edf40wrjww2tblPage:Content
Chuyện là cách nay sáu năm, tức khi đã trôi qua tròm trèm chục năm nghỉ hưu và đang trong tâm trạng buồn nhớ sân khấu (SK), nghệ sĩ (NS) Lê Thiện bỗng nhận được điện thoại của hãng Chánh Phương, mời đóng vai một cụ bà 80 tuổi tên Mỹ trong bộ phim truyền hình Dù gió có thổi.
Lần đầu tiên xuất hiện trước ống kính máy quay với không ít cảm giác bỡ ngỡ, nhưng “bà nội” với cách diễn tưng tửng cùng chất giọng Bắc nhà quê rất đặc trưng của NS Lê Thiện, cộng với sự tung hứng khá ăn ý của NS hài Anh Tuấn trong vai cậu Mẫn, họ đã trở thành một cặp nhân vật được khán giả chờ đợi nhất mỗi lần phim phát sóng.
Sau cú thành công bất ngờ, sự nghiệp điện ảnh của NS Lê Thiện lên như diều gặp gió. Bà liên tục làm bà nội của Phù Sa (diễn viên - DV Tường Vi đóng) trong phim Cá rô, em yêu anh (đạo diễn - ĐD Phương Điền), bà nội của Đông Dương (Minh Hằng đóng) trong Vừa đi vừa khóc (ĐD Vũ Ngọc Đãng)... mẹ nuôi của DV Kim Tuyến trong Mùa sen cạn (ĐD Nguyễn Dương), vợ của NS Hùng Minh trong Bụi đời (ĐD Đinh Đức Liêm), mẹ của DV Trương Minh Quốc Thái trong Trả giá (ĐD Đinh Đức Liêm), người yêu cuối mùa của NS Mạc Can trong phim Đánh thức trái tim (ĐD Thịnh Chuột)…
Sau khi liên tục lên sóng, NS Lê Thiện được người hâm mộ đặt thêm biệt danh "bà nội bá đạo", "bà nội giang hồ…".
Với diễn viên Anh Tuấn trong phim Dù gió có thổi
Hiện “bà nội” Lê Thiện lại vừa có một vai diễn cũng rất “bá đạo” trên SK 5B trong vở kịch Đêm vượn hú (tác giả Xuyên Tâm, ĐD Chánh Trực). Đó là vai bà Từ, mồm miệng ú ớ, tay chân bị liệt phải ngồi xe lăn nhưng lại là một nhân vật khá bí hiểm, chỉ đến khi vở sắp kết thúc, sự thật về người đàn bà “hết hơi” này mới được phơi bày. Đây là vai diễn đưa NS Lê Thiện trở lại với SK kịch sau nhiều chục năm, song với khả năng nhập vai tỉnh như không cộng với tài giấu “bài” khá khéo của tác giả kịch bản, nhân vật bà Từ là một cú mở bất ngờ tạo hiệu quả cao cho cái kết của vở.
NS Lê Thiện cho biết, “cơ duyên” đến với vai diễn này là vì bà, tuy tuổi tác và sức khỏe không còn “ngon” như xưa nhưng vẫn rất mê SK. “Đọc kịch bản đã thấy thích, lại được diễn trên SK 5B là nơi vẫn giữ được cái gì đó làm cho mình vương vấn”. “Vương vấn” vì nơi đây từng có những con người đã cùng bà đi qua thời chiến tranh như Văn Thành, Huỳnh Minh Nhị… Và bây giờ, còn “thương” hơn trước một phó giám đốc Mỹ Uyên “thân gái dặm trường” vất vả cho sự sinh tồn của một SK đang hồi khó khăn.
Khi nghe cô “phó” rào trước đón sau, làm “công tác tư tưởng” vì cát-sê thấp, bà cười trả lời “giàu có chơi theo giàu có, nghèo khó chơi theo nghèo khó”.
Từng là Phó giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang kiêm trưởng đoàn Xung kích, từng phải đi năn nỉ DV nên bà rất hiểu “nỗi lòng” của những người chủ nghèo. Hơn nữa, trong vở Đêm vượn hú, NS Lê Thiện còn được gặp lại Hữu Quốc (đóng vai Sinh) “đứa con bướng bỉnh” của mình trong đoàn Xung kích Trần Hữu Trang ngày xưa. Ngày ấy, bà được các DV trẻ ở đoàn Xung kích gọi là “bố Thiện” bởi họ cho rằng “cha” là người luôn lo việc lớn.
Được giao vai giáo sư trong vở cải lương Bản tình ca quê mẹ, Hữu Quốc từ chối vì không chịu đóng vai già và thích để tóc dài, Lê Thiện nói: “Nếu đóng vai này mà con không được huy chương vàng là “bố” bỏ nghề”. Thấy “bố” quá kiên quyết, Hữu Quốc nghe theo và sau đó là một trong hai DV của vở đoạt huy chương vàng tại Hội diễn SK chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985. Giờ đây, cuộc hội ngộ của hai “bố con nguyên quán cải lương” Lê Thiện - Hữu Quốc đang đem lại cho SK kịch 5B mùa xuân này thêm những sắc màu mới.
Nghe NS Lê Thiện nói giọng Bắc, giọng Quảng Nam trong phim, gặp ngoài đời lại nghe giọng Nam, người ta không hiểu “bà nội” này là người miền nào. Thật ra, bà sinh quán tại thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định; 12 tuổi đã tập kết ra Bắc, được đào tạo và công tác ở nhiều đơn vị nghệ thuật. Về nghề, bà cũng thuộc loại “bá đạo”, do bản tính tò mò, thích tìm hiểu, lại ở nhiều năm trong khu văn công nên cái gì Lê Thiện cũng muốn biết, muốn học. Bà đã từng đi biểu diễn ở nhiều nước và từng trải qua nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhau như hát, múa, đóng kịch, xiếc (uốn dẻo, nhào lộn)…
Bà cũng là người nhiều lần được gặp Bác Hồ. Lần đầu tiên là vào năm 1956, trong dịp cùng với đoàn Văn công Tổng cục Chính trị tiếp đoàn Văn công quân đội Liên Xô tại Phủ Chủ tịch. Bà kể: “Con bé nhà quê là tôi cứ bị táng đầu vào cửa kính cái bốp. Đang tò mò tới lui ngắm ngôi nhà, tôi nghe có tiếng hỏi: “Đồng chí này làm gì thế?”. Quay ra, tôi đứng “chôn chân” luôn, định thần mới nhận ra người đang đứng trước mặt mình là Bác Hồ, tôi òa lên khóc.
Bác nhẹ nhàng hỏi: “Đồng chí đi đâu?” (gọi đồng chí chắc là do tôi mặc quân phục). Tôi trả lời: “Dạ, đi tiếp đoàn Văn công quân đội Liên Xô”. “Chưa tới giờ Bác hẹn mà!”. “Dạ, mấy chú nói đi trừ hao”. Bác cười: “Quân đội mà có chuyện đi trừ hao!”. Rồi Bác hỏi tôi quê ở đâu. Lúc đó, tự dưng nhớ lại lời dặn của mấy đứa bạn khi tôi đi tập kết, tôi thưa với Bác: “Bạn cháu nói khi nào gặp Bác xin Bác một cọng râu!”. Không hiểu sao Bác khom người xuống, tôi liền thò tay nhổ “pặc” một cọng.
Ba ngày sau, Bác cho xe xuống đơn vị đón tôi vào, Bác hỏi “cháu muốn học gì”, rồi dặn “phải cố gắng học”… Sau đó, tôi được gặp và đến diễn cho Bác xem nhiều lần, trong đó có những tiết mục như múa “Con hạc”, diễn vai Thuyền Quyên (vở Khuất Nguyên)…”.
Với NSƯT Quế Trân trong vở Vụ án trộm trứng gà
Thời trẻ, NSƯT Lê Thiện từng có gần 10 năm làm đào chánh ở Đoàn cải lương Nam bộ, song chính giai đoạn chuyển sang làm “dàn bao”, đóng vai thứ lại làm bà thích thú. Bà nói, vai thứ mới có nhiều dạng nhân vật để mình tha hồ thử nghiệm. Vậy nên, bà thường xung phong đóng thay vai cho những DV bị bệnh hay bận việc bỏ diễn. Nhưng dù đóng thay, dù vai nhỏ hay lớn, bà đều tìm cách sáng tạo để vai diễn mang lại hiệu quả cao nhất.
Từ sau năm 1975, vì bận công việc quản lý, NS Lê Thiện không còn thường xuyên xuất hiện trên SK, song với nhân vật Lý Thần Phi trong vở Rạng ngọc Côn Sơn (công diễn năm 1980, SK Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang), bà đã cộng thêm cho mình một vai để đời. Trong kịch bản của tác giả Xuân Phong, nhân vật Lý Thần Phi chỉ xuất hiện ở một cảnh ngắn, mời DV tên tuổi không ai chịu đóng nên bà “nhảy vô trám chỗ trống”. Vì vai có quá ít đất diễn, sợ không khéo sẽ bị trôi tuột nên bà phải nghĩ cách tạo “điểm nhấn”. Và điểm nhấn mà bà tìm ra chính là giọng cười mà đến nay nhiều người vẫn còn nhắc.
Cảnh diễn là sau khi bắt giam Nguyễn Thị Lộ (NSND Ngọc Giàu đóng), Lý Thần Phi cất một tràng cười dài liên tục, vừa để tỏ rõ sự đắc ý, vừa nhằm trấn áp đám quan lại nhà Lê. Bà cười tới đâu, NS Bảo Quốc (trong vai quan) run tới đó; bà càng cười, Bảo Quốc càng run. Bà nhớ lại một kỷ niệm vui, có lần đang diễn đến đoạn cười, bỗng thấy một cây quạt bay vèo từ phía khán giả lên SK về phía bà kèm theo câu chửi.
Bà cho biết, để cười được một tràng dài như vậy, DV phải có kỹ thuật lấy hơi như người thổi sáo. Mới đầu tập rất chóng mặt nhưng lâu dần thành quen. Bà học được những kỹ năng này từ những người thầy tài danh của cải lương là NS Tám Danh và NS Ba Du. Sau này, có cơ hội dạy học, bà truyền lại cho học trò nhưng khi nghe cô DV trẻ nói “cô làm chứ con làm không được”, bà buồn, bỏ dạy luôn.
Những ngày cận Tết âm lịch này, bên cạnh bổn phận làm bà nội, bà ngoại ở nhà với những lo toan của một phụ nữ giỏi “tề gia”, NSƯT Lê Thiện còn tham gia đóng vai Tom Money, một vai “quậy” hết cỡ trong bộ phim truyền hình Sự nổi loạn của ôsin (Trung tâm giải trí nghệ thuật Thanh Thủy). Và đầu năm mới, bà cũng sẽ ra mắt người xem phim điện ảnh trong vai một “con mẹ” chủ chứa sòng bài, cho vay nặng lãi trong phim Sơn đẹp trai (ĐD Thịnh Chuột). Chắc chắn khán giả sẽ bất ngờ với hình ảnh “bà nội bá đạo” Lê Thiện trong trang phục quần jeans, áo hai dây, lại… mê trai đẹp, cho mượn tiền mà không cần trả!
CÁT VŨ