ: “Nếu cái gì cũng vì lo sợ mà từ chối thì sẽ không còn cơ hội đổi mới chính mình”. Dù nhận vai với không ít áp lực của bản thân và cả những người vốn quen hình ảnh “đào thương” của mình, Phượng Loan đã xây dựng thành công hình tượng người đàn bà đầy quyền lực trong phủ chúa. Nét diễn thâm trầm, sắc sảo, không “đao to búa lớn” lại càng khiến các vai cá tính, phản diện của chị về sau như Tạ Ngọc Dung (San Hậu), Hoạn Thư (Kim Vân Kiều), Nguyễn Thị Anh (Đêm trước ngày hoàng đạo, Rạng ngọc Côn Sơn)… thêm chiều sâu.
Trở lại tham gia hội diễn sau 16 năm, NSƯT Phượng Loan đã có thêm tấm huy chương vàng với vai phản diện Thái hậu Nguyễn Thị Anh trong vở cải lương Rạng ngọc Côn Sơn
Cười cũng phải tập
Trở về trước, khó ai nghĩ rằng một “cô đào tỉnh” như Phượng Loan lại đang là một trong những cái tên nổi bật của sân khấu cải lương hôm nay - người vẫn duy trì được phong độ, nhiệt huyết và tình yêu cải lương đắm say trên bước đường thăng trầm.
Ít ai biết đầu những năm 1990, sàn diễn cải lương ngày một khó khăn, các con lớn dần cần có mẹ bên cạnh, Phượng Loan quyết định nghỉ hát về nhà buôn bán và chăm con. Bốn năm trôi qua tưởng đã yên phận, thì có người quen đến nhờ chị chi viện cho vở Loài hoa không tên dự Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc 1995. Bị thuyết phục bởi một vai diễn hay và một ê-kíp ăn ý, Phượng Loan đồng ý về Tây Đô trong tâm thế “làm thời vụ”, xong hội diễn lại về bán quán.
Nhưng Loài hoa không tên thành công rực rỡ, Phượng Loan ngoài chiếc huy chương vàng cá nhân còn được vinh danh là “Nữ nghệ sĩ tài sắc” cùng Thanh Thanh Tâm, Kiều Oanh, Hồng Vân - các cô đào đẹp nức tiếng đương thời. Trở về, lịch báo cáo, phục vụ nhân dân dày đặc và các nơi đều yêu cầu không thay vai. Sau đợt lưu diễn, Phượng Loan đã lại thấy mình khăn gói bám đoàn, trở lại “ăn cơm Tổ”. Đến nay, Dạ Hương của Loài hoa không tên vẫn là vai diễn đầy ý nghĩa đối với Phượng Loan - vai diễn đánh dấu việc chị trở lại với nghề, đồng thời khẳng định: cả đời này, Phượng Loan chỉ có thể là nghệ sĩ cải lương.
Trở lại tham gia Hội diễn sau 16 năm, NSƯT Phượng Loan đã có thêm tấm huy chương vàng với vai phản diện Thái hậu Nguyễn Thị Anh trong vở cải lương Rạng ngọc Côn Sơn.
Tự nhận “dễ tính”, nhưng cũng đôi lần NSƯT Phượng Loan không thoát khỏi cảm giác chạnh lòng. Năm 1997, chị chính thức trở lại sân khấu thành phố với vị trí xứng đáng cho những nỗ lực của mình. Sáu năm cộng tác cùng Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, chị luôn có mặt trong các chương trình phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, xa mấy cũng đi. “Nhưng khi về thành phố diễn có bán vé, có khán giả rầm rộ, thì lại không thấy tên mình. Cũng buồn chứ…”, Phượng Loan rời nhà hát và chính thức hoạt động tự do từ năm 2004 đến nay. Cũng từ một lần nghe phàn nàn: “Sao thi gì cũng thấy mặt để lấy huy chương”, mà Phượng Loan rời các cuộc chơi, mãi 16 năm sau mới “đi thi” trở lại. “Nhiều cái ngộ lắm, nghĩ lại cũng không hiểu sao lúc đó mình lại tự ái vậy…”, Phượng Loan chia sẻ.
Với NSƯT Phượng Loan, không gì “tự nhiên mà có”. Để có được bản lĩnh sân khấu vững vàng như hôm nay, là những năm tháng chị ngồi cánh gà nhìn các anh chị đi trước ca diễn đến thấm từng động tác, từng cách nhấn nhá, nhập tâm được vào từng nhân vật. Là thói quen ngồi trước gương tập thoại, tập xử lý cơ mặt, khống chế biểu cảm… xem đã đủ cảm xúc chưa, nét mặt có bị xấu không… Cả cười cũng phải tập, không ít lần Phượng Loan làm cả gia đình hoảng hồn vì bật cười tràng dài trong… toilet.
Nhờ sự lựa chọn và dàn dựng phá cách, NSƯT Phượng Loan đã giúp Lâm Thị Kim Cương đạt danh hiệu Chuông vàng vọng cổ 2018.
“Là nghệ sĩ mà không có chút máu điên, không biết tưởng tượng, thì không hát hay đâu. Có tập luyện quen thì ra sân khấu mới thành phản xạ được. Phải thuyết phục được mình trước mới có thể chinh phục được khán giả”, NSƯT Phượng Loan bộc bạch.
Nhìn lại chặng đường đã qua, Phượng Loan cho rằng mình may mắn. May mắn nắm bắt được những cơ hội tốt để có vai diễn hay, làm việc với ê-kíp giỏi. May mắn có được trụ cột gia đình vững chắc với niềm tin dành cho mình đến 101%. May mắn vì mình biết đủ. “Nhờ biết đủ mà tôi không quá bươn chải, lúc nào tích lũy đủ thì mua xe, mua nhà, không áp lực người khác có, mình cũng phải có. Từ đó dành nhiều thời gian tập trung cho vai diễn, vì người nghệ sĩ chỉ có thể sống trong lòng khán giả thông qua vai diễn”, NSƯT Phượng Loan đúc kết.