NSƯT Phi Điểu: Nửa đêm nằm nhớ đời về mênh mông

19/11/2015 - 08:09

PNO - Ngoài tuổi 80, bà vẫn miệt mài chạy xe máy đến phim trường, tận tụy tham gia những chương trình truyền hình thực tế...

Bà nói "giờ ổng không còn nữa, trời cho mình sức khỏe bao nhiêu thì ráng sống có ích bấy nhiêu". Vậy nên đã ngoài tuổi 80, bà vẫn miệt mài chạy xe máy đến phim trường, tận tụy tham gia những chương trình truyền hình thực tế; rồi nhiều đêm nằm nhớ lại đời mình, đã biết bao chặng đường thăng trầm, đi hết một vòng nỗi nhớ năm tháng vẫn không sao quên được những ngày còn ông - Nhạc sĩ Phan Nhân. Không sao quên được lời căn dặn phút cuối đời của ông: Đừng khóc...

Người ta nghỉ hưu là ở nhà vui vầy với con cháu, tập dưỡng sinh, đi du lịch… còn NSƯT Phi Điểu vừa nghỉ hưu ở Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM là bước ra phim trường. “Có khi về hưu rồi còn làm việc nhiều hơn”- bà nói vui.

Thế nên lúc gọi điện hẹn gặp, nghe bà lẩm nhẩm lịch làm việc mà giật mình: “Thứ Năm không được, thứ Sáu quay, thứ Bảy, Chủ nhật, chắc để sang tuần đi con”. Vậy mà lúc gặp, hỏi sẽ nghỉ ngơi thời gian nào, bà cười hiền lành: “Nghỉ nhiều chứ con, nhiều khi lên ti vi có mấy phút thôi nhưng mà phải ở phim trường đợi, thì lúc đó là nghỉ. Về nhà đêm hôm nhưng xong việc đi nằm thì cũng là nghỉ rồi”.

NSUT Phi Dieu: Nua dem nam nho doi ve menh mong
NSƯT Phi  Điểu

Trên phim ảnh, khuôn mặt bà hiền hậu thế nào thì ngoài đời cũng như thế, chỉ khác là NSƯT Phi Điểu ở ngoài không mang dáng vẻ tảo tần lam lũ mà dung dị bình an. Các vai diễn của bà dễ lấy cảm xúc, nước mắt khán giả, ngoài đời bà lại mang đến sự ân cần, ấm áp trong những sẻ chia thân tình. Trò chuyện với bà, cứ ngỡ như đứa cháu xa quay về ngồi bên thềm nhà nghe người bà kể chuyện ngày xưa.

Nhà của NSƯT Phi Điểu nằm trong con hẻm yên tĩnh trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Khoảng hiên trước bà để chiếc xe Dio mấy mươi năm nay đã gắn bó cùng bà trong những lần đi đóng phim.

Con cháu thương bảo để đưa đi, hay gọi taxi, bà lại khoát tay, nói sức còn làm gì được thì làm. “Việc của mình tôi không muốn làm phiền đến con cháu. Tôi muốn tự mình cầm lái vừa để rèn luyện sức khỏe, vừa thấy mình vẫn tự do tự tại làm được điều mình thích” - bà cười.

Nhiều lần cháu gái về nói bạn ở trường cứ hỏi sao nhà để bà “bơ vơ vất vả thế kia” sau những bức ảnh, bài báo viết chuyện hậu trường về bà, NSƯT Phi Điểu vuốt tóc cô cháu nhỏ, hiền từ trấn an. “Ở nhà tôi sống an vui thế nào, con cháu và người thân biết mà. Tôi đâu thấy vất vả gì khi chạy xe máy hay ngồi đợi đến giờ diễn. Cái gì làm được tôi mới nhận, mà nhận rồi là phải cố gắng hết mình và luôn thấy vui vì những điều đó” - bà nói.

NSUT Phi Dieu: Nua dem nam nho doi ve menh mong
NSƯT Phi Điểu lấy nước mắt khán giả bằng những vai diễn nhiều cảm xúc trên sân khấu lẫn phim ảnh

Hơn 20 năm đóng phim kể từ khi về hưu, gia tài vai diễn của NSƯT Phi Điểu có lẽ cũng không thua diễn viên gạo cội nào. Từ phim truyền hình Blouse trắng, Thụy khúc, Dây leo hạnh phúc, Hạnh phúc mong chờ, Khi em đã lớn, Mặt nạ thiên thần, Ngũ long công chúa… đến phim điện ảnh Thạch Sanh, Đại náo học đường… sau này là các chương trình Giọng hát Việt nhí, Ngôi nhà mơ ước… Có những phim bà chỉ xuất hiện vài phân đoạn nhưng cũng có phim trải ra một số phận.

“Tôi thích những nhân vật nghèo khổ tảo tần, ăn mặc xấu xí hay số phận bi thương khốn cùng. Tôi hợp với dạng vai đó và thấy mình hạnh phúc khi được làm người nghèo, nói lên số phận của họ. Những lúc về đóng phim ở tỉnh, nhiều khán giả lớn tuổi nhận ra, đến nói rằng họ thích những vai tôi đóng, gần gũi xúc động. Họ nói họ thương mình như thương những vai diễn của mình. Tình cảm của khán giả là sức mạnh tinh thần lớn nhất của người nghệ sĩ. Có lúc khán giả nhất định tặng cho ổ bánh mì, hay treo đầu xe một túi cam sành… Tất cả đều khiến tôi thấy thật vui” - NSƯT Phi Điểu tâm sự.

Nhiều diễn viên nói đóng cùng bà rất dễ lấy cảm xúc, có lúc không khóc được mà bà ra diễn, nhìn nét mặt của bà là không cách gì kìm lòng được. Nước mắt cứ chảy cùng nhân vật trong nỗi yêu thương và kính trọng dành cho bà.

Để tuổi già hạnh phúc vốn không dễ dàng gì. Rời khỏi công việc trở về với yên tĩnh, có lẽ người già không mong gì hơn ngoài sự quan tâm chân thật. “Hạnh phúc của người già nhỏ bé lắm, đôi khi chỉ là cháu nó đến hỏi han bà ăn cơm có được không, ngồi bóp tay bóp chân vẫn vui hơn là được cho tiền rồi không đứa nào ở bên mình” – sẻ chia này của bà có lẽ cũng là tâm tư của biết bao người già trong cuộc sống này.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI