Đến trước giờ hẹn phỏng vấn 10 phút, lại vào buổi sáng sớm, ngỡ mình sẽ phải chờ đợi NSƯT Minh Vương chuẩn bị, ai dè ông đã sẵn sàng từ trước đó. Đón khách tại nhà, nhưng NSƯT Minh Vương vẫn chỉnh tề trong bộ âu phục với hai màu trắng vàng ông vốn yêu thích từ thời trai trẻ.
Từ Khôi nguyên “khó tính”…
|
Khôi Nguyên Vọng cổ Minh Vương năm 14 tuổi |
Tranh thủ lúc chưa đến giờ hẹn phỏng vấn, NSƯT Minh Vương dợt lại những bài ca cổ mới. Tập giấy A4 in bài ca chi chít nét bút bi, chỗ viết chèn thêm lời, chỗ ghi chú cách luyến láy hay nhịp dừng nghỉ giữa câu ca…
“Tôi không tự tin và cũng không quen cách hễ cầm bài ca là cứ vậy ca theo những gì có sẵn. Dù là bài bản, điệu lý quen thuộc, nhưng tôi vẫn cứ phải đọc kỹ lời ca để hiểu hết ý của tác giả, hiểu rõ từng câu ca. Từ đó mới sắp nhịp, chọn điểm nhấn… Rồi trong lúc tập ca, nhiều lần cũng phải chỉnh sửa lại sao cho hợp lý, mượt mà. Cho tới bây giờ, mỗi lần tập ca bài mới, tôi vẫn trong tâm thế hệt như thời mới đi học ca cách đây mấy chục năm trước” - NSƯT Minh Vương giải thích khi thấy “người lạ” tò mò nhìn những những trang giấy.
Đoạt giải Khôi nguyên Vọng cổ khi mới 14 tuổi, ngày đó NSƯT Minh Vương cứ nghĩ chỉ cần có giọng ca trời phú, rồi mình sẽ trở thành nghệ sĩ cải lương nổi tiếng.
Nhưng chỉ một thời gian ngắn đi theo gánh Kim Chung, cậu bé Nguyễn Văn Vưng (tên thật của NSƯT Minh Vương) đã nhận ra mình đã lầm. Khôi nguyên Vọng cổ ngày đó được ông bầu Long của gánh Kim Chung ký hợp đồng tới 10.000 đồng/năm (năm 1964), nhưng cũng chỉ được ra sân khấu ở một vài lớp viết thêm, hát “chút chút” (lời NSƯT Minh Vương) để tập làm quen với sân khấu.
|
NSƯT Minh Vương thời trẻ |
Giọng hát và duyên sân khấu là do trời phú, nhưng tất cả cũng chỉ như những viên ngọc thô, không được mài dũa thì chẳng bao lâu ngọc cũng sẽ xù xì, xấu xí như những viên đá thường khác. Chăm chút cho giọng ca, Văn Vưng lại tiếp tục “phát hiện”, muốn trở thành nghệ sĩ, không chỉ cần có giọng ca, duyên sân khấu mà còn phải biết diễn.
“Tôi vốn không phải con nhà nòi, bước chân vô nghề chỉ bằng giọng ca. M uốn được ra sân khấu sắm tuồng thì chỉ có cách tự học, tự luyện để khi được thả lên sân khấu phải như con cá biết bơi dưới nước. Từ đó thầy tuồng mới uốn nắn, dạy dỗ thêm cho mình trưởng thành. Cả cuộc đời tôi gần như chỉ biết học lóm”- NSƯT Minh Vương cười giòn tan khi kể về con đường học nghề của mình.
Các cô chú tập tuồng, Văn Vưng say mê coi thầy tuồng chỉ dạy. Tới giờ hát, khi không có lớp diễn, Văn Vưng nép mình trong cánh gà quan sát cách diễn, cách ca của những nghệ sĩ đi trước.
Lần hồi, Khôi nguyên Vọng cổ cũng được hát vai kép ba rồi tới kép nhì. Khoảng cuối thập niên 1960, ông bầu Long đã lập gánh Kim Chung 3 để Văn Vưng làm kép chánh. Cũng ở thời điểm đó, cậu bé Văn Vưng đã được ông bầu gánh Kim Chung đổi tên thành Minh Vương.
|
Võ Minh Luân - một trong những vai diễn để đời của NSƯT Minh Vương |
Trong cách kể của NSƯT Minh Vương, con đường để rèn nghề và khẳng định mình nghe chừng không mấy thác ghềnh, chỉ cần có quyết tâm và ý chí. Nhưng nhiều nghệ sĩ cùng thế hệ với NSƯT Minh Vương đều có chung một nhận xét: để từ anh kép ba trở thành kép chánh và được ông bầu lập cho gánh hát riêng là cả một quá trình lao động nghệ thuật miệt mài, với khả năng sáng tạo đầy ấn tượng của NSƯT Minh Vương.
Khi Văn Vưng còn đang học nghề thì Kim Chung đã có hai tên tuổi kép chánh nổi tiếng là Minh Cảnh và Minh Phụng với giọng ca lạ, đặc biệt và có nhiều sáng tạo khác biệt so với các bậc tiền bối trước đó.
Thời đó, nghệ sĩ Minh Cảnh, Minh Phụng nổi tiếng đến mức nhiều người đã từng nghĩ, dẫu có giọng ca hay, nếu tiếp tục ở đoàn Kim Chung, Văn Vưng khó lòng vượt qua hai cái bóng quá lớn trước mình. Và suốt một thời gian dài, Minh Vương đóng kép nhì cho cặp đào kép được báo chí thời bấy giờ gọi là “Cặp đào kép bão biển đang lên” Lệ Thủy - Minh Phụng.
Nhắc về sự nổi tiếng, NSƯT Minh Vương mỉm cười, nụ cười nhẹ nhàng nhưng ấm áp: “Là nghệ sĩ có lẽ không ai không mong mình nổi tiếng. Nhưng con đường thăng trầm của những nghệ sĩ đi trước cho chúng tôi bài học: sự nổi tiếng sẽ lâu bền khi mình có đủ thực lực và không bao giờ ngơi nghỉ sáng tạo, dù đang đứng ở bất kỳ vị trí nào trên đường nghề”.
Đó không phải là lời nói suông, không phải là câu nói cho hình ảnh của mình vuông tròn khi trả lời phỏng vấn mà điều đó được chứng minh bằng hơn nửa thế kỷ theo nghề hát của NSƯT Minh Vương.
|
Đôi đào kép nổi tiếng Lệ Thủy - Minh Vương |
Khi đã trở thành “giọng ca vàng” của các hãng băng đĩa, NSƯT Minh Vương lại tìm cách sáng tạo để phải khác biệt với chính mình. Ông không ca theo khuôn, mà ca theo lối rải nhịp đều ở các câu - lối ca được nhiều người nhận xét là giống cách ca của nghệ sĩ Út Trà Ôn thời đó.
Biết học cái hay, cái đẹp của những bậc tiền bối, nhưng NSƯT Minh Vương lại không máy móc rập khuôn. Nhiều đồng nghiệp và các nghệ sĩ thế hệ sau rất nể lối ca lùa ở cuối câu của NSƯT Minh Vương.
Khi ca, ông thường “để dành” nhiều chữ ở cuối câu rồi ca nhanh để dứt câu. Lối ca này đặt ra những thách thức rất cao với nghệ sĩ. Không chắc nhịp, thiếu sự tinh tế trong cách ngắt câu, ngắt từ, ca theo cách này dễ gây khó chịu cho người nghe.
Ngay cả một số người làm nghề cũng nhận xét, khi nghe NSƯT Minh Vương ca, rất khó để nhận biết ông đang ở nhịp nào. Nhưng khi xuống nhịp cuối câu thì NSƯT Minh Vương không bao giờ “đổ trật khuôn”.
… Đến nghệ sĩ thích tự làm khó mình
Biết khai thác tối đa thế mạnh về giọng ca để hỗ trợ cho các vai diễn, NSƯT Minh Vương không lạm dụng cách khoe giọng để gây sự chú ý khi thể hiện các nhân vật trong tuồng hát.
|
NSƯT Minh Vương và NSND Lệ Thủy trong một trích đoạn vở Tô Ánh Nguyệt |
Trái lại, có những lúc ông còn làm điều ngược lại là xin đạo diễn sử dụng một đoạn nhạc của bài ca, thay lời muốn nói cho nhân vật, nhằm tạo hiệu quả hơn cho lớp diễn, vở diễn.
Ngày ông xin đạo diễn vở Tô Ánh Nguyệt cho phần nhạc của bài ca Nặng tình xưa vào lớp diễn Minh gặp lại Nguyệt sau 18 năm và để Minh được lặng lẽ cúi đầu sau nửa bài nhạc mới cất lên câu ca với đầy nỗi ân hận, day dứt: “Anh đang cúi đầu chờ ân huệ, em rộng lòng tha thứ cho anh. Kẻ gây cho em khổ đau lận đận, suốt cuộc đời duyên nợ dở dang…” có lẽ ông không thể ngờ rằng những câu ca đó đã được nhiều thế hệ khán giả thuộc lòng. Không chỉ vậy, đến nay, lớp diễn này đã trở thành một trong những trích đoạn mẫu, thường được sinh viên kịch hát dân tộc chọn để tập luyện hoặc làm bài thi trong trường.
Với cách sáng tạo đó, NSƯT Minh Vương đã để lại dấu ấn trong hàng loạt vở diễn: Máu nhuộm sân chùa, Mùa xuân ngủ trong đêm, Đêm lạnh chùa hoang, Kiếp nào có yêu nhau, Tâm sự loài chim biển, Người tình trên chiến trận, Tô Ánh Nguyệt, Đời cô Lựu, Đường gươm Nguyên Bá… Trong số đó, có những vai diễn cho đến nay nhiều khán giả vẫn cho rằng, chưa có người thay thế được NSƯT Minh Vương.
|
NSƯT Minh Vương, vai Nguyễn Trãi, vở Rạng ngọc Côn Sơn |
Nổi tiếng và gắn liền với những vai kép đẹp, chỉ một lần thử sức với kép lão bằng nhân vật Nguyễn Trãi ở vở Rạng ngọc Côn Sơn (Tác giả: Xuân Phong, Đạo diễn: NSƯT Đoàn Bá), không ngờ, Nguyễn Trãi cũng là một trong những vai diễn để đời của NSƯT Minh Vương.
Đầu thập niên 1980, khi đạo diễn Đoàn Bá chuẩn bị dựng vở Rạng ngọc Côn Sơn cho Nhà hát Trần Hữu Trang, dù ưu tiên NSƯT Minh Vương đọc kịch bản trước để chọn vai, đạo diễn đã nhắm đến một nghệ sĩ có độ tuổi phù hợp để giao vai Nguyễn Trãi.
Bất ngờ, anh kép đẹp Minh Vương đã “gặp riêng” đạo diễn, xin được đóng vai Nguyễn Trãi. Khi đó, NSƯT Minh Vương chỉ mới hơn 30 tuổi và đang là anh kép đẹp, kép mùi nổi tiếng, trong khi nhân vật Nguyễn Trãi đòi hỏi phải có độ chững chạc nhất định để thể hiện cốt cách của một bậc công thần khai quốc thời Hậu Lê đã bước sang tuổi 60.
“Nhìn ánh mắt đạo diễn Đoàn Bá, tôi nhận ra dường như ông thoáng do dự. Nhưng có lẽ thấy tôi kiên quyết và thiệt lòng quá nên đạo diễn đồng ý cho tôi… thử. Mừng vì được giao vai, tôi lo dữ lắm. Nguyễn Trãi khi đó không chỉ là sự cách biệt về tuổi tác mà quan trọng hơn là sự khác biệt về thần thái, cốt cách so với những kép đẹp trong các tuồng xã hội tôi từng thể hiện” - NSƯT Minh Vương nhắc lại.
|
NSƯT Minh Vương ân cần chăm sóc các thí sinh cuộc thi Chuông vàng vọng cổ |
Làm nghề với quan niệm, chỉ có thể hoá thân vào nhân vật tốt nhất khi hiểu rõ nhân vật và có đủ tự tin với chính mình. Vừa đọc kịch bản để nắm tính cách, tâm lý Nguyễn Trãi trong suốt mạch vở diễn, ông vừa tìm thêm sự tự tin cho mình bằng cách “định dạng” khuôn mẫu nhân vật từ ngoại hình, tướng đi, dáng đứng đến nét mặt, ánh mắt, giọng ca, cách thoại lời…
NSƯT Minh Vương xác định “Phải xóa cho bằng được hình ảnh kép đẹp Minh Vương trong mắt khán giả ngay từ khi Nguyễn Trãi xuất hiện trên sân khấu, bằng không, coi như cầm chắc thất bại với sự mạo hiểm của mình".
Một tuần ròng rã, NSƯT Minh Vương xin được thọ giáo nghệ sĩ Kim Cúc (vợ NSND Nguyễn Thành Châu) để bà chỉ dạy cho ông đi lên, đi xuống cầu thang sao cho ra dáng đi của người lớn tuổi. Vẫn tận dụng lợi thế giọng ca có âm vực cao của mình, NSƯT Minh Vương tập ém giọng. Ông nghiên cứu kịch bản và chọn cách nhấn nhá trong từng câu ca để thể hiện tâm trạng bi hùng của Nguyễn Trãi trước những đổi thay của thời cuộc và vận mệnh của dân tộc.
Nguyễn Trãi của NSƯT Minh Vương trên sân khấu được chăm chút từ động tác, từng bước đi. Mọi hành động đủ chậm để thể hiện tuổi tác nhưng không già nua mà vẫn toát lên sự thanh thoát của một bậc ẩn sĩ.
“Khó nhất là luyện tập những biểu cảm và thần thái trong ánh mắt. Tôi phải luyện để mỗi lần ra sân khấu gần như trong tôi chỉ có nội tâm, tư tưởng của Nguyễn Trãi và những nỗi niềm của ông trước thời cuộc. Để có được ánh mắt đăm chiêu vì vận nước của Nguyễn Trãi, suốt thời gian tập luyện và biểu diễn, tôi sụt mất mấy ký và thường xuyên cảm thấy bị nhức mắt. Nhưng lạ một điều, dù được khán giả đón nhận, đạo diễn và nhà hát hài lòng, nhưng càng diễn, tôi lại cảm thấy hình như mình vẫn còn thiếu sót rất nhiều điều” - ánh mắt NSƯT Minh Vương vẫn lấp lánh hạnh phúc khi nhắc lại một trong những vai diễn khó quên của mình.
|
Niềm vui của NSƯT Minh Vương là chăm sóc những chậu cây cảnh trước hiên nhà và ước mơ được gắn với cải lương đến hơi thở cuối cùng |
Gần ở tuổi thất thập, nhưng khi NSƯT Minh Vương cất giọng mộc ca bản Văn Thiên Tường lớp dựng "Ba hỡi, ba ơi… Sao bất ngờ như là giấc chiêm bao. Trong tâm tưởng vui mừng lẫn lộn biết bao. Ba… ba ơi, nước mắt trào đọng bờ mi khiến cho con tê tái nghẹn lời…” giọng ca vẫn sang sảng nhưng ở đó cũng có cả tiếng thổn thức , nghẹn ngào…
Nghe NSƯT Minh Vương ca, lớp diễn Võ Minh Luân gặp cha (vở Đời cô Lựu) bỗng hiện rõ mồn một, để chợt nhận ra rằng trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật của mình, ông đã có thật nhiều bài ca, lớp diễn để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí khán giả. Những ký ức sẽ nhanh chóng được khơi dậy khi bất chợt nghe một tiếng đàn, câu ca…
Thảo Vân