NSƯT Hạnh Thúy: "Vai càng xấu, tôi càng thích"

20/10/2023 - 16:25

PNO - NSƯT Hạnh Thúy nói vui rằng chị mê đóng vai xấu, bởi “nhờ” xấu xí trên màn ảnh, nên khi khán giả gặp chị ngoài đời, ai cũng khen chị đẹp.

NSƯT Hạnh Thúy đảm nhận vai Thị Lam trong series phim kinh dị Tết ở làng địa ngục (phát sóng 23/10 trên K+). Trên phim, vì một số nguyên do, nhân vật Thị Lam có khi là người, lúc lại hóa quỷ hù dọa dân làng.

Mỗi ngày quay, NSƯT Hạnh Thúy mất nhiều giờ liền để hóa trang thành Thị Lam với mái tóc rối xù, gương mặt đen nhẻm đầy vết xước, rỉ máu. Đây không phải là lần đầu tiên, nữ nghệ sĩ chấp nhận vào vai xấu đến mức khó nhận ra trên phim.

NSƯT Hạnh Thuý tại buổi ra mắt phim
NSƯT Hạnh Thúy tại buổi ra mắt phim - Ảnh: Diễm Mi

Phóng viên: Tiếp tục vào vai diễn có ngoại hình xấu sau 2 phim điện ảnh Trái tim quái vậtNhà không bán, NSƯT Hạnh Thúy có sợ khán giả thấy nhàm chán với lựa chọn của mình?

NSƯT Hạnh Thúy: Nhiều khán giả hay hỏi tôi là có ngại không khi vào vai xấu như thế? Thật lòng, tôi thấy mình có đẹp đâu mà ngại vào vai xấu (cười). Chưa kể, gần như vài năm gần đây, tôi được mùa vào vai xấu, vai khùng trên màn ảnh thì phải.

Tôi không sợ làm xấu, cũng không sợ lặp lại vai ác. Bởi đây là những vai diễn có sự thử thách, đòi hỏi bản thân tôi phải nỗ lực để hoàn thành. Đương nhiên, nếu vai diễn giống nhau hoàn toàn về tính cách, chuyển biến tâm lý, chắc chắn tôi có sự cân nhắc. Còn nếu vai hay mà đòi hỏi phải xấu hơn nữa, tôi cũng sẵn sàng tham gia.

* Vậy ở nhân vật Thị Lam, ngoài ngoại hình gây ám ảnh ngay khi nhìn, lý do nào thuyết phục chị nhận vai?

- Với Thị Lam, điều tôi e ngại là chuyển biến tâm lý của nhân vật. Thị Lam dù không phải là nguyên nhân chính, nhưng cũng góp phần tạo ra những vụ việc rúng động tại làng. Thú thật, từ đầu, tôi không nhận tham gia phim vì những cảnh rùng rợn mà Thị Lam gây ra. Nhưng sau khi được đạo diễn Trần Hữu Tấn và một số anh em trong đoàn giải thích thêm, tôi thấy tâm huyết của cả ê-kíp khi thực hiện một bộ phim có thông điệp, không phải chỉ hù dọa, nên nhận lời.

Tôi thích xem phim kinh dị, vì tình tiết, câu chuyện của phim tác động cảm xúc của mình rất mạnh. Nhưng tôi không thích bộ phim nào sa đà vào việc hù dọa khán giả mà không mang thông điệp nào đằng sau.

Tạo hình của nhân vật Thị Lam trên phim
Tạo hình của nhân vật Thị Lam trên phim

* Phim quay tại làng Sảo Há (Hà Giang), ngôi làng khá khó khăn vì chưa có điện, nước sạch để sử dụng. Chị vượt khó như thế nào khi tham gia quay phim tại đây?

- Tôi có mặt tại bối cảnh sau khi đoàn làm phim đến đây được 3 ngày, nên mọi khó khăn về nước uống, nước sinh hoạt, điện đã được mọi người khắc phục. Nước được dẫn từ cách điểm quay hơn chục km. Điện cũng được bắt dây từ dưới chân núi lên. Trước khi đi, tôi chuẩn bị tinh thần sẽ gặp nhiều khó khăn về ngoại cảnh, bởi bà con sống ở làng đã đối mặt với những thiếu thốn tương tự, thậm chí còn hơn thế nữa.

Nhưng chính những trở ngại ở điểm quay tạo ra nhiều trải nghiệm thú vị, nhất là khi có sóng điện thoại để gọi về nhà, hay có internet để kiểm tra email công việc.

Mỗi buổi chiều, dù không hẹn, nhưng cứ ra đến rìa làng, ở chân núi hay trên đỉnh núi, sẽ thấy rất nhiều người của đoàn, vì chỉ có 2 điểm này mới có sóng điện thoại. Nghĩ lại, thời điểm quay phim, tôi có khoảng một tháng hơn “cắt” mình ra khỏi nhịp sống bộn bề thường nhật, chỉ ăn ngủ đúng giờ và làm việc, cảm tưởng mình được làm mới mình, về với thiên nhiên trong lành.

Trailer phim Tết ở làng địa ngục:

 

* Với kinh nghiệm từng đảm nhận nhiều vai xấu, ở dự án này, chị có góp ý trong khâu hóa trang cho nhân vật của mình?

- Khi bắt đầu định hình nhân vật, tôi nghĩ mình cũng sẽ góp ý trong quá trình tổ hóa trang làm việc. Tuy nhiên, khi mọi người bắt tay làm, gương mặt tôi còn đáng sợ hơn tôi nghĩ. Cho nên, tôi hoàn toàn tin tưởng đội ngũ mà nhà sản xuất đã chọn lựa. Các bạn biết phải làm gì, nên về phía diễn viên, họ không cần quan tâm điều gì khác ngoài việc giữ sức khỏe và diễn xuất thật tốt vai của mình.

* Đâu là cảnh quay khiến chị thấy thử thách nhất trong dự án?

- Ngày quay cảnh Thị Lam bị treo lên cây là một ngày cực kỳ lạnh. Quần áo tôi xộc xệch do bị treo lên cao nên cái lạnh như cắt vào da thịt, đến nỗi tháo dây trói khỏi người, cảm giác cơ thể như bị đông đá.

Một cảnh khác cũng rất đáng nhớ là cảnh quay đêm, vào khoảnh khắc trước khi bị chôn sống, tôi cũng rất ấn tượng vì cảm xúc bên trong nhân vật Lam bây giờ đã lên đỉnh điểm, tôi phải vận hết sức mình để gào thét.

Vai của tôi thuộc hàng khó, nhưng không phải khó nhất trong phim, vì có một số vai diễn như nhân vật lão què của NSƯT Phú Đôn, đòi hỏi sự lăn xả, hy sinh rất lớn. Anh Đôn phải diễn hàng giờ liền, dưới thời tiết chỉ từ 6 đến 8 độ, mà lại không mang đồ lạnh, trên người anh chỉ độc một chiếc quần con. Thậm chí, anh còn không được đi vệ sinh, vì sẽ làm vỡ lớp hóa trang. Nhìn vóc dáng gầy gò, nhất là khi tuổi đã lớn, tôi biết anh Đôn đã rất nỗ lực để hoàn thành vai diễn.

* Tạm gác yếu tố kinh dị của phim, theo chị, việc tìm ra một ngôi làng yên bình, ít người biết đến tại Hà Giang có ý nghĩa thế nào với dự án?

- Đoàn làm phim đã bỏ thời gian, công sức đi hàng ngàn cây số từ miền Nam ra để tìm bằng được ngôi làng phù hợp với câu chuyện. Khi đến, tôi thấy ngôi làng này sinh ra là để dành cho bộ phim. Tôi tin khi phim ra mắt công chúng, có lẽ mọi người sẽ muốn đến thăm làng, vì vẻ đẹp bình yên của nó, càng đẹp hơn khi mùa hoa đào, hoa lê nở rộ.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ.

Tết ở làng địa ngục do đạo diễn Trần Hữu Tuấn thực hiện, dựa trên tiểu thuyết kinh dị cùng tên của nhà văn Thảo Trang. Phim dài 12 tập, xoay quanh những ám ảnh kinh hoàng tại một ngôi làng, tương truyền từng là nơi ở của băng cướp khét tiếng. Tại đây, những vụ án mạng đột ngột xảy ra khiến người dân bàng hoàng, lo sợ. Hành trình đi tìm câu trả lời mở ra nhiều sự thật bị chôn giấu.

Phim chiếu trên K+ lúc 20g thứ Hai, thứ Ba hàng tuần từ 23/10.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI