NSƯT Phạm Bằng đã không còn cô đơn

03/11/2016 - 06:39

PNO - Giờ đây, NSƯT Phạm Bằng đã trút bỏ mọi muộn phiền, gác lại những đam mê. Ông sẽ không còn cô đơn nữa bởi ở nơi xa, có lẽ người vợ chung thủy, tảo tần đang chờ đón ông.

Nụ cười hiền lành trên gương mặt tưởng chừng nghiêm nghị, khó gần của NSƯT Phạm Bằng đã rời xa khán giả và đồng nghiệp mãi mãi. Ông chia tay cõi tạm ở tuổi 85, lúc 20g ngày 31/10 sau một đợt điều trị bệnh gan, mật dài ngày, tưởng chừng sức khỏe sẽ dần hồi phục.

Từng ước mơ trở thành phi công, nhưng ông lại trúng tuyển Cao đẳng Công chính rồi tham gia các vai diễn ở nhóm kịch nghiệp dư của nhà thơ Hoàng Cầm và nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Đam mê sân khấu dẫn lối chàng trai Phạm Bằng vào ngã rẽ mới khi cùng lúc trúng tuyển khóa đầu tiên của trường Đại học Sân khấu Hà Nội và Đoàn văn công Hà Nội. Ông đã chọn đoàn văn công với suy nghĩ vừa được học nghề diễn xuất, vừa có thêm thu nhập phụ giúp gia đình.

Từng một thời gắn với những vai phản diện, nhưng từ khi đầu quân về Đoàn Kịch nói Trung ương (nay là Nhà hát Kịch Việt Nam), NSƯT Phạm Bằng bén duyên với các vai hài. Ở đây, ông có hai vai diễn để đời khó ai có thể thay thế được là lý trưởng trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt và Thương trong Mớ đời Thương.

NSUT Pham Bang da khong con co don

Đến đầu những năm 2000, NSƯT Phạm Bằng trở thành tên tuổi quen thuộc với khán giả cả nước. Ông nổi tiếng với các vai “sếp đầu hói” trong những chương trình hài truyền hình mà nổi trội nhất là Gặp nhau cuối tuần. Biệt danh “Bằng hói” gắn liền với ông kể từ đó. Tài năng bẩm sinh, thái độ làm nghề nghiêm túc, cùng sự chắt lọc vốn sống để có những sáng tạo cho từng nhân vật, tất cả tạo thành nét diễn rất riêng của NSƯT Phạm Bằng.

Hóa thân thành sếp to, sếp nhỏ… ông diễn tỉnh rụi. Đôi khi chỉ một cái háy mắt, một tiếng “hử” của ông cũng đủ làm người xem bật cười. NSƯT Phạm Bằng luôn được đồng nghiệp nhiều thế hệ yêu quý bởi sự nghiêm túc, chỉn chu trong công việc và hiền lành, thủy chung, đức độ trong cuộc sống đời thường.

Trước giờ diễn, ông luôn đến nhà hát rất sớm, hóa trang, thay phục trang và dành thời gian tĩnh tâm nghĩ về nhân vật của mình. Mỗi khi tập vở mới, ông không chỉ đọc phần nhân vật của mình, mà luôn nghiên cứu kỹ toàn bộ kịch bản. Ông bảo: “Chỉ đọc phần diễn của mình thì không thể nắm bắt được tất cả các mối liên hệ nhân vật trong vở và vì thế khi diễn nhân vật sẽ không sâu”.

NSƯT Phạm Bằng có nguyên tắc bất di bất dịch tự đặt ra cho mình: không nhận vai thì thôi, nhưng đã nhận thì phải làm hết mình để vai diễn đạt hiệu quả tối đa. Không ít lần, ông nghe được lời nhận xét ác ý khi đảm nhận những vai diễn “ông cai, ông lý” xấu xí, “hám của lạ” trên sân khấu, phim ảnh. Chỉ có đồng nghiệp thân thiết với ông mới hiểu, ông đã phải nuốt cay đắng vào lòng để làm tròn vai diễn và mang lại tiếng cười cho khán giả.

Là một trong những người được làm việc với NSƯT Phạm Bằng từ khi chương trình Gặp nhau cuối tuần vừa lên sóng, MC Thảo Vân thảng thốt trước sự ra đi đột ngột của người nghệ sĩ chị rất yêu quý và ngưỡng mộ: “Chú ốm nhưng giấu mọi người. Biết tin chú vừa đi chữa bệnh về, cứ nghĩ chú đã ổn, chưa kịp đến thăm thì chú đã vĩnh viễn đi xa... Tôi yêu quý và nể phục chú bởi chú là người nghệ sĩ cực kỳ nghiêm túc trong công việc và cuộc sống. Đừng thấy chú đóng hài mà tưởng chú dễ tính. Ngược lại, chú luôn có những yêu cầu rõ ràng trong công việc. Không có bất kỳ trường hợp ngoại lệ nào có thể lơ là, chểnh mảng khi làm việc với chú. Diễn hài hóm hỉnh, duyên dáng, nhưng rời vai diễn, chú không bao giờ bông phèng, tếu táo trêu đùa như cách chú thể hiện các nhân vật trên sân khấu, phim ảnh…”.

Hơn tám mươi tuổi, nhưng NSƯT Phạm bằng lúc nào cũng nhanh nhẹn, đúng giờ, chuyên nghiệp trong luyện tập, biểu diễn ở Hà Nội lẫn đi diễn xa. Có những chuyến biểu diễn khi về lại Hà Nội đã 3-4 giờ sáng, NSƯT Phạm Bằng vẫn phong độ như chưa hề ngồi cả mấy giờ trên xe... Hình ảnh ông chạy chiếc xe Dream đi diễn ở Hà Nội đã trở nên quen thuộc với nhiều đồng nghiệp và hàng xóm ở phố Hàng Giầy hàng chục năm nay.

Sân khấu, vai diễn, với NSƯT Phạm Bằng không chỉ là niềm đam mê mà còn là nơi giúp ông quên đi sự cô đơn và những nỗi buồn trong cuộc sống. Ít ai ngờ người nghệ sĩ dí dỏm, duyên dáng, luôn mang đến tiếng cười cho khán giả ấy khi về nhà luôn phải đối mặt với những muộn phiền, ưu tư và nỗi nhớ thương người vợ đã bỏ ông đi xa hơn mười năm trước.

Ông từng tâm sự rằng mình thường trở về nhà với niềm cô đơn. Ông nói, sẽ rất buồn nếu không được tiếp tục gắn với đam mê mình đã theo đuổi suốt hơn nửa thế kỷ. Hơn nữa, chỉ có đi diễn, đóng phim mới có thể giúp ông nguôi ngoai nỗi nhớ vợ, người mà ông luôn cho rằng góp đến 98% sự thành công ông có được trong nghề nghiệp.

Các con thành đạt, muốn ông sống an nhàn, nhưng ông không muốn rời xa tổ ấm nơi vợ chồng ông đã gắn bó suốt những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đời. Nghệ sĩ thời bao cấp chỉ sống bằng đam mê, cửa hàng bánh trôi tàu tại nhà của vợ vừa nuôi dưỡng đam mê của chồng, vừa nuôi các con khôn lớn. Ông giữ cửa hàng bánh trôi tàu như giữ lại miền ký ức của vợ chồng mình. Những lúc không đi diễn, ông lại ra cửa hàng, đích thân bê bánh cho khách, hệt như công việc thời trẻ ông vẫn làm phụ vợ.

Ông từng nói, ông duy trì cửa hàng và luôn tin rằng những ai từng đến cửa hàng bánh trôi tàu của nhà ông sẽ quay trở lại khi có dịp. Bởi bánh do vợ chồng ông tự mày mò, học lóm công thức về làm không chỉ mang phong vị riêng mà còn chất chứa những ân tình, ký ức khó phai mờ. Ông chỉ chịu đóng cửa hàng bánh sau hai lần phẫu thuật.

Từ giữa năm nay, bệnh tật làm NSƯT Phạm Bằng sụt 8kg và phải ngưng toàn bộ hoạt động biểu diễn. Dẫu buồn vì phải tạm chia tay với đam mê của mình và lỡ hẹn với bộ phim chiếu tết 2017 đã bấm máy từ tháng Chín, nhưng bạn bè đồng nghiệp đến thăm vẫn thấy ông tươi cười đầy lạc quan. Nỗi lo lớn nhất của ông trong những ngày nằm bệnh là bao lâu nữa mới được trở lại với các vai diễn của mình.

Giờ đây, NSƯT Phạm Bằng đã trút bỏ mọi muộn phiền, gác lại những đam mê. Ông sẽ không còn cô đơn nữa bởi ở nơi xa, có lẽ người vợ chung thủy, tảo tần đang chờ đón ông.

Thảo Vân 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI