Phía sau hào quang

NSƯT Ngọc Nga: Rưng rưng nhớ tuổi vàng son với nghề…

29/07/2021 - 06:36

PNO - Đến với hát bội bằng cảm nhận hồn nhiên chứ không phải từ gốc “con nhà nòi”, nhưng rồi chính từ những rung động chân thành ban sơ ấy, tình yêu dành cho nghệ thuật hát bội cứ mỗi ngày một đầy lên trong tâm hồn NSƯT Ngọc Nga.

LTS: Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, sau những vai diễn ông hoàng bà chúa áo xiêm lộng lẫy, những nhân vật đầy quyền uy, ma lực… người nghệ sĩ cũng có những số phận, nỗi niềm riêng. Đôi khi, số phận của người nghệ sĩ trong đời thực còn phong ba, thăng trầm gấp bội những nhân vật mà họ thể hiện. Thành công của người nghệ sĩ bao giờ cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, tình yêu và sự tận hiến cho nghệ thuật. Như con tằm rút ruột nhả tơ, có người may mắn thành công ngay từ những vai diễn đầu tiên, nhưng cũng có người đi gần nửa hành trình nghệ thuật mới nhận ra đâu là thế mạnh, khả năng thực sự của mình. Nhưng ở vị trí, vai trò nào, người nghệ sĩ cũng luôn có một ước mơ cháy bỏng: Được sống với sân khấu, với vai diễn đến hơi thở cuối cùng. 

Phía sau hào quang còn biết bao câu chuyện chưa kể về cuộc đời, nỗ lực của người nghệ sĩ. Từ số báo này, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ “kể lại” những câu chuyện vui buồn, trăn trở, khát vọng của những người đã tận hiến đời mình, để mang lại niềm vui, nụ cười và cảm xúc đẹp cho công chúng. 

Bài 1: Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân: “Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời…”
Bài 2: NSƯT Thoại Mỹ: Có vinh quang mấy cũng không quên thuở cơ hàn 
Bài 3: Nghệ sĩ Nhứt Dũng: “Nhạc lễ khó mà vượt đại dương lần nữa”
Bài 4: NSƯT Ngọc Dung: Nghề rộng dài như sông như biển...
Bài 5: Họa sĩ thiết kế Lê Trường Tiếu: Tuổi xế chiều trôi đi cùng năm tháng
Bài 6: Nghệ sĩ xiếc Phi Vũ: Bội lần gian nan, bội phần vinh quang
Bài 7: NSƯT Trường Sơn: Đêm nằm chiêm bao, vẫn thấy mình được hát 
Bài 8: Thời xa vắng của nghệ sĩ Thanh Hiệp

Bài 9: NSƯT Phượng Loan: Hạnh phúc khi mình “biết đủ”!

Bài 10: Nghệ sĩ Hồng Nga: Người mẹ trên sân khấu và đời thật

Bài 11: NSƯT Phượng Hằng và làn hơi “huyền thoại”

Bài 12: Ngọc Hương, ái nữ gánh xiếc lẫy lừng Sài Gòn một thuở: Không bao giờ hối hận dù mẹ “vẽ” cuộc đời

Bài 13: NSND Thanh Vy: Nàng Xê Đa trẻ mãi

Bài 14: NSND Thanh Hải: Đời thầy đờn như khúc nhạc nỉ non

Bài 15: Nghệ sĩ Công Minh: Người thờ hai Tổ

Ròng rã suốt bốn năm từ 1976-1980, mỗi chiều tan học, cô sinh viên Ngọc Nga lại đi bộ từ đường Cống Quỳnh ra bến xe buýt gần Nhà thờ Đức Bà, rồi đón xe về Gò Vấp. Những lúc ngồi tựa cửa xe buýt ngắm quãng đường từ trung tâm thành phố về ngoại ô vắng, NSƯT Ngọc Nga nói có lúc tủi thân nghĩ, nhà mình nghèo quá không biết có trụ nổi bốn năm học hát bội không? Nhưng rồi, niềm đam mê đã giúp chị vượt qua tất cả khó khăn lẫn nỗi niềm riêng, để được ở lại với sân khấu, cho đến bây giờ…

“Ồ, ngộ quá hen! Chỉ một chiếc roi ngựa mà ước lệ mọi thao tác…”

Tôi nói vui với NSƯT Ngọc Nga: “Chị có lẽ là nghệ sĩ hát bội có điểm xuất phát lạ nhất so với những người mà em từng biết”. Chị cười bảo: “Chính chị cũng thấy… lạ mà”. Trong số những tên tuổi nghệ sĩ theo nghề từ thập niên 1970-1980, rất nhiều người trưởng thành từ các đoàn hát, có người thân trong các gánh hát và đã tham gia đóng vai quân sĩ, đào con từ khi còn nhỏ. Nhưng với Ngọc Nga thì khác.

NSƯT Ngọc Nga trong vở Lưu Kim Đính giải giá thọ châu, 1993
NSƯT Ngọc Nga trong vở Lưu Kim Đính giải giá thọ châu, 1993

Chị vào Trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là Trường đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM) vì nghe theo lời ba - nhạc công Phan Văn Lựa - khi ấy cũng là giảng viên của trường. “Ba bảo học thì tôi học, chứ lúc đó quả thật cũng không biết mình có thích không nữa” - NSƯT Ngọc Nga nói vui. Và rồi khi được tiếp cận với nghệ thuật hát bội, ngày ngày học ca diễn và tập vũ đạo, không biết tự lúc nào chị bắt đầu ngấm dần niềm yêu thích bộ môn nghệ thuật này. 

“Lúc còn nhỏ tôi rất thích học võ, cho nên khi được tập vũ đạo, động tác khó mấy tôi cũng thấy thích. Thời gian đầu nhìn sân khấu, tôi hay nghĩ, ồ ngộ quá hen, chỉ một cái sàn thôi mà lúc thành dòng sông, khi là cánh đồng; chỉ một chiếc roi ngựa thôi mà thể hiện đủ mọi thao tác, cảm xúc” - NSƯT Ngọc Nga bày tỏ. Chị đã đến với hát bội bằng cảm nhận hồn nhiên như vậy, chứ không phải từ gốc “con nhà nòi”, nhưng rồi chính những rung động chân thành ban sơ ấy, tình yêu dành cho nghệ thuật hát bội cứ mỗi ngày một đầy lên.

“Sân khấu hát bội có những cái khổ luyện, vất vả lắm, nhưng càng tập càng say mê. Tôi nhớ có lần tập lớp chạy gối trong vở Thần nữ dâng ngũ linh kỳ. Cả lớp mạnh ai nấy tập, thi đua với nhau xem ai sẽ hoàn thành bài tập trước. Tôi tập say mê đến đổ máu đầu gối mà cũng không hay biết” - NSƯT Ngọc Nga nhớ lại. Thanh xuân của chị là những ngày miệt mài rèn luyện trên sàn tập, học ca với cô Nguyễn Thị Bầy, học vũ đạo với cô Ngọc Khanh (NSƯT Ngọc Khanh, hiện là Trưởng đoàn Nghệ thuật Hát bội và tuồng cổ Ngọc Khanh).

Bầu ba tháng vẫn… lộn mèo trên sân khấu

Một trong những kỷ niệm “nhớ đời” mà đến giờ NSƯT Ngọc Nga nghĩ lại vẫn còn thấy sợ. Đó là khi diễn vở Lưu Kim Đính giải giá thọ châu tại Liên hoan sân khấu toàn quốc năm 1993, chị đang có thai ba tháng. Vậy mà không chỉ tròn vai trong lớp diễn Lưu Kim Đính sát thứ môn, chị còn đảm nhận các vai phụ: Thỏ Ngọc trong vở Con Thỏ Ngọc, vai cá bống trong vở Tấm Cám. Các vai đều có động tác khó, hết múa siêu đến lăn qua lộn lại, thậm chí là lộn mèo xuống các bậc thang sân khấu…

“Trước lúc diễn, tôi cứ thầm khấn Tổ nghiệp cho con vượt qua được truông này. Sau đó, Đoàn về TP.HCM diễn phục vụ, một lần nữa tôi lại ra sân khấu. Cứ hóa thân vào các nhân vật thì lại quên mình là ai, mãi đến khi diễn quá sức, không nghe tiếng con “máy” trong bụng nữa mới giật mình, sợ hãi. Tôi ngồi thụp xuống khóc - đúng phân đoạn nhân vật cũng khóc - nhưng tôi vừa khóc vừa lo. Diễn cho nhanh rồi ra hậu trường ngồi thở dốc, mười phút sau nghe lại tiếng con đạp mới tỉnh hồn, vội đi tẩy trang rửa mặt rồi về nhà. Từ đó đến ngày sinh, tôi không dám mạo hiểm diễn thêm vai nào nữa…” - NSƯT Ngọc Nga chia sẻ. 

Thời ấy, mỗi lần thi học kỳ, sinh viên cũng không được chọn vai diễn mà phải bốc thăm, nam có thể bốc trúng vai đào và ngược lại, nữ có khi phải vào vai kép. Đó cũng là một thử thách của thầy cô để sinh viên phải tiếp tục rèn giũa, mai này làm nghề, vai nào cũng có thể đảm đương được. Ngọc Nga từng bốc thăm lớp diễn phải múa bài Tứ đại Thiên vương (vốn là vai của kép), vậy là chị theo “thọ giáo” thầy Nhân - người thầy đảm nhận phần dạy vũ đạo cho nam. 

Vũ đạo của kép rất nhiều động tác khó, có khi diễn một lớp mà té từ trên ghế xuống rương, rồi lăn từ rương xuống đất; hoặc nhảy lộn ngược, nhiều động tác rất nguy hiểm đều phải kiên trì tập luyện cho thuần thục. “Nghề này có học, có diễn bao nhiêu cũng thấy mình còn thiếu…” - chị tâm sự. Và cứ thế, chị và bạn bè cùng thời miệt mài đổ mồ hôi trên sàn tập, rèn luyện bằng tất cả đam mê và sức lực tuổi trẻ.

Chính niềm đam mê trở thành ngọn lửa nghề ấy đã giúp chị vượt qua những cảm giác tủi thân của những ngày đi bộ, đi xe buýt đến trường; vượt qua những gian nan khổ luyện đến đổ máu trên sàn tập. Và trên hết là vượt qua giai đoạn thử thách nhất với nghề: Mười năm chờ đợi để có được vai diễn chính đầu tiên ở Đoàn nghệ thuật Hát bội TP.HCM…

Đồng cam cộng khổ với nghề

Năm 1980, Ngọc Nga ra trường và về Đoàn nghệ thuật Hát bội TP.HCM với các bạn cùng khóa: NSƯT Hữu Danh, NSƯT Xuân Quan, Kiều Nga, Kim Nên, Hữu Nhi và Nguyễn Hoàn. Lúc mới về, chị chủ yếu làm quân sĩ, được giao vai thế nữ cầm cờ, hoặc đi lượm tiền khán giả thưởng cho nghệ sĩ dưới sân khấu. Phần lớn thời gian là ngồi ở cánh gà xem các cô chú, anh chị nghệ sĩ đi trước diễn xuất. NSƯT Ngọc Nga nói xem để học hỏi kinh nghiệm, nhưng suốt một thời gian dài không được giao vai chính, chị cũng chạnh lòng. Từng có lúc chị nhen nhóm ý định bỏ nghề, vì chờ mãi không biết đến khi nào mới có cơ hội vào vai chính. 

Gia đình hạnh phúc của NSƯT Ngọc Nga - ẢNH NHÂN VẬT CUNG CẤP
Gia đình hạnh phúc của NSƯT Ngọc Nga - ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm 1985 chị được đóng vai thứ, là đào ba trong vở Lưu Kim Đính giải giá thọ châu. Mãi đến năm 1990, chị mới chính thức được giao vai chính của vở diễn này. “Khi ấy chị Kim Huê là đào chính của đoàn, một hôm chị nói thôi nay cho Nga đóng một đêm, chị mệt rồi. Vậy là tôi được đóng chính. Mừng lắm, tối 19g30 mở màn thì từ chiều tôi đã đến rạp, ngồi sắm tuồng, đến sát giờ diễn vẫn chưa tô vẽ xong” - NSƯT Ngọc Nga kể.

Cũng vai Lưu Kim Đính đã mang đến cho chị huy chương vàng tại Liên hoan sân khấu toàn quốc năm 1993. Đó cũng là quãng thời gian chị được đông đảo khán giả biết đến và yêu thích qua các vai diễn: nàng Mai (vở Bông hồng Núi Nưa, nhận được huy chương bạc Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1990), Thỏ Ngọc (vở Con Thỏ Ngọc), Hồ Nguyệt Cô (vở Tiết giao đoạt ngọc), Nhạn (vở Chất ngọc không tan)…; cũng như hóa thân thành các nhân vật đào Tam Xuân, Thúy Kiều, Điêu Thuyền…

Mười năm chờ đợi cơ hội, chừng ấy thời gian đồng cam cộng khổ với đoàn, để rồi cuối cùng đã nhận được quả ngọt với nghề. Đoàn nghệ thuật Hát bội TP.HCM hồi đó có suất diễn định kỳ ở các rạp Tân Định, Long Vân… cũng như thường xuyên được mời hát chầu ở các đình, miếu trong dịp lễ Kỳ Yên. Ấn tượng nhất với khán giả muôn phương, chính là đoàn hát này có 60 nghệ sĩ đều đi diễn trên… 60 chiếc xe đạp.

“Nghèo đến mức đó, mà ai cũng hóa thân mê say, nhiệt huyết trên sân khấu. Mãi nhiều năm sau, tôi mới mua được chiếc xe Honda cánh én. Nhưng mà, năm tháng thiếu thốn vất vả lại thấy thật đáng nhớ, đáng quý vô cùng. Nghệ sĩ thiết tha với nghề dù thu nhập rất ít ỏi” - NSƯT Ngọc Nga bồi hồi. 

Rồi chị chuyển sang vai trò quản lý, trở thành phó Đoàn nghệ thuật Hát bội TP.HCM. Năm 2002, khi sân khấu đoàn được đổi tên thành Nhà hát nghệ thuật Hát bội TP.HCM, NSƯT Ngọc Nga trở thành phó giám đốc nhà hát. Năm 2005, một lần nữa NSƯT Ngọc Nga được trao huy chương vàng với vai nàng Bông trong vở Lửa thiêng, tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2005. Đó cũng là những vai diễn gần nhất, làm nên thành công cho chị khi đã ở vai trò quản lý. Về sau này, NSƯT Ngọc Nga không còn lên sân khấu thường xuyên nữa. 

“Không còn ca diễn, luyện tập nhiều như trước, hơi giọng của mình giờ cũng không được như xưa. Có nhiều lúc đưa đoàn đi hát chầu, thấy trong lòng hụt hẫng vô cùng. Nhớ có lần đoàn hát ở Cần Giờ, tôi nằm võng nghe đồng nghiệp hát mà rưng rưng. Nhớ năm tháng cũ đã không thể quay trở lại…” - NSƯT Ngọc Nga tâm sự.

Bùi Tiểu Quyên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI