“Con có chắc là muốn theo nghề hát?”
NSƯT Ngọc Khanh lớn lên trong vòng tay của nghệ sĩ hát bội Ba Út. Niềm đam mê nghệ thuật hát bội ngấm dần từ thuở bà còn là một đứa trẻ, đến khi trở thành giảng viên Khoa Hát bội Trường Nghệ thuật Sân khấu II (năm 1975), rồi sau đó là trưởng đoàn nghệ thuật hát bội và tuồng cổ Ngọc Khanh. Nhưng bốn người con của bà từ nhỏ đã không theo con đường của mẹ. Vậy mà run rủi thế nào, đến lúc bước qua tuổi xế chiều, người nghệ sĩ ấy lại mừng vui vô hạn khi đã có được người kế nghiệp.
Sáu năm trước, nghệ sĩ Ngọc Bích (sinh năm 1984) - con gái út của NSƯT Ngọc Khanh - bỗng muốn “thọ giáo” chính mẹ của mình. “Hôm ấy là lễ cúng Tổ, thường khi nhận học trò tôi sẽ làm lễ khai sinh cho trò trước Tổ nghiệp. Các trò sẽ cúi xuống cho thầy đánh ba cây roi và nhận lời răn dạy với nghề. Bất ngờ Bích cũng vào nằm cho tôi đánh, nói là muốn theo nghề của mẹ. Tôi hỏi kỹ: “Con có chắc là muốn theo nghề hát không?”. Bích gật đầu. Đó là lần bất ngờ thứ nhất với một người đã dành cả cuộc đời đam mê và gắn bó với sân khấu hát bội. Nhưng đến lần thứ hai, đối với cháu nội Minh Khoa (sau này có nghệ danh là Khánh Minh), với bà, là một sự sững sờ và vui mừng khôn xiết.
|
Gia đình nhỏ của nghệ sĩ Khánh Minh, Phượng Loan và bé Minh Khánh - ẢNH NHÂN VẬT CUNG CẤP |
Từ bé, nghệ sĩ Khánh Minh (sinh năm 1995) không thích hát bội, mối quan tâm của chàng trai 9X là nhạc trẻ. Nhưng vào học kỳ hai năm lớp Mười, trước ngày thi, cậu bị té gãy tay. Ngồi lại lớp một năm. Lần thứ hai, cũng trước ngày đi thi học kỳ hai thì cậu bị bệnh sốt xuất huyết. Thấy cháu buồn bã vì lỡ kỳ thi đến hai lần, bà nội hỏi: “Giờ con muốn đi học Anh văn hay học nghề, nội đều theo ý con”. Khoa trả lời: “Con muốn đi hát”.
“Con có chắc là muốn theo nghề hát?” - người nghệ sĩ già run run. Khi nghe cháu xác nhận, bà mừng rỡ đi mua son phấn trang điểm, trang phục chuẩn bị cho cháu học diễn. Bà có hỏi qua NSND Thanh Tòng về việc chọn nghệ danh thế nào cho cháu. Ông nói: Minh Khánh hoặc Khánh Minh, nếu gia đình thấy tên nào hay thì chọn. NSƯT Vũ Linh khuyến khích chọn nghệ danh Khánh Minh.
Nếu như con gái Ngọc Bích chỉ diễn các vai phụ, thì cháu nội Khánh Minh, từ những vai kép nhí như Na Tra, Hồng Hài Nhi… đã nhanh chóng vươn lên thành kép chính. Lữ Bố, Châu Du, Triệu Tử Long… những vai diễn khó và làm nên tên tuổi của các thế hệ nghệ sĩ đi trước, nghệ sĩ trẻ Khánh Minh đều thể hiện thành công trên sân khấu Đoàn nghệ thuật hát bội và tuồng cổ Ngọc Khanh.
Nhìn con cháu diễn mà rơi nước mắt
Trên sân khấu, Khánh Minh hóa thân vào những vai võ tướng, ca diễn tự tin, oai phong lẫm liệt. Thì phía cánh gà, có người nghệ sĩ già lặng lẽ quan sát từng lớp diễn của cháu nội trong hạnh phúc lẫn nước mắt nén vào lòng. NSƯT Ngọc Khanh nói, nhìn con cháu đam mê và nối nghiệp, lòng bà vui mừng khôn tả. Hát bội thời long đong, dẫu biết muôn vàn khó khăn, nhưng gia đình bà đã gìn giữ được những niềm đam mê tiếp lửa, cùng nhau.
|
NSƯT Ngọc Khanh và Khánh Minh |
Nghệ sĩ Khánh Minh nói anh thấm thía mọi gian nan khổ cực khi theo nghề hát, nhưng đổi lại, anh cảm thấy vui khi được góp phần gìn giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống đang dần bị lãng quên. Không giống các thế hệ nghệ sĩ đi trước, Khánh Minh biết cách sử dụng công nghệ để phát huy, quảng bá giá trị của nghệ thuật hát bội và cải lương hồ quảng. Anh tạo kênh YouTube đăng tải các trích đoạn, vở diễn và xây dựng được thương hiệu riêng là Đoàn nghệ thuật hát bội và tuồng cổ Khánh Minh.
Anh cũng nhận đào tạo những bạn trẻ có niềm đam mê, yêu thích bộ môn nghệ thuật này. “Nhưng trước khi nhận bạn trẻ nào, tôi cũng đều nói trước, rằng các em suy nghĩ kỹ chưa, nghề cực lắm. Nếu đã có việc làm ổn định rồi mà yêu thích sân khấu thì hãy theo. Đừng nghĩ mình học rồi có thể sống bằng nghề hát” - nghệ sĩ trẻ Khánh Minh tâm tình.
“Cực lắm” là tất cả những gì anh đã trải từ suốt hai năm theo học nghề, làm công việc hậu đài cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, từ cả những ngày lưu diễn theo đoàn hát gia đình. Có những lúc dựng sân khấu rồi gặp mưa, gió tạt tứ bề, che phía nào cũng ướt. Những buổi hát xong cởi bỏ lớp áo võ tướng rồi nghệ sĩ cùng lao vào nấu cơm, phụ dọn dẹp với cả đoàn… “Phải có đam mê mới sống được với hiện tại, mới theo được nghề. Vất vả nhưng cũng rất nhiều niềm vui. Nghệ thuật hát bội học cả đời cũng không bao giờ hết, nên tôi tự nhủ bản thân phải cố gắng gìn giữ, và nếu có thể, sẽ truyền lại cho bạn trẻ sau này” - nghệ sĩ Khánh Minh tâm sự.
“Tôi vẫn nhớ hoài vai diễn đầu tiên năm 2016, là Triệu Tử Long trong vở Triệu Tử Long đoạt ấu chúa. Ra sân khấu vừa hát vừa hồi hộp. NSƯT Ngọc Khanh thì không bao giờ dành lời khen cho học trò hay con cháu. Bà nói, nếu nhận xét thì chỉ có thể chỉ ra thêm nhiều khiếm khuyết mà thôi. Mỗi người tự ý thức rèn giũa và hoàn thiện vai diễn của mình. Nghệ sĩ Khánh Minh bảo rằng anh chỉ thật sự tự tin khi diễn đến vở thứ hai Ngũ sắc châu, vai Trương Kiềm, tiếp sau đó là vai Châu Thần Quy trong vở Ngọc kỳ lân xuất thế…
Đã hơn nửa thế kỷ kể từ khi NSƯT Ngọc Khanh trở thành người nối nghiệp nghệ sĩ hát bội Ba Út. Giờ đôi vai trẻ trung của Khánh Minh tiếp tục kế thừa và gánh vác đoàn nghệ thuật hát bội và tuồng cổ Ngọc Khanh. Những tuồng tích cổ như dấu ấn trăm năm đi qua thời đại và ở lại trong câu hát của từng thế hệ nghệ sĩ hát bội. Một sự tiếp nối mà mỗi lần nhắc lại, NSƯT Ngọc Khanh nói như thể Tổ nghiệp đã chỉ lối đưa đường.
Mà đâu chỉ có Khánh Minh, trong gia đình mang “dòng máu nghệ thuật” ấy giờ còn có bé Đoàn Minh Khánh, con trai của nghệ sĩ Khánh Minh và Phượng Loan, chắt nội của NSƯT Ngọc Khanh. Bé mới học lớp Một nhưng hát không rớt một nhịp nào, đã lên sân khấu đóng vai kép con trong vở Ngũ biến báo phu cừu; đã đòi ba mẹ may cho áo giáp và múa hát cùng gươm giáo với vai Châu Du, Lữ Bố…
Và mỗi lần đoàn hát mở màn, bé Minh Khánh cứ đứng bên cánh gà kéo rèm coi hát - như cô bé Ngọc Khanh của ngày xưa…
Bùi Tiểu Quyên