Tên tướng cướp vồ lấy con thú đồng bọn đang nướng trên lửa đỏ, giật tay thật mạnh, xé toạc một cái đùi, đưa lên miệng nhai ngấu nghiến. Thấy một tên thuộc hạ trân trân đứng ngó, hắn nhét luôn cái đùi đang ăn dở vào miệng thuộc hạ rồi bật cười, giọng khoái trá, man rợ…
Từ rất lâu, NSƯT Hùng Minh đã nổi tiếng với hàng loạt vai kép độc: Mã Tắc, Tô Định, Hoa Lộc, Nguyễn Thế Nam… Nhìn ông thể hiện cái ác trong từng động tác, nét mặt hay chỉ là sự im lặng... người xem ít ai ngờ ông từng là kép chánh nổi tiếng của các đoàn: Hữu Tâm, Song Kiều - Thuý Nga, Thanh Hương… Và sẽ càng bất ngờ hơn nếu biết Bé (tên lúc nhỏ ở các gánh hát của NSƯT Hùng Minh) từng một câu ca bẻ đôi cũng không rành.
|
NSƯT Hùng Minh thời trẻ |
Tuổi thơ lưu lạc
14 tuổi, Bé (tên thật là Nguyễn Ngọc Minh) đi theo đoàn hát với lý do duy nhất: ở đó, mình sẽ được người ta nuôi cơm, cho mẹ đỡ cực. Không hề biết ca hát, cũng chẳng có chút khái niệm gì về cải lương, Bé được nhận vào gánh hát để làm mọi chuyện lặt vặt - từ khiêng cảnh, xếp ghế, phụ bếp… đến chân chạy vặt cho đào kép trong đoàn.
Nhưng yên bình chỉ được vài tháng, gánh hát rã, Bé lại quay về Sài Gòn, ngày lang thang khắp nơi xin theo các đoàn hát, tối lại về ngủ ở đình Tân An (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q,1), trụ sở cũ của gánh hát.
Xin làm quân lính cũng không được nhận, vậy mà có lần được nhận vô gánh hát để hát kép con, Bé sợ tới mức khi ông bầu bận chuẩn bị cho xuất hát tối đó, Bé lén bỏ trốn khỏi đoàn. Ông nhắc lại kỷ niệm từng làm ông đứng ngồi không yên bằng giọng hóm hỉnh: "Đi khắp các đoàn hát, bốn đứa cùng xin vô làm quân thì ba đứa được nhận, trừ tôi".
"Thương tôi một mình lang thang, một anh lớn trong đoàn dắt tôi tới gánh Phát Thanh ở Lái Thiêu và “mạo nhận” tôi từng hát kép con để ông bầu nhận luôn hai đứa. Ngó bộ dạng tôi khi đó sáng sủa, nghe biết hát kép con, ông bầu Ba Tẹt nhận liền, lại còn cho ngồi ăn cùng mâm. Mấy tháng lang thang, lượm mót từng mẩu bánh mì, bánh bao thừa ở quán ăn gần đình Tân An, được ăn hai bữa ngon tôi tưởng như mình đang mơ" - ông kể.
|
Mã Tắc - vai diễn định danh kép độc Hùng Minh |
"Nhưng rồi nỗi sợ hãi mạnh hơn cái bao tử lúc nào cũng cồn cào đói, vì tôi không hề biết ca. Vậy là bỏ trốn. May nhờ có hai bữa no mà tôi đủ sức đi bộ từ Lái Thiêu về lại đình Tân An" - NSƯT Hùng Minh kể tiếp.
Cuộc trốn chạy của Bé lập lại lần thứ hai cũng chỉ vì… được ra sân khấu. Bé được nghệ sĩ Nam Sơn, gánh Bầu Tập, nhận đỡ đầu, đặt nghệ danh là Hoàng Bé và tập tành cho ra sân khấu. Lần ra sân khấu làm quân báo, chỉ có một câu, nhưng Bé lẩm nhẩm cả ngày, vậy mà ra sân khấu vẫn còn lắp bắp.
Một lần khác, nghệ sĩ hát chung hỏi thêm câu thoại ngoài tuồng, Bé ú ớ, ngó lom lom và đổ quạu trả lời tỉnh bơ trên sân khấu: “Ai mà biết”. Nói xong Bé đi thẳng một mạch vô cánh gà. Sự cố đó trở thành chuyện cười của gánh, bị bạn bè trong gánh trêu chọc, một lần nữa, Bé lại bỏ gánh.
Lần giở những hồi ức xưa, dẫu ở đó có rất nhiều kỷ niệm buồn, giọng NSƯT Hùng Minh vẫn ấm áp, hạnh phúc khi nhắc mối “nhân duyên” đã gắn kết cuộc đời ông với nghề hát - công việc đã thay đổi cuộc đời của cậu bé lang thang và mang lại cho ông những vinh quang mà không phải bất kỳ ai theo nghề cũng có được.
|
NSƯT Hùng Minh "lấn sân" kịch nói ở sân khấu Hồng Vân |
Huy chương vàng giải Thanh Tâm
Bé thôi lận đận từ khi được nhận vào gánh Tiếng Chuông, vì ở đây, việc chính của Bé là chân chạy vặt và hậu đài dọn cảnh. Nhưng ngộ một điều, khi bắt đầu yên phận, không còn phải nơm nớp lo bị đói, lo lang thang không nhà thì Bé bắt đầu thích ca.
Nhiều đêm, khi tan xuất hát, Bé phải đi qua mấy cánh đồng để mua rượu cho các chú. Kiên nhẫn ngồi chờ mấy chú uống hết rượu, ngà ngà say, mấy chú mới chịu đánh đờn cho Bé ca. Nhưng lần nào cũng vậy, Bé chưa kịp ca hết câu, các chú đã buông đàn quở trách: “Cái thằng, bài bản, nhịp nhàng không biết gì ráo mà cứ đòi người ta đờn cho ca”.
“Tủi thân rớt nước mắt, mà nghĩ cũng đúng thiệt, có biết ca câu nào đâu mà đòi dợt đàn. Nhiều đêm, tôi nằm tự vấn, không biết mình có thích, có mê nghề hát. Miên man suy nghĩ, tôi nhận ra mình thực sự yêu thích công việc ở đoàn hát, mê tiếng đờn, mê ánh đèn, mê không khí của các đêm diễn. Khi đã xác định mình yêu tất cả những gì thuộc về cải lương và muốn đi theo gánh hát suốt đời thì phải làm được điều gì khác, chứ không thể chỉ là chân chạy vặt, dọn cảnh” - ông nhớ lại.
Từ suy nghĩ đó, Bé bắt đầu chú ý đến bài ca của các nghệ sĩ và lẩm nhẩm ca theo. Mỗi lần gánh hát đóng gần chợ, Bé tìm mua những tờ bài ca về tập ca thêm. Việc nhờ vả các nhạc công dợt đàn cũng dễ hơn. Bé thôi bị các chú, các anh quạu, trái lại đã được chỉ dạy kỹ hơn về nhịp nhàng hoặc những gợi ý để lấy hơi, phát âm…
“Tôi không nhớ mình thực sự yêu nghề hát, mê được ra sân khấu từ khi nào. Chỉ nhớ, không biết bao nhiêu lần tôi bị nghệ sĩ Trường Xuân gõ đầu vì đứng trong cánh gà nhưng cứ lớn tiếng ca diễn ào ào theo nghệ sĩ ngoài sân khấu. Nhiều lần quá “phấn khích” tôi khua tay, múa chân, ra bộ… tưởng như mình đang diễn tuồng thiệt. Bị la, hết hồn đó, nhưng quên cũng liền sau đó. Niềm vui suốt nhiều năm của tôi ở đoàn Tiếng Chuông là lúc được núp sau cánh gà, ca diễn theo nghệ sĩ” - nghệ sĩ Hùng Minh bùi ngùi.
|
Ở tuổi 80, NSƯT HÙng Minh vẫn không thôi khát khao được ca diễn, được đứng dưới ánh đèn sân khấu |
Trong câu chuyện, nhiều lần NSƯT Hùng Minh nói mình may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác, dù họ có tài hơn ông. 17 tuổi, Bé lại được đưa ra sân khấu đóng kép lão, thay một nghệ sĩ chuyên đóng vai kép lão vừa đột ngột rời gánh.
Những lần ca diễn, múa may trong cánh gà đã giúp Bé đủ can đảm để đối mặt với thử thách. Kể từ đó, đoàn Tiếng Chuông có thêm một anh kép lão với nghệ danh Hùng Minh.
“Lần lượt thay hết các vai lão của nghệ sĩ trước đó, tôi nhận thức rõ ràng hơn bao giờ hết, rằng để được đứng trên sân khấu, để được đồng nghiệp và khán giả chấp nhận, người nghệ sĩ không được phép ngơi nghỉ chuyện luyện nghề. Chỉ mấy vai lão đóng thế, tôi đã được thầy tuồng và bầu gánh yêu cầu không lão nào được giống lão nào. Không phải cứ giọng trầm xuống, dáng đi lom khom, chậm chạp là thành lão.
Lão nhà giàu ở thành thị không thể giống lão nhà giàu ở nông thôn. Rồi thì có lão xởi lởi, vui tính; có lão lại cay nghiệt, nhỏ nhen… Với một diễn viên chỉ biết ca diễn theo bản năng như tôi, từ khi quyết định chọn nghề hát, tôi đã xác định phải tự học nghề, rèn nghề, để đừng bao giờ bị đạo diễn lắc đầu khi thấy mình lơ ngơ bước ra sàn tập” - NSƯT Hùng Minh chia sẻ.
Duyên may bất ngờ khi kép Hùng Minh được soạn giả Kiên Giang giao đóng vai kép chánh Kiều Mộng Long trong vở Người vợ không bao giờ cưới. Khi ông bầu Khuê, gánh Hữu Tâm, đi tìm kép chánh, đã đến Tiếng Chuông, coi đúng tuồng cải lương duy nhất Hùng Minh được đóng kép chánh. Kiều Mộng Long của kép Hùng Minh lúc đó đã thuyết phục bầu Khuê ký bản giao kèo trị giá 40 ngàn đồng (năm 1958) để đưa Hùng Minh về gánh Hữu Tâm.
|
Tổng đốc Đại Phong - vai diễn mới nhất của NSƯT Hùng Minh (vở Thầy Ba Đợi) |
Tên tuổi kép chánh Hùng Minh bắt đầu được khán giả biết đến ở nhiều tuồng cải lương trên sân khấu gánh Hữu Tâm: Ngã ba đường hạnh phúc, Tiếng thét giữa điện vàng, Nắm cơm chan máu, Lòng người mặt thú, Gió hú đồi ma, Phương Dung ca kỹ… Bất ngờ hơn, từ cậu thiếu niên bị bạn bè chọc quê vì ra sân khấu báo một câu cũng trật và không có khái niệm gì về ca diễn cải lương, tên tuổi của kép chánh Hùng Minh đã được xướng lên trong bảng vàng giải Thanh Tâm năm 1959. Khi đó, kép Hùng Minh chưa đầy 20 tuổi.
Kép độc - ngả rẽ đầy may mắn
Điều rất đặc biệt ở NSƯT Hùng Minh: dù đang là kép chánh được nhiều bầu gánh “dòm ngó” để bắt về, hay được khán giả, dư luận báo chí đánh giá cao về một vai diễn, ông vẫn cứ thẳng thắng nhìn nhận những nhược điểm của mình trong từng thời điểm. Khi là kép chánh, ông không tự huyễn hoặc rằng mình là người có tài năng mà xác định rõ ràng lợi thế lớn nhất của ông khi đó chỉ là ngoại hình sáng sủa.
Ông biết mình không có giọng ca làm mê đắm người nghe nên luôn tự nhắc mình phải học diễn cho giỏi và luôn luôn kết hợp nhuần nhuyễn giữa ca - diễn, để mỗi khi xuất hiện trên sân khấu, khán giả sẽ tin ông là nhân vật đang thể hiện chứ không phải là anh kép Hùng Minh đang diễn.
Mới đây, khi đảm nhận lại vai diễn Mã Đô Úy (vở Tiếng trống Mê Linh) - một trong những vai kép độc đã gắn liền với tên tuổi NSƯT Hùng Minh trên sân khấu đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga, dù vẫn nhận được rất nhiều lời khen, ông nói: “Lửa nghề trong tôi vẫn hệt như cách đây mấy chục năm trước, những trải nghiệm của cuộc sống, tuổi tác có thể giúp mình thể hiện lại một vai diễn cũ đầy đặn hơn, chi tiết hơn. Nhưng tôi biết, cũng chính tuổi tác, thời gian đã làm tôi chậm chạp hơn, khiến đôi khi làm chậm tiết tấu”.
|
NSƯT Hùng Minh là tấm gương mẫu mực của các diễn viên trẻ, cả về lòng đam mê và thái độ làm nghề nghiêm túc |
Ông vẫn vậy - vẫn luôn khắt khe với chính mình và luôn nỗ lực để thích nghi với tất cả những môi trường làm việc khác nhau. Khi gánh hát Thanh Hương - Hùng Minh tan rã, về cộng tác với đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, nghệ sĩ Hùng Minh chưa bao giờ nề hà chuyện mình từng là kép chánh, giờ phải đóng cả kép hài hay kép độc. Trái lại, ông lại nỗ lực để tạo dựng một hình ảnh khác cho nghệ danh Hùng Minh.
Bắt đầu từ Mã Đô Úy - tên tướng giặc hữu dũng, vô mưu, NSƯT Hùng Minh tiếp tục trở thành tay trùm tư bản Nguyễn Thế Nam (vở Bóng tối và ánh sáng). Khác với Mã Tắc chỉ biết gầm gào, thị uy, Trần Thế Nam điềm đạm, đạo đức nhưng tận cùng trong tâm hồn, suy nghĩ lại là những thủ đoạn đen tối, thâm độc. Sau Mã Tắc, gần như các đạo diễn “quên” anh kép đẹp Hùng Minh mà luôn chọn ông để phân vai kép độc. Ở Sài Gòn, nghệ sĩ Hùng Minh đã thành danh trong một diện mạo khác biệt: kép độc Hùng Minh.
Khi sân khấu cải lương ít sáng đèn, NSƯT Hùng Minh không ngần ngại thử sức với sân khấu kịch nói ở sân khấu kịch Hồng Vân. “Đá lộn sân”, nhưng ông luôn là tấm gương mẫu mực về tài năng lẫn thái độ làm nghề cho các diễn viên trẻ. Cũng vì luôn nghiêm túc, chỉn chu với từng vai diễn, NSƯT Hùng Minh vẫn là lựa chọn hàng đầu của các đoàn làm phim khi tìm diễn viên lớn tuổi cho phìm truyền hình.
|
NSƯT Hùng Minh và vợ |
Ở tuổi 80, mắc một số bệnh mãn tính của tuổi già, nhưng cứ nói đến nghề, đến những vai diễn, NSƯT Hùng Minh như trẻ lại đến vài chục tuổi. Đam mê hiển hiện trong từng ánh mắt, nụ cười, bởi như ông nói: “Con đường trở thành nghệ sĩ là lối rẽ nằm ngoài dự tính, nhưng khi đã gắn với sàn diễn, với ánh đèn thì sân khấu trở thành cuộc sống, hơi thở của tôi. Còn được khóc cười với số phận của nhân vật, tôi vẫn thấy mình hạnh phúc”.
Thảo Vân