Chất giọng khàn khàn của Mỹ Uyên dường như đặc quánh vì những ngày cận tết liên tục chạy vở, tập luyện để chuẩn bị cho mùa sôi động, nhộn nhịp nhất trong năm. Trong niềm hy vọng của chị vẫn có những tiếng thở dài với những khó khăn của sân khấu càng được tô đậm trong năm vừa qua. Tương lai ra sao là câu hỏi khó có lời đáp, nhưng điều duy nhất Mỹ Uyên biết là sẽ không rời bỏ nơi này, cũng sẽ không bao giờ để đam mê bị lụi tàn.
Khó khăn thì đã sao?
Phóng viên: Trong một năm quá nhiều khó khăn, chị lại bày ra thêm nhiều thứ trên sân khấu như: kịch thiếu nhi, chùm hài kịch ngắn. Quả thật, quyết định này liều lĩnh...
NSƯT Mỹ Uyên: Nhìn những đứa trẻ theo cha mẹ ra ngoài cuối tuần cứ dán mắt vào điện thoại, máy tính bảng khiến tôi suy nghĩ nhiều, và quyết định thực hiện chương trình kịch dành cho thiếu nhi. Tôi làm chương trình này trước hết vì tình thương với tụi nhỏ, tôi nghĩ trẻ con nên được bồi đắp cảm xúc trực tiếp.
Còn với chương trình hài kịch ngắn vào tối thứ Năm, tôi muốn xây dựng lại một nét văn hóa sân khấu đã từng thịnh hành vào thập niên 90. Hơn nữa, chương trình cũng đáp ứng nhu cầu của khán giả muốn tìm niềm vui nhẹ nhàng. Vì thế, mỗi tiết mục không quá dài, nội dung, thông điệp được thể hiện gọn gàng.
Với tình hình sân khấu nhiều năm qua, tôi biết mình liều. Nhưng không thử, không đi sẽ không bao giờ biết phía trước là gì. Tính tôi trước nay đã quyết điều gì sẽ phải làm đến cùng.
* Thành quả có đủ giúp chị thêm động lực bước tiếp?
- Ước mơ, tình yêu, hoài bão có thể lớn nhưng thực tế kinh phí đầu tư luôn có hạn. Chúng tôi không thể quảng bá rộng rãi qua nhiều kênh, mà chỉ thông qua mạng xã hội, mối quan hệ cá nhân, hoặc được sự ủng hộ của truyền thông một chút. Có những khán giả ở Bình Chánh, quận 12 chở con đến xem, khiến tôi xúc động lắm. Nhưng chỉ vài suất đầu được vài chục khán giả, sau đó cứ giảm dần.
Buồn không? Buồn chứ. Nhưng sự hò reo của những đứa trẻ 4-5 tuổi, hoặc có những trẻ 12-13 tuổi đi xem đến vài lần lại khiến tôi tỉnh táo trở lại. Chúng thôi thúc tôi bước tiếp. Chùm hài kịch ngắn cũng không thể lấy lại vốn.
Tôi chỉ ước mình là một nhà tài phiệt nào đó, đủ để chăm lo cho sân khấu mà không phải suy nghĩ quá nhiều. Sau mùa kịch tết, chúng tôi sẽ bắt tay vào dựng vở mới cho trẻ, cũng như chùm hài kịch ngắn. Có lẽ, đã là duyên là nợ thì khó dứt được.
|
NSƯT Mỹ Uyên diễn trong chùm hài kịch ngắn tối thứ Năm tại Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ |
* Chị có nhiều kỳ vọng vào mùa tết năm nay không?
- Năm 2020 với nhiều biến động khiến mọi người âu sầu đủ kiểu. Nhưng cảm giác này tôi đã trải qua rất nhiều năm. Năm 2020 chỉ tô đậm thêm nữa thôi. Sân khấu kịch vẫn lao đao tìm khán giả. Nhiều khó khăn vây bủa, đặc biệt là sự phát triển của giải trí số.
Các loại hình trên môi trường số có thể đi vào tận cửa nhà, phòng ngủ của khán giả. Cuộc sống nhiều áp lực, quỹ thời gian ít, nhu cầu muốn được phục vụ tại nhà, từ mua sắm, ăn uống... cũng khiến khán giả ngại đến sân khấu.
Giá vé chỉ khoảng 190.000 đồng nhưng chúng tôi phải luôn khuyến mãi để kéo khán giả đến qua nhiều hình thức: mua 2 tặng 1, giảm giá 30%... Đây là những con số biết nói, kéo theo nỗi buồn của người làm nghề. Có lúc, chúng tôi cảm giác mình không khác một người bán hàng, ngã giá ngoài chợ.
Tôi vừa vay ngân hàng 300 triệu đồng để dựng kịch tết này. Với tình hình hiện tại chẳng biết sẽ như thế nào, chỉ dám hy vọng sẽ tươi sáng hơn.
* Lẽ nào, nguyên nhân chỉ đến từ khán giả?
- Đầu tư gói ghém lắm ít nhất phải 200 triệu đồng cho một vở diễn. Nghệ sĩ, diễn viên có thể đồng cam cộng khổ nhưng nhiều chi phí như: trang phục, sáng tác ca khúc, bản quyền... phải được chi trả đầy đủ. Mình cố gắng làm tốt nhất có thể, nhưng khi đến khán giả là một ẩn số.
Ngay cả phim, đầu tư hàng chục tỷ, vẫn lao đao như thường. Vì thế, với những con số cố gắng được cho sân khấu như hiện tại, cũng chẳng là bao. Một vở có thể diễn 10-20 suất, nhưng vẫn trống chỗ rất nhiều. Vở nào thu hồi vốn, hoặc lỗ ít đã là may mắn, chứ chúng tôi không dám hy vọng nhiều.
Nhưng không vì như thế mà sân khấu được quyền dừng lại, diễn đi diễn lại vở cũ, bởi khán giả luôn cần cái mới. Chúng tôi phải lao đi tìm kịch bản mới. Nhưng để có một kịch bản hay, ưng ý khó vô vàn.
Chưa kể, nếu nghệ sĩ thấy hay nhưng không đúng gu khán giả, vẫn “chết” như thường. Nhiều khán giả khi tôi ra mắt vở mới đều hỏi: “Vui không em?”, “Vui mới đi coi nha”... Chúng tôi biết được thị hiếu của họ để đi đúng đường. Nhưng đôi lúc, chúng tôi cũng thèm có một vở diễn thực sự đúng ý nguyện.
|
NSƯT Mỹ Uyên trong vở Công lý như mặt trời ra mắt vào tháng 10/2020 |
Mới, mới và mới
* Chị dường như đang bị mắc kẹt giữa rất nhiều thứ?
- Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ được xem là sân khấu định hướng, chính luận. Nhưng nghệ thuật muốn sống phải tồn tại được với thị trường. Sau đợt dịch đầu tiên, chúng tôi cho ra mắt Bồ công anh trong gió, nói về cộng đồng LGBT. Vở diễn khiến tôi nhận nhiều lời nhận xét, góp ý nặng nề từ những người trong nghề. Nhưng đây lại là vở diễn đông khán giả.
Còn một số sân khấu, tiền nhà nước cấp xuống để dựng vở, nhưng cuối cùng đi đâu về đâu. Diễn viên sau khi diễn xong không ai nhớ phải chạy sang sân khấu khác, đi show bên ngoài. Vở diễn, nghệ sĩ không tiếp cận được với công chúng có ý nghĩa gì?
Không phủ nhận làm nghề phải nghiêm chỉnh, đứng đắn. Nhưng hơi thở cuộc sống không thể mất đi. Khán giả không tin, không thấy họ trong đó thì làm sao sân khấu tồn tại. Xã hội ngày một tiến bộ, rộng mở thì không có lý do gì để chúng ta cứ mãi “đóng cửa”.
Từ Tía ơi con lấy chồng, đến Bồ công anh trong gió và một số lựa chọn sau này, tôi đang dần tháo dỡ những sự dán nhãn lên sân khấu 5B trước nay. Chúng tôi là nghệ sĩ có tên tuổi. Vì thế, việc chọn làm gì, chắc chắn sẽ không để giết chính mình. Tôi thích những sự đổi mới, và sẽ ngày càng mới hơn, nhưng vẫn đảm bảo tử tế, sạch sẽ.
* Có lẽ, sự cởi mở từ phía người quản lý, kiểm duyệt là điều cần thiết...
- Tôi thuộc thế hệ 7X đời đầu, bạn bè đã có con cái, thậm chí sui gia nên chỉ ở nhà trông cháu. Thế hệ 8X, 9X cũng đã lập gia đình. Khán giả đến với chúng tôi rất trẻ, buộc tôi phải hiểu họ. Tôi chơi mạng xã hội, thậm chí cả TikTok mới biết các xu hướng, trào lưu để mang vào vở diễn.
Tôi hỏi một số người duyệt vở, họ cũng không biết đó là gì. Khi không cập nhật cái mới thì làm sao người làm nghề có thể nói chuyện với nhau, chứ chưa tính đến đưa sản phẩm đến khán giả. Người quản lý văn hóa cấp cao hơn cũng cần phải biết để định hướng, điều chỉnh cho phù hợp.
Tôi chọn cách trò chuyện, giải thích để kéo họ gần với mình. Dĩ nhiên, họ cũng không quá bảo thủ nhưng thay đổi chưa quá nhiều. Tất cả vẫn ở trong chừng mực có phần khắt khe. Chúng ta có những nỗi sợ rất kỳ.
|
Nữ nghệ sĩ luôn sẵn sàng tiếp thu, mang cái mới lên sân khấu |
* Nghĩa rằng, trong cán cân giữa nghệ sĩ và khán giả, chị chọn khán giả?
- Chắc chắn. Nhưng người nghệ sĩ giỏi phải biết dung hòa. Trong các vở kịch tôi dựng, hầu như không thiếu những trào lưu, tình huống viral trên mạng xã hội. Thị trường giải trí trẻ đến đâu, chúng tôi cũng có thể theo đến đó, nhưng không hời hợt, dễ dãi. Điều quan trọng nhất hiện tại, chúng tôi vẫn mong có nhiều kịch bản hay, nhiều nguồn năng lượng mới cho sân khấu, nhưng chưa tìm được.
* Chúng ta luôn nói về người làm sân khấu của hiện tại bằng cụm từ “nỗ lực”. Nhưng không phải sự nỗ lực nào cũng đủ tử tế. Bằng chứng, một vở diễn gần đây rất tệ, bát nháo...
- Tôi thích có những đêm diễn bán được 1.000-2.000 vé, tổ chức tại Nhà hát Thành phố nhưng khi đi chào kịch bản thì rất khó. Vở Tiên nga của anh Thành Lộc được một đơn vị đầu tư nên mọi thứ đều được đầu tư rất chỉn chu, đến nơi đến chốn.
Hiện tại, phần lớn sân khấu vẫn đang tự thân vận động bằng tiền cá nhân. Những con số ấy cũng có giới hạn. Ai cũng thông cảm được việc này. Nhưng 100 hay 200 triệu đồng vẫn cần có sự thẩm mỹ, chỉn chu khi đến với khán giả. Còn nói yêu sân khấu, nhưng làm hời hợt thì khác nào góp thêm một vết thương cho nó. Yêu phải đúng cách, chứ đừng hời hợt. Nhưng suy nghĩ, tư duy mỗi người lại ở tầm khác nhau.
Một mình đâu phải cô đơn
* Sân khấu mang nhiều trăn trở của chị nhưng hẳn cũng là thế giới nhiều niềm vui?
- Còn được dựng vở, được diễn, được gặp khán giả thì những mệt nhọc ngoài kia không là gì nữa. Đặc biệt thời gian qua, khi làm việc với những người trẻ, tâm hồn tôi tươi mới lạ thường. Tôi thấy mình trẻ lại, có lý do để tiếp tục.
* Nhưng có lẽ chị đã có một lựa chọn nào đó tốt hơn?
- Tôi về 5B khi mọi thứ ngổn ngang. Nhiều anh chị, bạn bè cũng từng khuyên tôi dừng lại để tập trung đi đóng phim, diễn cho người khác lấy cát-sê. Tôi ở đây cũng chưa có một đồng lương nào.
Thú thật, tôi đã có thể chọn cho mình một con đường dễ đi hơn, trải nhiều hoa hồng hơn. Tôi nhận được rất nhiều lời mời đóng phim, làm giám khảo. Họ sẵn sàng chiều theo lịch của tôi. Nhưng tôi chỉ tham gia được một ít, còn lại hầu như đều từ chối vì vướng lịch sân khấu. Dĩ nhiên, tôi cũng không oán than gì vì đó là lựa chọn của mình. Nhưng đôi khi không có được một lời san sẻ, từ những người có liên quan.
Qua những giờ phút khó chịu đó, tôi cứ tự động viên mình còn sức còn làm, đến khi nào hết sức thì dừng. Tuổi xuân, cuộc đời này mang hết để hoàn thành chữ nghiệp.
|
Nghệ sĩ Mỹ Uyên trong phim Cả một đời ân oán |
* Chị còn đủ thời gian cho mình chứ?
-Nếu như một ai đó, họ sẽ đặt lên bàn cân để biết chọn nặng, nhẹ như thế nào. Tôi thì không. Tôi có rất nhiều bạn bè ở các nước. Nếu chỉ đóng phim, đi diễn, xong tôi có thể bay đi chơi ngay, chăm sóc sắc đẹp. Còn bây giờ, phải ôm sân khấu liên tục. Tôi cũng chẳng biết tết, lễ là gì khi cứ quần quật với công việc nơi đây.
Nhưng một mình cũng vui, vì được tự do làm mọi việc theo ý mình muốn. Tôi hay đùa nếu có chồng chắc chồng cũng bỏ tôi lâu rồi. Nhiều người hỏi tôi cô đơn không? Với tôi, nếu quay về nhà có một mình không ai hỏi han, quan tâm mới là cô đơn. Còn tôi, vẫn quá nhiều người quan tâm. Thế là đủ vui rồi.
* Xin cảm ơn chị!
Trung Sơn (thực hiện)