LTS: Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, sau những vai diễn ông hoàng bà chúa áo xiêm lộng lẫy, những nhân vật đầy quyền uy, ma lực… người nghệ sĩ cũng có những số phận, nỗi niềm riêng. Đôi khi, số phận của người nghệ sĩ trong đời thực còn phong ba, thăng trầm gấp bội những nhân vật mà họ thể hiện. Thành công của người nghệ sĩ bao giờ cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, tình yêu và sự tận hiến cho nghệ thuật. Như con tằm rút ruột nhả tơ, có người may mắn thành công ngay từ những vai diễn đầu tiên, nhưng cũng có người đi gần nửa hành trình nghệ thuật mới nhận ra đâu là thế mạnh, khả năng thực sự của mình. Nhưng ở vị trí, vai trò nào, người nghệ sĩ cũng luôn có một ước mơ cháy bỏng: Được sống với sân khấu, với vai diễn đến hơi thở cuối cùng.
Phía sau hào quang còn biết bao câu chuyện chưa kể về cuộc đời, nỗ lực của người nghệ sĩ. Từ số báo này, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ “kể lại” những câu chuyện vui buồn, trăn trở, khát vọng của những người đã tận hiến đời mình, để mang lại niềm vui, nụ cười và cảm xúc đẹp cho công chúng.
Bài 1: Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân: “Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời…”
Bài 2: NSƯT Thoại Mỹ: Có vinh quang mấy cũng không quên thuở cơ hàn
Bài 3: Nghệ sĩ Nhứt Dũng: “Nhạc lễ khó mà vượt đại dương lần nữa”
Bài 4: NSƯT Ngọc Dung: Nghề rộng dài như sông như biển...
Bài 5: Họa sĩ thiết kế Lê Trường Tiếu: Tuổi xế chiều trôi đi cùng năm tháng
Bài 6: Nghệ sĩ xiếc Phi Vũ: Bội lần gian nan, bội phần vinh quang
Bài 7: NSƯT Trường Sơn: Đêm nằm chiêm bao, vẫn thấy mình được hát
Bài 8: Thời xa vắng của nghệ sĩ Thanh Hiệp
Bài 9: NSƯT Phượng Loan: Hạnh phúc khi mình “biết đủ”!
Bài 10: Nghệ sĩ Hồng Nga: Người mẹ trên sân khấu và đời thật
Bài 11: NSƯT Phượng Hằng và làn hơi “huyền thoại”
Bài 12: Ngọc Hương, ái nữ gánh xiếc lẫy lừng Sài Gòn một thuở: Không bao giờ hối hận dù mẹ “vẽ” cuộc đời
Bài 13: NSND Thanh Vy: Nàng Xê Đa trẻ mãi
Bài 14: NSND Thanh Hải: Đời thầy đờn như khúc nhạc nỉ non
Bài 15: Nghệ sĩ Công Minh: Người thờ hai Tổ
Bài 16: NSƯT Ngọc Nga: Rưng rưng nhớ tuổi vàng son với nghề…
|
Những khúc quanh nghiệt ngã
Cái tên Hùng Minh bắt đầu rực sáng trên bầu trời cải lương vào cuối thập niên 1950. Đêm nhận giải Thanh Tâm năm 1959 với vai Hoa Lộc Trung trong Nó là con tôi, ông rơi nước mắt vì không tin đó là sự thật. Khán giả thời đó hầu như không ai không thích vai này.
Giải thưởng đưa sự nghiệp của ông bước sang trang mới, trở thành kép chính được săn đón hàng đầu. Trước đó Hùng Minh cũng đã lọt vào mắt xanh của nhiều bầu gánh. Ngay khi còn hoạt động ở đoàn Hữu Tâm, ông đã được đoàn Song Kiều Thúy Nga mời về với giao kèo một năm lãnh 160.000 đồng - con số khá lớn thời bấy giờ, mua được cả xe hơi.
Đoàn Thanh Hương - Văn Chung cũng tranh giành ông với mức giao kèo 300.000 đồng. Về đây, ông đóng chính trong loạt vở tuồng ăn khách như: Dưới giàn hoa thiên lý, Sở Bá Vương Hạng Võ… Suất diễn nào cũng đông nghẹt khán giả.
|
Nghệ sĩ Hùng Minh và nghệ sĩ Phượng Loan trong vở Bóng tối và ánh sáng |
Không có vinh quang nào không có nước mắt. Với nghệ sĩ Hùng Minh, đây là cú lội ngược dòng ngoạn mục, bởi ông từng có thời “câu hát bẻ đôi” cũng không biết. Ông nhớ lại cậu bé Minh năm 10 tuổi, rời quê lên Sài Gòn kiếm sống, sáng mang đá ra chợ cho mẹ ướp cá, xong lại lén bà đi tìm kế sinh nhai, nhưng không việc nào thành. Ngày cuối đoàn Thái Bình diễn ở rạp Đại Thế Giới, cậu lấy hết can đảm xin ông bầu được đi theo, nhưng không phải vì mê, mà cốt chỉ để tìm cái ăn, giúp mẹ đỡ gánh nặng trong cảnh thiếu thốn bần cùng. Hơn một tháng sau, đoàn tan rã, về nằm tại đình Tân An (khu Đa Kao hiện tại). Mỗi ngày, ông phải đi mót vỏ bánh bao, bánh mì để no bụng. “Tôi không dám về nhà, vì ngày đi má bảo nếu đi đừng về”, ông nhớ lại.
Đói quá, ông và một số anh em trong đoàn tìm đến đoàn Ánh Sáng ở Gò Vấp xin việc. Năm người đi, chỉ ông bị loại, lủi thủi ra về. Con đường vắng vẻ với tiếng ếch nhái kêu inh ỏi lấn át tiếng khóc của chàng trai 14 tuổi. Ông được ông bầu Ba Tẹt nhận vào đoàn, với lời hứa hẹn về những vai diễn, nhưng ông lại trốn vì sợ, bởi đâu biết hát.
Ông tìm đến gánh khác, gặp soạn giả Nam Sơn, được vợ chồng ông nhận làm con nuôi, thương như con ruột. Ông được giao vai quân sĩ, rồi đến những vai có thoại. Lần diễn vở Thu hồ diệp lạc, ông tập thuộc lòng, nhưng khi bước lên sân khấu, ông quên sạch, thậm chí còn ca một đường, đờn đi một nẻo. Thấy bản thân trở thành gánh nặng, ông rời đoàn.
Ông nhận ra rằng nếu muốn cuộc đời khác đi, không thể chỉ mãi làm việc vặt hoặc trốn chạy như trước. Về đoàn Đuốc Việt (sau là đoàn Tiếng Chuông), nhiều đêm khi vãn hát, ông chạy mua rượu cho thầy đờn với mong ước được tập ca. Quãng đường tối mịt, lại phải băng ngang nghĩa địa, nhưng nghĩ đến viễn cảnh được hát thì mọi thứ lo lắng tan biến. Lúc nào ông cũng bị quở trách: “Bài bản, nhịp phách chẳng biết gì ráo trọi mà đòi ca”. Mỗi lần gánh hát đóng gần chợ, ông tìm mua bài ca về tập thêm.
Đêm nào, khi đứng ở cánh gà chờ ra sân khấu, ông cũng đều lẩm nhẩm theo đào kép chính, có khi hát to quá nên bị mắng. Có hôm, ông bị nghệ sĩ Trường Xuân vào ký đầu bảo: “Mày ra hát luôn đi”. Dần dà ông bắt nhịp được với đờn, hát ngọt hơn. “Tài năng, sự khổ luyện quan trọng, nhưng vẫn cần một chút may mắn mới nên chuyện”, ông nói.
Lần nọ, đoàn đi hát ở Tam Kỳ, nghệ sĩ chuyên đóng vai lão ở lại theo lời chiêu mộ của ông chủ hội chợ. Chủ đoàn hát chỉ định ông thay thế. Ông dùng dằng vì không thích, nhưng cuối cùng vẫn nhận lời. Vì nếu không, gánh hát buộc phải dừng, và nhiều người sẽ đói.
|
Chân dung nghệ sĩ Hùng Minh thời trẻ |
Nhờ những lần đứng hát thầm trong cánh gà, ông thuộc hết những vai này. Đêm đầu tiên, ông đóng vai quan triều đình trong tuồng Ngai vàng hay ghế gỗ, khán giả vỗ tay rần rần. Đứa trẻ ngỡ chẳng có tương lai chính thức trở thành nghệ sĩ. Nghệ danh Hoàng Bé của ông được nghệ sĩ Trường Xuân đổi thành Hùng Minh. Lần nọ, kép chính mệt mỏi, nhường lại một đêm diễn, trùng với dịp ông bầu đoàn Hữu Tâm ở Sài Gòn tìm về các đoàn tỉnh để chiêu mộ nghệ sĩ. Hùng Minh được chọn, ký giao kèo một năm 40.000 đồng - con số không tưởng với chàng thanh niên từng không có một đồng trả tiền đi xe ngựa.
Ông hát rất nhiều dạng vai trong các tuồng: Nắm cơm chan máu, Làm người mặt thú… Đoàn hát không có đạo diễn, nên nghệ sĩ thường tự trao đổi, luyện tập với nhau. “Lúc này, tôi mới thực sự biết nghệ thuật là gì, đam mê cũng dần lớn lên”, ông tâm sự.
Gãy gánh nghiệp làm bầu và con đường trở thành kép độc lừng lẫy
Càng bước lên cao, ông càng cẩn trọng, biết mình biết ta. “Thường kép chính hát rất nhiều, nhưng tôi không có làn hơi hay như nhiều đàn anh, đồng nghiệp khác. Vì thế, tôi tập trung diễn xuất. Anh Tấn Tài thuở đó hay nói chưa từng thấy trường hợp nào lạ lùng như tôi”, ông tâm sự.
|
Nghệ sĩ Hùng Minh trong vai Mã Tắc |
Sau đó, ông cùng vợ - nghệ sĩ Thanh Hương - lập đoàn hát, nhưng giấc mộng không thành. Có lúc, ông phải đong gạo từng lon, ký hợp đồng nhưng không có tiền trả cho nghệ sĩ, vịn chân xin đào, kép thông cảm vì không có tiền trả lương. Thảm nhất, cô đào trong đoàn xin tiền đóng lại chiếc rương đã mục nát, ông cũng không có. Ông nuốt nước mắt vào trong khi nhìn đoàn khác mời nghệ sĩ Thanh Sang về với giá 250.000 đồng, trong khi cả đoàn hát của ông chỉ vận hành với tổng vốn 300.000 đồng.
Nghệ sĩ Thanh Hương qua đời, sự nghiệp làm bầu chấm dứt trong những nỗi buồn chất chồng. Đoàn dạt về một ngôi đình ở quận 8, mỗi người lấy một món, tản đi tứ xứ. Ông nói, đó là những ngày nước mắt chan cơm, nhưng không tiếc hay hối hận. Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga là nơi sự nghiệp nghệ sĩ Hùng Minh bừng sáng trở lại, nhưng theo hướng khác: chuyên trị kép độc.
“Ban đầu được giao vai tôi cũng phân vân. Khán giả quen hình ảnh tôi với vai kép mùi. Nhưng tự bó buộc bản thân thì sống không trọn vẹn với nghề, với khán giả. Hơn nữa, tôi xuất thân từ đoàn hát nhỏ, cũng từng không được chọn lựa quá nhiều, cứ đưa vai thì diễn”, ông nói.
Vai Mã Tắc trong Tiếng trống Mê Linh gây ấn tượng mạnh. Ông phác họa vị tướng hữu dũng vô mưu bằng giọng nói gầm gừ cùng điệu bộ, dáng vẻ mạnh mẽ. Không ít khán giả bỡ ngỡ, cũng có người bất ngờ vì sự đa dạng của ông trên sân khấu. Ông bảo sân khấu cũng là đời. Vì thế, vai phản diện cũng có nhiều thể loại, phải nghiên cứu kỹ mới thể hiện đúng. Chẳng hạn, vai Nguyễn Thế Nam trong Bóng tối và ánh sáng là một kẻ thực dụng, sẵn sàng hy sinh con cái để đạt được mục đích mong muốn. Với nhân vật này, ông tập trung thể hiện tâm lý qua đôi mắt, phát âm, nhằm nhấn mạnh cái ác đến từ bên trong.
|
Khung ảnh tổng hợp những vai diễn được ông đặt trong nhà |
Đinh Điền trong Thái hậu Dương Vân Nga, Nguyễn Nhạc trong Tâm sự Ngọc Hân lại là cái ác của kẻ phản quốc cầu vinh nên tập trung vào giọng điệu, đôi mắt. Mỗi màu sắc đều góp phần vào thương hiệu của kép độc Hùng Minh. Tất cả ông đều góp nhặt từ cuộc sống, học hỏi từ những đàn anh đi trước. Sau này, nhiều vở có vai kép độc, cái tên Hùng Minh luôn được nhắc đến đầu tiên.
Nam nghệ sĩ nhớ lại: “Có lần tôi gặp một vị khán giả, cậu ấy bảo xem vở Tiếng trống Mê Linh năm 10 tuổi cứ đến đoạn Mã Tắc nói chuyện nghe sợ đến run người. Cậu ấy rất ghét nhân vật này, cứ xem là muốn tắt ti vi. Tôi cũng từng bị người ta chỉ trích là quan tham, ăn cắp vật quý của nước Việt. Không ít lần tôi nghe khán giả xì xầm, chửi bới dưới sân khấu. Nhưng đó là niềm vui, khi nghệ sĩ đã dẫn dắt khán giả vào trong câu chuyện, từ đó họ biết đúng sai, yêu ghét giữa cái thiện và cái ác”.
Từ năm 1991 trở đi, ông ít hoạt động vì sức khỏe, và tình hình cải lương không còn hút khán giả như thời vàng son. Dẫu vậy, ông vẫn đau đáu về sân khấu cải lương ngày càng xuống dốc. Những buồn vui của một thời long đong theo các đoàn hát thường được ông kể lại cho con cháu nghe. Đó cũng là cách để nguôi nỗi nhớ nghề, lẫn những mong muốn nhưng lực bất tòng tâm.
Tuổi cao nhưng ông vẫn miệt mài đóng phim. Có thời gian ông cũng đá chéo sân sang kịch nghệ. Ở lĩnh vực nào, ông cũng miệt mài, chăm chỉ, mẫu mực làm gương cho hậu bối. Ngoài đời, ông hiền, ít nói nhưng hễ ai khuyên bỏ nghề, nghỉ hưu, ông giận ngay. Bởi ông muốn những ngày cuối đời vẫn còn được gặp khán giả, cho vẹn một kiếp cầm ca. Nhìn lại chặng đường đã qua với nhiều khúc quanh, vinh quang nhiều, nước mắt không ít, nhưng ông nhiều lần bảo mình may mắn, bởi luôn còn được khán giả yêu thương, cho đến tận giờ phút này.
Thành Lâm