NSƯT Giang Châu: Tương khắc cũng là tương sinh

22/02/2014 - 10:57

PNO - PNCN - Nhắc lại chuyện cưới hỏi, NSƯT Giang Châu mỉm cười, nụ cười hiền như anh nông dân tên Thừa trong vở cải lương Tiếng hò sông Hậu của cố soạn giả Điêu Huyền trên sân khấu cải lương thời vàng son của đoàn Sài Gòn 2. Anh...

edf40wrjww2tblPage:Content

NSUT Giang Chau: Tuong khac cung la tuong sinh
NSƯT Giang Châu và cháu ngoại

NSƯT Giang Châu là con thứ sáu trong một gia đình nông dân ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. “Khi ông già bà già thôi nhau, tôi ở với ông già rồi đi chăn trâu mướn cho nhà gần đó. Trưa trưa, được ông chủ ngoắc vô chòi dạy hát vọng cổ, dạy cách giữ nhịp, lấy hơi, học lóm theo giọng ca Minh Cảnh”. Ba anh là thầy đờn kìm, biết anh hát được nhưng ông không muốn cho con trai theo nghề hát, đơn giản vì “nhà có hai cha con, mày đi thì tao… sao?”. Bố mẹ chị Kim Xuyến (bà xã của NS Giang Châu ) cũng đổ vỡ hôn nhân. Chị là con gái lớn trong nhà, bỏ xứ Long Hải - Bà Rịa của mình để theo gánh hát rồi được nghệ sĩ Ngọc Hương nhận làm con nuôi. Khi nghệ sĩ Giang Châu là kép nhất, nhì thì chị vẫn là nữ tì trên sân khấu. Khi Giang Châu có nhiều khán giả hâm mộ vây kín cửa sau của hậu đài, biên thư, quăng giấy tỏ tình, chị vẫn là một vũ công minh họa trong những màn tì nữ mua vui chốc lát cho vua quan. Tuy nhiên, khoảng cách đó được lấp đầy bằng sự đồng cảm của hoàn cảnh xuất thân và tình yêu chân thật sau cánh gà. Điểm chung ấy là cái nền vững chắc để vợ chồng nhẹ nhàng ra những quyết định đúng lúc hợp tình mà không ai lấn cấn về nhau.

Giang Châu tuổi Thìn, mạng thủy. Chị Kim Tuyến tuổi Thân, mạng hỏa. Thủy - hỏa khắc nhau nên khi cưới nhiều người lo cho độ bền của cuộc hôn nhân. Theo họ, chiếu theo âm dương thì hỏa gặp thủy phải yếu đi! Thậm chí lúc thủy lên cơn cuồng nộ thì hỏa… tắt ngấm. Do vậy, nếu cưới nhau thì mười mươi chị Kim Tuyến sẽ thiệt thòi. Và, thiệt thòi đầu tiên ngay sau cưới là Kim Tuyến phải rời đoàn Hương Mùa Thu để về Sài Gòn mướn nhà học may, để Giang Châu tiếp tục theo nghề. Anh bảo, vợ chồng chung nghề sân khấu khó bền. Thuyết phục, vợ đồng ý. Một phần vì vợ cũng thấy trong thực tế, hễ mười cặp nghệ sĩ cùng nghề thì có đến tám, chín đứt gánh. Một phần vì cũng muốn xuôi theo chuyện thủy - hỏa đã được lưu ý khi họ đến với nhau. Nhưng quan trọng hơn là tâm lý, là ý thức mang tính “truyền thống” của phụ nữ Việt Nam: phu xướng phụ tùy. Lùi một bước để giữ được chuyện cho cả đời!

NSUT Giang Chau: Tuong khac cung la tuong sinh

NSƯT Giang Châu

Sau ngày đất nước thống nhất, cùng với Diệp Lang, Thanh Tuấn, Thanh Kim Huệ, Thanh Điền… Giang Châu trở thành cái tên không thể không nhắc đến, nhất là khi nhớ đến anh thương phế binh Trần Hùng trong Tìm lại cuộc đời, anh nông dân tên Thừa trong Tiếng hò sông Hậu, hay lão Trùm Sò trong Nghêu - Sò - Ốc - Hến. Khi ấy, dường như người ta quên mất người nội tướng sau lưng anh giờ ở đâu, làm gì? Người ta cũng không quan tâm cô tì nữ đứng cùng Giang Châu trước bàn thờ tổ ngày nào số phận ra sao? Anh bảo “chén trong sóng làm sao không khua. Nhất là khi có sự chênh lệch quá lớn. Nhưng được cái vợ chồng hiểu nhau, biết điều tiết những cơn giận để tránh mọi xung đột”. Anh nói, “hơn 40 năm nay, tuy lửa nước khắc nhau chí tử nhưng với tụi này thì khác. Lửa đã làm ấm nước, còn nước thì làm nguội lửa nên tương khắc cũng là tương sinh. Vì thế, nhà cửa di chuyển gần chục lần từ thuê, mướn đến sang, nhượng, từ nhà nhỏ gác lửng đến nhà to lầu đúc… những được mất trong cuộc đời cứ đến rồi đi mà không ai giận hờn, đổ thừa cho ai”.

Sau mất mát lớn từ sự ra đi quá sớm của người con trai duy nhất - nghệ sĩ Thế Sơn (sân khấu Hoàng Thái Thanh), nhìn sự đau khổ của con dâu và vẻ vô tư của cháu nội, vợ chồng NSƯT Giang Châu càng thấy hai chữ bạn đời quý giá thế nào. Anh khoe, “sức khỏe bây giờ không còn như hồi trai trẻ, bệnh tật mỗi cái có chút chút, gan nhiễm mỡ chút chút, máu nhiễm mỡ chút chút, men gan cũng cao chút chút, chân cẳng lâu lâu cũng sưng chút chút... Xô chậu cũng dãn ra, nên không còn cần mẫn chắp tay sau lưng, chúi đầu vô lu để luyện hơi, luyện giọng. Giờ đây, trừ Chủ nhật, mỗi tuần đều đặn, cứ sáng sáng tôi xách vợt cầu lông chạy đến sân Kỳ Hòa chơi giao hữu với bạn bè cùng xóm cho ướt đủ ba cái áo thì nghỉ, làm thêm ly cà phê rồi về nhà chơi với cháu ngoại, cháu nội. Còn bả, không ở nhà với cháu, với chồng thì cứ năm bữa, nửa tháng hết đến chùa này lại sang chùa kia thắp nhang làm công quả tích đức, tích phước cho chồng con…”.

Nguyễn Thiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI