NSƯT Hải Phượng “nhìn cảnh nhớ người” khi tham gia vở “Cô đào hát”

18/11/2023 - 08:10

PNO - Tối 18/11, sân khấu Đại Việt sẽ tái diễn vở cải lương “Cô đào hát” tại nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (quận 1). Sau đêm công diễn gây tiếng vang vào cuối tháng 8, vở nhận được nhiều đề nghị tái diễn, nhưng phải đến nay mới quy tụ được các diễn viên và dàn nhạc để xếp lịch diễn trở lại.

 

Cô đào hát chỉ có 4 diễn viên đảm nhận các vai chính
Cô đào hát chỉ có 4 diễn viên đảm nhận các vai chính nhưng đã thể hiện được chiều sâu của nghề hát cũng như những định kiến thường được gán lên người nghệ sĩ

Đã có nhiều thay đổi ở phiên bản cải lương Cô đào hát năm 2023 so với bản dựng nổi tiếng cũng của chính đạo diễn Hoa Hạ từ 25 năm về trước. Cũng như ngày trước, vở diễn được đón nhận nồng nhiệt bởi sự nhiệt huyết, chỉn chu của những người làm nghề. Đáng chú ý là, các diễn viên, dù là ngôi sao kỳ cựu như NSƯT Kim Tử Long, nghệ sĩ lành nghề như NSƯT Quế Trân hay nghệ sĩ trẻ như Võ Minh Lâm, Nguyễn Minh Trường đều tạo được dấu ấn mới cho mình.

Ông bầu Hoàng Song Việt và
"Ông bầu" Hoàng Song Việt của sân khấu Đại Việt và đạo diễn Hoa Hạ đặc biệt coi trọng vai trò dàn nhạc trong vở

Đặc biệt, sức hút của vở diễn còn đến từ dàn nhạc quy tụ nhiều tên tuổi của làng nhạc dân tộc hiện nay, là: NSƯT Văn Môn (guitar), NSƯT Hải Phượng, nhạc sĩ Duy Kim (đờn tranh), Nhứt Dũng (bộ gõ), Thanh Long (đờn kìm), Trần Sơn (tiêu - sáo), Thanh Hoàng (đờn cò - gáo), Phú Quý (đờn bầu). Cũng khá lâu rồi, sân khấu cải lương mới lại thấy 8 danh cầm chơi 10 nhạc cụ trong dàn nhạc.

Một điều thú vị là có 3 người cũ đã đồng hành với Cô đào hát từ phiên bản kịch nói (sân khấu IDECAF) qua phiên bản cải lương (CLB sân khấu Ba thế hệ) từ 25 năm trước, và phiên bản của sân khấu Đại Việt hôm nay là: NSƯT Văn Môn, NSƯT Hải Phượng và nhạc sĩ Nhứt Dũng.

Dàn nhạc hùng hậu của vở cải lương Cô đào hát.
NSƯT Hải Phượng cùng các danh cầm tham gia dàn nhạc vở Cô đào hát

NSƯT Hải Phượng cho biết, từ bản kịch sang cải lương và sau 25 năm đã khác rất nhiều. Với bản kịch, chỉ có 5 nhạc công đánh theo tình huống kịch, không có bài bản, ngoài 1 bản Song cước do Vân Hạc (Quốc Thảo) ca, khi cô đào Cầm Thanh (Hồng Vân) rời đi.

Khi chuyển sang bản cải lương, dàn nhạc từ bản kịch cũng được mời qua, vẫn đánh theo tình huống nhưng có gia giảm đi, vì còn nhóm nhạc cổ đánh bài bản cải lương cho nghệ sĩ ca. Đến bản dựng hôm nay thì dàn nhạc đánh hết toàn bộ nhạc tình huống lẫn phần đệm ca.

“Anh Văn Môn có đưa tôi nghe lại bản thu ngày xưa, nghe xong tự cảm thấy hồi đó mình đánh mắc cười thiệt. Tiếng đàn của ai cũng vậy, sẽ thay đổi theo thời gian. Bây giờ, cũng tình huống đó, cũng hơi điệu đó mà mỗi người đánh đã khác hoàn toàn rồi” - NSƯT Hải Phượng chia sẻ.

Dàn nhạc hỗ trợ đắc lực trong tình huống kịch
Khác 25 năm trước, lần này NSƯT Hải Phượng tham gia dàn nhạc chính vừa đánh theo tình huống kịch, vừa đệm bài bản cho nghệ sĩ ca

NSƯT Hải Phượng cũng cho biết, trở lại với vở diễn này, chị có cảm xúc rất lạ, khó thể diễn tả thành lời. Chị nói: “Chạm vô những âm thanh đó, cảm giác cả một quãng thời gian ùa về với những nhân vật còn in sâu trong tâm trí. Thành ra vở tập rất nhanh, cảm giác như là quen lắm, dợt qua đôi ba lần là thuộc hết tuồng trở lại. Khi mình đã yêu thương thì nhớ kỹ lắm, đến mấy chục năm sau vẫn còn nhớ đến khúc đó mình phải đánh cái gì. Mà nhìn quanh thấy người còn, người mất. 5 anh em thuở ban đầu đã mất 2 người, chỉ còn lại Phượng, anh Nhứt Dũng với Văn Môn, nhìn mấy ảnh lại nhớ những người khác. Cũng như nhìn nhân vật trên sân khấu, đôi khi mình không thấy thông ngôn Liêm mà thấy hình ảnh anh Lê Vũ Cầu…”.

Vai thông ngôn Liêm - fan hâm mộ cuồng nhiệt và chân chính của cô đào Cầm Thanh
Nghệ sĩ trẻ Võ Minh Lâm được tin tưởng giao vai thông ngôn Liêm - người hâm mộ cuồng nhiệt và chân chính của cô đào Cầm Thanh, vai diễn từng được cố nghệ sĩ Lê Vũ Cầu và cố NSƯT Vũ Linh đảm nhận trên sân khấu kịch và cải lương ngày trước

Cũng theo NSƯT Hải Phượng, không khí đón nhận của khán giả đối với vở diễn hôm nay vẫn như 25 năm trước, chỉ khác ở chỗ: “Hồi xưa vô rạp Hưng Đạo, người ta có thể ăn, có thể cắn hạt dưa, nhiều khi phải co chân lên vì chuột. Còn hôm nay thì sang rồi, người ta cũng không còn mặc đồ bộ mà đã ăn mặc lịch sự, cư xử văn minh hơn. Nhưng cái tâm thế và sự háo hức khi coi hát là y như nhau. Nếu tất cả các vở cải lương đều được đầu tư đàng hoàng, được thực hiện chỉn chu với những nghệ sĩ tâm huyết, thì đâu thể nào nói cải lương không còn thu hút?”.

Tình cảm của khán giả mộ điệu dành cho cải lương, cho nghệ sĩ vẫn đong đầy như xưa.
Tình cảm của khán giả mộ điệu dành cho cải lương, cho nghệ sĩ vẫn đong đầy như xưa

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI