NSƯT Khương Mễ: Ngôi sao sáng của điện ảnh cách mạng Việt Nam

16/10/2017 - 07:28

PNO - Đạo diễn, nhà quay phim, NSƯT Khương Mễ được ví như một 'ánh lửa' góp phần thắp sáng nền điện ảnh cách mạng Việt Nam ngay từ những ngày đầu thành lập và phát triển cho đến hôm nay.

70 năm kể từ ngày đơn vị làm phim đầu tiên trong cả nước với tên gọi ban đầu là phòng Điện ảnh – Nhiếp ảnh Khu 8 ra đời theo quyết định thành lập của Bộ Tư lệnh Khu 8 Nam bộ, đặt nền mống khai sinh cho ngành điện ảnh Việt Nam, “chiếc nôi” ấy đã tạo nên không ít những thước phim chân thật và nhiều tác phẩm điện ảnh mang tính lịch sử quan trọng trong thời kỳ chiến tranh giành độc lập của dân tộc.

Bên cạnh đó, đơn vị Điện ảnh Khu 8 còn là nơi sản sinh ra lớp nghệ sĩ, đạo diễn, nhà quay phim lỗi lạc, tài ba, hết lòng yêu nghề và sẵn sàng hy sinh thân mình để góp phần xây dựng và phát triển nền điện ảnh nước nhà.

NSUT Khuong Me: Ngoi sao sang cua dien anh cach mang Viet Nam

Nhà quay phim Khương Mễ thời kháng chiến chống Pháp

Trong đó, không thể không nhắc đến đạo diễn, nhà quay phim, NSƯT Khương Mễ - người được mệnh danh là “Lumière của điện ảnh Việt Nam” (tạm dịch là: Ngôi sao sáng của điện ảnh Việt Nam). Với giới chuyên môn trong lĩnh vực điện ảnh thế giới và đông đảo bạn bè quốc tế, bởi ông được ví như một ánh lửa góp phần thắp sáng nền điện ảnh Việt Nam ngay từ những ngày đầu.

Khương Mễ sinh năm 1916 tại huyện Tân Châu, Châu Đốc. Ông lớn lên tại Bà Rịa - Vũng Tàu và tham gia kháng chiến năm 1947 tại chiến khu Đồng Tháp Mười. Với lòng yêu nước cháy bỏng, sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ cùng niềm đam mê điện ảnh và sự khao khát rằng người Việt có thể tự sản xuất phim, chàng trai Khương Mễ đã là một trong những thành viên đầu tiên tham gia đơn vị làm phim Điện ảnh Khu 8 ngay từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Sát cánh cùng Khương Mễ trong những ngày đầu còn có các nhiếp ảnh, nhà quay phim như Mai Lộc, Nguyễn Hiền, Lý Cương, Nguyễn Đảnh, Hồ Tây, Vũ Ba, Trần Nhu, Dương Trung Nghĩa... Bằng sự khéo léo, tỉ mỉ của mình, Khương Mễ đã tự mày mò ráp được máy in, tráng phim trong hoàn cảnh “điện ảnh không điện” ở chiến khu.

NSUT Khuong Me: Ngoi sao sang cua dien anh cach mang Viet Nam

Họ phải làm phim trong rừng và trong điều kiện "điện ảnh không có điện"

Dù phải hoạt động trong điều kiện khó khăn về mọi mặt, trụ sở làm phim được xây dựng tạm bợ với vách lá và tre nứa... thế nhưng bằng nghị lực, ý chí kiên quyết, hơn hết là quyết tâm thực hiện những thước phim chân thật nhất để phục vụ bộ đội cùng đồng bào, Khương Mễ và các đồng đội đã làm việc không mệt mỏi, liên tục tìm tòi phát huy sáng tạo trong công tác làm phim. Vì lẽ đó mà tổ Điện ảnh do Khương Mễ phụ trách được xem là đơn vị sản xuất phim tốt nhất cả nước thời bấy giờ.

Một năm sau ngày thành lập, nhà quay phim Khương Mễ cùng các cộng sự của mình đã tạo được tiếng vang lớn khi quay lại khá đầy đủ hình ảnh những trận đánh lịch sử như trận Mộc Hóa, La Bang, Tháp Mưởi hay chiến dịch Cầu Kè, Trà Vinh, Bến Tre... tại thời điểm mà người dân còn chưa biết gì về điện ảnh và chưa hình dung được hình thù của một chiếc máy quay. Với hai phim về trận Mộc Hóa và La Bang, Khương Mễ đã nhận được giải thưởng Bông sen bạc tại LHP Việt Nam 1973.

Chưa dừng lại ở đó, Khương Mễ còn phối hợp cùng Mai Lộc, Nguyễn Đảnh, Nguyễn Hiền... thực hiện thành công một số phim tài liệu (câm), góp phần đặt những “viên gạch” đầu tiên, xây dựng nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Bên cạnh vai trò đạo diễn, nhà quay phim, trong sự nghiệp của mình, Khương Mễ còn tham gia diễn xuất trong phim Một chiều trên sông Cửu Long.

NSUT Khuong Me: Ngoi sao sang cua dien anh cach mang Viet Nam

Hình ảnh trong trận Cầu Kè, Trà Vinh

Không lâu sau đó, ông tập kết ra Bắc và tham gia quay nhiều phim như: Vợ chồng A Phủ, Khói trắng, Hai người lính, Lửa rừng... Năm 1976, ông trở lại miền Nam và đảm nhận vai trò đạo diễn phim truyện Cô Nhíp, Em bé đánh giày, Chiều sâu lòng đất. Với phim Cô Nhíp, Khương Mễ đã xuất sắc đạt thêm được giải Bông sen bạc tại LHP 1977.

Cứ thế, Khương Mễ miệt mài với công việc xây dựng và phát triển điện ảnh Việt Nam từ thời chiến tranh cho đến ngày đất nước được giải phóng thống nhất. Nhà quay phim tài ba ấy chỉ chịu rời máy quay, dừng lại sự nghiệp khi bước sang tuổi 86, vì lý do tuổi cao sức yếu, tay cầm máy đã run và việc đi lại bằng xe honda trên các nẻo đường tràn ngập xe cộ không an toàn...

Tại LHP Quốc tế lần 17, NSƯT Khương Mễ đã được tuyên dương và nhận huy chương Kỳ lân vàng. Ông được giới chuyên môn và bạn bè quốc tế vô cùng ngưỡng mộ, kính trọng gọi ông là “ông già điện ảnh” đến từ Việt Nam hay “Lumière của điện ảnh Việt Nam”.

NSUT Khuong Me: Ngoi sao sang cua dien anh cach mang Viet Nam

Chỉ khi bước sang tuổi 86, tay cầm máy đã run, NSƯT Khương Mễ mới chịu giã từ sự nghiệp

Dẫu vậy, Khương Mễ vẫn duy trì lối sống giản dị, khiêm tốn và không ngừng trăn trở về những hướng đi mới cho nền điện ảnh nước nhà. Có thể nói, đạo diễn, nhà quay phim, NSƯT Khương Mễ là tấm gương sáng về sự cống hiến hết mình cho nghệ thuật nói chung và điện ảnh Việt Nam nói riêng.

Không chỉ góp phần xây dựng và phát triển ngành sản xuất phim thời kỳ đầu, ông còn truyền lửa đam mê, sự nhiệt huyết cho các bạn trẻ yêu thích công việc điện ảnh. Và cho đến hôm nay, dẫu ông không còn nữa nhưng ngọn lửa ấy vẫn đang cháy mãi không nguôi cùng sự đi lên ngày một vững mạnh của điện ảnh Việt Nam. 

Quang Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI