Chuyên trị vai kép lão, nổi tiếng với vai diễn Tư Đồ (vở Phụng nghi đình) và là một trong những gương mặt được đặt nhiều kỳ vọng, những tưởng NSƯT Hữu Quốc sẽ đi rất xa. Nhưng rồi lại thấy anh “lòng vòng” ở các sân khấu kịch với những vai lão. Và rồi bất ngờ xuất hiện ở gameshow Tài tử tranh tài mùa đầu tiên bên cạnh diễn viên hài Thu Trang.
Thật khó hình dung sự kết hợp của một nghệ sĩ cải lương vốn chỉ giỏi diễn vai lão và một diễn viên hài trong khuôn khổ gameshow. Và rồi sự hoài nghi kia đã có câu trả lời: cặp đôi ông Năm - NSƯT Hữu Quốc, Út Mén - Thu Trang đã từng bước chinh phục công chúng sau mỗi đêm thi bằng chính sự sáng tạo không ngừng để mang cải lương gần hơn với công chúng, nhất là lớp trẻ.
Từ giải quán quân, cùng Thu Trang, NSƯT Hữu Quốc trở thành “đích ngắm” của một số nhà sản xuất gameshow truyền hình có yếu tố dân ca, cải lương. Anh cũng là tên tuổi thu hút thí sinh tham gia gameshow, vừa là cố vấn, hỗ trợ dàn dựng các tiết mục dự thi. Điều thú vị là các đội chơi, thí sinh được sự trợ giúp của hữu quốc đều có thành tích cao hoặc có những bước chuyển mình đáng kể so với chính họ trước đây.
Gameshow cầu nối trở lại với nghề
* Là một trong số những nghệ sĩ cải lương hiếm hoi bận rộn liên tục với các gameshow, xem ra anh rất có duyên với lĩnh vực mới này?
- Với tôi, mọi thứ đều là cơ duyên. Tôi luôn tin mọi ngả rẽ trên con đường mỉnh đi đều có tổ nghiệp dẫn đường. Trước giờ tôi vẫn xem gameshow là điều gì đó rất xa lạ, cho đến khi nhận lời hỗ trợ xây dựng các tiết mục dự thi cho Quốc Đại - Vân Trang trong gameshow Cặp đôi hoàn hảo. Lúc ấy tôi mới nhận ra nếu biết cách và hiểu tâm lý khán giả trẻ, cải lương vẫn đủ sức chinh phục họ.
Đừng nghĩ khán giả trẻ không mê cải lương. Họ có thể không đến rạp nhưng thử cùng các bạn đi karaoke xem. Bên cạnh những bài hit thời thượng, họ vẫn hát tân cổ giao duyên. Ở những buổi họp mặt, tiệc tùng… họ vẫn ca những bài vọng cổ quen thuộc hoặc một vài câu ca trong những tuồng cải lương kinh điển. Tôi xin nói lại một câu nói đã cũ nhưng rất thật: khán giả trẻ không quay lưng với cải lương. Vấn đề là làm sao thu hút khán giả khi họ đang có quá nhiều hình thức giải trí khác để lựa chọn.
* Đó có phải là lý do anh chọn dựng các tiết mục cải lương có bi, có hài, tiết tấu nhanh ở gameshow Tài tử tranh tài?
- Thực sự suốt thời gian đầu tôi rất lúng túng, áp lực. Làm sao để khán giả chấp nhận mà những người làm nghề, nhất là những nghệ sĩ tiền bối không quở phạt vì làm sai lệch cải lương. May nhờ có thời gian tham gia sân khấu kịch, tôi đã “sáng” ra rất nhiều điều về việc “bắt” được tiết tấu của sân khấu theo nhu cầu của khán giả trẻ cho đến việc xây dựng những nhân vật đa chiều và sâu sắc hơn.
|
Trích đoạn Nước mắt vương phi tiết mục dự thi “Tài tử tranh tài” |
Một may mắn khác là chúng tôi, tôi và Thu Trang kết hợp khá ăn ý. Cô ấy đủ thông minh, duyên dáng, hài hước để “lôi” tôi đi theo. Từ đó mới có được những tiết mục cải lương có tiết tấu nhanh, bi-hài đan xen, cân bằng giữa thị hiếu khán giả và những đánh giá của người trong nghề.
* Từ thành công của Quốc Đại - Vân Trang đến tiết mục xuất sắc của Bình Tinh trong đêm chung kết xếp hạng Sao nối ngôi, hay những đổi thay của Quách Phú Thành - quán quân của chương trình Siêu nhí tranh tài… anh đang được cho là “huấn luyện viên” rất mát tay, có thể “bẻ” thí sinh theo nhiều hướng khác nhau?
- Xin nói ngay là tôi không có khả năng đó. Tôi không quyết định được chuyện thành bại của thí sinh. Chính các tố chất, khả năng, sự nỗ lực… và cái tâm, tình yêu đối với sân khấu cải lương của từng bạn mà nên. Nếu có chăng, tôi chỉ có được một chút khả năng có thể nhìn thấy được điểm mạnh và điểm yếu để giúp các bạn phát huy tối đa lợi thế của mình.
|
NSƯT Hữu Quốc vai Chờ trong vở Chuyện tình lá diêu bông |
* Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay nghệ sĩ, diễn viên đang bị rơi vào vòng xoáy của cơn lốc gameshow và dễ dàng bị nhào nặn để đạt tiêu chí riêng của nhà sản xuất. Anh có nghĩ mình đang bị cuốn vào vòng xoáy đó?
- Bị cuốn hay không tùy thuộc vào cách mỗi người chọn “đối tác”. Khi đã tìm được những điểm chung trong quan điểm và cách thực hiện chương trình thì khả năng xảy ra “sự cố” giữa chừng sẽ có xác suất rất thấp.
* Sau thành công của một số tiết mục cải lương, tần suất của các tiết mục này cũng ngày một “dày” hơn, đồng thời những tiết mục bị phản ứng cũng ngày một nhiều hơn?
- Tôi quan niệm, khi làm nghề, nhất là làm nghệ thuật dân tộc không thể thiếu cái tâm. Trước mỗi sáng tạo mới, tôi đều đặt câu hỏi: “chi tiết này có thật sáng tạo không, có làm những bậc tiền bối, những người sống chết với cải lương cảm thấy tổn thương?”. Nếu có một mảy may nghi ngờ thì tốt nhất là nên nghĩ lại. Ranh giới này đôi lúc hết sức mong manh. Tôi nghĩ đôi khi người thực hiện cũng không biết mình đang làm sai. Do vậy, muốn làm cải lương, muốn đưa cải lương vào gameshow tốt nhất là nên thật sự am hiểu, không thì nên tìm một cố vấn thực sự uy tín.
“Tôi không thể chết dù bị đẩy ra giữa dòng ”
* Nhiều người rất ngạc nhiên khi xem những tiết mục do anh dàn dựng hoặc cố vấn, nhất là khi biết anh chưa hề học qua lớp đạo diễn nào?
- Từ khi mới vào nghề tôi đã có tính tò mò, hay thắc mắc và thích tìm hiểu. Coi các đạo diễn dựng vở, tôi hay tự đặt câu hỏi “vì sao lại như thế này mà không phải là thế kia” rồi mày mò tự lý giải. Tôi chơi rất thân với các anh hậu đài, những lúc anh em nói chuyện với nhau, tôi hay tò mò từ cách treo phông màn đến sắp đặt cảnh trí và học được một số nguyên tắc đáng kể. Trong lúc tập ca, tôi hay cắc cớ hỏi các anh nhạc công vì sao ca bài này phải vô bằng cây đờn này trước… Cơ bản là tôi hay tò mò nên hỏi han lung tung và nghĩ “không bổ bề ngang cũng tràn bề dọc”. Sẽ có ích cho mình khi tập luyện, biểu diễn nếu hiểu rõ những nguyên tắc cơ bản của sân khấu.
|
NSƯT Hữu Quốc vai Nguyễn Ánh trong vở Chất ngọc không tan |
* Quay lại chuyện cũ, đang “tung hoành” cả ở vị trí diễn viên lẫn đồng đạo diễn những vở của nhóm Thắp sáng niềm tin, nhưng không lâu sau ngày được trao tặng danh hiệu NSƯT, anh lại gần như vắng bóng?
- Sau một sự cố trong công việc, mọi thứ bỗng xoay 180 độ. Nói thiệt có lúc tôi tưởng như tất cả mọi cánh cửa cùng lúc đóng sầm trước mắt. Sau biến cố đó, không ai mời tôi tham gia biểu diễn nói gì đến dàn dựng. Tôi làm gì cũng bị soi, làm gì cũng sợ sai, đến mức tôi có cảm giác đang bị “truy cùng, diệt tận”. Một số đồng nghiệp thậm chí còn nhìn tôi như người xa lạ.
Tôi suy sụp, không hiểu nổi, nơi mình xem là gia đình, tại sao không một cánh tay nào đưa ra khi tôi đang chới với giữa dòng. Người duy nhất dám nắm tay tôi lúc ấy là đạo diễn Nguyên Đạt. Không có Nguyên Đạt, sẽ không có ba lần được tham gia liên hoan sân khấu, không có huy chương, và biết đâu không có tôi trong chuyến quay về với cải lương.
* Phải chăng những đợt mở quán cà phê hát với nhau, quán ăn… là lúc anh tính bỏ nghề?
- Dù được gia đình thương yêu, nhưng tôi không thể ăn bám khi đã trưởng thành. Càng không thể quay về trong bộ dạng của kẻ thất bại sau khi vừa chạm tay đến thành công đầu tiên trong cuộc đời làm nghề - danh hiệu NSƯT. Nhưng tôi cũng không thể chết.
Tôi loay hoay làm đủ mọi việc để kiếm sống từ viết kịch bản, dựng chương trình đến thầu bãi giữ xe, mở quán cơm, quán ăn… Tạ ơn cuộc mưu sinh đó, vì nó mà tôi đã đến với gameshow, để rồi những cánh cửa lại mở ra lần nữa cho tôi quay về ngôi nhà của mình, với đam mê của mình - sân khấu cải lương.
* Có người nhận xét anh là người có tài, đam mê nghề, nhưng khoảng lặng khá dài mà anh có là bởi sự nóng nảy và cái tôi quá lớn?
- Đúng là khi nghĩ lại thời tuổ i trẻ, tôi từng ân hận. Thời đó tôi bốc đồng, nóng tánh… nói chung là không làm chủ được cảm xúc của mình. Cái lớn nhất là không bao giờ nhận thấy cái sai của mình. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm, tôi đã trưởng thành hơn, biết mình phải mềm mỏng, nhẹ nhàng hơn. Khi có bất đồng quan điểm, tôi đã biết đặt mình vào vị trí của người kia để có thể hiểu được phần nào những gì họ đã làm và cùng nhau tìm hướng giải quyết tốt nhất.
* Sau cuộc thi Thử tài siêu nhí hình như anh đang ấp ủ kế hoạch xây dựng một nhóm đồng ấu?
- Đây lại là một cơ duyên khác. Tôi nhận lời làm huấn luyện viên đội dân ca-cải lương của gameshow Thử tài siêu nhí ngay trước giờ G và là quyết định hoàn toàn bất ngờ. Tôi cũng không ngờ mình sẽ gắn bó với các bé nhiều đến vậy. Tình yêu và những khát vọng của tôi đối với nghề hát chợt “trỗi dậy”, đầy ắp.
Các bé đội Dân ca - cải lương giờ hệt như gia đình của tôi, tôi nghĩ mình có thể gắn bó, sống chết với gia đình mới của mình. Trong một chương trình của các bé, tôi chợt nhìn thấy những giọt nước mắt của một khán giả đồng trang lứa với những diễn viên nhí trên sàn diễn. Từ lúc đó, tôi bắt đầu ấp ủ giấc mơ gầy dựng một thế hệ diễn viên và khán giả mới. Cũng không biết mình có thể đi đến đâu với ước mơ của mình, nhưng không ai đánh thuế ước mơ nên tôi cứ tiếp tục mơ…
* Cũng có ý kiến cho rằng anh đang lợi dụng tên tuổi của những diễn viên nhí?
- Ai da, giờ tôi không còn quá quan tâm đến điều tiếng, dư luận nữa. Điều tôi quan tâm là mình đã làm tốt phần việc của mình chưa? Có làm đúng với lương tâm của mình hay không? Thôi thì cứ để thời gian trả lời thay tôi đi vậy.
|
NSƯT Hữu Quốc vai Chờ trong vở Chuyện tình lá diêu bông |
* Câu trả lời đầu tiên là gia đình Quách Phú Thành đã tín nhiệm giao luôn cho ông Năm Hữu Quốc sắp xếp, tính toán để bé có thể đi xa hơn trong nghệ thuật?
- Quách Phú Thành là một trường hợp đặc biệt, nhưng một phần của sự đặc biệt đó là hoàn cảnh gia đình của bé. Thành vụt sáng ở Thử tài siêu nhí nhờ sự hồn nhiên, trong trẻo, giọng ca, diễn xuất và cả ngoại hình nhỏ nhắn, đáng yêu của em. Nhưng xin đừng gọi bé là thần đồng. Ở tuổi của bé, quan trọng nhất vẫn phải là chuyện học hành. Thời nay muốn giỏi nghề, ngoài năng khiếu bẩm sinh và sự nỗ lực phấn đấu còn cần phải có kiến thức nữa. Có đủ những điều đó, họ mới có thể phân tích nhân vật, kịch bản một cách thấu đáo để thể hiện tốt nhất nhân vật của mình.
* Xin cám ơn anh.
Thảo Vân (thực hiện)