Là nghệ sĩ (NS) nổi tiếng trên sân khấu (SK) cải lương, cùng thế hệ với các tên tuổi Út Bạch Lan, Thành Được, Hữu Phước, Thanh Hải, Diệp Lang… có ngoại hình đẹp, chất giọng trầm ấm, lại là con nuôi của NSND Phùng Há - có nhiều lợi thế để trở thành kép chính của các đoàn nhưng NSƯT Nam Hùng lại chọn con đường trở thành kép độc...
|
NSƯT Nam Hùng
|
Giải thích cho sự chọn lựa này, ông hồn hậu: “Không ai hiểu thực lực của mình bằng chính mình. Với NS cải lương, ngoại hình chỉ là điều kiện cần, chất giọng ngọt ngào, truyền cảm mới là điều kiện đủ. Nhưng, giọng ca mùi mẫn là thiên bẩm, việc rèn luyện chỉ giúp mình ca trúng nhịp, đúng bài bản. Tôi không may mắn có được giọng ca như thế, nên tìm lối đi khác là trở thành kép độc, dùng diễn xuất để chinh phục khán giả”.
Con đường đến với cải lương của nghệ sĩ Nam Hùng thật ra là một ngã rẽ bất ngờ. Quê ở Hà Nam nhưng cậu bé Nguyễn Xúy phải theo cha rong ruổi cùng các đoàn cải lương để buôn bán và phụ việc. Đất nước chia cắt, hai cha con kẹt lại miền Nam, đến sau ngày thống nhất ông mới có thể về quê tìm lại mẹ và hai em. Thương cậu bé còn quá nhỏ mà cứ phải sống lang bạt, NSND Phùng Há đã nhận ông làm con nuôi, cho ăn học tử tế.
Tuy nhiên, những năm tháng theo chân các đoàn hát đã ươm ước mơ trở thành NS cải lương trong lòng cậu bé Xúy. Ông thú nhận, thuở còn đến trường ông chỉ trông mau hết giờ để về học ca, học diễn, chữ nghĩa chẳng vô đầu được bao nhiêu.
Bắt đầu từ chân chạy cờ, làm quân sĩ rồi kép con ở đoàn Phụng Hảo, Xúy được mẹ nuôi hết lòng truyền nghề và học thêm được rất nhiều từ những NS gạo cội của đoàn lúc đó. Ông còn học được ở mẹ nuôi cả những suy nghĩ về nghề, mà theo ông là phải ghi nhớ suốt đời, xem như kim chỉ nam để nỗ lực không ngừng trong nghề. 16 tuổi, Xúy xin mẹ nuôi cho theo đoàn Hương Hoa. Con đường trở thành kép độc và cả nghệ danh Nam Hùng bắt đầu từ đoàn hát này.
|
NSƯT Nam Hùng và vợ NSƯT Tô Kim Hồng
|
Ông nhớ lại: “Hồi đó, tôi diễn kép độc mà cứ hiền khô, lóng ngóng không biết cách khai thác điểm nhấn cho nhân vật của mình. Trên SK, có ba loại nhân vật nam quan trọng là kép mùi, kép độc và hề. Mỗi NS phải xác định đúng tính cách nhân vật của mình để thể hiện. Không phải nhân vật chính nhưng kép độc giữ vai trò rất đặc biệt, làm đối trọng cho nhân vật chính. Hỷ nộ ái ố trên SK phải thể hiện rạch ròi và hỗ trợ cho nhau. Kép độc là người chuyên đóng vai phản diện, phải làm sao cho khán giả sợ, ghét thì nhân vật chính mới được tôn lên, được khán giả thêm yêu mến”.
Vì thế, mỗi lần nhận một vai phản diện mới, NSƯT Nam Hùng luôn đặt mục tiêu là phải làm sao cho khán giả ghét cay ghét đắng nhân vật. Vậy nên mới có chuyện được nhiều NS cùng thời của ông nhắc mãi: ”Nam Hùng đóng ác dữ quá, con nít đang coi trong rạp cũng phải giật mình khóc thét”. Lần đó, ông đóng vai Hốt Tất Liệt, khi nhân vật giận dữ, giậm mạnh chân và thét lớn, một đứa bé theo mẹ đi coi hát đã giật mình, khóc nức nở. Đó cũng là một trong những kỷ niệm ông không thể nào quên.
Nghệ sĩ Nam Hùng giải thích: “SK và cuộc đời khác nhau rạch ròi; đừng sợ mình đóng ác thì sẽ bị khán giả khinh ghét, cho là người chuyên đóng vai độc ác, gian xảo chắc ngoài đời cũng vậy. Đâu phải đóng vai phản diện là người xấu, vai hiền lành đương nhiên là người tốt. Hiền, dữ, gian xảo, quân tử… là tính cách của mỗi con người, những vai diễn trên SK chỉ là sự hóa thân, là cả một quá trình rèn luyện”.
|
Cùng NSƯT Út Bạch Lan trong vở Nước chảy qua cầu
|
Nghĩ vậy nên ông không hề ngần ngại khi được giao vai kép độc. Mỗi lần nhận vai, nỗi lo lớn nhất của ông là phải làm sao để khán giả ghét nhân vật; để kép độc này phải khác với những kép độc mình từng diễn. Điều ông kỵ nhất khi diễn kép độc là thỉnh thoảng lại chen vô vài câu chọc cười hay ca mùi cho bớt đi cái ác của nhân vật, vì sợ khán giả ghét mình. Có vai kép độc ông phải la hét, nhưng có những vai ông chỉ diễn bằng ánh mắt, nét mặt, bằng lối thoại rít qua kẽ răng, thậm chí có khi ông vận dụng cả cái ngoại hình kép chính của mình để “lừa” khán giả; xóa tan dần suy nghĩ của nhiều người vẫn cho rằng hễ kép độc thì ngoại hình phải bặm trợn, phải có vẻ gian ác…
Thập niên 1960, khi Thành Được - Út Bạch Lan lập gánh hát riêng, NSƯT Nam Hùng được mời về để giữ những vai diễn đối kháng với NS Thành Được. Ông là người góp công không nhỏ trong sự thành công của nhiều vở diễn thời đó như: Đêm huyền diệu, Trảm Mã trà, Nước chảy qua cầu, Khi rừng mới sang thu...; đồng thời giúp khán giả yêu mến NS Thành Được nhiều hơn.
Giờ ông không thể nhớ nổi mình đã đóng bao nhiêu vai phản diện, chỉ khán giả yêu mến ông là không thể quên những vai đã gắn với tên tuổi của NSƯT Nam Hùng: Mễ Kha Đan (Đêm huyền diệu), Hoàng Hạc Tử Lang (Thuyền ra cửa biển), Bình Thiếu Quân (Tiếng hạc trong trăng), Chu Phác Viên (Lôi vũ), Đổng Trác (Phụng Nghi Đình), thầy Đề (Ngao sò ốc hến)… tại các đoàn Hương Hoa, Kim Chưởng, Thanh Minh - Thanh Nga, Dạ Minh Châu, Sài Gòn 1, 2-84.
|
NSƯT Nam Hùng trong vai Chu Phác Viên (Lôi Vũ)
|
Chuyên trị vai kép độc, nhưng nghệ sĩ Nam Hùng của đời thường lại chẳng “độc” chút nào. Ông được nhiều đồng nghiệp yêu mến không chỉ bởi tài năng, lửa nghề và tinh thần rèn luyện không ngừng cho từng vai diễn mà còn ở cách sống hết lòng vì mọi người. Thời đi hát, ông chẳng bao giờ có ý so kè hay ganh ghét với những NS đóng kép chánh. Thậm chí, những kép chánh mới về đoàn chỉ có mỗi giọng ca mà không chút kinh nghiệm nghề nghiệp nào; thì chính ông là người tình nguyện hướng dẫn từ cách hóa trang đến các động tác vũ đạo…
Mấy chục năm theo nghề, khi chia tay SK, cuộc sống của vợ chồng ông dựa hẳn vào quán phở do chính ông đứng nấu, nhưng chưa hề có ai nghe ông than khó, kể khổ. Biết ông khó khăn, một số bạn bè, khán giả đã đề nghị được giúp đỡ, nhưng lần nào ông cũng từ chối. Đã vậy, có thời gian là ông chạy khắp nơi vận động Mạnh Thường Quân hỗ trợ cho những NS nghèo khác. Hơn 20 năm trước, khi còn trong ban chấp hành Ban Ái hữu NS, ông là người “khai sinh” quỹ giúp NS nghèo, neo đơn. Quỹ hoạt động ổn định, ông lại chạy vận động tặng thẻ bảo hiểm y tế cho NS nghèo…
|
NSƯT Nam Hùng (giữa) cùng với NSƯT Thanh Nga và NS Thành Được trong vở Sân khấu về khuya
|
Gần 80 tuổi, đều đặn hàng tháng ông phải vào bệnh viện để kiểm tra sức khoẻ, nhưng chỉ cần nghe nhắc đến cải lương, đến nghề hát là vẫn hào hứng, say sưa. Cải lương đã thành máu thịt của ông. Gần đất xa trời, ông còn đau đáu nỗi niềm: vì sao cuộc sống đã hiện đại hơn, nhiều phương tiện kỹ thuật tốt hơn, nhưng cải lương vẫn không chịu thay đổi diện mạo để phải mất dần khán giả...
Nguyễn Hoa