LTS: Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, sau những vai diễn ông hoàng bà chúa áo xiêm lộng lẫy, những nhân vật đầy quyền uy, ma lực… người nghệ sĩ cũng có những số phận, nỗi niềm riêng. Đôi khi, số phận của người nghệ sĩ trong đời thực còn phong ba, thăng trầm gấp bội những nhân vật mà họ thể hiện. Thành công của người nghệ sĩ bao giờ cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, tình yêu và sự tận hiến cho nghệ thuật. Như con tằm rút ruột nhả tơ, có người may mắn thành công ngay từ những vai diễn đầu tiên, nhưng cũng có người đi gần nửa hành trình nghệ thuật mới nhận ra đâu là thế mạnh, khả năng thực sự của mình. Nhưng ở vị trí, vai trò nào, người nghệ sĩ cũng luôn có một ước mơ cháy bỏng: Được sống với sân khấu, với vai diễn đến hơi thở cuối cùng. Phía sau hào quang còn biết bao câu chuyện chưa kể về cuộc đời, nỗ lực của người nghệ sĩ. Từ số báo này, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ “kể lại” những câu chuyện vui buồn, trăn trở, khát vọng của những người đã tận hiến đời mình, để mang lại niềm vui, nụ cười và cảm xúc đẹp cho công chúng. Bài 1: Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân: “Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời…” Bài 2: NSƯT Thoại Mỹ: Có vinh quang mấy cũng không quên thuở cơ hàn Bài 3: Nghệ sĩ Nhứt Dũng: “Nhạc lễ khó mà vượt đại dương lần nữa” Bài 4: NSƯT Ngọc Dung: Nghề rộng dài như sông như biển... Bài 5: Họa sĩ thiết kế Lê Trường Tiếu: Tuổi xế chiều trôi đi cùng năm tháng Bài 6: Nghệ sĩ xiếc Phi Vũ: Bội lần gian nan, bội phần vinh quang Bài 7: NSƯT Trường Sơn: Đêm nằm chiêm bao, vẫn thấy mình được hát Bài 8: Thời xa vắng của nghệ sĩ Thanh Hiệp
Bài 9: NSƯT Phượng Loan: Hạnh phúc khi mình “biết đủ”! Bài 10: Nghệ sĩ Hồng Nga: Người mẹ trên sân khấu và đời thật Bài 11: NSƯT Phượng Hằng và làn hơi “huyền thoại” Bài 12: Ngọc Hương, ái nữ gánh xiếc lẫy lừng Sài Gòn một thuở: Không bao giờ hối hận dù mẹ “vẽ” cuộc đời Bài 13: NSND Thanh Vy: Nàng Xê Đa trẻ mãi Bài 14: NSND Thanh Hải: Đời thầy đờn như khúc nhạc nỉ non Bài 15: Nghệ sĩ Công Minh: Người thờ hai Tổ Bài 16: NSƯT Ngọc Nga: Rưng rưng nhớ tuổi vàng son với nghề… Bài 17: NSƯT Hùng Minh: Đời cầm ca là những khúc quanh Bài 18: Nghệ sĩ Mai Thanh Dung: Hạnh phúc và những bước ngoặt của đời này là số phận… Bài 19: NSƯT Ngọc Khanh: Có con nước nào chảy ngược dòng sông Bài 20: Nghệ sĩ Bạch Long: Nước mắt phía sau nụ cười... Bài 21: NSƯT Thanh Nguyệt: Đời như một ánh trăng trong Bài 22: NSƯT Thanh Điền: “Tôi mang ơn nghề mãi mãi” Bài 23: NSƯT Hữu Danh: Người mong “nối liền mạch” nghệ thuật truyền thống Bài 24: Nghệ sĩ Kim Hiền: Tài sản quý giá của người nghệ sĩ là những vai diễn: Bài 25: NSND Thu Hiền: Tiếng hát đi qua đạn bom Bài 26: Nghệ sĩ Quốc Nhĩ: “Tiếng trống Mê Linh” còn vọng mãi |
1.
Atlanta, George mùa thu. Buổi sáng, NSƯT Phương Hồng Thủy chở về nhà mấy bao đất, chuẩn bị vun bón cho những cái cây trong vườn. Từ Mỹ, giọng chị giòn tan khi nghe tôi hỏi khu vườn ấy có thể hình dung như thế nào: “Có mấy cái cây thôi em, thêm bộ bàn ghế anh chị hay ngồi uống cà phê trà nước. Nhưng mà mùa này lá phong rất đẹp…”. Lần đầu tiên trò chuyện cùng chị, từ khoảng cách nửa vòng trái đất, nhưng lại có cảm giác thân thuộc. Có lẽ vì hai chị em có chung năng lượng bình yên mà vô hình, từ những cái cây…
|
NSƯT Phương Hồng Thủy |
Tôi nói với chị: “Em vẫn không quên nhân vật Thúy Kiều của chị trong vở Ai giết nàng Kiều hơn 20 năm về trước”. Đó cũng là vai diễn làm nên tên tuổi Phương Hồng Thủy trên sân khấu cải lương những năm thập niên 1990, vai Thúy Kiều được trao huy chương vàng giải Trần Hữu Trang 1991.
Ấn tượng của khán giả lúc ấy đối với Phương Hồng Thủy ngoài ca diễn hay, còn là gương mặt bầu bĩnh như thể đang “ngậm kẹo” rất dễ thương. Nhưng chị nói vui, khuôn mặt baby có lúc “làm khổ” chị lúc học ở Trường Nghệ thuật Sân khấu II (khóa 1975-1978). Đó là khi diễn vai Tây Thi, chị bị cô giáo… phạt vì không thể hiện góc mặt ¾ mà cứ đưa “cái má bầu” về phía khán giả. “Cô giáo mắng: Diễn như vậy làm sao khán giả thấy được biểu cảm của mình” - NSƯT Phương Hồng Thủy kể lại.
Một lần khác chị bị mắng cho khóc lên khóc xuống là trên sàn tập vai Cầm Thanh, vở Cô đào hát. Đạo diễn Hoa Hạ - người từng dựng vở Ai giết nàng Kiều - vì muốn nội tâm của các nhân vật phải được lột tả thật sâu sắc mà không ngại to tiếng, quát mắng nghệ sĩ. Nhưng rồi bao nhiêu áp lực trên sàn tập đều được đền đáp xứng đáng. Năm ấy, khi Phương Hồng Thủy lột tả xuất sắc nỗi khổ tâm của Cầm Thanh trên sân khấu thì phía cánh gà, đạo diễn Hoa Hạ cũng lặng lẽ chảy nước mắt. Vai diễn quá xúc động và thành công. Cô đào hát đã mang về cho câu lạc bộ Cải lương Ba thế hệ giải A Hội diễn mùa thu 1998, và giải Mai Vàng cùng năm cho Phương Hồng Thủy.
|
Khán giả một thời ấn tượng với NSƯT Phương Hồng Thủy qua hình ảnh “cô đào ngậm kẹo” rất dễ thương |
Cầm Thanh trở thành một trong những vai diễn không thể nào quên trong sự nghiệp của chị. Hóa thân vào nhân vật này, không chỉ là nỗ lực tập luyện kiên trì, mà còn có sự bộc phát tâm trạng thật của chính chị. “Cuộc đời tôi trải qua nhiều chuyện, nội tâm của Cầm Thanh cũng chính là cảm xúc từ bên trong của chính tôi, đã được thỏa sức bày tỏ, vùng vẫy cùng nỗi đau của nhân vật trên sân khấu”, NSƯT Phương Hồng Thủy tâm sự.
2.
Câu nói “Cuộc đời không cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai tất cả” có lẽ đúng với NSƯT Phương Hồng Thủy, trong từng đoạn đời. Với sự nghiệp, ngay từ khi mới ra trường, chị đã có cơ hội đảm nhận vai chính và sớm được yêu mến qua các vở diễn: Hồn thơ non nước, Công chúa Tô Lan, Lá sầu riêng, Nhân danh công lý… đã sớm nổi danh và được đông đảo khán giả yêu mến khi diễn cùng các nghệ sĩ Trọng Hữu, Vũ Linh, Minh Vương… Nhưng cuộc đời riêng của chị lại có nhiều nỗi niềm, có những giai đoạn cuộc sống thật sự khó khăn, và nhiều thử thách với cô đào trẻ.
|
Cô đào Cầm Thanh, một trong những vai diễn ấn tượng của NSƯT Phương Hồng Thủy |
Trong năm tháng cũ có hình ảnh ba và con gái ngồi uống rượu cùng nhau bên hiên nhà. Ba dạy cho con gái biết chấp nhận và bước qua những vui buồn của cuộc đời. Thời đi học, cuộc sống gia đình khá giả, chị cũng hồn nhiên không phải lo nghĩ gì. Nhưng rồi lại đến giai đoạn kinh tế gia đình nghèo khó, chị đi hát mà tiền cũng chẳng có dư để mua thuốc rê cho ba, không lo đủ cho cuộc sống của cả nhà. Ba chị vẫn an ủi: “Có sao đâu con, đời người có lúc này lúc khác…”.
Mẹ chị bán xôi xoay xở nuôi các con và chăm sóc cháu ngoại - con gái nhỏ của chị. “Lúc đi học, việc ăn cơm độn hay thiếu thốn mọi bề tôi cũng không thấy khổ, những ngày đi hát có khi cùng anh chị em trong đoàn ăn cơm với muối ớt để dành tiền gửi về cho gia đình, cũng xem là chuyện bình thường. Nhưng khi mẹ và các em tôi phải ăn xôi ế trừ cơm, cuộc sống ở nhà quá khó khăn, tôi không thể chịu nổi. Mẹ luôn giấu tiệt điều đó để tôi yên tâm đi hát. Đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn thấy mình nợ mẹ một lời xin lỗi…”, NSƯT Phương Hồng Thủy xúc động.
|
NSƯT Phương Hồng Thủy và chồng |
Năm 1986 khi chị đang lưu diễn ở Nha Trang thì ba mất. “Lúc đó đoàn không cho tôi biết, vì không có ai đảm nhận các vai chính thay. Khi trở về, đoàn tổ chức tiệc liên hoan, có người đến hỏi: “Hôm bữa ba em mất sao không thấy em về?”. Lúc đó tôi không nói được gì, lật đật gọi xích lô về nhà. Đoạn đường chỉ vài cây số mà tôi thấy xa thăm thẳm. Nhìn thấy bàn thờ mà tôi cũng không dám tin là ba đã mất. Tôi không bao giờ quên được khoảnh khắc ngồi khuỵu ngay trước cửa, chỉ có thể nói được câu: “Sao ba không đợi con về”…, chị kể trong nước mắt.
Rất nhiều lần trong cuộc trò chuyện, giọng Phương Hồng Thủy cứ nghẹn lại. Nước mắt sau 60 năm cuộc đời nếu có chảy xuống, cũng chỉ có thể là vì cuộc chia lìa với người thân yêu. Năm xưa ba là người gửi chị vào Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, ông thích hát bội và muốn con gái trở thành nghệ sĩ. Rồi chị về Trường Nghệ thuật Sân khấu II theo học khoa cải lương, cho đến khi chị đã nổi tiếng, ba vẫn chưa có cơ hội nào xem con gái diễn…
3.
NSƯT Phương Hồng Thủy sang Mỹ định cư gần 20 năm. Sáng nào cũng vậy, chồng chị - anh An Khương - thức dậy sớm sẽ pha sẵn cho chị ly cà phê sữa. Đến lúc anh chuẩn bị đi làm thì chị lại pha cà phê đá cho chồng mang theo. Ngày cùng anh ra sân bay rời Việt Nam, chị nói với anh: “Em không có gì ngoài một trái tim”. Còn anh, không để vợ phải bận tâm điều gì với cuộc sống trên đất Mỹ.
|
NSƯT Phương Hồng Thủy và con gái |
“Mọi người ở đây ai cũng trêu, bảo Phương Hồng Thủy là người duy nhất sống ở Mỹ mà hằng tháng không phải lo ký bill, lái xe không cần quan tâm bình xăng. Mọi thứ đều có anh bảo bọc. Bên cạnh mình có được một người nói với mình rằng, anh ấy luôn muốn được chăm sóc, được mỗi ngày trò chuyện với mình. Thì đâu còn gì phải mong cầu thêm nữa”, chị tâm sự.
“Qua dầm dề mưa tuyết mới vui ngày nắng về…”, không hẹn mà gặp, hai chị em đã cùng nhắc câu hát ấy. Ký ức trong tôi về Phương Hồng Thủy là những vai diễn. Còn ký ức của chị, là cả một cuộc đời. Những buồn vui xưa đã bay theo gió…
“Nghề chọn mình, em ạ!” Trở thành một tên tuổi của sân khấu cải lương và ở lại trong lòng khán giả, nhưng NSƯT Phương Hồng Thủy “tiết lộ”, giấc mơ của chị thuở còn đi học là lớn lên làm cô giáo, được mặc áo dài đi dạy. Việc theo học nghệ thuật chỉ vì ba chị muốn thế. Ngày ngày cần mẫn đi xe lửa từ Đồng Nai vào Sài Gòn học. Nhưng năm ấy, có đến hai người nghệ sĩ gạo cội trong làng hát bội nói với chị: “Con không học nghệ thuật được đâu”. “Nghề chọn mình, em ạ!”, NSƯT Phương Hồng Thủy nói, sau hơn 60 năm cuộc đời nhìn lại. Có lẽ đúng là như vậy, nghề đã chọn chị từ thuở còn là cô bé tóc bum bê má bí bầu dễ thương ấy. Và nghề đã cho “cô đào hát” biết bao lần tỏa sáng với những vở diễn: Lan và Điệp, Hàn Mặc Tử, Duyên kiếp, Sông dài, Cung đàn nước mắt, Lời ru của biển… Chị nói thành công của Phương Hồng Thủy có được nhờ rất nhiều ân tình cưu mang, từ trên sân khấu lẫn trong cuộc sống. NSND Phùng Há là người đã rèn giũa chị từ thuở lơ ngơ vào nghề, dạy từng cử chỉ cách đi đứng sao cho dáng lưng luôn phải thẳng. NSƯT Út Bạch Lan vừa như người thầy vừa như người mẹ. Soạn giả Lê Duy Hạnh - người tình cờ gặp trong lần chị lưu diễn ở Hà Nội - cũng là người đã nói với chị rằng hãy vào Sài Gòn phát triển sự nghiệp… “Những ân tình ấy, tôi mãi mãi ghi khắc trong lòng. Mỗi lần nhớ về ngày xưa đều vô cùng xúc động. Rất nhiều người gắn bó trong cuộc đời mình năm tháng ấy giờ đã không còn nữa…” - chị tâm sự. |
Bùi Tiểu Quyên