LTS: Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, sau những vai diễn ông hoàng bà chúa áo xiêm lộng lẫy, những nhân vật đầy quyền uy, ma lực… người nghệ sĩ cũng có những số phận, nỗi niềm riêng. Đôi khi, số phận của người nghệ sĩ trong đời thực còn phong ba, thăng trầm gấp bội những nhân vật mà họ thể hiện. Thành công của người nghệ sĩ bao giờ cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, tình yêu và sự tận hiến cho nghệ thuật. Như con tằm rút ruột nhả tơ, có người may mắn thành công ngay từ những vai diễn đầu tiên, nhưng cũng có người đi gần nửa hành trình nghệ thuật mới nhận ra đâu là thế mạnh, khả năng thực sự của mình. Nhưng ở vị trí, vai trò nào, người nghệ sĩ cũng luôn có một ước mơ cháy bỏng: Được sống với sân khấu, với vai diễn đến hơi thở cuối cùng.
Phía sau hào quang còn biết bao câu chuyện chưa kể về cuộc đời, nỗ lực của người nghệ sĩ. Từ số báo này, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ “kể lại” những câu chuyện vui buồn, trăn trở, khát vọng của những người đã tận hiến đời mình, để mang lại niềm vui, nụ cười và cảm xúc đẹp cho công chúng.
Bài 1: Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân: “Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời…”
Bài 2: NSƯT Thoại Mỹ: Có vinh quang mấy cũng không quên thuở cơ hàn
Bài 3: Nghệ sĩ Nhứt Dũng: “Nhạc lễ khó mà vượt đại dương lần nữa”
Bài 4: NSƯT Ngọc Dung: Nghề rộng dài như sông như biển...
Bài 5: Họa sĩ thiết kế Lê Trường Tiếu: Tuổi xế chiều trôi đi cùng năm tháng
Bài 6: Nghệ sĩ xiếc Phi Vũ: Bội lần gian nan, bội phần vinh quang
Bài 7: NSƯT Trường Sơn: Đêm nằm chiêm bao, vẫn thấy mình được hát
Bài 8: Thời xa vắng của nghệ sĩ Thanh Hiệp
Bài 9: NSƯT Phượng Loan: Hạnh phúc khi mình “biết đủ”!
Bài 10: Nghệ sĩ Hồng Nga: Người mẹ trên sân khấu và đời thật
Bài 11: NSƯT Phượng Hằng và làn hơi “huyền thoại”
Bài 12: Ngọc Hương, ái nữ gánh xiếc lẫy lừng Sài Gòn một thuở: Không bao giờ hối hận dù mẹ “vẽ” cuộc đời
Bài 13: NSND Thanh Vy: Nàng Xê Đa trẻ mãi
Bài 14: NSND Thanh Hải: Đời thầy đờn như khúc nhạc nỉ non
Bài 15: Nghệ sĩ Công Minh: Người thờ hai Tổ
Bài 16: NSƯT Ngọc Nga: Rưng rưng nhớ tuổi vàng son với nghề…
Bài 17: NSƯT Hùng Minh: Đời cầm ca là những khúc quanh
Bài 18: Nghệ sĩ Mai Thanh Dung: Hạnh phúc và những bước ngoặt của đời này là số phận…
Bài 19: NSƯT Ngọc Khanh: Có con nước nào chảy ngược dòng sông
Bài 20: Nghệ sĩ Bạch Long: Nước mắt phía sau nụ cười...
Bài 21: NSƯT Thanh Nguyệt: Đời như một ánh trăng trong
Bài 22: NSƯT Thanh Điền: “Tôi mang ơn nghề mãi mãi”
|
NSƯT Hữu Danh là thế hệ thứ ba trong đại gia đình gắn bó với nghệ thuật hát bội. Sau nhiều năm thăng trầm trong nghề, giờ đây, NSƯT Hữu Danh đã có thể thong dong ở từng chặng nhỏ của cuộc đời. Nếu không có dịch bệnh, ông vẫn miệt mài với các suất diễn định kỳ, các chuyến về trường để nói chuyện cùng học trò, kể cho họ nghe về bộ môn nghệ thuật mà cả đời ông đam mê, trăn trở.
Mong muốn của cha, lựa chọn của con
NSƯT Hữu Danh nhớ lại những năm đầu vào nghề hát bội. Dù cha ông là cố nghệ sĩ Hữu Thoại (1911 - 1976) - một trong những tượng đài của hát bội thuở trước - nhưng vì không muốn con trai nối nghiệp nên không có bài học làm nghề nào được truyền nối từ cha. Lý do là cố nghệ sĩ Hữu Thoại sớm biết nghề hát này bạc, con cái theo nghề dù có cha đỡ đầu thì cuộc đời vẫn dễ đối mặt với nhiều khó khăn. Điều này, chính nghệ sĩ Hữu Thoại đã trải qua, vì cha ông - ông bầu Huê (Cần Thơ) - cũng từng vang danh ở đất Nam kỳ với tài hát bội.
Cha không cho học nhưng khi ông qua đời, như có một điều gì đó thúc giục từ sâu bên trong, NSƯT Hữu Danh vẫn cứ muốn theo nghề hát bội. Lúc bấy giờ, bạn thân của cha - cố NSND Thành Tôn - thấy được niềm yêu thích của chàng trai trẻ nên giới thiệu để Hữu Danh được theo đuổi đam mê.
|
NSƯT Hữu Danh |
“Tôi muốn đi học, một phần vì đam mê, nhưng phần khác là vì hoàn cảnh gia đình khi đó quá khó khăn, nếu tôi và hai anh em Hữu Nhi, Kim Nên đi học rồi đói no tự chịu, thì nhà sẽ bớt được ba miệng ăn. Cứ thế, ba anh em rời nhà đi học, theo nghiệp hát bội của gia đình”, NSƯT Hữu Danh kể lại. Sau khi hoàn thành việc học, nghệ sĩ Hữu Danh học thêm khóa đạo diễn để thông thạo nhiều công việc, bản thân cũng đắc dụng, thoải mái sáng tạo hơn.
NSƯT Hữu Danh nói khi bắt đầu làm nghề, ông mới thật sự hiểu quyết định của ba mình ngày trước, khi ông nhất quyết không cho con theo hát bội. Cuộc sống rày đây mai đó chưa phải là điều khó khăn nhất, mà với nghệ thuật hát bội, đâu chỉ cần có đam mê là gắn bó được, phải có kinh tế vững thì người nghệ sĩ mới toàn tâm toàn ý cống hiến cho nghề. Dẫu vậy, với NSƯT Hữu Danh, ông không hối hận khi theo nghiệp gia đình. Vì chính ra, những năm tháng còn trẻ, còn nhiều năng lượng nhất, hay đến tận bây giờ, thì công việc vẫn luôn cho ông nhiều trải nghiệm quý giá. Có lúc tủi nghề, thì cũng có khi vui sướng, thăng hoa vì được nhận tràng vỗ tay tán thưởng từ khán giả.
“Những năm 1981 - 1982 khi hát bội vào thời hoàng kim, chúng tôi diễn miệt mài từ ngày này qua tháng nọ, có khi chỉ mong trời mưa lớn để được nghỉ ngơi. Nhiều lần, các anh em trong gánh hát đặt chỉ tiêu phải đủ 100 người mới hát chứ 99 người cũng nghỉ. Những lần như vậy, anh em trong đoàn không ai họa mặt trước, cứ đếm chừng 98, 99 rồi 100 khán giả mới ù chạy đi hóa trang để chuẩn bị lên sân khấu”, NSƯT Hữu Danh kể.
Ông nhớ có những lần gánh hát xuống miền Tây, dựng sân khấu ở ruộng. Mỗi khi hát xong, anh em diễn viên chui tọt vô mùng ngồi để muỗi khỏi bu. Khán giả đứng xem lúc đó thì cầm đuốc. Hình ảnh những đốm lửa chớp nháy trong đêm, lập lòe di chuyển theo từng dòng người trên các bờ ruộng, nhìn vừa đẹp, vừa xúc động.
“Những chuyện ngày cũ có kể mãi cũng không hết. Anh em gánh hát ngày đó đi hát khổ sở đủ đường, nhưng vui thì chắc cũng không ai vui bằng. Đó là những năm tháng đáng sống của người nghệ sĩ, vì họ vừa được khán giả yêu thương, vừa được cống hiến hết mình cho nghề nghiệp”, nam nghệ sĩ chia sẻ.
Sợ những “đứt gãy” theo thời gian
Trong một lần được theo chân NSƯT Hữu Danh đến sự kiện hát bội dành cho những khán giả trẻ tuổi, chúng tôi thấy ông rất vui vì được chia sẻ nghề nghiệp với thế hệ trẻ - những người chưa được tiếp xúc hay chưa dành sự quan tâm đúng mực cho nghệ thuật truyền thống. Trên sân khấu, NSƯT Hữu Danh nói về cách vẽ mặt đại diện cho những dạng người khác nhau, như người chính trực, kẻ gian ác, người yểu mệnh… Về tiếng rên “ư ử ừ ứ” ngân rung từ cổ của diễn viên hát bội, theo ông, đó là thanh âm đặc trưng như tiếng lòng của con người, muốn giãi bày mọi hỷ - nộ - ái - ố trong cuộc đời này. Ông nói thêm về phấn son thời xưa phải “chế tác” làm sao để người diễn viên hát chảy nước mắt mà không trôi, đổ mồ hôi mà không rát mắt.
|
NSƯT Hữu Danh (trái) trong vở Thần nữ dâng ngũ linh kỳ (ảnh tư liệu của NSND Đinh Bằng Phi)
|
|
Cách chia sẻ chân tình, nhiều thông tin, pha trộn tiếng cười của NSƯT Hữu Danh nhận được sự ủng hộ của khán giả trẻ. “Khi chưa có dịch, chúng tôi tổ chức nhiều chương trình về trường để giúp các em học sinh hiểu hơn về nghệ thuật truyền thống, cụ thể ở đây là hát bội.
Nói đến đâu, tôi dẫn chứng đến đó, để các em hiểu được một số khái niệm. Tại những buổi về trường, hay các sự kiện văn hóa được mời tham gia, tôi có nói về khó khăn mà hát bội đang đối mặt để mọi người hiểu. Và nếu thương, đam mê, cảm thấy có sự kết nối, thì chính những người trẻ sẽ giúp sức để nghệ thuật truyền thống đi xa hơn”, NSƯT Hữu Danh chia sẻ.
Nhiều năm qua, NSƯT Hữu Danh luôn đau đáu với chuyện mai sau, khi lớp nghệ sĩ thời của ông về hưu, thì khó tìm được thế hệ tiếp nối. Nam nghệ sĩ nhẩm tính khoảng mười năm nữa, nếu không tìm được những người trẻ yêu và gắn bó với hát bội, thì tại TP.HCM, loại hình này sẽ gặp nhiều khó khăn, có thể tạo ra những đứt gãy trong văn hóa truyền thống.
Nhắc hoài một chuyện vẫn chỉ thấy những quẩn quanh, tồn đọng chưa có cách giải quyết thỏa đáng, hiệu quả, NSƯT Hữu Danh khá buồn. Ông nói trong những cuộc họp, những diễn đàn bàn cách để gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống, các đơn vị nhà nước cũng có chính sách và mong muốn cùng nghệ sĩ làm nghề lâu nay tìm ra giải pháp, nhưng câu trả lời chung vẫn là... khó.
|
NSƯT Hữu Danh trong một buổi chia sẻ về nghệ thuật hát bội với sinh viên trường đại học |
“Khi diễn ở các trường học, hỏi các em có thích và muốn tìm hiểu thêm về nghệ thuật hát bội hay không, thì các em giơ tay rất nhiều. Nhưng hỏi có ai muốn trở thành diễn viên hát bội hay không, thì những cánh tay chỉ còn lác đác. Là phụ huynh của hai bạn trẻ chỉ xem cha diễn hai lần, tôi hiểu rằng khoảng cách thế hệ, cách tiếp cận văn hóa của các em rất khác, chưa kể có vô số chương trình, loại hình nghệ thuật hấp dẫn hơn. Tôi chỉ còn một mùa tết nữa là về hưu, sợ rằng không nhanh và quyết liệt hơn thì không kịp”, NSƯT Hữu Danh trăn trở.
Mỗi năm, theo lịch diễn phục vụ cộng đồng và một số hoạt động hợp tác, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM - nơi NSƯT Hữu Danh công tác - diễn từ 120 - 140 suất, có năm đỉnh điểm, diễn tăng cường đến 180 suất. Do đó, nếu ai đó nói nghệ thuật hát bội “chết” cũng không đúng, vì các hoạt động trình diễn vẫn được duy trì thường xuyên. Tuy nhiên, việc làm sao để hát bội “sống”, và “sống” một cách mạnh mẽ, rực rỡ, là vấn đề không đơn giản.
Theo NSƯT Hữu Danh, nghệ thuật hát bội mai một ở thời hiện đại cũng đúng theo quy luật chung. Dù có yêu thương nhiều đến mức nào, cũng cần thực tế nhìn nhận để có những thay đổi, biến chuyển phù hợp. Đơn cử như chuyện sáng tác kịch bản, NSƯT Hữu Danh cho biết hát bội là văn chương bác học, thể văn biền ngẫu đòi hỏi phải đúng luật bằng - trắc, đối câu, đối chữ. Nhưng hiện tại, nhiều tác giả trẻ viết theo thể văn xuôi, không phải văn vần như quy định.
Nếu ngày trước, NSƯT Hữu Danh sẽ khó khăn hoặc không đồng tình, nhưng với tôn chỉ hoạt động mới - “Hát bội dễ hiểu, dễ nghe”, ông nhận định cũng cần dung hòa giữa truyền thống và hiện đại để khán giả cảm được những gì họ đang nghe. Đó là một trong nhiều thay đổi nhỏ của hát bội, để đưa loại hình nghệ thuật này đến gần hơn với khán giả đương thời.
Diễm Mi